RSS Feed for Phát triển năng lượng góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 07:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển năng lượng góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

 - Cùng với sự đổi mới về cơ chế quản lý, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo những hành lang pháp lý cho sự phát triển và hình thành thị trường năng lượng Việt Nam, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới phục vụ tốt nhất lợi ích người tiêu dùng.

 

ÔNG PHẠM XUÂN ĐƯƠNG, UVBCHTW Đảng, PTBTTBKTTW

Thưa các quý vị đại biểu!

I. Tổng quan phát triển năng lượng Việt Nam

Cùng với sự đổi mới về cơ chế quản lý, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo những hành lang pháp lý cho sự phát triển và hình thành thị trường năng lượng Việt Nam, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới phục vụ tốt nhất lợi ích người tiêu dùng.

Trong 30 năm qua cùng đất nước đổi mới, với sự nỗl ực của ngành,vượt quan nhiều khó khăn thử thách năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, sản lượng tăng bình quân 14%/năm (giai đoạn 2010-2013), từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hơn 98% dân cư được sử dụng điện. Ngành năng lượng đã có những đóng góptolớn,đặc biệt là thu ngân sách quốc gia (chiếm trên 30% tổng thu ngân sách hàng năm), an ninh năng lượng ngày càng được củng cố và tăng cường.

Thị trường năng lượng Việt Nam đã có bước tiến, định hướng phát triển theo lộ trình đối với từng lĩnhvực cụ thể. Hoạt động phân phối năng lượng cũng đã trải qua các giai đoạn tương ứng, từ phương thức cung cấp theo định lượng, áp dụng một mức giá thống nhất đến mua bán theo nhu cầu, thông qua hợp đồng kinh tế. Bước đầu, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh giá điện, giá than theo cơ chế thị trường.

Tuy vậy, năng lượng Việt Nam vẫn còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư. Phân bố hệ thống năng lượng theo vùng, lãnh thổ còn thiếu cân đối. Công nghệ của hệ thống các nhà máy điện chỉ đạt trình độ trung bình so với trình độ công nghệ của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống lưới điện chất lượng thấp, tổn thất điện năng còn lớn. Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp; sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả, cường độ năng lượng và cường độ điện cao hơn mức trung bìnhcủa thế giới; đầu tư cho sự phát triển năng lượng vẫn chưa đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội; tiến độ của nhiều dự án còn chậm... Phát triển năng lượng chưa thực sự gắn kết với giữ gìn môi trường sinh thái nhằm bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

Hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; hiệu quả sản xuất và tiếp cận thị trường chưa cao; giá năng lượng chưa phản ánh chính xác các yếu tố đầu vào của sản xuất và phân phối sản phẩm năng lượng. Việc phân loại đối tượng khách hàng sử dụng điện chưa rõ ràng. Chính sách về giá bán khí chậm được xây dựng. Việc xây dựng và thực hiện thị trường than còn chậm và thiếu đồng bộ.

Nguyên nhân chính của tồn tại nêu trên là do:

- Chậm đổi mới, vận hành nền kinh tế thịt rường định hướng XHCN

- Chất lượng công tác quy hoạch thấp, chưa đồng bộ, thiếutính khả thi. Thời gian qua, mới chú trọng phát triển các ngành năng lượng không tái tạo (khai thác dầu khí, than), các ngành năng lượng tái tạo chưa phát triển.

- Chưa có các chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế; Vai trò quản lý nhà nước, phân cấp đầu tư chưa phù hợp, phân cấp mạnh nhưng thiếu sự quản lý tập trung thống nhất và khả năng cân đối nguồn lực, thiếu chế tài kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

- Cơchế quản lý thị trường điện còn nhiều bất cập; Cơ chế bù giá xăng dầu duy trì quá lâu làm giảm động lực tiết giảm chi phí, doanh nghiệp không có tích lũy cho đầu tư phát triển; việc bình ổn thị trường ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn... Cơ chế giá than cũng như lộ trình hình thành, phát triển thị trường than còn chưa đồng bộ và chưa hoàn chỉnh.

- Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đang trong giai đoạn thí điểm, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến các tập đoàn kinh tế còn thiếu, chưa đồng bộ.

II. Định hướng phát triển năng lượng Việt Nam

Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh CNH, HĐH với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, mức tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam có thể tăng gấp 2 lần vào năm 2015 và tăng gấp 4 lần vào năm 2025. Việc bảo đảm nhu cầu về năng lượng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng.

Phát triển năng lượng gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đi trước một bước,đồng bộ,phát triển bền vững,đa dạng hóa các nguồn năng lượng,ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại.

Ngành năng lượng cần phải sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước kết hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngoài một cách hợp lý; thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện mở, liên kết có hiệu quả trong khu vực và toàn cầu, gắn với giữ vững an ninh quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ. Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống thị trường năng lượng: điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo; đồng bộ cả hệ thống dịch vụ và tái chế.

- Đối với ngành điện: Với tiến độ xây dựng các nhà máy điện và dự báo nhu cầu điện, Việt Nam sẽ phải trải qua giai đoạn thiếu điện khoảng (10,2 tỷ kWh) vào năm 2015. Vì vậy, thời gian tới cần huy động và tập trung nguồn lực để đầu tư nguồn và lưới điện đáp ứng tiến độ và chất lượng theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quan tâm phát triển lưới điện nông thôn (đến năm 2015, đạt 100% số hộ dân trong cả nước có điện); nâng cao chất lượng cung cấp điện và chất lượng dịch vụ.

- Đối với ngành dầu khí: phát triển ngành dầu khí năng động, có sức cạnh tranh, hiệu quả cao gắn với phát triển thị trường các sản phẩm dầu khí và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát triển lọc hóa dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng và dịch vụ dầu khí cho thị trường khu vực, tranh thủ lợi thế về địa kinh tế của Việt Nam.

- Đối với ngành than: Than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng tại Việt Nam. Than Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ và phương pháp khai thác là một trong những yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm khai thác có hiệu quả và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời cần giải quyết quan hệ giữa than nội địa và than nhập. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu than, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác hiện trường nhập khẩu than.

III- Một sốgiải pháp phát triển năng lượng Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và đẩy mạnh cải cách hành chính. Hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế và vận hành theo cơ chế thị trường đã được xác định là một trong ba đột phá chiến lược đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các cơ chế, chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt đột phá chiến lược nêu trên, trong đó tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

Một số giải pháp:

- Xây dựng cơ chế cụ thể để phát triển từng ngành năng lượng: điện, than, dầu khí, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành để tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh, chức năng làm chính sách với chức năng giám sát thị trường để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành năng lượng trong điều kiện hội nhập quốc tế. Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước nhằm hạn chế sự chồng chéo trong phát triển các ngành: điện, than, dầu khí, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

- Nhà nước có vai trò tạo động lực cạnh tranh quốc gia; thiết lập hạ tầng đồng bộ chi phí thấp; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; đổi mới phương pháp quản trị, điều hành, giám sát thị trường tạo nên sự lành mạnh, ổn định, công bằng cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường; xây dựng, phát triển thị trường quốc tế và khu vực.

- Triệt để sử dụng những ưu việt của "cơ chế thị trường" trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội và kiên định thực hiện phương thức quản lý theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Phát huy vai trò, chức năng thị trường trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực; đổi mới công nghệ và trình độ quản lý; tăng năng suất, hiệu quả, nhất là trong phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

- Xây dựng cơ chế để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư và phát triển các phân ngành năng lượng. Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển năng lượng đồng bộ; tạo cơ sở định hướng đầu tư cho doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế). Tăng cường đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện công khai danh mục các dự án đầu tư; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

- Đẩymạnh cải cách hành chính theo hướng: các cơ quan quản lý Nhà nước hướng mạnh về doanh nghiệp và vì doanh nghiệp. Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai ứng dụng chính quyền điện tử (e-government) trong việc cung cấp các dịch vụ công để bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

- Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.

- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngành năng lượng. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ngành năng lượng.Tăng cường cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Rà soát đổi mới các cơ chế, chính sách không hợp lý, đặc biệt là các cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp, chính sách đất đai, cơ chế giám sát, cơ chế tiền lương, chính sách thuế... để rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực tế, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cơ chế chính sách này phải được điều chỉnh phù hợp với lộ trình cam kết quốc tế về từng lĩnh vực và phải có độ trễ để các doanh nghiệp chủ động và tiên liệu được những rủi ro nảy sinh khi thay đổi chính sách. Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân tham gia mạnh hơn vào phát triển ngành năng lượng.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò,khai thác dầu khí, than; sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, đào tạo theo hướng vừa tập trung, vừa chuyên sâu; phát triển đồng bộ tiềm lực khoa học - công nghệ, ứng dụng và cải tiến công nghệ nước ngoài, tiến tới sáng tạo công nghệ trong ngành năng lượng của Việt Nam.

Thưa các đồng chí

Để tạo dựng thị trường năng lượng cạnh tranh hoàn chỉnh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý và vận hành minh bạch, công khai; Nhà nước cần sử dụng sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tôi tin tưởng rằng, những ý kiến góp ý tại Hội thảo quốc tế này, đặc biệt là các ý kiến của các tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng phát triển châu Á…) và các cơ quan, đơn vị trong ngành năng lượng sẽ là những tham khảo quý báu cho việc hoạch định các chính sách phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng nói riêng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam nói chung.

Kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thảo quốc tế thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động