Những thách thức trong phát triển điện gió, mặt trời Việt Nam đến năm 2030
06:48 | 03/08/2020
Danh mục các dự án điện gió bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh)
Cập nhật số liệu khảo sát cường độ bức xạ mặt trời ở Việt Nam
Trong kết quả tính của Quy hoạch điện 8, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 19,5 GW điện gió và 19,1 GW điện mặt trời (hai nguồn này chiếm 28% tổng công suất nguồn), với sản lượng lần lượt 48,3 và 32,2 tỷ kWh (chiếm 15% tổng sản lượng điện), trong khi hiện nay mới chỉ có 5.000 MW điện mặt trời và dưới 400 MW điện gió.
Theo nhìn nhận chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn: Đây là thách thức rất lớn của Việt Nam trong phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, vì sau các thời điểm nói trên, các dự án này sẽ phải theo cơ chế đấu thầu.
Những quan ngại, thách thức về tính khả thi của quy hoạch được ông Tuấn phân tích như sau:
Thứ nhất: Với tác động của dịch Covid-19, công tác triển khai xây dựng các nguồn điện mặt trời, nhất là điện gió gặp những khó khăn lớn về nhập khẩu thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài để phối hợp kỹ thuật, giám sát công trình. Tác động của dịch bệnh còn kéo dài, vì vậy sẽ có nhiều dự án không vào kịp tiến độ quy định trong cơ chế FIT nêu trên.
Thứ hai: Hiện nay chưa hoàn thành để ban hành cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, điện gió sau cơ chế khuyến khích FIT. Các nhà đầu tư, mà chủ yếu là khối tư nhân sẽ phải trông chờ chính sách, sẽ mất nhiều cơ hội để huy động vốn xã hội.
Thứ ba: Khối lượng lưới cần xây dựng để tích hợp các nguồn này sẽ rất lớn, do đặc điểm nguồn điện mặt trời và điện gió tập trung ở các vùng mật độ dân thưa, phát triển công nghiệp chậm hơn, có nhu cầu điện thấp, dẫn đến hầu như phải truyền tải năng lượng từ những vùng này đến các trung tâm phụ tải lớn. Dòng công suất truyền tải lớn nhất được dự kiến là từ vùng Nam Trung bộ đến Nam bộ.
Mặt khác, cơ chế phí truyền tải hiện nay chỉ áp dụng cho lưới truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, với số giờ vận hành cao, sản lượng lớn. Với lưới truyền tải để giải phóng các nguồn điện gió, điện mặt trời có số giờ vận hành thấp, sản lượng nhỏ, nếu không có cơ chế đặc thù, các cơ quan truyền tải điện làm sao có thể huy động, vay vốn đầu tư?
Thứ tư: Với dự kiến sẽ đầu tư các động cơ ICE (động cơ đốt trong), thủy điện tích năng và pin tích năng để dự phòng linh hoạt cho nguồn điện năng lượng tái tạo với tỷ lệ cao, nhưng hiện chưa có các cơ chế chi phí - giá cho các loại hình quan trọng này, vậy làm sao để có thể huy động các nguồn lực chuẩn bị đầu tư?
Thứ năm: Nhu cầu đất đai cho các dự án điện mặt trời sẽ cần khoảng gần 15.000 ha (~0,8 - 1 ha/MW), điện gió trên bờ cần khoảng 28.000 ha (1,4 ha/MW), nếu điện gió ngoài khơi là 18 - 20 ha/MW, vấn đề mất đất trồng trọt và sinh kế của người dân sẽ còn là bài toán nan giải.
Cuối cùng, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam lưu ý: Vấn đề chất thải môi trường đối với hóa chất trong các tấm pin mặt trời và trong pin tích năng ở cuối đời dự án là đáng kể, xong hiện chưa có các quy định, giải pháp để xử lý chúng./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM