RSS Feed for Chính sách năng lượng: Việt Nam có thể tham khảo gì từ Trung Quốc? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách năng lượng: Việt Nam có thể tham khảo gì từ Trung Quốc?

 - Trong bối cảnh thế giới đang “khát” nguyên nhiên liệu nghiêm trọng, nguồn cung dầu mỏ và năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng có hạn, nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng nhanh, giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao sau giai đoạn khủng hoảng năm 2008, việc tiếp cận các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên thế giới đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt. Trước tình hình đó, việc bảo đảm an ninh năng lượng trở thành vấn đề quan trọng, đặc biệt là đối với Trung Quốc - quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Vậy, Việt Nam có thể tham khảo gì trong chính sách năng lượng từ quốc gia này?

Chính sách năng lượng: Cần tầm nhìn dài hạn và khoa học

 

 

 



THS. VŨ THỊ PHƯƠNG DUNG - VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC

1. Tình hình tiêu thụ năng lượng Trung Quốc

Cùng với mục tiêu tăng trưởng cao là mô hình “đầu tư nhiều, tiêu hao lớn” nguồn năng lượng. Trung Quốc đã tiêu hao tài nguyên năng lượng nhiều lần hơn so với các nước phát triển trong quá trình công nghiệp hóa. Trong quá trình công nghiệp hóa, bình quân mỗi năm Mỹ chỉ tăng thêm 1 triệu tấn vật liệu thép, trong khi Trung Quốc mỗi năm tăng thêm luợng tiêu hao vật liệu thép là 30-40 triệu tấn [1].

Trung Quốc là quốc gia có lượng dự trữ than đá lớn, đáp ứng hơn 70% nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Trong số 1390 triệu tấn nhiên liệu sản xuất tại Trung Quốc năm 2002 thì than đá chiếm 71%. Theo đánh giá của I. Berger, lượng than khai thác tối đa hàng năm ở Trung Quốc (có tính đến nguồn tài nguyên nước hiện có và những thiệt hại gây ra cho môi trường tự nhiên), không thể vượt qua 2,8 tỷ tấn [2]. Hiện lượng dự trữ than đá của Trung Quốc đứng thứ 7 thế giới, trong khi sản lượng tiêu dùng than đá của quốc gia này lại đứng đầu thế giới.

Mặc dù than chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các nguồn nhiên liệu dự trữ năng lượng, tuy nhiên tại nhiều vùng ở Trung Quốc, việc sản xuất than đá với công nghệ cũ đã gây ô nhiễm môi trường, buộc Chính phủ của họ phải đặt mục tiêu giảm bớt tỷ lệ sử dụng than đá, và tăng cường các nguồn năng lượng khác như dầu thô, khí thiên nhiên.

Về dầu khí, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lớn dầu mỏ trên thế giới. Từ năm 1993 Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ, lượng tiêu thụ dầu đã vượt mức 200 triệu tấn (1999) và 275 triệu tấn (2003) . Tính trung bình, mỗi ngày Trung Quốc tiêu thụ 5.982.000 thùng dầu, chiếm 7,6% lượng tiêu thụ dầu mỏ của thế giới (chỉ sau Mỹ).

Từ năm 2008, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, trở thành nước nhập khẩu dầu đứng thứ ba thế giới [3]. Xét về tổng thể, Trung Quốc tiêu thụ 43% lượng than đá, 19% thủy điện và 10% dầu mỏ, 27% thép, 25% nhôm của thế giới (2008) [4].

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới năm 2030. Nhu cầu năng lượng của quốc gia này đã tăng nhanh, chiếm tới 51% tổng gia tăng nhu cầu của thế giới (2000-2008). So với các nước khác trong BRICs, mức độ tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc đã tăng từ 522 triệu tấn dầu quy đổi (1985) lên 2,61 tỉ tấn dầu quy đổi (2011). Trong khi, quốc gia có quy mô dân số tương đương là Ấn Độ chỉ tiêu thụ hết 559 triệu tấn (2011), tương đương mức tiêu thụ của Trung Quốc năm 1985.

Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, dầu mỏ có tỉ trọng ngày càng tăng, vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới (trong khi chỉ chiếm 2% trữ lượng dầu mỏ thế giới), với mức tiêu thụ dự báo khoảng 13-14 triệu thùng/ngày năm 2025 và lượng nhập khẩu chiếm 70% tổng nhu cầu. Luợng dự trữ than đá của Trung Quốc đứng thứ 7 thế giới, trong khi  sản lượng tiêu dùng than đá lại đứng đầu thế giới [5].

Đối diện với tình hình mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu năng lượng trong nước và việc khai thác nguồn nguyên liệu bên ngoài cũng ngày càng tỏ ra khó khăn, kém hiệu quả, Chính phủ Trung Quốc đã tích cực điều chỉnh chiến lược năng lượng của mình. Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) đã chỉ ra rằng: Chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai có sự chuyển hướng đầu tư mạnh sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học).

Tuy nhiên, chiến lược này rất khó thành hiện thực. Các nghiên cứu lí thuyết cũng như bằng chứng thực tế cho thấy, việc thay đổi cơ cấu tiêu thụ năng lượng sẽ diễn ra chậm chạp trong một thời gian dài, bởi nó không chỉ phụ thuộc vào việc thay đổi công nghệ mà còn phụ thuộc vào việc lựa chọn chính sách ngành và chuyển đổi cấu trúc kinh tế. Theo tính toán, tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc trong những năm tới sẽ theo kịch bản sau [6]:

Kịch bản thứ nhất: Tiêu thụ của các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân chỉ chiếm khoảng 10% (2030).

Kịch bản thứ hai: Do phải chuyển thành nước nhập khẩu than, nhưng tiêu thụ than đá vẫn chiếm từ 55- 65%.

Kịch bản thứ ba: Tiêu thụ dầu mỏ sẽ chiếm khoảng 28% và mức độ thiếu hụt dẫn đến phải nhập khẩu dầu mỏ sẽ tăng từ mức hơn 5 triệu thùng/ngày hiện nay lên khoảng 12,6 triệu thùng/ngày (2030).

Kịch bản thứ tư: Tiêu thụ khí đốt sẽ tăng lên mức 9,5% (năm 2030) từ mức 4,0% (2010) với mức tuyệt đối là 209 tỉ mét khối so với 28,2 tỉ mét khối (2011), tương đương với mức của toàn bộ châu Âu năm 2010.

Đến năm 2030, thiếu hụt dầu mỏ và khí đốt sẽ trở thành những thiếu hụt nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Trung Quốc.

2. Chính sách bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc

Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng GDP bình quân đầu người lên gấp đôi 10.000 USD (2020), so với mức 5.000 USD (2010). Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đưa ra những định hướng chính sách lớn. Trong đó, chính sách năng lượng mới được coi như là một trong những ưu tiên quan trọng để bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

Thứ nhất: Chính sách tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là quốc sách cho chiến lược năng lượng, bởi Trung Quốc là một trong những quốc gia sử dụng năng lượng kém hiệu quả nhất.

Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng của vấn đề tiết kiệm năng lượng. Kể từ khi cải cách, mở cửa, Trung Quốc luôn quan tâm và đặt chiến lược tiết kiệm năng lượng là trọng tâm của chiến lược phát triển bền vững.

Từ năm 1997, Trung Quốc đã thông qua Luật tiết kiệm năng lượng. Bước vào thế kỷ XXI, Trung Quốc xây dựng hàng loạt các chính sách liên quan đến tiết kiệm năng lượng như: Kế hoạch trung và dài hạn về phát triển năng lượng giai đoạn (2004- 2020), chỉ rõ mục tiêu cắt giảm cácbon bắt buộc là 20% trong Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ XI (2006 - 2010). Đến năm 2007, Luật tiết kiệm năng lượng được sửa đổi, bổ sung và nhấn mạnh hơn vấn đề tiết kiệm năng lượng, bổ sung thêm lĩnh vực xây dựng, giao thông và thể chế công cộng trong tiết kiệm năng lượng. Với việc thông qua Luật tiết kiệm năng lượng, Ủy ban tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc đã xây dựng 46 tiêu chuẩn tương đương về tiết kiệm năng lượng.

Đóng cửa các cơ sở lạc hậu. Trung Quốc đã ban hành Thông báo Giám sát việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện nhỏ và Thông báo về điều chỉnh nhanh cấu trúc các ngành công nghiệp sản xuất thừa năm 2006. Trung Quốc đã đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện nhỏ và sản xuất thép, xi măng trong những năm 2008, 2009 với cơ sở sản xuất lạc hậu, hoàn thành chỉ tiêu đề ra của Quy hoạch 5 năm lần thứ X. Đến cuối năm 2009, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh và đề ra các thông báo, quy định về giảm các cơ sở sản xuất lạc hậu, sản xuất dư thừa để tiết kiệm năng lượng.

Để thúc đẩy, phổ biến các công nghệ và thiết bị tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao, Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc đã  đưa ra Danh mục các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng trụ cột quốc gia, bao gồm 85 ngành kỹ thuật cao, trong đó liên quan đến 11 ngành công nghiệp than, điện, thép, kim loại màu, dầu khí, hóa dầu, hóa chất, các khu nhà cao tầng, máy móc, dệt may, giao thông và xây dựng. Ủy ban cải cách phối hợp với các ban, ngành thực hiện Chương trình 1.000 doanh nghiệp có hành động tiết kiệm năng lượng.

Từ năm 2009, Trung Quốc đã chi ra 180 tỷ NDT để tái cấu trúc kỹ thuật tiết kiệm năng lượng, bao gồm tái cấu trúc công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hệ thống nhà ở đô thị, nông thôn và phát triển các năng lượng tái sinh. Năm 2008, trong khoản đầu tư kích cầu 4.000 tỷ NDT ứng phó khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó có 210 tỷ NDT được đầu tư để chiến lược tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động tiết kiệm năng lượng, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hiệu quả cao, đồng thời cũng có các chính sách trợ giá thúc đẩy sản xuất các nhiên liệu tái sinh. Bên cạnh đó là chính sách cắt giảm thuế cho các dự án thân thiện với môi trường.

Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011 - 2015) một lần nữa tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải, đề ra mục tiêu đến năm 2015 giảm 16% tiêu thụ năng lượng trên tổng giá trị đơn vị sản xuất so với năm 2010. Nội dung chính của kế hoạch gồm:

Một là: Nhấn mạnh mục tiêu trách nhiệm khống chế ngành nghề có tiêu thụ năng lượng cao, xả thải cao.

Hai là: Mở rộng sản phẩm tiết kiệm năng lượng cao. Mục tiêu là tiết kiệm 670 triệu tấn muội than tiêu chuẩn, tiết kiệm 330 tỷ tấn than tiêu chuẩn. Trung Quốc đã dùng vốn của trung ương ủng hộ xây dựng công trình trọng điểm tiết kiệm năng lượng giảm xả thải, tiết kiệm 22,1 triệu tấn than sạch, tăng khả năng xử lý nước ô nhiễm khoảng 9,8 triệu tấn/ngày, xử lý rác 11 vạn tấn/ngày, tăng lượng ống nước thải lên 2,1 vạn km.

Ba là: Xác định các lĩnh vực trọng điểm tiết kiệm năng lượng, giảm xả thải. Triển khai thí điểm thành phố có hệ thống giao thông vận tải ít cácbon, tiến hành xây dựng các công trình mạng lưới hệ thống thu phí tự động, thành lập cơ quan cải tạo tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, khuyến khích phát triển ô tô tiết kiệm xăng, lựa chọn 8 thành phố để triển khai thí điểm chính sách tổng hợp tài chính tiết kiệm năng lượng giảm xả thải.

Bốn là: Thị trường hóa cơ chế hỗ trợ tiết kiệm năng lượng giảm xả thải, các ngành liên quan ở Trung Quốc đã sửa đổi các biện pháp quản lý quỹ tài chính cải tạo kỹ thuật tiết kiệm năng lượng, nâng cao tiêu chuẩn của quỹ; thúc đẩy cải cách thuế tài nguyên, triển khai thí điểm cải cách thuế.

Năm là: Phát triển kinh tế tuần hoàn (circular economy) [7] nâng cao trình độ sản xuất tài nguyên. Công bố Hướng dẫn xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn, chỉ đạo việc lập quy hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh việc thí điểm làm mẫu kinh tế tuần hoàn, công bố 60 đồ án điển hình về kinh tế tuần hoàn, mở rộng các chủng loại và phạm vi thí điểm việc tái chế tạo.

Sáu là: Hoàn thiện tiêu chí tăng cường giám sát. Triển khai xác minh ô nhiễm giảm xả thải, thực thi giám sát việc xử lý nước bị ô nhiễm… Ủy ban cải cách phát triển Trung Quốc tổ chức triển khai các hoạt động toàn dân tiết kiệm năng lượng, giảm xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai: Tăng cường các kho dự trữ năng lượng trong nước.

Trung Quốc thông qua kế hoạch dự trữ dầu khí năm 1993. Tổng chi phí cho kế hoạch này lên đến 100 tỷ NDT, thời gian thực hiện được chia làm nhiều giai đoạn, bảo đảm có lượng dầu khí đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước từ 10 - 30 ngày. Đến năm 2020 có mức dự trữ với thời gian 90 ngày.

Do sản lượng của giếng dầu Đại Khánh đang cạn dần, Tân Cương dần trở thành căn cứ dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc (chiếm 30% - 40% tổng trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên của quốc gia này). Tháng 5-2007, Tập đoàn Khí tự nhiên và Dầu mỏ Trung Quốc đã phát hiện giếng dầu Nam Bảo với trữ lượng hơn 1 tỷ tấn ở Thành phố Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc - đây là phát hiện lớn nhất trong việc thăm dò dầu mỏ ở Trung Quốc trong 40 năm. Dự tính sản lượng hàng năm của mỏ dầu sẽ vượt 10 triệu tấn.

Trung Quốc thực hiện quan điểm phát triển khoa học - công nghệ, tăng cường bảo vệ môi trường; thúc đẩy khai thác và sử dụng năng lượng tái sinh, phi hóa thạch, năng lượng hạt nhân; động viên người dân tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hợp lý, hiệu quả.

Thứ ba: Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới.

Trong “Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015)”, Chính phủ quốc gia này nhận thức rằng: Chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai cần chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học). Chiến lược này được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (2005 - 2010): Năng lượng tái tạo đóng vai trò phụ trợ; Giai đoạn thứ hai (2010 - 2020): là giai đoạn nguồn năng lượng thay thế - nghĩa là dần dần thay thế cho các loại năng lượng khác; Giai đoạn thứ ba (2020 - 2030): Năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời…) sẽ vươn lên hàng đầu [8]. Năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp chính, chiếm 35-40% tổng năng lượng của Trung Quốc.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo trong nước với mức đầu tư 102 tỷ USD năm 2015, cao gấp đôi số vốn đầu tư trong nước của Mỹ, gấp 5 lần của Anh và khoảng 36% toàn thế giới. Tháng 1-2017, quốc gia này cam kết tiếp tục đầu tư 2.500 tỉ NDT (khoảng 367 tỉ USD) vào các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2020. Trung Quốc hiện đã trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo lớn nhất, cung cấp hơn 2/3 số tấm pin mặt trời và gần một nửa số tua bin gió của thế giới.

Trong Chính sách năng lượng xanh, Trung Quốc đặc biệt chú trọng tới phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo ít cacbon hơn. Hiện nay, Trung Quốc được đánh là nhà sản xuất năng lượng gió lớn thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Đức. Đồng thời cũng là quốc gia có nguồn năng lượng gió đặc biệt dồi dào và phong phú. Nguồn tài nguyên gió ở phía Đông Bắc, phía Bắc, phía Tây Bắc, các vùng ven biển, các hải đảo có tiềm năng rất lớn. Năm 2009, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy sản xuất năng lượng gió tại Trung Quốc đạt tới 20 GW. Bên cạnh khai thác gió trên đất liền, Trung Quốc cũng đã tập trung hỗ trợ triển khai các dự án phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã hỗ trợ kinh phí thông qua những quỹ đặc biệt cho việc phát triển và nghiên cứu công nghệ sản xuất năng lượng gió ngoài khơi. Đến cuối năm 2009, các nhà máy sản xuất điện từ năng lượng gió ở Trung Quốc đã lắp đặt các tua bin gió được sản xuất bởi 49 doanh nghiệp (trong đó có 24 doanh nghiệp nước ngoài với công suất 6,34 GW; 25 doanh nghiệp trong nước với công suất 19,46 GW). Đến năm 2020, ngành công nghiệp năng lượng gió của Trung Quốc sẽ có công suất lắp đặt là 200 GW, tương đương với 440.000 GWh điện và sẽ giúp giảm 440 triệu tấn CO2, giảm lượng tiêu thụ 200 triệu tấn than.

Nhiên liệu sinh học đã được Trung Quốc nghiên cứu và phát triển từ khoảng những năm 1990. Đến năm 2001, Trung Quốc đã đưa vào thí nghiệm xăng pha cồn. Năm 2003, xăng E10 (pha 10% ethanol và 90% xăng) đã chính thức được sử dụng ở 5 thành phố lớn và sắp tới sẽ mở rộng thêm tại 9 tỉnh đông dân khác. Theo dự kiến, ethanol nhiên liệu sẽ đạt khoảng 10 tỷ lít vào năm 2020 (năm 2005 là 1,2 tỷ lít). Là nước sản xuất ethanol lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Brasil, Trung Quốc đã xây dựng nhiều nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học trên cả nước, đặc biệt là khu vực Quảng Tây, nơi chiếm 70% sản lượng sắn của cả nước, đạt 7 triệu tấn/năm. Trong đó lớn nhất là nhà máy của China Oil and Food Corporation (COFCO) tiêu thụ 1,5 triệu tấn sắn/năm.

Ngoài ra, hai công ty là China’s Beihai Gofar Marie Biological Industry và China-based Hainan Yedao Group cũng xây dựng 2 nhà máy với công suất 100.000 tấn sắn/năm/1 nhà máy tại đây.  Để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy này, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu nông sản như sắn và mở rộng các vùng nguyên liệu mía, ngô… nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học cồn ethanol và dầu diesel sinh học trong nước. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng liên kết với các nước Lào, Nigieria, Philippines để trồng sắn tại các nước này, như kế hoạch trồng 4.498 ha tại Lào, trồng 4.500 ha tại Philippin nhằm tăng nguồn cung cho nhu cầu của Trung Quốc. Nhu cầu đối với mặt hàng sắn của Trung Quốc là rất lớn, dự kiến mỗi năm phải nhập khẩu từ 6-6,5 triệu tấn sắn/năm mới đáp ứng được đủ nhu cầu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Các nhà máy điện nguyên tử của Trung Quốc có khả năng sản xuất được hơn 10 triệu kW và được nâng lên 40 triệu kW vào năm 2015. Đó là những con số trong bản Quy hoạch 5 năm lần thứ XII mà Trung Quốc đã nêu ra. Tuy điện hạt nhân là một nguồn năng lượng tiềm năng và mới mẻ, song sau thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, Trung Quốc đang cân nhắc lại về việc phát triển nguồn năng lượng này vì vấn đề an ninh năng lượng hạt nhân.

Các lĩnh vực sản xuất năng lượng nguyên tử, gió, mặt trời… được hưởng nhiều chính sách thuận lợi. Theo số liệu từ Cục Quản lý năng lượng quốc gia, 62% lượng đầu tư trong năm 2010 là cho ngành công nghiệp năng lượng sạch. Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố vị thế để trở thành cường quốc năng lượng sạch của thế giới. Kỷ lục vốn đầu tư lên tới 54,4 tỷ USD của nước này trong năm 2010 tương ứng với mức gia tăng 39% so với năm 2009.

Thứ tư: Đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhập khẩu, đặc biệt dầu mỏ.

Thiếu hụt dầu mỏ và khí đốt sẽ trở thành những thiếu hụt nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Trung Quốc vào năm 2030. Trong bối cảnh đó đã hình thành chiến lược năng lượng mới của Trung Quốc hướng tới tăng cường hợp tác với các nước nhằm đáp ứng nguồn an ninh năng lượng trong nước. Chiến lược hợp tác quan trọng được khuyến khích là “hướng ra ngoài”. Trung Quốc khuyến khích các công ty năng lượng trong nước đầu tư ra nước ngoài nhằm dành quyền tiếp cận ưu thế với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, với chiến lược năng lượng mới là chính sách “ngoại giao năng lượng”.

Trung Quốc triển khai quyết liệt chiến lược “hướng ra ngoài” nhằm thâu tóm dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác. Đẩy mạnh hoạt động thâu tóm, sáp nhập các công ty dầu mỏ nước ngoài, thành lập các liên minh, tiến hành hàng loạt thương vụ mua cổ phần các công ty dầu khí lớn xuyên quốc gia với tổng vốn huy động lên đến hàng chục tỉ USD. Phương châm của Trung Quốc là: “Đến bất cứ nơi nào có tài nguyên, với bất cứ giá nào, trong bất cứ điều kiện nào”.

Đối với các hợp đồng cung cấp năng lượng lớn, Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp chính sau:

Một là: Trung Quốc khuyến khích các công ty dầu mỏ lớn đầu tư ra nước ngoài. Từ giữa thập niên 1990, các công ty như: Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC-China National Petroleum Corporation), và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC-China National Offshore Oil Corporation) đã tích cực đầu tư ra nước ngoài. Các công ty này đã mua các mỏ dầu, khí gas ở Sudan, Angola, Peru, Canada, Kazakhstan, và nhiều nước khác.

Hai là: Trung Quốc linh hoạt ký các hợp đồng mua bán, hoặc cung cấp năng lượng với các tập đoàn năng lượng nước ngoài, thay vì mua lại hoàn toàn các tập đoàn này nhằm tránh sự phản đối của các nước phương Tây.

Ba là: Trung Quốc đưa ra những "lời chào" cao hơn giá thực đến 20% để tiếp cận được công nghệ cao trong thăm dò, khai thác dầu khí. Thông qua tham gia những dự án năng lượng lớn, Trung Quốc muốn tiếp cận với công nghệ mới. Việc Tập đoàn CNOOC có tới 7 giàn khoan với những công nghệ khoan sâu tiên tiến nhất hiện nay cũng là nhờ vào chính sách này.

Bốn là: Các tập đoàn nhà nước, hoặc ngân hàng quốc doanh Trung Quốc hỗ trợ các tập đoàn năng lượng thông qua trực tiếp thanh toán các hợp đồng năng lượng. Tháng 5.2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Tập đoạn dầu khí Brazil Petrobas vay khoản tín dụng trị giá khoảng 10 tỷ USD với điều kiện phải cung cấp dầu thô cho Sinopec trong 10 năm. Tập đoàn thương mại Trung Quốc Sinochem đã nhận 40% cổ phần (khoảng 3 tỷ USD) từ Tập đoàn Staoil của Na Uy để tham gia khai thác giếng dầu Peregrino ở Bra-xin.

Song song với việc duy trì nhập khẩu dầu qua eo Malacca, chiến lược mới của chính phủ Trung Quốc là thiết lập các kênh nhập khẩu dầu trên đất liền. Đối với Trung Quốc, Eo Malacca có tầm quan trọng đặc biệt bởi lẽ 50 - 70% dầu mỏ nhập khẩu của quốc gia này vận chuyển qua eo Malacca. Và nếu không qua eo Malacca thì chi phí, thời gian vận chuyển đều tăng lên do 4 cảng nhập khẩu dầu trọng yếu và các cơ sở công nghiệp hóa dầu của Trung Quốc đều nằm ở duyên hải phía Đông (Thanh Đảo, Thượng Hải, Phúc Châu, Quảng Châu). Vì thế, nhu cầu đảm bảo an ninh cho việc vận chuyển dầu của Trung Quốc qua Eo Malacca, hoặc đường ống dầu và khí đốt qua Myanma  trở nên rất quan trọng.

3. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đã đạt tới vị trí của một quốc gia có thu nhập trung bình 2.587 USD/năm vào năm 2018. Mặc dù đã đạt được điều đó, Việt Nam cần có chính sách cho một nền kinh tế có lượng khí thải CO2 thấp và bảo đảm an ninh năng lượng với biến đổi khí hậu. 

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng, gió, mưa nhiều có điều kiện tự nhiên đặc biệt tốt để phát triển năng lượng tái tạo. Với tiềm năng nguồn sinh khối ở mức khoảng 3.500 MW, thủy điện nhỏ ở mức 7.000 MW, tiềm năng điện gió ở mức 27.000 MW nếu tính ở mức độ sẵn sàng của hạ tầng giao thông và lưới truyền tải lân cận 10km) và tăng lên 144GW (nếu tính ở mức độ sẵn sàng của hạ tầng giao thông và lưới truyền tải lân cận 20km và xây dựng tuabin gió trên đất nông nghiệp), tiềm năng điện mặt trời gần 340.000 MW [9] … Tuy nhiên, khả năng khai thác nguồn năng lượng này còn khiêm tốn. Nguyên nhân của tình trạng khai thác không hiệu quả này là do kết cấu hạ tầng thiếu thốn, chính sách chưa đủ mạnh, nguồn lực hạn chế (đặc biệt là nguồn lực về tài chính) trong khi lĩnh vực năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn tài chính và nhân lực rất lớn.

Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh về các nguồn năng lượng tái tạo đã khẳng định rằng, các dự án năng lượng tái tạo mang lại số lượng việc làm đáng kể cho địa phương đặt dự án. Đây là điều hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển có dư thừa nguồn nhân lực như Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ đặc biệt cho các dự án năng lượng tái tạo như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất.

Nhu cầu năng lượng cần cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác các nguồn năng lượng an toàn, công nghệ đơn giản, không đắt tiền, bảo vệ môi trường thì trước tiên, Việt Nam cần khai thác nguồn năng lượng gió, tiếp theo là các nguồn năng lượng mặt trời. Năng lượng thủy triều, sóng biển với tiềm năng rất lớn sản xuất điện để phục vụ trực tiếp cho hàng triệu hộ dân lưu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải. Nhiên liệu sinh học với tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu để sản xuất như sắn hơn 10 triệu tấn/năm (đứng thứ 5 thế giới), các phế phẩm nông nghiệp như bã mía, vỏ các loại hạt cà phê, cao su… với công suất sử dụng nhiên liệu sinh học lên đến 2 triệu tấn ethanol, biodiesel E5-E10 vào năm 2025.

Năm 2011, Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh (2011 - 2030) và tầm nhìn 2050. Chiến lược này là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2015 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (Quyết định số 2068/ QĐ/TTg) nhằm định hướng cho phát triển các dạng năng lượng sạch giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050./.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chiến lược năng lượng của Trung Quốc, Tạp chí “Cầu thi”. (Trung Quốc) số 10/2005.

2. China’s Green Revolution energy, environment and the 12th Five - year Plan, Ebook001, 2011.

3.  I. Berger. Về chiến lược năng lượng của Trung Quốc.Tạp chí Những vấn đề Viễn   Đông, số 3/ 2004.

4. NBS (2005), Tổng tập số liệu thống kê 55 năm nước CHND Trung Hoa (1949 - 2004).

5. NBS, Công báo thống kê tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước CHND Trung Hoa (các năm).

6. Nguyen Duc Thanh, (2011), “The Rise of China and the Economic Divergence of the Southeast Asian Countries”, Singapore, August

7. Phạm Sỹ Thành (2011), Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 - 2009), NXB ĐHQG Hà Nội.

8. Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng năng lượng. TTXVN, Kinh tế quốc tế, ngày 26/5/2005.

9. Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, Viện Năng lượng Việt Nam, 2017.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động