Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về quang điện Việt Nam
09:59 | 20/11/2017
Thông tư 16 về cơ chế giá điện mặt trời có hiệu lực
Quy định giá điện mặt trời Việt Nam trong 20 năm tới
BRIAN PUBLICOVER - SOLARPLAZA
Mặc dù Chính phủ Việt Nam dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng 11% mỗi năm vào cuối thập kỷ này, vậy mà cho đến nay hầu như không có hệ thống quang điện nào được kết nối với lưới điện của Việt Nam. Thế nhưng, nhiều nhà phát triển tiềm năng vẫn tiến hành công bố các dự án mới trong năm qua. Sách trắng về thị trường Việt Nam do Solarplaza phát hành gần đây đã ước tính quy mô phát triển quang điện hiện tại ở vào mức 8,8 GW trên toàn quốc. Thomas Jakobsen, Giám đốc điều hành mảng năng lượng tái tạo của Công ty Saigon Asset Management tin rằng, công suất dự kiến có thể cao hơn đáng kể (đạt mức 18 - 19 GW). Mặc dù các nhà tài trợ nước ngoài trong ngành năng lượng mặt trời đang chú ý đến các nước Đông Nam Á, chưa có ai thực sự quyết định đầu tư nghiêm túc cả.
Jakobsen giải thích rằng, những nền tảng cơ bản hiện đã ổn định và thuận lợi để triển khai kinh doanh quang điện: "Các nhà đầu tư dần chú ý đến Việt Nam là do khung pháp lý cho ngành quang điện đã được ban hành, nhưng chỉ có khung pháp lý thì chưa đủ để biến Việt Nam thành một thị trường hấp dẫn chỉ qua một đêm".
Sức hút dành cho ngành quang điện Việt Nam đã bùng nổ khi Chính phủ Việt Nam gần đây công bố về mẫu Hợp đồng mua bán điện. Jakobsen cho biết, các nhà phát triển đã xin được giấy phép đầu tư để xây dựng nhà máy khai thác điện có công suất khoảng 3 GW. Nhưng cho đến nay, các nhà chức trách chỉ hứa sẽ chấp nhận các dự án năng lượng mặt trời mới, với công suất 1 GW.
Và mặc dù hợp đồng mua bán điện đã cung cấp một nền tảng ổn định cho sự phát triển quang điện, các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng vẫn phải vật lộn với những khúc mắc về khả năng thanh toán qua ngân hàng và các rủi ro khác. Vì vậy, vẫn chưa thể biết được các nhà phát triển sẽ xoay trở thế nào để hoàn thành những dự án trên bản kế hoạch và số công suất thực tế được phép xây dựng vào cuối thập kỷ này là bao nhiêu.
Biểu đồ bức xạ nhiệt khu vực phía Nam và Đông Nam Á.
"Các hợp đồng mua bán điện này rất khó thực hiện vì không rõ rằng tất cả lượng điện sản xuất ra sẽ được sử dụng đến đâu".
Jakobsen mô tả khung pháp lý mới "khá ổn cho đầu tư nước ngoài". Tuy nhiên, ông chỉ ra một số vấn đề mà các nhà đầu tư đang băn khoăn về hợp đồng mua bán điện. Ngoài mối lo ngại về khả năng thanh toán qua ngân hàng, khó khăn trong giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài nước ngoài - một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư là hợp đồng thiếu điều khoản "nhận điện hoặc trả tiền - take or pay". Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hầu như có thể tránh khỏi các nghĩa vụ thu mua điện theo ý muốn, và chỉ chịu mức phạt thấp. Và cũng không chắc rằng, các vấn đề này có được giải quyết trước khi khung pháp lý hiện tại hết hạn vào tháng 6 năm 2019 hay không.
Jakobsen nhận thấy: "Các hợp đồng mua bán điện này rất khó thực hiện vì không rõ rằng tất cả lượng điện sản xuất ra sẽ được sử dụng đến đâu".
Các cố vấn nước ngoài, công ty tổng thầu EPC và nhiều nhà cung cấp thiết bị bắt đầu đổ xô vào Việt Nam, nhưng công ty Saigon Asset Management lại không thấy nhiều hoạt động từ các nhà đầu tư nước ngoài. Jakobsen giải thích rằng, nhiều nhà đầu tư vẫn đang xem xét các cơ hội khả thi trên thực tế: "Khi nói đến các nhà đầu tư nước ngoài, họ vẫn còn nhiều lưỡng lự ở thời điểm hiện tại".
Các nhà đầu tư quang điện tiềm năng có nhiều lý do để thận trọng, và sự phát triển chậm chạp của ngành điện gió Việt Nam trong thập kỷ qua cũng là một dấu hiệu đáng lưu ý. Jakobsen ghi nhận rằng, khoảng một thập kỷ trước, các dự án điện gió với công suất khoảng 6 - 7 GW đều được cấp giấy phép đầu tư, nhưng các hợp đồng mua bán điện chỉ thương lượng mức công suất khoảng 400 MW trên tổng số.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), đến cuối năm 2016, công suất lắp đặt tích lũy điện gió của Việt Nam chỉ đạt 159 MW.
Chính phủ Việt Nam gửi đi những thông điệp chưa rõ ràng về số công suất quang điện được phép xây dựng vào cuối thập kỷ này. Jakobsen nhận thấy rằng, một số quan chức chính phủ mô tả mục tiêu đạt công suất 1 GW từ nay đến năm 2020 là một "đường lối" linh hoạt, trong khi những người khác lại coi đó là mức trần "cứng".
"Nhưng nếu dựa theo tính logic của các con số thì chúng ta không chắc chắn rằng tất cả dự án đều sẽ tiến triển tốt đẹp", Jakobsen nhấn mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần lưu ý giám sát chặt chẽ những dự tính của mình trong tương lai. "Cứ từ từ, lên kế hoạch cẩn thận, cân nhắc những mối quan tâm của bạn và làm việc với ai đó hiểu rõ nội tình".
Bạn muốn tìm hiểu thêm? Hãy gặp gỡ Thomas Jakobsen tại hội thảo của Đoàn đại biểu thương mại quang điện quốc tế tại Việt Nam, diễn ra từ ngày 27/11-1/12/2017.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM