RSS Feed for Trước áp lực nhu cầu than, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách (Kỳ 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 17:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trước áp lực nhu cầu than, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách (Kỳ 2)

 - Hiện nay, việc khai thác than ngày càng khó khăn, do khai thác ngày càng xuống sâu hơn, xa hơn. Mặt khác, công tác cấp phép thăm dò, khai thác mỏ còn phức tạp, các loại thuế, phí tăng cao, dẫn đến giá thành sản xuất than tăng… đang là những khó khăn, thách thức kìm hãm ngành Than Việt Nam phát triển.

Trước áp lực nhu cầu than, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách (Kỳ 1)

KỲ CUỐI: KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

Điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn, khai thác ngày càng xuống sâu hơn, xa hơn, tăng tai biến địa chất, tăng áp lực mỏ, tăng khí độc hại và nước mỏ, tăng suất đầu tư, tăng chi phí khai thác... Ví dụ: suất đầu tư năm 2000 khoảng gần 50 USD/tấn thì nay tăng lên 150-180 USD/tấn công suất mỏ hầm lò, các mỏ lộ thiên từ năm 1995 đến 2015: hệ số bóc đất tăng 3,1 lần, từ 3,41m3/tấn lên 10,71 m3/tấn, cung độ vận chuyển đất tăng 4 lần từ 1,03 km lên 4,1 km, các mỏ hầm lò từ mức ± 0 so với mức nước biển đã xuống -500 m.

Chính sách xuất nhập khẩu than và thị trường không ổn định, trong khi nhu cầu than trong nước không như dự báo, tiến độ nhận than nhiều dự án nhiệt điện chậm so với kế hoạch, cạnh tranh của thanh nhập khẩu... dẫn tới tiêu thụ than của TKV giảm mạnh, tồn kho luôn ở mức cao. Trên thực tế, các năm gần đây TKV luôn tồn kho khoảng 8÷9 triệu tấn than thương phẩm. Năm 2017 dự kiến TKV sẽ tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu tấn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và giảm tiêu thụ cho các nhà máy điện 2 triệu tấn theo văn bản đề nghị của EVN nên dự báo sẽ tăng lượng tồn kho tương ứng.

Có sự thay đổi về chất, từ chỗ chỉ có một nguồn cung và một loại than là từ các mỏ than anthracite trong nước, hiện nay có thêm các nguồn cung từ các nước như Indonesia, Úc, Nga, Nam Phi, với các chủng loại than khác nhau và giá cả cạnh tranh, trong khi thị trường thế giới cũng biến động mạnh, đồng thời khó có những hợp đồng dài hạn.

Công tác cấp phép thăm dò, khai thác mỏ còn phức tạp. Mặc dù nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn, nhưng các thủ tục cấp phép hiện nay mất nhiều thời gian.

Các loại thuế, phí tăng cao, dẫn đến giá thành sản xuất than tăng. Hiện nay, tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 23% giá thành sản xuất một tấn than. Trong đó, thuế xuất khẩu than đá đang áp dụng 10%; thuế bảo vệ môi trường với than đang áp dụng từ 10.000 - 20.000 đồng/tấn; thuế tài nguyên với than đá đang thu từ 10- 12%. Về phí, lệ phí với than có khung từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn, mức cụ thể do Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành quyết định.

Tóm lại, hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến than và khoáng sản đang chịu 12 loại thuế, phí và lệ phí khác nhau.

Đầu tư sản xuất tiềm ẩn rủi ro. Cùng với kế hoạch phải tăng sản lượng, nhưng thị trường biến động không thuận lợi làm cho công tác đầu tư tiềm ẩn yếu tố rủi ro bất thường, khó đạt mục tiêu, cũng như khó khăn quyết định thực hiện. Trong khi nhu cầu đầu tư nâng công suất, cơ giới hóa và tự động hóa sẽ khó khả thi về mặt hiệu quả kinh tế.

Thị trường lao động khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và công nhân lành nghề. Trong khi sức hút vào ngành mỏ giảm sút so với nhiều ngành nghề khác hấp dẫn hơn, thể hiện bởi số lượng đào tạo và tuyển mộ suy giảm, trong khi số người bỏ việc ngành mỏ tăng cao.

Giải pháp thực hiện

Thứ nhất: Đổi mới và áp dụng KHCN vào sản xuất.

Chú trọng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Giai đoạn đến năm 2020, định hướng tập trung vào 6 chương trình KHCN trọng điểm sau:

1/ Cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản.

2/ Thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện.

3/ Phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản.

4/ Nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất.

5/ Tin học hóa, tự động hóa sản xuất; phát triển và tiết kiệm năng lượng.

6/ Nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KH&CN của Tập đoàn.

7/ Tạo điều kiện để các nhà khoa học chủ động nghiên cứu, đề xuất với Tập đoàn các nhiệm vụ KH&CN thiết thực, có tính ứng dụng cao trong thực tế theo hướng tự động hóa, thông minh hóa và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực quản lý, sản xuất kinh doanh.

8/ Tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng cơ khí phù hợp với các dây chuyền công nghệ sản xuất của Tập đoàn nhằm tăng cường nội địa hóa sản phẩm và giảm khối lượng nhập khẩu, dần tiến tới tự chủ sản xuất một số thiết bị, công nghệ chính phục vụ sản xuất.

Thứ hai: Đổi mới quản trị doanh nghiệp, quản trị chi phí.

1/ Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng giữ vững và củng cố các ngành nghệ sản xuất đã được khẳng định vị thế, tiến tới cổ phần hóa công ty mẹ, tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con.

2/ Quyết liệt chỉ đạo ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo an toàn, giảm số lao động trong dây chuyền sản xuất.

3/ Tăng cường các biện pháp quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

4y/ Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đảo quản lý, điều hành, đội nghũ chuyên gia kinh tế - kỹ thuật.

5/ Triển khai nghiêm túc quy chế khoán quản trị chi phí. Năm 2017, Tập đoàn đã khoán gọn, giao cho các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động SXKD.

6/ Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác mua bán, quản lý vật tư đầu vào; lựa chọn một số nhà sản xuất, chế tạo lớn để cung cấp vật tư trực tiếp, hạn chế tối đa nhà cung cấp vật tư trung gian nhưng phải đảm bảo giá cả cạnh tranh và đúng quy định.

7/ Rà soát để cắt giảm các dự án đầu tư chưa cấp thiết, đặc biệt đối với các dự án đầu tư duy trì sản xuất.

8/ Kiểm soát các chỉ số tài chính, tích cực thu hồi công nợ, làm việc với các ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay, đảm bảo các chỉ số tài chính giữ ở mức an toàn, không để mất cân đối nguồn, ảnh hưởng xấu đến tình trạng tài chính chung Tập đoàn.

Thứ ba: Nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên.

Tăng cường các biện pháp quản lý để nâng cao hệ số thu hồi, giảm tổn thất khai thác. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.

Đề xuất, kiến nghị

1/ Nhà nước rà soát luật định, ban hành những quy định về khai thác khoáng sản có tính cạnh tranh, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, như áp dụng hệ thống thuế, phí công bằng cho cả nhà nước và doanh nghiệp, cũng như những quy định bảo đảm những chủ trương chính sách nhất quán, ổn định, cam kết dài hạn.

2/ Nhà nước giao TKV chủ trì cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước tổ chức điều tra cơ bản, thăm dò than trong các vùng có tiềm năng chứa than theo nguyên tắc tự trang trải và được phép khai thác tại các khu vực đã thăm dò.

3/ Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho ngành Than - Khoáng sản trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để tiến hành khai thác trong các khu trụ bảo vệ để tận thu tối đa tài nguyên.

4/ Tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngành dịch vụ tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhưng cũng thường là những nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản.

5/ Coi trọng ý nghĩa yếu tố ổn định xã hội và an ninh chính trị bên cạnh các tiêu chí về hiệu quả kinh tế phát triển ngành Than.

6/ TKV được xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển.

7/ Có cơ chế đặc thù cho TKV thực hiện công tác thăm dò, đầu tư các dự án mỏ than theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (nên chăng có cơ chế để các hộ sử dụng than tham gia góp vốn khi đầu tư mở mỏ, hoặc các hộ tham gia nhập khẩu, cung ứng than cần góp vốn khi đầu tư mở các cảng, kho than).

8/ Có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước, nhất là đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than để TKV xác định được nhiệm vụ dài hạn xây dựng các mỏ than, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế.

9/ Giá bán than được thực hiện theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ độc quyền, bao cấp trong sản xuất và tiêu dùng than nhằm sử dụng hợp lý và tiết kiệm than, ổn định sản xuất; góp phần cân đối tài chính và có vốn đầu tư phát triển ngành Than.

10/ Cho phép TKV được xuất khẩu dài hạn tất cả các chủng loại than mà trong nước không, hoặc chưa có nhu cầu sử dụng, không phụ thuộc vào hạn ngạch để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.

11/ Phê duyệt danh sách các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ nhập khẩu than và có chính sách nhập khẩu than phù hợp để các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động tìm nguồn, đàm phán và ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt là chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc nhập khẩu than dài hạn về Việt Nam theo Quy hoạch.

KIỀU KIM TRÚC - BAN KHOA HỌC VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TKV

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động