Thị trường dầu khí Việt Nam và thế giới năm 2019, dự báo năm 2020
06:29 | 20/02/2020
Khi Dầu khí Việt Nam đối diện thách thức ở vùng nước sâu, xa bờ
Vì sao các công ty dầu khí cần xem xét lại mô hình hoạt động cơ bản
PGS, TS. TRẦN NGỌC TOẢN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Petrolimex và các đơn vị kinh doanh sản phẩm dầu địa phương
Việt Nam là một nước đang bắt đầu phát triển, nhu cầu năng lượng ngày càng cao, nhưng nguồn cung trong nước nhỏ nên là nước nhập khẩu dầu ròng không những chỉ là sản phẩm lọc - hóa dầu mà cả dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu gần 9,8 triệu tấn xăng dầu, với giá trung bình 607 USD/tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 6 tỷ USD (bảng 1). Riêng trong tháng 12/2019, lượng xăng, dầu nhập khẩu lên đến 952.468 tấn, với tổng giá trị đạt 561,85 triệu USD và khuynh hướng đang giảm dần nhờ có thêm Nhà máy Lọc dầu Nghi sơn (Thanh Hóa) đi vào sản xuất.
Số liệu thống kê chủ yếu từ nguồn của các tổ chức quốc doanh, còn các đơn vị tư doanh, hoặc địa phương hầu như thiếu vắng nên bức tranh toàn cảnh của thị trường dầu khí Việt Nam trình bày ở đây chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết.
Bảng 1. Nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam năm 2019 (Nguồn: Tổng cục Hải quan 13/1/2020).
Thị trường nhập |
Năm 2019 |
Tăng/giảm (+/-) so với năm 2018
| Tỷ trọng trong tổng lượng nhập khẩu năm 2019 (%)
| ||
| Lượng nhâp (tấn) | Trị giá (USD) | Lượng nhập (%) | Giá trị (%) |
|
Tổng cộng nhập | 9.797.888 | 5.954.529.382 | - 14,31 | - 22,06 | 100 |
Hàn Quốc | 2.837.349 | 1.846.320.000 | 17,17 | 2,95 | 31,61 |
Malaysia | 2.459.314 | 1.432.512.525 | - 25,10 | - 30,17 | 24,06 |
Singapore | 2.150.607 | 1.208.488.271 | - 10,37 | - 21,03 | 20,30 |
Trung Quốc | 1.562.368 | 975.734.576 | 7,07 | 2,60 | 16,39 |
Thái Lan | 634.019 | 393.063.438 | - 57,62 | - 60,36 | 6,60 |
Nga | 54.546 | 36.665.192 | - 57,66 | - 66,60 | 0,62 |
Đài Loan | 22.905 | 14.851.773 | NA | NA | 0,25 |
Nhật Bản | 16.340 | 9.381.570 | NA | NA | 0,16 |
Hongkong | 563 | 260.902 | 1,30 | NA | Không đáng kể |
Giá xăng trung bình nhập từ Hàn Quốc là 650,7 USD/tấn; từ Malaysia là 582,5 USD/tấn; từ Singapore là 561,9 USD/tấn; từ Trung Quốc là 624,5 USD/tấn... Giá bán lẻ trong nước tăng/giảm theo giá xăng khu vực và thường mức tăng cao hơn mức giảm.
Hoạt động thượng nguồn - hạ nguồn năm 2019 của PVN
Với rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cố gắng, nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn Tập đoàn đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao.
Theo số liệu công bố trong thông điệp đầu năm của PVN (ngày 22/1/2020), chỉ tiêu gia tăng trữ lượng cả năm đã hoàn thành trong tháng 10/2019, vượt thời gian kế hoạch trước 2 tháng; giá trị công nghiệp đạt 518,6 nghìn tỷ đồng, vượt 4,1% kế hoạch năm; doanh thu Tập đoàn đạt 736,2 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch 20%; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43,8 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch 40%; nộp ngân sách Nhà nước đạt 108 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch. Tập đoàn lần đầu tiên được các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ là một niềm vui lớn của tập thể lao động PVN.
Thành tích nổi bật nhất trong các thành viên của PVN như sau:
1/ Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cả năm trong tháng 11/2019; sản lượng khai thác ở Lô 09-1 đạt 3,1 triệu tấn dầu (sớm 47 ngày so với kế hoạch năm); sản lượng cả năm đạt khoảng 3,7 triệu tấn cả dầu thô và condensat (vượt kế hoạch 5,66%); khai thác khí đạt 136 triệu m3 (vượt 15% kế hoạch); gia tăng trữ lượng vượt 3% kế hoạch; doanh thu bán dầu đạt cả năm 1,796 tỷ USD (vượt 11% kế hoạch); nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận 2 phía (Việt Nam và Nga) 1,3 tỷ USD (vượt 30% kế hoạch).
Năm 2019, Vietsovpetro cũng đã hoàn thành đầu tư và đưa 2 mỏ và công trình mới (mỏ Cá Tầm và Giàn BK-20) vào khai thác. Vietsovpetro, một liên doanh gồm Việt Nam (51%), Nga (49%) vốn đầu tư, cho đến nay luôn là lá cơ đầu của ngành dầu khí thượng nguồn Việt Nam và luôn luôn giữ được danh hiệu cao quý đó.
2/ Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), thành viên lớn nhất của PVN, có nhiệm vụ quản lý, giám sát các đề án hợp tác dưới các dạng phân chia sản phẩm và tự sản xuất, kinh doanh, gia tăng 40% lợi nhuận ròng năm 2019 so với năm 2018, đạt 1 tỷ 565 triệu USD.
Nhờ hoạt động hiệu quả nên đã hết lỗ lũy kế từ các năm trước và đã ra khỏi tình trạng giám sát tài chính; gia tăng trữ lượng được 1,82 triệu tấn dầu quy đổi (Toe); sản lượng khai thác được 4,45 triệu Toe, hoàn thành kế hoạch năm trước 12 ngày, tạo điều kiện thuận lợi mở đầu cho bước phát triển mới năm 2020.
3/ Công ty Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC) hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất cả năm; gồm kế hoạch khai thác dầu thô và condensat cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, về đích sớm 75 ngày; hoàn thành 105% kế hoạch khai thác khí (ngày 11/12/2019) và kế hoạch khai thác condensat 125% (ngày 30/12/2019); tổng doanh thu của Công ty đạt 110% kế hoạch.
Tính từ ngày 6/9/2013 đến cuối năm 2019, Biển Đông POC đã khai thác 12,1 tỷ m3 khí, 12 triệu thùng condensat, doanh thu lũy kế đạt 3,3 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư 3,43 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước 824 triệu USD.
4/ Thành tích của các công ty trung nguồn và hạ nguồn như lọc dầu, vận tải, sản xuất điện, đạm và kinh doanh dịch vụ các loại cũng như các đề án chuẩn bị cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau năm 2019, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo nhìn chung đều vượt qua nhiều trở ngại khó khăn lớn và đạt được kết quả hoạt động tốt.
Thị trường dầu khí thế giới
Ngành công nghiệp dầu khí thế giới đang trong kế hoạch phục hồi sau giai đoạn giá dầu thấp kéo dài cộng với các yếu tố kinh tế - an ninh - xã hội, tai họa tự nhiên không thuận lợi xảy ra gần như thường xuyên, khó lường, nên thị trường dầu khí biến động không bình thường, nhất là trong các chu kỳ ngắn.
Các hoạt động cung - cầu, đầu tư, thay đổi công nghệ, cải tổ tổ chức, thay đổi chiến lược, cơ chế quản lý, cách ứng phó với các thay đổi môi trường tự nhiên và thích nghi với môi trường xã hội ở mỗi nơi mỗi khác làm cho bức tranh thị trường rất đa dạng.
Vai trò của dầu khí trong lĩnh vực năng lượng cũng tiếp tục thay đổi khi xuất hiện nhiều dạng năng lượng phi truyền thống, năng lượng tái tạo và năng lượng xanh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đòi hỏi bảo vệ môi trường cộng với hệ quả của cách mạng công nghệ với tốc độ cao, làm cho tính cạnh tranh trên thị trường càng tăng, dẫn đến trạng thái thay đổi cơ cấu thị trường toàn cầu.
Hiện tượng mua bán tài sản, giải thể, sáp nhập các tổ chức sản xuất, kinh doanh xảy ra hàng ngày trên các châu lục không phải chỉ trong phạm vi giữa các công ty dầu khí nhỏ mà cả trong các công ty quốc gia, quốc tế từng có vị trí cao trên bàn cờ thế giới.
Tuy nhiên, về mặt năng lượng hóa thạch, dầu khí vẫn là nguồn nhiên liệu cần thiết hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn vì hiệu quả cao, trữ lượng còn dồi dào, dễ dàng vận chuyển, sử dụng, giá cả cạnh tranh tốt với các nguồn khác.
Ngoài ra, dầu khí còn là loại nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu để sản xuất rất nhiều loại hàng hóa cần thiết cho đời sống hàng ngày.
Theo số liệu thăm dò tài nguyên đầu năm 2019, trữ lượng xác minh toàn thế giới về dầu thô còn 1,768 quads tỷ thùng và khí đốt còn 7,25 quads bcf (1 quad = triệu tỷ) trong lúc sản lượng dầu khai thác năm 2019 là 94 triệu 430 nghìn 700 thùng dầu/ngày (b/d), bao gồm: Tây bán cầu chiếm 30,7 triệu b/d, Trung Đông 30,14 triệu b/d, Đông Âu và Liên Xô cũ 14,77 triệu b/d, châu Phi 8,4 triệu b/d, châu Á - Thái Bình Dương 7,27 triệu b/d và Tây Âu 3,1 triệu b/d.
Bức tranh thị trường dầu khí châu Mỹ Latinh có nhiều biến động nhất cả về điểm sáng lẫn điểm tối. Tình hình kinh tế - tài chính của Brazil và Argentina vẫn phức tạp, còn Venezuela thì thêm bất định sau cơn khủng hoảng chính trị (mặc dù đây là quốc gia giàu dầu khí nhất trên thế giới). Riêng Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru vẫn giữ vững kế hoạch đầu tư của họ vào ngành dầu khí. Lượng dầu xuất khẩu gia tăng của Colombia đang bù lại phần sản lượng dầu giảm của Venezuela và Guyana trở thành một nhà khai thác dâu khí mới sau các phát hiện gần đây nhất ở thềm lục địa nước này là những điểm sáng của châu Mỹ Latinh.
Sản lượng dầu thô tháng 4/2019 của Venezuela đạt trung bình 830.000 bpd. Trong quý I năm nay mức suy giảm sản lượng lên đến hơn 135.000 thùng dầu/tháng và dự báo còn tiếp tục giảm do Mỹ tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngừng các giao dịch tài chính đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PdVSA, cấm các công ty dịch vụ dầu khí Mỹ hoạt động ở đây và không nhập khẩu dầu thô, sản phẩm lọc sản xuất tại Venezuela cộng với hoạt động phá hoại hệ thống sản xuất, chuyển tải điện của lực lượng chống đối trong nước làm cho cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất dầu khí nói chung của Venezuela bị thiệt hại nghiêm trọng.
Ở Peru, sau khi Tổng thống Martin Vizcara lên nắm chính quyền năm ngoái, ngành công nghiệp dầu khí của nước Peru đã khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay tình hình suy thoái lại đang hình thành do tính quan liêu của các nhà chào thầu và không khí chính trị thiếu ổn định gây ra. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Perupetro đã xác định mục tiêu nâng sản lượng dầu thô lên mức 100.000 bpd và sản lượng khí đốt lên 1,5 Bcfd cho giai đoạn 2019 - 2023. Theo kế hoạch mới 2019 - 2020, vốn đầu tư của các đề án dầu khí Peru giữa 2 năm 2019 và 2020 sẽ tăng lên mức 9,735 tỷ USD, trong đó 8,165 tỷ USD sẽ giành cho các đề án thăm dò - khai thác.
Bolovia xác nhận một loạt quyết định đầu tư quan trọng trong lĩnh vực dầu khí, nhưng việc triển khai thực hiện các quyết định này còn phụ thuộc vào kết quả các cuộc bầu cử các cấp sẽ tổ chức vào tháng 10/2020. Công ty quốc doanh YPFB và Shell Bolivia đã công bố một khoản đầu tư 2,6 tỷ USD giành cho thăm dò - khai thác cho khu vực được đánh giá có tiềm năng dầu khí thu hồi 3 Tcf.
Theo kết quả thăm dò, vùng Chiuquisaca nằm ở phần tây nam Bolivia được xác định tồn tại trữ lượng 20 Tcf khí đốt, bằng 20% tổng trữ lượng thu hồi hiện nay của Bolivia.
Lượng dầu thô xuất khẩu của Colombia trong quý I/2019 sang thị trường Mỹ tăng 25% và sản phẩm lọc dầu của Ecopetro (gồm xăng và diesel) cũng tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2018. Ecopetro cho biết, trong quý I/2019 lợi nhuận ròng của họ tăng 5%, lên mức 847 triệu USD.
Về vốn đầu tư năm 2019, Ecopetro Group (GEE) đạt 3,5 tỷ USD, tăng đáng kể so với năm 2018, trong đó 81% giành cho hoạt động thăm dò. Nhờ chủ trương đúng đắn này, trữ lượng xác minh gia tăng sẽ thay thế 100% sản lượng khai thác 2019 dự báo, nằm trong khoảng 720.000-730.000 boed.
Vòng gọi thầu X12 Intracampos ở Ecuador có 7 trong số 8 lô được chào đã thành công rất tốt, tạo được khoản vốn đầu tư 1,17 tỷ USD, trong đó chi phí cho 27 giếng khoan thăm dò chiếm 370 triệu USD và cho hoạt động khai thác chiếm 800 triệu USD. Mục tiêu của Chính phủ Ecuador trong năm 2019 sẽ khai thác 565.000 bpd, trong đó 464.000 bpd từ Petroamazonas và 101.000 bpd từ các công ty tư nhân.
Theo Wood Mackenzie, Guyana sẽ trở thành một trong những nước sản xuất dầu mới ở Mỹ Latinh sau khi có 13 phát hiện ở thềm lục địa nước này, trong đó riêng trữ lượng thu hồi của lô Stabroek đạt trên 5 tỷ thùng sắp đưa vào khai thác. Năm 2018, Exxon Mobil cùng với 2 đối tác là tập đoàn Hess và CNOOC (Trung Quốc) đã bắt đầu triển khai pha 1 của đề án phát triển mỏ Liza, sản lượng của năm 2020 dự kiến sẽ đạt 120.000 bopd, loại dầu nhẹ, chất lượng cao. Pha 2 của đề án Liza sẽ đạt sản lượng 220.000 bopd vào năm 2022 và pha 3 sẽ bắt đầu vào năm 2023.
Ở Brazil, Petrobrasileiro SA (Petrobras) vẫn nằm trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau bê bối tham nhũng nhiều năm trước đây.
Cung - cầu dầu thô trên thị trường thế giới
Theo dự báo của IEA, cung - cầu dầu thô năm 2019 đi vào cân bằng ở mức 100,7 triệu thùng/ngày. Trong dự báo nói trên, nhu cầu của khối các nước OECD chiếm 47,9 triệu thùng/ngày và các nước còn lại chiếm 52,7 triệu thùng/ngày.
Về cung, khối OECD chiếm 27,4 triệu thùng/ngày, trong đó riêng các nước Bắc Mỹ chiếm 23,6 triệu thùng ngày, khối các nước ngoài OECD chiếm 29,4 triệu thùng ngày, OPEC khoảng 42 triệu thùng/ngày và các nguồn nhỏ khác bổ sung khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Nhưng với những diễn biến chính trị - an ninh thực tế trong nửa đầu năm 2019 đã gây mất ổn định thị trường dầu khí trong nửa cuối năm và cũng có khả năng kéo dài sang cả đầu năm 2020. Tuy nhiên, các tiến bộ công nghệ sẽ tiếp tục định hình lại dáng mạo thị trường trong đó 2 yếu tố cần quan tâm là năng suất dầu khí phi truyền thống Mỹ sẽ tiếp tục tăng với giá thành càng ngày càng thấp và phương tiện vận tải chạy điện cũng như tác động của công nghệ 4.0 sẽ thay đổi xã hội ngày càng nhiều hơn.
Gần đây các nghiên cứu của IEA cho thấy, Mỹ sẽ chiếm 70% hệ số tăng cung dầu khí toàn cầu, các nước Brazil, Iraq, Nauy, UAE và Guyana sẽ chiếm vị trí tăng cung cao hơn năm trước, riêng Iran và Venezuela sẽ giảm vai trò cung đáng kể. Lượng dầu thô, khí đốt xuất khẩu của Mỹ sẽ vượt Nga và sắp đuổi kịp Saud Arabia sau năm 2023.
Nhu cầu dầu thô thế giới tiếp tục tăng trung bình 1,2 triệu thùng/năm trong thời gian tới, nhưng hệ số gia tăng giảm dần từ nay đến 2024.
Mỹ là nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới nên vẫn là nước nhập khẩu dầu ròng. Nguồn cung từ nước ngoài của Mỹ (gồm các nước châu Mỹ Latinh, Canada và nhất là từ các nước OPEC) nên những diễn biến chính trị - an ninh ở Venezuela và Trung Đông luôn luôn liên quan đến tình trạng an ninh nguồn cung dầu thô cho Mỹ của nhóm nước này.
Nhờ sản lượng trong nước các năm gần đây tăng liên tục và chính sách tiết kiệm nguồn nguyên liệu thô năng lượng nội địa, cộng với nhu cầu giá dầu thấp để phục vụ cho nền kinh tế phát triển, nên nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ OPEC mỗi khi giá dầu cao thì lượng nhập khẩu giảm và ngược lại, khi giá dầu thấp thì khối lượng dầu nhập khẩu tăng.
Nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ các nước OPEC từ giai đoạn 1976 đến nay diễn biến theo khuynh hướng giảm, thấp nhất vào năm 1986 chỉ còn gần 1 triệu thùng/ngày và hiện nay là khoảng 1,5 triệu thùng/ngày (tương ứng với giá dầu phục hồi lên trên mức 50 USD/thùng từ giai đoạn giá dầu thấp, gần 30 USD/thùng).
Sản lượng dầu phiến sét Mỹ tăng nhanh nhờ đổi mới tư duy địa chất dầu khí và tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tiến bộ đã loại bỏ phần lớn lượng dầu nhập khẩu khi giá dầu tăng và vẫn giữ được giá dầu thấp ở mức nền kinh tế Mỹ chấp nhận.
Năm 2019, Mỹ xuất khẩu dầu thô trung bình 3,027 triệu b/d và tổng sản phẩm dầu lọc 5,381 triệu b/d, tổng công lượng xuất khẩu là 8,411 triệu b/d trong lúc nhập khẩu dầu thô 3,11 triệu b/d và sản phẩm lọc 2,678 triệu b/d. Như vậy, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu dầu ròng, nhưng với khuynh hướng ngày một giảm và vì là nước tiêu thụ dầu thô cùng các loại sản phẩm lọc - hóa dầu lớn trên thế giới nên vẫn điều khiển thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian ngắn hạn và trung hạn.
Nguồn cung dầu thô lớn nhất cho thị trường vẫn là từ OPEC, Nga, Nauy và Bắc Mỹ và nguồn cung lớn nhất về khí đốt đang chuyển dịch dần sang các nước Đông Phi, Tây Phi, Qatar và Australia dưới dạng LNG.
Diễn biến giá dầu WTI và Brent năm 2019 và dự báo cho năm 2020
Trong nửa đầu năm 2019 giá dầu thô Brent trên thị trường thế giới vẫn giữ ở mức trên 60 USD/b với một số giao động lên xuống nhỏ theo chu kỳ ngắn, nhưng chuyển sang nửa cuối năm lại diễn biến theo khuynh hướng giảm. Nguyên nhân của hiện tượng này là do lượng dầu thừa tích lũy từ các năm trước so với nhu cầu trên thị trường giảm rất chậm, cộng với sản lượng của các nước xuất khẩu ngoài OPEC vẫn tăng đều và nền kinh tế thế giới vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng nên cán cân cung cầu vẫn chưa thể thăng bằng. Mặc dù thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu b/d của liên minh OPEC - Nga đã được thực hiện khá nghiêm túc.
Nhờ những tiến bộ công nghệ dầu khí phiến sét, Mỹ không ngừng được cải thiện nên giá thành khai thác đã đưa điểm hòa vốn xuống mức dưới 45 USD/b, do đó sản lượng Mỹ tăng nhanh dưới tác động của động lực lợi nhuận cao, dẫn đến vai trò chi phối của ngành dầu khí Mỹ đối với giá dầu càng ngày càng tăng.
Giá dầu ngày 1/8/2019 của WTI là 58,4 USD/b và của Brent là 65 USD/b, nhưng đến 8/8/2019 đã giảm khoảng 7,5 USD/b, WTI chỉ còn 51 USD/b và dầu Brent còn 57,5 USD/b.
Sau khi tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố hoãn thời hạn tăng thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đến tháng 12/2019 thì giá dầu lại tăng nhẹ trở lại. Ngày 19/8, WTI lên 56,21 USD/b và Brent lên 59,74/ USD/b.
Điều đáng chú ý là chênh lệch giữa 2 giá dầu chuẩn thế giới này đã giảm từ khoảng 9 USD/b xuống còn khoảng 4 USD/b. Khuynh hướng tăng giá này không bền vững vì phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến khủng hoảng an ninh ở Iran, Syria, Lybia, Đông Á và Biển Đông, cũng như quan hệ chính trị, kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Từ sau sự kiện khủng hoảng giữa Mỹ - Iran - Triều Tiên được đẩy lên mạnh mẽ trong những ngày đầu tháng 6/2019 đến nay, dưới tác động tâm lý lo sợ nguồn cung gián đoạn do nguy cơ chiến tranh đến gần, giá dầu mới thực sự đổi chiều.
Giá dầu WTI ngày 18/6/2019 tăng 4,25%, lên mức 54,19 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,87%, lên 62,69 USD/thùng so với ngày trước đó. Đến ngày 24/6/2019, dầu WTI vẫn còn tăng nhẹ, 0,81%, lên 57,90USD/thùng, riêng dầu Brent giảm 0,52%, xuống còn 64,86 USD/thùng.
Từ cuối năm 2019 đến nay, dưới tác dụng của diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch virut Corona cùng khả năng liên minh OPEC+ sẽ tăng cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên làm cho các nước sản xuất dầu ngoài OPEC, cũng như Iran, Iraq tăng sản lượng làm cho thị trường đã thừa dầu càng thêm thừa dầu làm giá dầu lại biến động theo hướng giảm.
Giá dầu WTI ngày 17/2/2020 chỉ còn 52,05 USD/b và giá dầu Brent xuống mức 57,32 USD/b (hình 1). Khuynh hướng giá dầu lên xuống thất thường theo chu kỳ ngắn này lại đang tiếp diễn gần như bám theo biến thiên cường độ của khủng hoảng chính trị - an ninh thế giới nên rất khó dự báo. Tuy nhiên, Oil price.net (ngày 17/2/2020) vẫn dự báo giá dầu thế giới năm 2020 sẽ ở mức trung bình 59USD/b và theo nhiều nhà nghiên cứu thị trường thì giá dầu năm 2020 không thể tăng cao vượt mức 70 USD/thùng như kỳ vọng của OPEC và các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới.
Hình 1. Diễn biến giá dầu WTI và Brent từ 18/2/2019 đến 18/2/2020 (Nguồn: Oil price.net ngày 18/2/2020).
Một dự báo mới ngắn hạn (đến 2024) của IEA đưa ra gần đây cho rằng, giá dầu vẫn theo khuynh hướng tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2020, dù sản lượng dầu phiến sét Mỹ, dầu trong đá cát rắn chắc của Canada và dầu của các nước ngoài OPEC vẫn tăng làm cho thị trường tiếp tục thừa dầu.
Điều đáng chú ý là theo dự báo này, sau 75 năm nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, sang năm 2021, nước Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu dầu ròng. Lúc đó thị trường dầu mỏ thế giới sẽ linh hoạt hơn và chiến lược chi phối giá dầu của Mỹ có thể lại khác trước. Giá dầu Bạch Hổ của Việt Nam thường được định giá ngang bằng với giá dầu chuẩn Minas của Indonesia + 1 USD/b vì chứa hàm lượng S thấp hơn nên có thể chấp nhận giá kế hoạch cho dầu Bạch Hổ năm nay ở mức 60 USD/b.
Trên thương trường thế giới, để tăng giá bán dầu, các nước Nga, Algeria, Venezuela và những nước có nhiều loại dầu khai thác chất lượng khác nhau thường bán dầu trộn theo tỷ lệ do cơ quan quản lý nhà nước quyết định. Lợi thế của dầu trộn là không phải dùng nhiều loại phương tiện vận tải riêng cho từng loại dầu nên giảm được phí vận tải, đồng thời tăng được sự lựa chọn hàng của người mua tùy theo đặc thù của thiết bị lọc dầu của họ./.