RSS Feed for Dự án PVTex: Từ kết luận thanh tra đến hiện trạng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án PVTex: Từ kết luận thanh tra đến hiện trạng

 - Gần đây, có một số bài báo đào bới lại vụ Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợ Dầu khí (PVTex) và quy kết trách nhiệm khoản lỗ cho ông Lê Mạnh Hùng - hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phụ trách lĩnh vực kể từ tháng 10/2013. Có một số trang tin còn vô tư, gộp luôn số lỗ lũy kế để quy kết trách nhiệm cho ông. Chưa kể, có báo còn hiểu khái niệm "nghiệm thu có điều kiện" theo hướng tiêu cực. Có luật sư ở Hà Nội, thậm chí còn gửi Kiến nghị lên các cấp cao nhất kiến nghị xem xét trách nhiệm của ông Hùng... Nhưng thực hư thế nào? Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ làm rõ trong bài báo dưới đây.

 

 


 

Các từ ngữ viết tắt:

1/ PVN: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

2/ Vinatex: Tập đoàn Dệt may Việt Nam

3/ MoIT: Bộ Công Thương

4/ PVTex: Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí

5/ Dự án PVTex: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ

6/ FS: Nghiên cứu khả thi

7/ FEED: Thiết kế tổng thể

8/ PMC: Tư vấn quản lý dự án

9/ EPC: Thiết kế, Mua sắm và Xây dựng

10/ HĐQT: Hội đồng quản trị

11/ TTCP: Thanh tra Chính phủ

Tổng quan

Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển ngành xơ sợi nhằm tránh lệ thuộc vào nhập siêu, cũng như tiết giảm lượng ngoại tệ để nhập xơ sợi, tạo nguồn cung ổn định cho ngành dệt may; thúc đẩy hợp tác giữa các nhà sản xuất trong nước, PVN và Vinatex đã thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án Nhà máy xơ sợi có quy mô đầu tư lớn. Theo đó, ngày 15/5/2007, PVN và Vinatex đã ký thỏa thuận đầu tư dự án "Nhà máy xơ sợi Đình Vũ" và thực hiện các thủ tục pháp lý cho việc thành lập Công ty Cổ phần PVTex để làm chủ đầu tư và xây dựng nhà máy.

Theo Báo cáo FS, PVTex lấy nguyên liệu đầu vào từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác và thành lập PVTex, ngày 10/10/2007 Vinatex ban hành công văn số 1311/TĐDMVN-KTĐT ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án.

Ngày 21/10/2008, HĐQT PVTex ban hành quyết định số 51/QĐ-PVTEX về việc phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư là 324.846.789 USD tương đương 5.437.935.247.860 VNĐ (theo tỷ giá 1 USD = 16.740 đồng). Tóm tắt các nội dung chính về đề án phát triển dự án như sau:

Thứ nhất: Công suất nhà máy: Cụm phân xưởng hóa và trùng ngưng công suất 500 tấn/ngày; dây chuyền sản xuất xơ ngắn PSF công suất 400 tấn/ngày; dây chuyền DTY công suất 100 tấn/ngày, hệ thống cung cấp năng lượng và phụ trợ phục vụ sản xuất.

Thứ hai: Hiệu quả kinh tế: Với hệ số chiết khấu là 10,65% thì dự án có hiệu quả kinh tế như sau: Giá trị hiện tại ròng (NPV) là 65 triệu USD, tỉ suất thu nhập nội bộ (IRR) là 16,35%, thời gian thu hồi vốn của toàn bộ dự án là 8 năm 8 tháng và dự án đi vào kinh doanh là có lãi.

Thứ ba: Phương án tài chính: 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.

Thứ tư: Tiến độ: 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC đến khi nghiệm thu và bàn giao lần đầu.

Thứ năm: Hình thức quản lý: Thuê công ty Worley Parson Services làm nhà thầu PMC trong suốt quá trình thực hiện EPC.

Do đầu tư kém hiệu quả dẫn đến hoạt động thua lỗ kéo dài và phải dừng hoạt động nên Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc và ra kết luận số 2632/KL-TTCP ngày 03/10/2006 về việc đầu tư xây dựng Dự án. Trong đó, TTCP kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật các dấu hiệu "Cố ý làm trái" và/hoặc "Thiếu trách nhiệm" trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát lớn.

Ngoài ra, về xử lý trách nhiệm hành chính, TTCP cũng xác định những khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công Thương như: "Chưa thực hiện trách nhiệm trong việc chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn đã được Thủ tướng phê duyệt đối với PVN, Vinatex. Đối với việc thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp giải quyết các tồn tại để đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất ổn định, tuy nhiên các giải pháp chưa đồng bộ và hiệu quả, nhà máy vẫn phải dừng sản xuất. Bộ Công Thương phải chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN, Vinatex".

Sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư và xây dựng

Những sai phạm này xảy ra trong quá trình quyết định dự án đầu tư, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện EPC; từ khi ký hợp đồng FS ngày 28/5/2008 đến khi thực hiện hợp đồng EPC và nghiệm thu sơ bộ ngày 19/8/2013.

Ngày 28/5/2008, PVTex ký hợp đồng số 001/2008/PVTEX-EPC với nhà thầu EPC Industrial Engineering GmbH để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS). Sau khi FS hoàn thành, trên cơ sở Nghị quyết số 7856/NQ-DKVN ngày 20/10/2008 về thông qua Báo cáo FS, ngày 21/8/2008 HĐQT PVTex đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-PVTEX phê duyệt FS với Tổng mức đầu tư 324.846.789 USD. Sau đó, PVTex tiến hành đấu thầu quốc tế và ký hợp đồng EPC số 0068/PVTEX-HEC với liên danh nhà thầu Hyundai Engineering Co. Ltd, LG International Corporation và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (Tổ hợp liên danh nhà thầu HEC - LGI - PVC) ngày 14/5/2009.

Theo như thanh Thanh tra Chính phủ kết luận: "Việc ủy quyền của Vinatex cho PVN làm chủ đầu tư là việc làm thiếu trách nhiệm trong phát triển ngành sợi, khi Vinatex là cổ đông có nhiều kinh nghiệm hơn PVN trong phần kéo sợi và chất lượng xơ sợi, nhưng lại không hỗ trợ PVN thực hiện, không thực hiện đúng thỏa thuận cam kết".

Trong quá trình lập Nghiên cứu khả thi và Dự toán công trình, PVTex đã không thực hiện tổ chức thẩm định xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi của dự án đã phê duyệt tổng mức đầu tư trên cơ sở Nghị quyết của PVN, hậu quả là phê duyệt thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian sản xuất thử và sản xuất không ổn định. Đặc biệt đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư không đúng với một số khoản chi phí trị giá 38.742.310 USD.

Mặt khác, sau khi có thiết kế FEED, PVTex cũng không thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án để bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ giữa FS và FEED. Ví dụ như trong FS quy mô nhà hành chính là 03 tầng, diện tích mặt bằng là 360 m2 nhưng FEED là 02 tầng, diện tích mặt bằng là 375 m2); số lượng lao động cho nhà máy (trong FS là 248 người; FEED là 843 người).

Về việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, Kết luận thanh tra cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm tại PVTex. Theo kế hoạch đấu thầu, tiến độ dự án là 24 tháng trong khi trong hợp đồng là 25 tháng. Giá đề nghị trúng thầu EPC đã vượt giá được phê duyệt 20.382.44 USD.

Thanh tra Chính phủ kết luận: "Do chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm, có phần buông lỏng quản lý, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, chưa rõ ràng, nhiều điều khoản mâu thuẫn và không được thực hiện trong thực tế như thay đổi xuất xứ, chi phí chạy thử, xử phạt chậm tiến độ, gây thiệt hại về kinh tế chưa thể xác định được".

Từ đây, có thể thấy rằng, hạn chế về năng lực quản lý cùng các chồng lấn, phạm vi công việc không chính xác giữa FS và FEED đã dẫn đến việc thực hiện các phạm vi trong hợp đồng EPC; chi phí chạy thử, nghiệm thu và bàn giao cũng thay đổi kéo theo vật tư tiêu hao, giá trị thương mại cũng thay đổi, không xác định được dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu.

Kết luận liệt kê những sai phạm khi nghiệm thu, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công với giá trị 23.046,6 USD và 8091.364.419 đồng; PVTex và nhà thầu đã thay đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún (DTY) từ Đức sang Trung Quốc trị giá 11.335.192,55 USD; hệ thống máy chủ, máy in, thiết bị đóng bao từ Đức sang châu Âu trị giá 1.780.623,05 USD.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

 

Quá trình chạy thử vận hành để nghiệm thu từ 19/11/2011 đến 01/6/2016

Quá trình chạy thử từ tháng 11/2011 đến 6/2013, gồm 4 giai đoạn có thu sản phẩm, lỗ gần 818 tỉ đồng. Hợp đồng quy định chủ đầu tư (PVtex) chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu nên quá trình chảy thử càng dài, chi phí càng lớn. Trong quá trình chạy thử đã xảy ra một số tranh chấp giữa PVTex và nhà thầu như sự cố như mất điện, chậm cung cấp nguyên liệu và lỗi của PVTex khi cung cấp nhân sự vận hành không đáp ứng yêu cầu; hỏng hóc thiết bị nên nhà thầu đề nghị gia hạn tiến độ. Cạnh đó là tranh chấp về chi phí tiện ích cho chạy thử như điện, nước, LPG với giá trị lên đến hơn 392 tỷ đồng nhưng do các điều khoản không rõ ràng trong hợp đồng EPC nên chi phí trên đã không đi đến thống nhất do bên nào chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, hóa phẩm, xúc tác, phụ gia cho nhà máy vận hành trên cơ sở công suất 100% trong 06 tháng đầu đến sau khi ký nghiệm thu, do trách nhiệm của nhà thầu, cũng không được thống nhất rõ ràng. Vì vậy, chi phí chạy thử, theo FS chỉ 5,2 triệu USD nhưng do các sự cố nêu trên đã tăng lên 41,438 triệu USD, nghĩa là phát sinh thêm 35,938 triệu USD.

Từ những nguyên nhân trên đây, tiến độ dự án đã bị chậm hơn so với 25 tháng trong hợp đồng. Ngày khởi công là 23/7/2009, nếu đúng tiến độ thì ngày 23/8/2011 dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến ngày 19/8/2013 nhà máy mới được nghiệm thu sơ bộ, chậm đến 726 ngày so với hợp đồng làm tăng các chi phí chảy thử, lãi vay do chậm tiến độ, chi phí nhân công vận hành.

Về chủ quan, Thanh tra Chính phủ cho rằng PVN, Vinatex là đại diện chủ sở hữu vốn tại PVTex nhưng chưa kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, có nhiều thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra dẫn đến chi phí tăng cao: Chi phí đào tạo 2,2 triệu USD (không có trong kế hoạch đấu thầu), chi phí lãi vay 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35,938 triệu USD (như trên). Trong khi đó, lực lượng công nhân nhiều hơn mức yêu cầu: 1.025 người so với 843 người như yêu cầu, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành còn thiếu. Những yếu tố này làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm cao, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ.

Về khách quan, dự án kém hiệu quả còn là do thị trường tiêu thụ khó khăn khi PVTex vừa sản xuất vừa phải tự tìm kiếm thị trường, tình hình biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu ảnh hưởng tới giá bán sản phẩm, lãi vay ngân hàng làm tăng chi phí sản xuất.

Theo Báo cáo khả thi, thời gian thu hồi vốn là sau 8 năm 8 tháng đi vào sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, tính cả thời gian chảy thử và vận hành thương mại, PVTex đã lỗ từ 2012 đến 2014. Năm 2012 là hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ hơn 366 tỷ đồng; năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế tính đến hết 31/12/2014 là 1.472 tỷ đồng. Từ việc thua lỗ, nhà máy phải tạm dừng sản xuất từ đầu năm 2015.

Về khái niệm nghiệm thu có điều kiện và hiểu nhầm không đáng có

Gần đây, có một số bài báo lục lại vụ PVTex và quy kết trách nhiệm khoản lỗ hơn 1 ngàn tỷ đồng năm 2014 (1.085 tỷ đồng) cho ông Lê Mạnh Hùng - hiện là Phó tổng giám đốc PVN phụ trách lĩnh vực kể từ tháng 10/2013. Có một số trang tin còn vô tư, gộp luôn số lỗ lũy kế 1.472 để quy kết trách nhiệm cho ông.

Chưa kể, có báo còn hiểu khái niệm "nghiệm thu có điều kiện" theo hướng tiêu cực. Có luật sư ở Hà Nội, ngày 29/4/2019 thậm chí còn gửi Kiến nghị lên các cấp cao nhất kiến nghị xem xét trách nhiệm của ông Hùng.

Thực ra, trước khi ông Hùng về làm Phó tổng giám đốc phụ trách PVN thì trước đó, ngày 29/8/2013 HĐTV PVN đã ban hành Nghị quyết số 6110/NQ-DKVN "Chấp thuận chủ trương cho tiến hành nghiệm thu có điều kiện" từ đề xuất của Tổng giám đốc PVN. Do có một số phạm vi công việc và chi phí còn đang tranh chấp giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu; kinh phí để khắc phục các tồn tại theo hợp đồng EPC đã ký là không thể thực hiện được, nghĩa vụ tài chính, kinh phí để giải quyết tranh chấp chưa xác định được do chưa nghiệm thu nên Ban tổng giám đốc muốn làm rõ hơn trước khi thực hiện. Đó là lý do HĐTV PVN họp với Ban tổng giám đốc PVN và Ban lãnh đạo PVTex vào ngày 13/12/2013 để thống nhất trước khi nghiệm thu.

Qua nội dung kết luận thanh tra, có thể thấy việc Nghiệm thu có điều kiện là phù hợp do Dự án đã chạy thử vận hành. Về mặt pháp lý và phạm vi hợp đồng EPC, nhà thầu HEC có quyền yêu cầu nghiệm thu để đưa nhà máy vào vận hành thương mại. Ngoài ra, kéo dài thời gian chạy thử thì Chủ đầu tư sẽ tốn kém thêm chi phí nguyên liệu. Điều kiện ở đây là trách nhiệm của hai bên sau khi nghiệm thu gồm giải quyết tranh chấp, các chi phí chưa đạt được thỏa thuận giữa hai bên mà thôi.

Những sai phạm ở PVTex, xảy ra trong quá trình quyết định dự án đầu tư, lập báo cáo khả thi, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện EPC; từ 2008 đến 19/8/2013. Các cá nhân sai phạm cũng đã bị xử lý hình sự (trừ ông Vũ Đình Duy đã trốn đi nước ngoài).

Ông Lê Mạnh Hùng, theo tinh thần kết luận thanh tra là không liên quan đến các sai phạm như quy kết trên báo chí, hoặc đơn kiến nghị như đã diễn giải ở trên đây. Cần biết, khi phụ trách dự án từ tháng 11/2013, ông đã cùng Ban tổng giám đốc PVN làm hết sức mình nhưng không thể cứu PVTex thoát lỗ do những lý do khách quan và chủ quan như đã nêu trên. Ngay cả trách nhiệm liên đới do ông là lãnh đạo phụ trách về lĩnh vực, cũng không liên quan. Vì sao? Vì trên hiện trạng dự án trì trệ, chậm tiến độ kéo theo chi phí chạy thử tăng để lại từ trước đó. Thiết nghĩ, phương án cho nghiệm thu có điều kiện mà ông Hùng cùng ban lãnh đạo PVN đưa ra đã là phương án tối ưu.

Tuy nhiên, suốt 3 năm dừng nhà máy, dù có những biến động nhân sự nơi đây, ông Hùng đã chỉ đạo, đôn đốc PVTex bảo quản tốt dây chuyền công nghệ. Vì vậy, đầu năm nay, được sự hỗ trợ của PVN, PVTex đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực xơ sợi đánh giá thiết bị công nghệ. Qua đó, cho thấy hệ thống dây chuyền công nghệ của PVTex, trừ một số thiết bị có xuất xứ Trung Quốc, được cung cấp bởi các nhà bản quyền uy tín ở Thụy Sĩ, Đức, các dây chuyền thiết bị thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, tuy đã dừng máy gần 3 năm nhưng được bảo quản tốt nên tình trạng thiết bị vẫn tốt, không bị xuống cấp.

PVTex hoạt động trở lại

Sau ba năm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân như chậm tiến độ, khi đi vào vận hành thương mại lại "rơi" vào chu kỳ đi xuống của thị trường xơ sợi; năng lực tài chính yếu kém khiến PVTex không trụ được qua thời kỳ khó khăn, với nỗ lực của PVN và các cổ đông cùng đối tác Tập đoàn An Phát Holding, tháng 4/2018 nhà máy đã khởi động 3 dây chuyền DTY. Các tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng đã giải quyết ổn thỏa.

Được biết, trong năm 2019, Tập đoàn và PVTex sẽ tiếp tục thực hiện vận hành lại toàn bộ nhà máy, tiến hành tái cơ cấu lại vốn cho PVTex và tập trung thực hiện quyết toán dự án Nhà máy. Đây là những công tác có độ phức tạp cao, là nền tảng để vận hành hiệu quả và lâu dài của PVTex. Chất lượng sản phẩm của nhà máy đáp ứng yêu cầu khách hàng và được tiêu thụ tốt. Công ty đã ký 60 hợp đồng cung ứng với 20 khách hàng, trong đó có những khách hàng có yêu cầu cao từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Quý I/2019, Nhà máy đã vận hành ổn định 10 dây chuyền sản xuất sợi cung cấp cho thị trường gần 2000 tấn sợi DTY. Đáng lưu ý là sản phẩm của PVTex đạt chất lượng cao và ổn định vượt mức kế hoạch, đồng thời chi phí sản xuất giảm đều giảm so với trước đây.
 

Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh trao quà Tết (năm 2019) cho đại diện người lao động tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Với sự quyết tâm, đồng lòng từ tập thể lãnh đạo tới những người lao động, cùng sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của PVN và Bộ Công Thương, PVTex đã tiến hành mời chào hợp tác rộng rãi trong nước và quốc tế. PVTex đã chọn lựa được đối tác hợp tác sản xuất là liên danh giữa Tập đoàn An Phát Holdings - đơn vị mạnh về tài chính và năng lực quản trị, Tập đoàn Reliance (Ấn Độ) - là tập đoàn sản xuất xơ sợi lớn thứ 2 thế giới và Fortrec (Singapore) - đơn vị có thế mạnh về thương mại và logistics.

PVTex và các đối tác đang tích cực đàm phán hợp đồng hợp tác SXKD cho cả nhà máy. Trong đó, dự kiến quý I/2019 sẽ ký kết hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ nhà máy và quý III/2019 sẽ khởi động lại toàn bộ nhà máy.

Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tin rằng, từ kinh nghiệm giải cứu PVTex để có kết quả hoạt động ổn định như hôm nay, ông Hùng và Ban lãnh đạo PVN sẽ tiếp tục đề án tái cơ cấu và tìm ra các giải pháp tối ưu đối với các dự án còn lại như Ethanol Phú Thọ, Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước. Xa hơn, là kiện toàn cơ cấu hoạt động và cổ phần hóa thông qua bán vốn trên sàn giao dịch chứng khoán đối với các thành viên PVPower, PVOil và BSR giúp các doanh nghiệp thành viên của PVN hoạt động chuẩn mực và hiệu quả hơn nữa.

NGUYỄN LÊ MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động