RSS Feed for Tại sao Việt Nam nên phát triển điện gió ngoài khơi? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 13/12/2024 00:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tại sao Việt Nam nên phát triển điện gió ngoài khơi?

 - Việt Nam may mắn sở hữu một số điều kiện tự nhiên rất tốt cho việc phát triển năng lượng gió ở khu vực châu Á. Điều này đặc biệt đúng đối với năng lượng gió ngoài khơi, nơi Việt Nam có một số điều kiện tốt nhất trên thế giới. Theo báo cáo 'Lộ trình gió ngoài khơi tại Việt Nam' của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất gió ngoài khơi từ 11 GW đến 25 GW cho đến năm 2035, có thể tạo ra tới 700.000 việc làm mỗi năm và giảm thiểu được 217 triệu tấn khí thải CO2.


Tổng quan thống nhất về giá trị tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam


Như thể hiện trong bản đồ dưới đây, tốc độ gió cao nhất và các vị trí gió ngoài khơi tốt nhất tập trung ở ngoài khơi Bình Thuận và Ninh Thuận. Tốc độ gió tốt được tìm thấy ở xa hơn và dọc theo bờ biển. Việt Nam có lợi thế lớn là có các khu dân cư lớn dọc theo bờ biển và các khu vực có tốc độ gió cao, nơi mực nước tương đối nông. Việt Nam cũng có công nhân lành nghề ở khu vực ngoài khơi, năng lực sản xuất mạnh mẽ và các bến cảng hiện đã được gia cố.

Dự án điện gió ngoài khơi Veja Mate được phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Partners (CIP). CIP hiện đang hợp tác cùng Asiapetro, Novasia và Copenhagen Offshore Partners (COP) phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gan có công suất dự kiến 3.5GW tại Tuy Phong, Bình Thuận.

Điện gió ngoài khơi là một công nghệ đã được chứng minh và giúp giảm chi phí đáng kể ở châu Âu, nơi các dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện trên quy mô lớn. Mô hình này cũng cung cấp một nguồn năng lượng với chi phí xây dựng rẻ hơn so với các dạng năng lượng khác như than đá, hạt nhân và khí đốt.

Điện gió ngoài khơi đang được triển khai tại các thị trường gần Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này sẽ dẫn đến một chuỗi cung ứng hoàn thiện và giảm chi phí trong khu vực châu Á, mà Việt Nam có thể đạt được lợi ích từ đó.

Sự kết hợp giữa các yếu tố luồng gió mạnh, vùng nước nông, các thành phố gần bờ biển, bến cảng hiện có và công nhân lành nghề của Việt Nam là điều kiện lý tưởng cho điện gió ngoài khơi. Việt Nam nắm giữ vị trí độc nhất vô nhị để theo đuổi điện gió ngoài khơi như một nguồn năng lượng an toàn và là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Hiện tại, chưa có trang trại điện gió ngoài khơi nào thực sự được hình thành ở Việt Nam. Phát triển điện gió của Việt Nam tập trung vào các khu vực ven bờ và bãi triều/gần bờ. Đây là những điển hình thường thấy ở một thị trường mới đang trong giai đoạn đầu áp dụng năng lượng gió tái tạo làm nguồn điện, vì các trang trại điện gió trên bờ và bãi triều/gần bờ có quy mô nhỏ, dễ tài trợ hơn và có thời gian phát triển ngắn hơn. Ví dụ, Đan Mạch và Trung Quốc lần đầu tiên bắt đầu phát triển điện gió ở khu vực thủy triều và gần bờ trước khi chuyển sang điện gió ngoài khơi.

 

Ở các quốc gia khác, động lực chính để di chuyển các dự án điện gió ra xa bờ là chất lượng của gió, không gian sẵn có, quan ngại về môi trường và tránh xung đột với các cộng đồng ven biển và người sử dụng biển.

Ở Việt Nam, gió ngoài khơi cũng mang lại những lợi ích tương tự. Các dự án điện gió ngoài khơi thực sự sẽ ở những khu vực có tốc độ gió cao hơn và ổn định hơn, hướng tới sản xuất năng lượng nhất quán và hiệu quả hơn. ‘Đất’ xa bờ có nhiều hơn ‘đất’ bãi triều/gần bờ - khu vực bị giới hạn bởi thủy triều và độ sâu của nước. Các trang trại gió ngoài khơi có khả năng ít tác động đến môi trường hơn, vì có ít đa dạng sinh học hơn ở các vùng nước sâu hơn. Các trang trại gió ngoài khơi cũng có ít tác động đến thị giác và tiếng ồn hơn, và sẽ ít ảnh hưởng tới những người sử dụng biển  hiện tại, chẳng hạn như các lĩnh vực quân sự, vận tải biển, đánh cá và du lịch.

Cho đến nay, sự phát triển của điện gió bãi triều/gần bờ ở Việt Nam đã được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ, trong đó ban hành các Biểu thuế Feed-In-Tariffs (FIT - giá bán điện năng (tariff) sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào (feed-in) hoặc bán cho lưới điện) cụ thể cho các dự án “trên biển” (bãi triều/gần bờ). Để điện gió ngoài khơi thành công ở Việt Nam, cần phải có một chính sách chuyên biệt tương tự. Điều này là do các đặc tính của gió ngoài khơi khác hẳn với gió bãi triều/gần bờ và chuỗi cung ứng cần có một bước khởi đầu. Những điểm khác biệt chính được tóm tắt dưới đây:

 

Để khai thác tiềm năng to lớn của điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, các nhà phát triển đang kêu gọi Chính phủ đảm bảo cho ngành, điều này sẽ cho phép họ đầu tư phát triển. Chính phủ có thể thực hiện bằng cách thiết lập các mục tiêu về điện gió ngoài khơi cũng như chính sách dành riêng cho điện gió ngoài khơi.

Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (Global Wind Energy Council - GWEC), thế giới đang đón nhận điện gió ngoài khơi - công suất gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng từ 29GW vào năm 2020 lên hơn 234 GW vào năm 2030, dẫn đầu bởi sự tăng trưởng theo cấp số nhân ở Châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở Châu Âu. Các quốc gia khác khởi đầu từ chính sách cho điện gió bãi triều/gần bờ như Đan Mạch và Trung Quốc cũng đã hoàn toàn chấp nhận điện gió ngoài khơi. Cũng giống như các thị trường này, Việt Nam có cơ hội tận dụng các điều kiện ven biển, đạt được an ninh về cung cấp năng lượng, tạo việc làm và cung cấp năng lượng điện gió sạch ngoài khơi trong những năm tới./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động