RSS Feed for Cơ chế hình thành và xu hướng áp dụng giá khí ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 19:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơ chế hình thành và xu hướng áp dụng giá khí ở Việt Nam

 - Hiện nay, thị trường khí cạnh tranh đã được phát triển rộng rãi ở rất nhiều nước trên khắp thế giới. Một số nước đã phát triển đến mô hình thị trường cạnh tranh bán lẻ. Tuy nhiên, tất cả các nước này đều trải trải qua các giai đoạn phát triển, thị trường khí từ mô hình cạnh tranh khai thác (một bên mua buôn duy nhất), sau đó mới tiến đến tự do hóa bằng việc mở cửa thị trường bán buôn và tiếp theo là thị trường bán lẻ. Vì vậy, quá trình vận động tiến tới thị trường khí cạnh tranh bán lẻ tại Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Thực trạng chính sách thị trường khí Việt Nam và giải pháp



Trong một báo cáo mới đây của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về Cơ chế hình thành và xu hướng áp dụng giá khí ở Việt Nam cho thấy: Tại Việt Nam, tùy thuộc từng sản phẩm khí, thị trường từng loại sản phẩm phát triển ở cấp độ khác nhau. Nhìn chung thị trường khí Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển giữa mô hình cạnh tranh khai thác khí và mô hình cạnh tranh bán buôn. Một phần nhỏ khí qua chế biến đã phát triển thị trường cạnh tranh bán lẻ. Để thị trường khí cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, phát triển bền vững ngành công nghiệp khí, Việt Nam cần xây dựng cơ chế giá minh bạch.

Dưới đây là tổng hợp, phân tích của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về thị trường khí Việt Nam:

1/ Trong vài thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp khí thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội mà thị trường khí ở mỗi quốc gia đạt được những bước tiến khác nhau. Gắn với từng thời kỳ, thị trường khí trên thế giới đã phát triên qua 4 mô hình, từ mô hình độc quyền liên kết dọc (một công ty thực hiện toàn bộ việc khai thác, vận chuyển, phân phối) đến tự do hóa cạnh tranh tăng dần, gồm: Mô hình cạnh tranh khai thác khí, mô hình cạnh tranh bán buôn và mô hình cạnh tranh bán lẻ. Ở thời điểm hiện tại, mô hình độc quyền liên kết dọc đã không còn tồn tại.

Thị trường khí Việt Nam hiện đang kinh doanh các sản phẩm khí chủ yếu như:

Thứ nhất: Khí thiên nhiên.

Thứ hai: LPG: Được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Hiện nguồn cung LPG từ nguồn trong nước cho thị trường nội địa đạt trên 60%.

Thứ ba: CNG: Được sử dụng làm nhiên liệu động cơ thay thế xăng, dầu. Ở Việt Nam, ngoài cung cấp CNG cho phương tiện vận tải, hiện nay CNG còn được cung cấp làm nhiên liệu cho các hộ công nghiệp nằm xa đường ống dẫn khí.

Thứ tư: Khí khô: Được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, làm nguyên liệu cho các nhà máy hóa dầu để sản xuất phân đạm, chế biến hóa dầu (polypropylene, polyethylene, methanol...) và cung cấp cho khách hàng công nghiệp. Hiện nay, khí khô được sử dụng để sản xuất gần 35% sản lượng điện và 70% sản lượng phân đạm của cả nước và sẽ được sử dụng làm nguyên liệu cho các tổ hợp lọc hóa dầu trong tưong lai gần.

Thứ năm: Khí ngưng tụ: Chủ yếu được dùng để sản xuất nhiên liệu: LPG, xăng, DO, FO và pha chế dung môi.

Thứ sáu: Khí LNG: chủ yếu phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Ở Việt Nam hiện chưa kinh doanh LNG, dự kiến năm 2020 sẽ bắt đầu nhập khẩu LNG cung cấp cho điện.

2/ Theo quy định quản lý Nhà nước về giá hiện hành (1), LPG, CNG, LNG là sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (hiện áp dụng biện pháp kê khai giá). Cơ chế giá đối với các sản phẩm này thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đối với các sản phẩm khí khác, đặc biệt là khí thiên nhiên (hiện cung cấp chủ yếu cho sản xuất điện, đạm) hiện không thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá, hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, do vai trò quan trọng của các sản phẩm này đối với nền kinh tế, là đầu vào quan trọng của sản xuât điện, đạm.

Vì vậy, gắn với các yêu cầu đặt ra trong quản lý tài nguyên, là việc hình thành cơ chế, chính sách về thăm dò, khai thác, kinh doanh khí nói chung, giá khí nói riêng.

Theo đó, đã có các quy định về cơ chế, chính sách với nguyên tắc chung là vừa thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước vào lĩnh vực này, vừa bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ lợi ích hợp lý của cả người sản xuất (khai thác, cung cấp khí) lẫn người sử dụng khí. Để đạt được nguyên tắc tổng hợp nêu trên, chính sách quản lý của Nhà nước về giá khí được phân ra cho từng khâu cụ thể của dây chuyền sản xuất, sử dụng khí:

Khâu thượng nguồn: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác.

Khâu trung nguồn: Vận chuyển bằng đường ống và phân phối khí đến các hộ sử dụng.

Khâu hạ nguồn: Các hộ sử dụng khí khác nhau.

Việc phân định này được thể hiện trong việc đưa ra các nguyên tắc, phương pháp để hình thành giá mua khí (giá mua khí tại mỏ; cước vận chuyển bằng đường ống; chi phí phân phối khí và giá khí bán cho các hộ sử dụng khí khác nhau) theo nguyên tắc theo cơ chế giá thị trường thỏa thuận giữa người khai thác; vận chuyển bằng đường ống và các hộ sử dụng khí. Cụ thể:

Giá mua khí đối với người sản xuất (khai thác khí tại mỏ, vận chuyển khí bằng đường ống) và phân phối khí: Nhà nước có chính sách bảo đảm cho các nhà đầu tư một tỷ lệ hoàn vốn nội bộ hợp lý tùy theo điều kiện cụ thể của từng dự án; từng mỏ cụ thể (tùy theo mức độ thuận lợi, khó khăn của từng mỏ khác nhau). Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh là Nhà nước không quy định tỷ lệ này mà đây chỉ là căn cứ để xác định giá mua khí và cước phí vận chuyển bằng đường ống để đàm phán với các đối tác đầu tư và về phái các nhà đầu tư sẽ dựa vào đó để tham khảo, quyết định đầu tư. Do vậy, theo cơ chế này, giá mua khí tại các mỏ khác nhau sẽ khác nhau tùy theo mức độ thuận lợi, khó khăn của từng mỏ như đã nói ở trên và thỏa thuận cụ thể trong quá trình đàm phán giữa các bên tham gia đầu tư.

Giá bán khí đối với người sử dụng khí: Thực hiện theo cơ chế giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên mua bán khí.

Nguồn khí ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam bộ (bể Nam Côn Sơn, bể Cửu Long, bể Malay - Thổ Chu). Trong đó, 90% sản lượng khí được ưu tiên cung cấp cho sản xuất điện. Giá bán khí cho sản xuất điện đối với lượng khí trên bao tiêu và lượng khí bán cho sản xuất đạm (khoảng trên 3 tỷ m3/năm) thực hiện theo lộ trình. Theo đó, giá khí bán cho sản xuất điện từ ngày 1/4/2014 bằng 70% (giá thị trường cộng (+) chi phí vận chuyển, phân phối). Từ ngày 1/7/2014 bằng 80% (giá thị trường cộng (+) chi phí vận chuyển, phân phối). Từ ngày 1/1/2015 bằng mức giá khí thị trường cộng (+) chi phí vận chuyến, phân phối.

Giá khí thị trường là giá khí miệng giếng được xác định bằng 46% MFO (giá dầu FO trung bình tháng tại thị trường Singapore theo Tạp chí Platt’s). Riêng đối với lượng khí trong bao tiêu bán cho sản xuất điện hiện thực hiện theo thỏa thuận tại các hợp đồng mua bán khí với tổng sản lượng khoảng 3,55 tỷ m3/năm; mức giá cụ thể được xác định theo từng năm đến 2023.

3/ Kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là xu hướng vận động và phát triển chung của thế giới. Theo đó, thị trường khí thế giới nói chung, thị trường khí Việt Nam nói riêng về cơ bản cũng sẽ vận động theo xu hướng này. Hiện nay, thị trường khí cạnh tranh đã được phát triển rộng rãi ở rất nhiều nước trên khắp các châu lục như: Liên bang Nga, châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, EU... Một số nước đã phát triển đến mô hình thị trường cạnh tranh bán lẻ như: Bỉ, Anh, Pháp, Mỹ, New Zealand…

Tất cả các nước này đều trải qua các giai đoạn phát triển thị trường khí từ mô hình cạnh tranh khai thác và một bên mua buôn duy nhất, sau đó mới tiến đến tự do hóa bằng việc mở cửa thị trường bán buôn và tiếp theo là thị trường bán lẻ. Vì vậy, quá trình vận động tiến tới thị trường khí cạnh tranh bán lẻ tại Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Nguyên tắc cơ bản của cơ chế giá thị trường là Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của ngành công nghiệp khí đối với kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như vấn đề an toàn, an ninh năng lượng nên vai trò quản lý của Nhà nước đối với các sản phẩm khí là cần thiết. Theo đó, cơ chế quản lý đối với giá khí trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước. Cụ thể:

Đối với các sản phấm LPG, CNG, LNG vẫn tiếp tục là mặt hàng đưa vào danh mục bình ổn giá; các doanh nghiệp thực hiện đăng ký (trong thời kỳ áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc kê khai giá (thường xuyên) theo quy định.

Đối với khí thiên nhiên: Các nguồn khí hiện nay đang có xu hướng suy giảm, cần xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác các nguồn khí bổ sung, hoặc thay thế các nguồn hiện tại. Đánh giá hiệu quả phương án nhập khẩu khí với những nguồn khí giá rẻ đảm bảo an ninh năng lượng, về cơ chế giá khí, xem xét đưa sản phẩm khí tự nhiên vào danh mục bình ổn giá (các hình thức quản lý đối với sản phẩm thuộc danh mục bình ổn giá như đăng ký giá, kê khai giá luôn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền chủ động quyết định giá của doanh nghiệp, việc đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích nắm bắt thông tin, kịp thời có biện pháp quản lý khi có biến động bất thường, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng). Đồng thời, cần xây dựng cơ chế giá minh bạch, cạnh tranh nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững ngành công nghiệp khí./.

(1): Luật Giá; Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.

NGUỒN: CỤC QUẢN LÝ GIÁ - BỘ TÀI CHÍNH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động