RSS Feed for Trung tâm Điện lực Long An và vấn đề môi trường | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 09:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trung tâm Điện lực Long An và vấn đề môi trường

 - Trước ý kiến lo ngại về việc xây dựng Trung tâm Điện lực Long An sẽ tiềm ẩn rui ro cao về ô nhiễm môi trường cho người dân sống ở khu Nam TP. Hồ Chí Minh, cũng như những quan ngại về các chất thải phát sinh từ hoạt động của nhà máy nhiệt điện than, chúng tôi cho rằng, những quan ngại này là rất chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án nhiệt điện than đang và sẽ xây dựng tại nước ta đều dựa trên nền tảng công nghệ than sạch, tiên tiến của thế giới, với những giải pháp xử lý phát thải nghiêm ngặt đảm bảo giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường...

Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 2)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 3)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 4)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 5)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 6)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 7)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 8)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 9)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 10)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 11)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 12)

Theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), giai đoạn 2016 - 2030 công suất nguồn nhiệt điện than của cả nước sẽ tăng thêm hơn 40.000 MW (từ 13.200 MW năm 2015 lên 55.300 MW năm 2030). Trong đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long có 11 dự án, với tổng công suất gần 14.600 MW. Trong số 11 dự án này có 2 công trình, với tổng công suất 2.800 MW sẽ được xây dựng tại tỉnh Long An (gần Thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm phụ tải lớn nhất cả nước). Đó là các dự án Long An I (2x600 MW) dự kiến hoàn thành vào năm 2024 - 2025 và Long An II (2x800) hoàn thành năm 2026 -2027.

Theo báo Sài Gòn giải phóng (SGGP), ngày 30/3/2017 Bộ Công Thương và UBND tỉnh Long An đã có cuộc họp với các bên liên quan về thống nhất địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An (Trung tâm này bao gồm Long An I và Long An II).

Tại cuộc họp này, Bộ Công Thương thông báo, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC 2) đã đưa ra 3 địa điểm để đánh giá so sánh về điều kiện tự nhiên, yêu cầu kỹ thật… Tư vấn đã chọn địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Địa điểm này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ để phát triển 2 dự án, với tổng công suất 2.800 - 3.600MW và phù hợp với các quy hoạch của tỉnh Long An, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, liên quan đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng tại xã Phước Vĩnh Đông, UBND TPHCM đã có văn bản gủi Bộ Công Thương. Trong đó, ngoài những nhận xét, đánh giá ưu nhược điểm về địa hình, lưu thông, mặt bằng… của vị trí xây dựng Trung tâm Điện lực, chính quyền thành phố đã nêu "Việc xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than đặt tại vị trí trên sẽ tiềm ẩn rui ro cao về ô nhiễm môi trường cho người dân sống khu Nam TPHCM và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực này".

Ngoài ra, hai chuyên gia môi trường là PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM và GS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên cũng đã nêu lên những quan ngại về các chất thải phát sinh từ hoạt động của nhà máy nhiệt điện than này như: tro bụi, xỉ than, nước thải công nghiệp, các chất gây mưa axit như NOx, SO2… sẽ tác động trực tiếp đến sức khoẻ của người dân.

Đáng chú ý, với vị trí này, nhà máy nằm ngay hướng đầu nguồn gió Tây Nam thổi về TPHCM nên sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường sống người dân khu đô thị cảng Hiệp Phước, Phú Mỹ Hưng, quận 8 và quận 1.

Có thể nói, những băn khoăn, quan ngại của Thành phố Hồ Chí Minh lên quan đến tác động môi trường của Trung tâm Nhiệt điện Long An là rất chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án nhiệt điện than đang và sẽ xây dựng tại nước ta đều dựa trên nền tảng công nghệ than sạch, tiên tiến của thế giới với những giải pháp xử lý phát thải nghiêm ngặt đảm bảo giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường, cụ thể như sau.

Một là: Chất thải rắn

Chất thải rắn chủ yếu là xỉ đáy lò kết dính thành cục lớn, chiếm khoảng 15% tổng lượng chất thải rắn và tro bay cỡ hạt bé (nhỏ hơn 1% mm), chiếm khoảng 85% được thu hồi qua lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất 99,75%, chỉ còn  0, 25 % tro bay (bụi nhỏ) bay theo khói thải ra môi trường không khí qua ống khói. Xỉ và tro được thu gom và thải ra bãi chứa. Các bãi chứa tro xỉ đều được gia cố nền móng để chống thẩm thấu nước đọng ra môi trường xung quanh (môi trường đất và nước).

Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện tiến hành phân tích tro xỉ thường xuyên để bảo đảm tro xỉ không có các chất thải độc hại.

Cần lưu ý rằng, các nhà máy nhiệt điện tại Đồng bằng sông Cửu Long đều sử dụng than nhập khẩu (than bitum hoặc á bitum) có độ tro thấp (dưới 10% so với 30% của than cám 5 (than antraxit) Quảng Ninh) và chất bốc cao (than á bitum Indonesia có chất bốc tới 50% trong khi than Quảng Ninh là dưới 6,5%) nên hạn chế đáng kể diện tích bãi chứa tro xỉ và giảm đáng kể hàm lượng carbon trong tro đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất vật liệu xây dựng.

Hai là: Chất thải nước

Thứ nhất: Nước làm mát - nhu cầu nước làm mát ở nhà máy nhiệt than và nói chung cho nhà máy nhiệt điện rất lớn, đây là lượng nước mát để hấp thụ nhiệt thải từ hơi ngưng tụ tại bình ngưng của nhà máy điện.

Theo thống kê cho thấy, với nhiệt điện than nước làm mát cần trung bình khoảng 150 lít/kWh. Theo quy định, nhiệt độ gia tăng của nước làm mát bình ngưng được tính toán thiết kế theo không được vượt 7-8 độ C. Như vậy, nước làm mát ra khỏi bình ngưng không cao quá 8 độ C so với nhiệt độ nước sông, hồ, biển (tại Việt Nam quy định bình quân là 25 độ C), nhằm đảm bảo sự sống cho các sinh vật. Khoảng cách giữa cửa nhận nước làm mát và điểm trả lại nước phải đủ lớn (thường khoảng 500m), để đảm bảo cho nước tuần hoàn qua bình ngưng hòa trộn đều với nước sông, hồ, biển. Phần lớn các nhà máy điện hiện có và trong tương lai nói chung đều sử dụng hệ thống tuần hoàn làm mát bình ngưng theo kiểu này.

Thực tế cho thấy, đảm bảo mức tăng nhiệt độ không quá 8 độ C, các loại sinh vật dưới nước không bị ảnh hưởng. Muốn an toàn hơn, có thể chọn mức gia tăng nhiệt độ thấp hơn 7-8 độ C.

Thứ hai: Nước súc rửa công nghiệp, nước thải sinh hoạt có lẫn hóa chất, dầu, nước có các yếu tố mất vệ sinh (khối lượng ít hơn nhiều so với nước làm mát): được xử lý riêng theo phê duyệt báo cáo tác động môi trường, bảo đảm đạt yêu cầu mới thải ra môi trường. Các nhà máy nhiệt điện đều có hệ thống xử lý các loại nước thải này.

Ba là: Chất thải khí

Chất thải khí thể hiện ở khói thải ra khỏi ống khói, trong khói có các khí CO2, SO2, NOx và bụi. Khí nhà kính CO2, than sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện có hàm lượng carbon trung bình khoảng 50 - 60%, 1kg than tạo ra khoảng 1,8 -  2 kg CO2. Do vậy, nhà máy nhiệt điện than là nguồn phát thải khí CO2 lớn nhất trong các loại xí nghiệp công nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê khí nhà kính ở nước ta (kể cả CH4 của các hoạt động sinh vật) chỉ chiếm tỷ lệ dưới 0,5% tổng lượng phát thải của thế giới, nên yêu cầu giảm CO2 đối với Việt Nam chưa đặt ra cấp thiết (trong khi Mỹ và Trung Quốc phát thải đến 50% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu).

Hiện tại, tất cả các nước trên thế giới đều phát thải CO2 vào không khí, chưa có biện pháp chôn lấp CO2.

Với khí SO2 là khí độc, có mùi khó chịu, tạo ra mưa axit. Các nhà máy nhiệt điện đều có hệ thống khử SO2 (FGD) bằng đá vôi (bột đá vôi, hay dung dịch đá vôi) hoặc nước biển để đảm bảo nồng độ phát thải SO2 nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Còn khí NOx cũng là khí độc hại và tạo mưa axit như SO2. Nitơ là khí trơ chỉ bị oxy hóa trong môi trường nhiệt độ cao, giàu oxy.

Trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện sử dụng antraxit là than khó cháy nên nhiệt độ cháy cao - do đó tạo ra NOx nhiều hơn so với than nhập khẩu, dễ cháy.

Tại các nhà máy nhiệt điện mới xây dựng tại Việt Nam đều có đặt thiết bị khử NOx để bảo đảm NOx phát thải dưới giới hạn cho phép. Dùng NH3 để khử NOx sẽ tạo nên sản phẩm khử là (NH4) 2NO3 làm phân bón.

Cuối cùng là bụi: Các hạt rắn không bị khử qua khử bụi tĩnh điện (0,25 %), cỡ hạt cực nhỏ (bụi lơ lửng khó lắng đọng, được phân tán trong một không gian rất rộng có bán kính tới trên 50 km từ ống khói, tùy thuộc vào độ cao của ống khói, nên gần như không làm tăng nồng độ bụi trong môi trường không khí xung quanh. Các nhà máy nhiệt điện hiện đại thường có ống khói rất cao (phổ biến trên 200m) nên nồng độ bụi phân tán trong không khí rất bé, ảnh hưởng rất ít đến nồng độ trong môi trường không khí xung quanh.

Riêng tình trạng bụi bay tới khu dân cư xảy ra tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là do tro xỉ thải ra bãi chứa bằng phương pháp khô (dùng xe ô tô vận chuyển) khi gặp gió (huyện Tuy Phong, Bình Thuận, nơi đặt nhà máy nhiệt điện, là khu vực có nhiều gió) nên đã thổi bụi bay tới khu dân cư. Sau đó, Nhà máy đã dùng nhiều biện pháp tốn kém để khắc phục và đã khắc phục được triệt để.

Tóm lại, để đảm bảo trong quá trình hoạt động không gây tác động đến môi trường sinh thái, nhà máy nhiệt điện than cần nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động môi trường được phê duyệt với các nội dung chủ yếu dưới đây.

(1) Tất cả các chất phát thải độc hại đều phải được xử lý trước khi thải ra môi trường với các phương pháp xử lý hiện đại có chi phí đầu tư lớn.

(2) Nhà máy điện cần tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý.

(3) Do số lượng chất thải lớn nên hệ thống quan trắc cần được ghi chép tự động và nối mạng với hệ thống quan trắc chung để tiện cho việc theo dõi đồng bộ và xử lý các hoạt động đúng quy trình.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN, HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động