RSS Feed for Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 5) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 14:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 5)

 - Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về dự báo tiềm năng dầu khí vùng nước sâu theo trào lưu chung của thế giới, nhưng dù sao tiềm năng này ở Việt Nam vẫn còn là lý thuyết. Mặt khác, một số vấn đề chưa được sáng tỏ: Giới hạn vùng nước sâu, vùng không tranh chấp đến đâu? Giải pháp đối phó có hiệu quả với các phản ứng của những kẻ có dã tâm chiếm đoạt phần thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam như thế nào? Cách thức giải quyết tác động tiêu cực của yếu tố giá dầu thấp kéo dài ảnh hưởng đến kế hoạch thăm dò trong lúc vốn đầu tư của chúng ta còn rất hạn chế để cho kế hoạch có thể khả thi?

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 1)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 2)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 3)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 4)

BÀI 5: TRƯỚC THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC MỚI

Các hoạt động dầu khí chủ yếu ở Việt Nam được tiến hành tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và được Bộ Công Thương quản lý trực tiếp. Trong nghị quyết số 41 NQ/TW ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị, PVN được đánh giá có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội, đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Đó là sự đánh giá rất cao đối với các thành tích của PVN qua từng năm, được lãnh đạo Tập đoàn công bố đầy đủ trên các phương tiện truyền thông.

Tóm tắt lại, đến cuối năm 2016, PVN đã đạt tổng doanh thu 310 tỷ USD, trong đó có 148 tỷ từ xuất khẩu dầu thô và 162 tỷ từ các hoạt động khác, nộp Ngân sách Nhà nước 92 tỷ USD, gần 1/3 doanh thu, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt gần 440 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt 760 nghìn tỷ đồng. Trung bình mỗi năm PVN duy trì mức tăng trưởng doanh thu 15-20%, đóng góp 20 % tổng thu Ngân sách Nhà nước, chiếm 8% /năm tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu trong 5 năm (2011-2016) đạt 18,4%/năm. Hệ số nợ/tổng tài sản hợp nhất tại thời điểm 30/9/2016 là 0,4 lần, bảo đảm an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển...

Ngày 23/7/2015, Nghị quyết số 41-NQTW của Bộ Chính trị đã xác định định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2035, với mục tiêu tổng quát là phát triển ngành Dầu khí Việt Nam thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, xuất nhập khẩu. Trong chiến lược dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2015, mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển PVN thành đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí VN, có tiềm lực mạnh mẽ về tài chính và khoa học công nghệ, năng động, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế. Các thông tin nêu trên là tiền đề là điều kiện đủ cho PVN phát triển cao và bền vững, nằm trong tốp đầu của các tập đoàn dầu khí quốc gia trong khu vực trong tương lai.

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam trong giai đoạn sau 2015, PVN đã soạn thảo kế hoạch cùng chương trình hành động hết sức nghiêm túc để triển khai thực hiện thắng lợi chiến lược đó. Tuy nhiên gần đây các dự báo khuynh hướng diễn biến thị trường dầu khí thế giới đều cho thấy sẽ có nhiều biến động bất thường liên quan không những với những thay đổi trong môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự xuất hiện những nguồn cung năng lượng thay thế dầu mỏ nhanh hơn dự kiến…) mà cả với an ninh, hoặc với các yếu tố địa chính trị - kinh tế... nên hầu như tất cả các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ đều điều chỉnh các mục tiêu chiến lược của họ cho phù hợp với tình hình mới.

Đương nhiên Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Trong những tháng đầu năm 2017, PVN đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học theo chuyên đề và đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp hợp lý, khả thi để vượt qua các thách thức, rủi ro có thể sẽ gặp phải nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ Chính phủ giao trong kế hoạch hàng năm.

Hội thảo “Thăm dò - khai thác dầu khí năm 2017” ngày 23/3/2017 cùng các hội thảo sau đó về các lĩnh vực khác đã tập trung phân tích các khó khăn, thách thức, rút ra các bài học kinh nghiệm hoạt động trong quá khứ để giải quyết các vấn đề  liên quan đến mục tiêu  nhiệm vụ cho giai đoạn 2018-2020.

Trong lĩnh vực hoạt động thượng nguồn, các hội thảo đã nhấn mạnh nhiều đến những khó khăn mà tập thể kỹ thuật trong ngành trước đây nhiều năm đã cảnh báo như: tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông, gần bờ không còn nhiều thể hiện qua số lượng các phát hiện trong 5 năm trở lại đây khá khiêm tốn và đều là các mỏ nhỏ, cận biên; tiềm năng dự báo sắp tới nằm chủ yếu ở vùng nước sâu, điều kiện thi công phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao, chi phí cao; rủi ro địa chất và điều kiện lý - hóa của các tích tụ không mấy thuận lợi.

Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về dự báo tiềm năng vùng nước sâu theo trào lưu chung của thế giới nhưng dù sao tiềm năng này ở Việt Nam vẫn còn là lý thuyết vì chưa được kiểm nghiệm nên đặt ra nhiệm vụ tăng cường đầu tư cho thăm dò vùng này để chứng minh tiềm năng đó là rất đúng đắn. 

Tuy nhiên, một số vấn đề chưa được sáng tỏ như giới hạn vùng nước sâu, vùng không tranh chấp đến đâu? Giải pháp đối phó có hiệu quả với các phản ứng côn đồ của những kẻ có dã tâm chiếm đoạt phần thềm lục địa hợp pháp của ta như thế nào? Cách thức giải quyết tác động tiêu cực của yếu tố giá dầu thấp kéo dài ảnh hưởng đến kế hoạch thăm dò trong lúc vốn đầu tư của ta còn rất hạn chế để cho kế hoạch có thể khả thi?

Về giải pháp công nghệ đề xuất để vượt qua các khó khăn này dường như vẫn nằm trong các khung truyền thống nên cần thiết phải làm sao để giải pháp “đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ trực tiếp cho công tác tìm kiếm thăm dò” ghi trong kết luận không trở thành một khẩu hiệu khi chưa định hướng được công nghệ tiên tiến đó là gì.

Vì vậy, nên chăng PVN nên ưu tiên sử dụng trí tuệ và nguồn lực cho hoạt động tìm kiếm - thăm dò để thực hiện tập trung thăm dò thẩm lượng các đối tượng ở trong, hoặc gần hệ thống khai thác hiện có và sắp có để có thể sớm phát triển khai thác khu vực các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Bắc Sông Hồng, Đông Bắc Phú Khánh và Tư Chính - Vũng Mây.

Tức là những khu vực có xác suất thành công cao, có sẵn cơ sở hạ tầng cùng điều kiện bảo đảm an ninh, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các bẫy phi cấu tạo, phi truyền thống, các đối tượng trước Cenozoic, như những đề xuất nêu trong phần đầu của kết luận hội nghị để mở ra hướng tìm kiếm thăm dò cho các năm sau xa hơn.

Đối với đề xuất đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài nên có cái nhìn và đánh giá đúng đắn khả năng thực tế về vốn, công nghệ, nhân lực và trình độ quản lý để triển khai thận trọng trước rất nhiều rủi ro trong thế giới hiện thực.

Về tư duy, nên xem đầu tư ra nước ngoài là một hoạt động kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận, tăng tiềm lực tài chính của PVN chứ mục đích trực tiếp không phải để bảo đảm an ninh năng lượng, bắt buộc phải tiến hành bằng mọi giá.

Để rút ra các bài học hữu ích từ hoạt động này trong quá khứ cần đầu tư tiếp tục cho các nghiên cứu sâu hơn, với công nghệ cao hơn, có tính ứng dụng nhiều hơn phù hợp với điều kiện thực tế của PVN về đánh giá mô hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã được Viện Dầu khí Việt Nam tiến hành bước đầu năm 2013 rất có giá trị, tuy chỉ mới tổng kết các kinh nghiệm nước ngoài.

Về lĩnh vực hạ nguồn, hội thảo "Nâng cao công tác quản trị cho các doanh nghiệp khâu sau trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập" đã tập trung giải đáp các vấn đề đặt ra trong quy hoạch phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí đến năm 2025 định hướng đến năm 2035. Với tỷ trọng trong cơ cấu trong doanh thu PVN chiếm đến 38%, các khuyến nghị phát triển ngành lọc - hóa dầu, chế biến khí về sự cần thiết áp dụng đồng bộ các công nghệ, ứng dụng quản trị tiến bộ, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển đa dạng sản phẩm, tiết giảm chi phí, tổ hợp công trình dự án, nâng cao chuỗi giá trị... đã được đề xuất để đưa phân ngành này của PVN nhanh chóng tiến tới ngang bằng, cạnh tranh được với các nhà máy cùng loại trong khu vực.

Với định hướng quy hoạch đến năm 2035 hình thành 4 cụm lọc - hóa dầu tích hợp ở cả 3 miền đất nước, tận dụng nguồn tài nguyên trong nước đặc biệt là khí đốt cũng như nhập khẩu nguyên liệu dầu khí nước ngoài, theo chiến lược phát triển cụm công nghiệp gắn kết giữa các lĩnh vực có liên quan cũng như với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tiếp thu và đổi mới, sáng tạo công nghệ, tạo dựng và phát triển thị trường là những kiến nghị có tầm nhìn xa.

Chúng tôi cho rằng, với một đất nước có tiềm năng dầu khí không lớn trong lúc nhu cầu các sản phẩm dầu khí nội địa cũng như khu vực phát triển cao thì việc học tập kinh nghiệm các nước không có hoặc có ít tài nguyên năng lượng để phát triển mạnh ngành lọc hóa dầu - khí theo hướng kinh doanh thương mại trên thị trường nội địa lẫn thế giới là một giải pháp xây dựng, phát triển nhanh nền kinh tế rất đáng lưu tâm. Việc do dự, chần chừ xây dựng ngành lọc - hóa dầu trong quá khứ ở nước ta đã bỏ mất nhiều cơ hội để đưa công nghiệp dầu khí Việt Nam đuổi kịp các nước khác là một bài học đắt giá cần rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, nếu các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ của chính phủ giao nếu có những điểm chưa hợp lý thì cũng cần kiến nghị sửa đổi kịp thời để phù hợp với khả năng thực hiện của PVN.

Công nghiệp dầu khí nước ta trước mắt có rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan nhưng không thiếu những lợi thế rất cơ bản. Đó là tài nguyên dầu khí có sẵn (tuy không nhiều), nhưng có đủ để phát triển, con người Việt Nam thông minh, khả năng tiếp thu, hòa nhập với trình độ văn minh thế giới không kém các dân tộc khác, điều kiện hòa bình trong tiến trình toàn cầu hóa cùng vị thế đất nước, kết quả của cuộc chiến đấu ngoan cường để giành độc lập, tự do trong suốt chiều dài lịch sử đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhận thức thật đúng những điểm mạnh và điểm yếu của mình để PVN có những giải pháp hữu hiệu, thiết thực, nhằm thực hiện các kỳ vọng của đất nước là điều hoàn toàn có thể. 

TS. TRẦN NGỌC TOẢN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động