RSS Feed for Thông tin mới nhất về dự án ThangLong Wind | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 01:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thông tin mới nhất về dự án ThangLong Wind

 - Ngày 6/12/2019, tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Tập đoàn Enterprize Energy đã tổ chức Hội thảo “ThangLong Wind - Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam”.

Vietsovpetro làm việc với EE về dự án ThangLong Wind
Hội thảo bàn về việc bổ sung dự án ThangLong Wind vào Quy hoạch điện
Phương án khảo sát chi tiết dự án ThangLong Wind



Phát biểu tại Hội thảo, đánh giá về dự án ThangLong Wind, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA nhận định: Tập đoàn Enterprize Energy là một nhà đầu tư lớn từ Vương quốc Anh đã và đang đầu tư, vận hành các dự án điện gió ngoài khơi hoạt động tốt và đạt hiệu quả rất cao.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định từ năm 2020 tới năm 2023 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng và nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh) tiếp tục bị chậm tiến độ thì việc thiếu điện tiếp tục đến năm 2030, lúc đó tình hình kinh tế đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, dự án ThangLong Wind là một đột phá đủ bổ sung nguồn điện hỗ trợ cho tình trạng thiếu điện từ năm 2023 đến năm 2027 và đến năm 2030 trở đi, rất có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam.

Mong muốn của dự án này là được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh) vào thời gian giữa năm 2020 để chủ đầu tư triển khai thực hiện trong thời gian 2 năm nữa, đến năm 2023 các tổ máy đầu tiên bắt đầu phát điện.

“Vì tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của dự án này, đề nghị Chính phủ xác định là dự án trọng điểm quốc gia được quan tâm chỉ đạo từ cấp Trung ương tới các bộ, ngành, EVN và UBND tình Bình Thuận” - Ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh.

Ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam.

Ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam cho biết: Vương quốc Anh hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển điện gió trên thế giới. Tại Anh, các công trình điện gió cung cấp năng lượng cho khoảng 4,5 triệu hộ gia đình hàng năm và chiếm khoảng 10% điện năng toàn Vương quốc Anh vào năm 2020. 

Tổng công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt tại Anh tính đến tháng 2/2019 là 8.183 MW. Đến năm 2030, điện gió ngoài khơi sẽ cung cấp khoảng 1/3 năng lượng của Anh và tạo ra khoảng 27.000 việc làm mới trong ngành này.

Chi phí phát triển điện gió ngoài khơi mới đã giảm 50% kể từ năm 2015 và hiện tại đây là một trong những lựa chọn có chi phí thấp nhất cho ngành năng lượng mới ở Anh, rẻ hơn so với năng lượng hạt nhân và khí đốt.

Từ năm 2016 đến 2021, gần 19 tỷ bảng Anh đã được đầu tư vào điện gió ngoài khơi ở Anh. Khoản đầu tư này hỗ trợ hàng ngàn việc làm trên khắp Vương quốc Anh trong xây dựng, phát triển dự án và vận hành.

Để làm được điều này, chính phủ Anh đã đặt mục tiêu giảm 90% lượng khí thải carbon từ năm 1990 đến năm 2050. Điều đó đã thúc đẩy các ngành năng lượng tái tạo tại Vương quốc Anh.

Theo báo cáo của Chương trình Hỗ trợ Quản lý Năng lượng ESMAP cho thấy, Việt Nam cũng là quốc gia có tài nguyên gió ngoài khơi tương tự so với Vương quốc Anh. "Chính vì vậy, Vương quốc Anh rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam khai thác tài nguyên này để giúp đáp ứng các mục tiêu về năng lượng của đất nước" - Ông Gareth Ward nhấn mạnh.

Hiện tại có hai dự án điện gió ngoài khơi có giá trị kinh tế lớn sẽ được phát triển tại Việt Nam đó là dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long ở tỉnh Bình Thuận và điện gió ngoài khơi ở Sóc Trăng được phát triển bởi các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh.

Hội thảo “ThangLong Wind - Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam”.

Tại Hội thảo, ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy đã cập nhật những thông tin mới nhất về tiến độ khảo sát của dự án (sau khi nhận Văn bản số 4146/ BCT - ĐL ngày 12/6/2019 từ Bộ Công Thương, về việc chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió Thăng Long).

Theo ông Ian Hatton, Việt Nam có tiềm năng gió cực lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tổng công suất điện gió của Việt Nam mới chỉ đạt 200MW (chia cho 6 dự án). Trong khi đó, dự án ThangLong Wind vừa có giấy phép khảo sát chi tiết (ngày 12/6/2019) là dự án năng lượng gió rất lớn với công suất là 3.400 MW, xứng tầm với tiềm năng gió của Việt Nam.

Dự án điện gió ThangLong Wind trong tương lai có thể bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Nam, tạo ra đột phá cho nền kinh tế nhưng dự án hiện vẫn chưa chính thức được đưa vào quy hoạch điện quốc gia. Việc bổ sung nguồn công suất từ dự án ThangLong Wind vào quy hoạch là rất cấp thiết.

Bên cạnh đó, với những chính sách phù hợp và ổn định từ Chính phủ Việt Nam, hợp đồng mua bán điện hợp lý, sử dụng những công nghệ tua bin được kiểm chứng từ nhà thầu uy tín để chế tạo và lắp đặt, các ngân hàng quốc tế sẽ đảm bảo đủ vốn cho việc xây dựng dự án. Thành công của dự án sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai.

Tại hội thảo, các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng đây là dự án có tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Dự án nếu thành công sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6-8,3 tỷ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo và tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.

Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao/bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển.

Hiện tại, bên cạnh việc thực hiện kế hoạch khảo sát theo đúng kế hoạch, Tập đoàn Enterprize Energy đang hợp tác chặt chẽ với EVN-PECC3 để xác định những hạn chế về lưới điện và công suất hiện có trong Kế hoạch phát triển điện quốc gia VII hiện hành (đã sửa đổi). Tập đoàn Enterprize Energy tin rằng giai đoạn đầu tiên có thể phù hợp với hệ thống hiện tại và đã xác định những nâng cấp cần thiết để phát triển dự án đầy đủ theo đúng tiến độ thời gian dự kiến.

Tại hội thảo, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 (PECC3) cho biết, dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của Tập đoàn Enterprize Energy là dự án điện gió hiện đại, khả thi và có công suất lớn, lên tới 3.400MW. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt, đặc biệt tại khu vực phía Nam, tạo ra đột phá cho nền kinh tế. Việc được Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch điện, ngoài việc tạo thuận lợi cho dự án bước vào giai đoạn ký kết các hợp đồng điện và đầu tư, cũng sẽ giúp phân định rõ việc đầu tư hệ thống truyền tải điện, đường dây, các trạm điện...

Đại diện liên danh Vietsovpetro & PVC- MS cũng nhấn mạnh đây là dự án sẽ có tỉ lệ nội địa hoá lên đến 50%. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn.

Vietsovpetro & PVC - MS có nhiệm vụ đảm nhiệm toàn bộ phần công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các chân đế ngoài khơi và các phần việc khác liên quan mà Vietsovpetro và PVC-MS có thể đảm nhận được.

Dự án này sẽ tận dụng được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong thi công các kết cấu thông qua Vietsovpetro và PVC- MS, giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á về phát triển điện gió ngoài khơi.

Trước đó, ngày 22/09/2019, tập đoàn Enterprize Energy - chủ đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind đã chính thức ký cam kết đầu tư với UBND Tỉnh Bình Thuận.

Từ ngày 15/9/2019, Tập đoàn đã cùng các đối tác hoàn thành triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống LIDAR để đánh giá tiềm năng gió trên giàn khai thác dầu khí Diamond ngoài khơi lân cận vùng dự án điện gió. Thông số quan sát: Hướng, tốc độ gió. Độ cao đo gió tại các độ cao khác nhau với vị trí cao nhất lên tới 200m so với mực nước biển. Các tham số quan sát được ghi tự động liên tục, các giá trị tối đa/ tối thiểu sẽ được ghi lại trong quá trình quan sát.

Đối với công tác thực hiện khảo sát bằng máy bay, Tập đoàn Enterprize Energy đã hoàn thành các chuyến bay đầu tiên lần lượt vào các ngày 28/10/2019 và 2/11/2019 sử dụng thiết bị chụp không ảnh với độ phân giải cao để đánh giá sự di trú của các loài chim biển và sinh vật biển trong khu vực phát triển dự án.

Dự kiến vào cuối Quý 1/2020 sẽ tiến hành thực hiện công tác Khảo sát địa vật lý (geophysical Survey) và địa kỹ thuật (Geotechnical survey) trong đó bao gồm các hoạt động ngoài khơi gồm đo độ sâu đáy biển, khảo sát bề mặt đáy biển, tiến hành khoan, lấy mẫu, thực hiện thí nghiệm hiện trường và thí nghiệm trong bờ với một số lượng hạn chế các lỗ khoan (tối đa là 6 lỗ khoan) trong các khu vực phát triển điện gió (độ sâu lỗ khoan lên đến khoảng 80m dưới đáy biển) để đánh giá điều kiện địa chất đáy biển.

Thông tin liên quan về dự án:

Dự án ThangLong Wind nằm ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (tính từ mũi Kê Gà trở ra) khoảng 50km, diện tích trên 2.000 km2, có tốc độ gió bình quân 9,5m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau. Những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó với sự tiến bộ của công nghệ sẽ được tăng lên 10MW - 12MW.

Giai đoạn I của dự án ThangLong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió.

Giai đoạn phát triển tiếp theo là ThangLong Wind II, ThangLong Wind III, ThangLong Wind IV, ThangLong Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là ThangLong Wind VI với công suất 400 MW.

Tổng công suất của dự án đạt khoảng 3.400MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án 3.400MW tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động