Triển vọng điện hạt nhân của các quốc gia trên thế giới
06:00 | 25/06/2012
Công nghệ hạt nhân sử dụng năng lượng được giải phóng bằng việc tách các nguyên tử của một số nguyên tố nhất định. Nó được phát triển đầu tiên vào những năm 1940 và những nghiên cứu thời thế chiến thứ II ban đầu tập trung vào chế tạo bom bằng cách tách các nguyên tử đồng vị đặc biệt của uranium hoặc plutonium.
Bước sang những năm 1950, sự tập trung chuyển hướng sang các mục đích hoà bình hơn, đáng kể nhất là sản xuất điện. Ngày nay, lượng điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân bằng tổng sản lượng điện từ tất cả các nguồn khác cộng lại năm 1960. Nhiều quốc gia cũng xây dựng các lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân để cung cấp nguồn chùm neutron cho nghiên cứu khoa học và sản xuất các chất đồng vị công nghiệp và y tế. Hiện chỉ tám quốc gia được biết đến là có sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngày nay, những tranh luận xung quanh việc sản xuất điện hạt nhân phải tính đến ba vấn đề thực tế cơ bản. Đầu tiên, kỳ vọng năng lượng hạt nhân đang tăng lên. Thứ hai, bạn không thể trả lời những câu hỏi như 'Điện hạt nhân có kinh tế không?' với chỉ một câu trả lời chung duy nhất. Cũng giống như mọi điều khác, câu trở lời là: nó còn phụ thuộc vào... yếu tố thứ ba là kinh tế học.
Liệu điện hạt nhân đáp ứng các kỳ vọng đang tăng lên hay không phụ thuộc vào việc nó rẻ như thế nào so với các nguồn năng lượng thay thế khác. Chắc chắn, ngành công nghiệp hạt nhân có thể tạo ảnh hưởng lên vấn đề này bằng cách hạ giá thấp nhưng cũng có những nhân tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngành, ví dụ như giá gas hoặc carbon, cũng có tính chất quyết định liệu hạt nhân có phải là một lựa chọn hiệu quả về mặt chi phí hay không?
Nhưng triển vọng cho việc sản xuất điện hạt nhân tại từng quốc gia trên thế giới như thế nào?
Châu Á
Hãy bắt đầu với những quốc gia châu Á, nơi sự phát triển của các nhà máy điện hạt nhân đang diễn ra mạnh mẽ nhất.
Ấn Độ có ít hơn 3% nguồn điện từ hạt nhân nhưng nước này, cùng với Trung Quốc và Nga, là một trong những nước dẫn đầu trong việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới với 6 trong số 35 lò phản ứng trên thế giới đang được xây dựng.
Tuy vậy, kế hoạch tương lai của Ấn Độ còn ấn tượng hơn nhiều: tăng 8 lần tới năm 2022, đạt 10% nguồn cung điện và tăng khoảng 70 lần vào năm 2052 để cung cấp 26% nguồn điện. Con số tăng 70 lần chắc chắn là ấn tượng đó cũng chỉ là kết quả của tốc độ tăng trưởng trung bình 9,5% một năm, thấp hơn một chút so với tăng trưởng hạt nhân toàn cầu trung bình từ năm 1970 đến năm 2002, vì vậy điều này cũng không phải là chưa có tiền lệ.
Giống như Ấn Độ, Trung Quốc đối mặt với sự tăng trưởng nhanh trong nhu cầu năng lượng và đang cố gắng gia tăng năng lực sản xuất sử dụng tất cả các nguồn năng lượng có thể, gồm cả điện hạt nhân. Trung Quốc có 6 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và dự kiến việc mở rộng gấp 5 lần đến năm 2020.
Tuy nhiên, dù nhu cầu năng lượng của đất nước này đang tăng trưởng rất nhanh, thì nó cũng chỉ chiếm khoảng 4% lượng điện tạo ra khi đó. Vì vậy, trong tương lai, Trung Quốc sẽ là một nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ tiềm năng, đặc biệt là tại châu Á.
Tại Nhật Bản, sau thảm họa Fukushima (tháng 3/2011), tất cả 50 lò phản ứng hạt nhân đã ngừng chạy. Tuy nhiên, Tuy nhiên, năng lượng điện hạt nhận chiếm tới 1/3 tổng sản lượng điện của Nhật, nên việc đóng của các nhà máy điện hạt nhân đã làm đất nước Nhật Bản rơi vào khủng hoảng năng lượng. Trong bối cảnh đó, Ngày 16/6/2012, Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihiko Noda đã đồng ý cho phép tái khởi động 2 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện ở thành phố Oi. Đây được xem là hành động mở đường cho việc cấp phép tái hoạt động với những nhà máy khác trong tương lai.
Một quốc gia châu Á khác với những cam kết đáng kể về công nghệ hạt nhân là Hàn Quốc với hơn 20 lò phản ứng đang hoạt động và 3 lò đang được xây dựng. Điện hạt nhân đã cung cấp gần 40% lượng điện cho Hàn Quốc.
Châu Âu
Nga có 31 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, 7 lò mới đang được xây dựng và những kế hoạch mở rộng quan trọng. Là một phần trong sáng kiến của tống thống Putin về Cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân toàn cầu, Nga cũng đang thực hiện các biện pháp cung cấp các dịch vụ chu kỳ nhiên liệu toàn diện, gồm cả việc cho thuê nhiên liệu, xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng và thậm chí cho thuê lò phản ứng hạt nhân.
Nhìn chung, các nước còn lại của châu Âu có 167 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và 6 lò đang được xây dựng. Nhưng tại châu Âu, cũng có những nước cấm hạt nhân như Áo, Đan Mạch và Ireland, những nước đang từng bước huỷ bỏ như Đức, Bỉ và các nước đang mở rộng như Phần Lan, Pháp, Bulgaria và Ukraine.
Vào năm 2005, Phần Lan bắt đầu xây dựng Olkiluoto-3, được biết đến là lò phản ứng đầu tiên được xây dựng tại Tây Âu kể từ năm 1991. Pháp bắt đầu xây dựng lò phản ứng Flamanville - 3 vào năm 2007.
Anh với 19 nhà máy hạt nhân đang hoạt động, hầu hết đều tương đối cũ cũng có kế hoạch phát triển hoành tráng khi tháng một năm 2008, nước này quyết định rằng các nhà đầu tư có quyền lựa chọn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới tại lãnh thổ nước này và chính phủ sẽ giảm các rủi ro quy hoạch và luật định.
Ba quốc gia Baltic và Ba Lan đã thống nhất về nguyên tắc trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới tại Lithuania tới năm 2015 và Lithuania đã thông qua những pháp chế cần thiết vào năm 2007 cho việc thi công. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông qua pháp luật mới cho phép việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Châu Mỹ
Mỹ có tới 104 lò phản ứng, cung cấp 19% nguồn điện quốc gia. Trong vài thập kỷ qua, các nỗ lực chủ yếu nhằm nâng cấp các nhà máy hiện tại, tăng hiệu quả sản xuất của các nhà máy và cấp lại giấy phép. Hiện tại, 48 lò phản ứng hạt nhân đã nhận được giấy phép hoạt động lại trong vòng 20 năm, tăng thời gian hoạt động được phép lên tới 60 năm.
Tuy nhiên, mãi cho đến gần đây, việc xây dựng nhà máy hạt nhân mới vẫn chưa có tại Mỹ. Điều này có thể lý giải bởi lượng than dồi dào, khí gas rẻ và không bị hạn chế bởi nghị định thư Kyoto đối với mức phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng e ngại những rủi ro và chậm trễ tài chính gắn với các dự án hạt nhân.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy mọi việc có thể thay đổi. Vào năm 2007, một lò phản ứng của Mỹ từng bị ngừng hoạt động trong nhiều thập kỷ đã được khởi động lại và một nhà máy khác cũng được xây dựng. Luật Năng lượng 2005 của Mỹ cho phép bảo đảm khoản vay và các công cụ khác để giảm rủi ro tài chính.
Năm 2007, Uỷ ban quản lý hạt nhân phát hành giấy phép (ESP) đầu tiên chứng nhận 3 khu vực phù hợp cho việc xây dựng mới và hiện đang xem xét hai đơn đề nghị cấp giấy phép mới. Cũng vào năm 2007, uỷ ban nhận được bốn đơn xin cấp giấy phép tổng hợp (COLs), các đơn cho các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại Mỹ trong gần 30 năm. Vào cuối năm 2009 đã có khoảng 21 đơn như vậy.
Canada có 18 lò phản ứng, đáp ứng 16% nhu cầu điện trong nước. Hiện có hai đơn xin cấp chuẩn bị mặt bằng cho việc xây dựng hai lò phản ứng mới tại Ontario. Năm ngoái, Energy Alberta cũng đã đệ đơn xin cấp mặt bằng cho một nhà máy điện hạt nhân mới tại phía tây bắc Alberta.
Argentina, Brazil và Mexico mỗi nước đều có hai lò phản ứng hạt nhân và Argentina hiện đang xây dựng một lò phản ứng mới. Bất kỳ việc xây dựng mới nào trong thời gian tới hầu như sẽ diễn ra tại Argentina hoặc Brazil…
Tại lục địa châu Phi, Nam Phi là nước duy nhất vận hành các lò phản ứng hạt nhân với hai lò phản ứng. Nam Phi cũng đang thực hiện dự án lò phản ứng hạt nhân nhỏ mới do chính nước này thiết kế.
12 trong số 30 quốc gia vận hành các lò phản ứng hạt nhân hiện đang xây dựng nhiều hơn nữa trong khi nhiều nước khác đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Iran là quốc gia chưa từng có nhà máy hạt nhân nào và hiện đang xây dựng một nhà máy. Ngoài ra, một vài nước đang phát triển như Indonesia, Ai Cập, Jordan cũng đã bàn đến khả năng phát triển một nhà máy hạt nhân và đang thực hiện những bước ban đầu.
Nhìn chung, năng lượng hạt nhân hấp dẫn hơn tại những nơi có nhu cầu năng lượng tăng, ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc tại những nơi mà các nguồn năng lượng thay thế khan hiếm hoặc đắt đỏ hoặc an ninh cung cấp năng lượng được coi là ưu tiên hàng đầu như Nhật Bản và Hàn Quốc, hoặc tại nơi mà việc giảm ô nhiễm không khí hoặc khí thải nhà kính là ưu tiên hàng đầu như châu Âu.
Tuyến Nguyễn (Nguồn: VEF)