RSS Feed for Người Anh đã sống nhờ vào than đá như thế nào? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 26/11/2024 06:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Người Anh đã sống nhờ vào than đá như thế nào?

 - Trong khi chờ đợi ông Matthew Grey trả lời 10 câu hỏi còn ‘mắc kẹt’ của nhiệt điện than Việt Nam, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã tìm hiểu về lịch sử ngành than nước Anh (quê hương vị chuyên gia này) để xem họ đã sống nhờ vào than đá thế nào (trong đó có lồng ghép thực tiễn ngành than Việt Nam qua các thời kỳ) để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn.

‘Mắc kẹt trong điện than’, hay ‘điện than bị mắc kẹt’?
10 câu hỏi còn ‘mắc kẹt’ của nhiệt điện than



 

 

Người Anh đã được nhìn thấy than đá từ Thế kỷ XII (người Việt Nam nhìn thấy than từ giữa Thế kỷ XIX). Nước Anh, trước khi trở thành một nước có “mặt trời không bao giờ tắt”, đã bắt đầu khai thác than từ giữa Thế kỷ XIV (Việt Nam bắt đầu khai thác than từ đầu Thế kỷ XX).

Sản lượng than được khai thác ở Anh vào đầu Thế kỷ XVI là 0,3 triệu tấn/năm đã tăng lên đến 3 triệu tấn/năm vào đầu Thế kỷ XIIX.

Trong Thế kỷ XIIX, ngành than là ngành công nghiệp phát triển nhất của Anh và đã đặt nền móng cho những biến đổi mang tính cách mạng trong nền kinh tế - xã hội của Anh.

Tất cả các tiến bộ kỹ thuật từ thời sơ khai ở Anh đều xuất phát từ than và để phục vụ cho khai thác than: Nhờ có than, động cơ hơi nước đầu tiên đã xuất hiện ở Anh, đã thế chỗ cho những chú ngựa kéo xe. Đến giữa Thế kỷ XIIX động cơ hơi nước do T. Newcomen chế tạo đã được dùng để bơm nước và đã giúp cho người thợ mỏ ở Anh khai thác được nhiều than hơn nhờ xuống sâu hơn vào lòng đất. Năm 1774, J. Watt đã sử dụng máy hơi nước trong mỏ than. Năm 1738, lần đầu tiên tại mỏ than vùng Whitehaven ở Anh, các đường ray bằng sắt đã được sử dụng, thay thế cho gỗ để khai thác được nhiều than hơn bằng các đầu tàu hơi nước. v.v...

Từ đầu Thế kỷ XIX, các thiết bị khai thác than cơ giới đã được sử dụng để khai thác được nhiều than hơn ở Anh, như quạt gió chạy bằng hơi nước, đèn an toàn trong mỏ do G. Davey và J. Stephenson sáng chế.

Bắt đầu từ năm 1880, ở Anh có đến 4.000 mỏ than, mỗi năm khai thác tới hơn 200 triệu tấn than (gấp 4 lần sản lượng than của Việt Nam hiện nay).

Vào cuối Thế kỷ XIX, cỗ máy đánh rạch đầu tiên chạy bằng động cơ điện đã được người Anh sử dụng ở mỏ hầm lò “Normanton” để khai thác than ở vùng Yorkshire.

Trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), nước Anh có 3.270 mỏ than hầm lò (ở Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 80 mỏ lớn nhỏ tương tự) với tổng sản lượng hàng năm là 292 triệu tấn (đạt được vào năm 1913). Trong đó có tới 98 triệu tấn được xuất khẩu (ở Thế kỷ XXI, năm cao nhất Việt Nam xuất khẩu được hơn 25 triệu tấn, kể cả “tiểu ngạch”- buôn lậu).

Trong giai đoạn 1933-1937, sản lượng than của Anh giảm xuống một chút, nhưng vẫn ở mức rất cao, từ 210 đến 244 triệu tấn/năm.

Năm 1946, Nghị viện Anh đã cho phép dùng tới 520 triệu Bảng tiền ngân sách để cải tạo các mỏ hầm lò (nhằm cạnh tranh với các nước khác như Mỹ, Đức, Pháp) và 229 triệu Bảng bồi thường cho các chủ mỏ tư nhân để quốc hữu hóa ngành than.  Vào năm 1947, ngành than ở Anh có 958 mỏ, với tổng số lao động khoảng 0,7 triệu người, với tổng sản lượng khoảng 200 triệu tấn/năm và được giao cho Tổng cục Công nghiệp Than của Anh (“National Coal Board”) quản lý. Khi đó, chỉ các mỏ than lộ thiên mới không bị quốc hữu hóa.

Sản lượng than năm 1956 của Anh là 226 triệu tấn, gấp hơn 200 lần của Việt Nam trong cùng thời kỳ.

Trong giai đoạn 1960-1970, số lượng mỏ than hầm lò ở Anh đã giảm từ 698 mỏ xuống còn 292 mỏ (trong giai đoạn này, ở Việt Nam chỉ có 4 mỏ than hầm lò lớn nhỏ, với công suất chỉ từ 0,005 triệu tấn/năm đến 0,25 triệu tấn/năm). Nhưng sản lượng than ở Anh tới cuối những năm 1970 vẫn chiếm tỷ trọng tới 50% trong tổng số than được khai thác ở Tây Âu.

Đáng lưu ý, 100% sản lượng than của Anh được sử dụng trong các lĩnh vực chuyên về phát thải khí nhà kính. Trong đó, 78% than được dùng để phát điện, 2% là anthracite dùng để sưởi, và 20% than cho lò cao luyện thép.

Đến tận năm 1986 (khi đó Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới), Tổng cục Công nghiệp Than của Anh (“National Coal Board”) mới được đổi tên thành Tổng công ty than Anh “British Coal” (Tổng công ty Than của Việt Nam ra đời cũng chỉ sau đó 8 năm).

Việc tư nhân hóa ngành than ở Anh chỉ được bắt đầu sau khi Chính phủ của Thủ tướng Thatcher từ chức vào 11/1990. Đến năm 1993, ngành than ở Anh (với tổng số 22 mỏ than hầm lò và 32 mỏ than lộ thiên) mới được tư nhân hóa toàn bộ, và, nhờ vậy, ngân sách đã thu về được 800 triệu Bảng.

Mặc dù đã được tư nhân hóa, nhưng Chính phủ Anh vẫn tiếp tục trợ giá cho các chủ mỏ cho đến tận năm 1997. Khi đó, Chính phủ Anh còn bắt buộc các nhà máy nhiệt điện chạy than phải mua hàng năm tới 30 triệu tấn than với giá cao hơn hẳn so với giá thị trường. Qui mô của chính sách “trợ giá cho phát thải khí nhà kính” ở Anh có thể được đánh giá thông qua số liệu về sản lượng than ở Anh trong thời kỳ được trợ giá như sau:

Năm

1990

1991

1992

1993

1994

1995

1996

Triệu tấn

94,4

94,2

84,5

68,2

49,0

52,6

49,7


Cuối cùng, xin nhường lời kết luận cho ông Matthew Grey và đề nghị ông (và những người đang là “Think Tank” cho điện gió và điện mặt trời) có những nhận định khách quan về bối cảnh và quá trình, trên cơ sở lịch sử phát triển của mỗi quốc gia như Anh, hoặc như Việt Nam, không thể một sớm một chiều loại bỏ một chuỗi ngành nghề nuôi sống hàng triệu con người, và còn là một cấu thành quan trọng của ngành năng lượng hiện tại và trong tương lai.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo: NGƯỜI ANH ĐÃ SỐNG NHỜ VÀO THAN ĐÁ NHƯ THẾ NÀO?

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động