Ý kiến phản biện của AmCham về tình hình đầu tư hạ tầng điện lực Việt Nam
07:04 | 30/05/2012
Nguồn: Quy hoạch điện 7
Mặc dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gần đây đã tăng cường sự hiện diện trong ngành điện, đáp ứng một phần nhu cầu vốn còn bị bỏ ngỏ (tổng vốn đầu tư cần thiết cho ngành điện giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 123,8 tỷ USD).
Tuy nhiên, Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tập trung vào nhiệm vụ chính, do vậy vai trò của PVN trong phát triển điện là rất khó khăn.
Trong cuộc thảo luận với đại diện cơ quan Nhà nước mới đây, nhóm công tác cơ sở hạ tầng (gồm lãnh đạo các công ty và các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề điện, cảng biển, và viễn thông) cũng bày tỏ những lo ngại về việc thu hút vốn vào ngành điện, trong đó có việc phải nhập khẩu than sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư.
Theo tính toán, đến năm 2030, gần 65% nhà máy nhiệt điện phải sử dụng than nhập khẩu, gây tăng chi phí sản xuất và làm giảm hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo quy hoạch các nhà máy điện, đến năm 2030, 45/71 (gần 65%) nhà máy nhiệt điện của Việt Nam sẽ phải dùng than nhập khẩu, trong khi có tin chính phủ Indonesia hạn chế xuất khẩu than.
Trước vấn đề này, nhóm công tác đặt vấn đề giá điện sẽ được xử lý như thế nào khi giá than trên thế giới đang rất cao, liệu mức độ khả thi về giá có được tính tới không khi mà số lượng nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu quá lớn.
Theo Tổng Cục Năng lượng, khi lập kế hoạch cho các nhà máy nhiệt điện, yếu tố giá than nhập theo thị trường đã được tính đến.
Ngoài ra, cơ quan này cũng tính đến trường hợp khi giá than nhập khẩu tăng quá cao thì sẽ xem xét điều chỉnh quy mô.
Tóm lại, giá năng lượng nói chung vẫn phải theo giá thị trường. Việt Nam sắp tới sẽ hình thành thị trường điện cạnh tranh, nên những vấn đề trên sẽ được phản ánh trong giá điện.
Khi nhu cầu than tăng cao, Bộ Công Thương sẽ xem xét các định hướng, giảm bớt các đầu mối nhập khẩu than. Hiện nay đang có nhiều phương án, trong đó có thể trộn than nhập khẩu với than nội địa để dùng trong sản xuất điện, trường hợp này bắt buộc Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam là đầu mối.
Về việc quy hoạch cảng để nhập khẩu than, Bộ Giao thông Vận tải định hướng là có 2 cảng trung chuyển trong miền Nam phục vụ nhập khẩu than và từ đó chuyển lên các tàu nhỏ để chuyên trở tới các khu vực.
Hiện nay đã có quy hoạch các cảng này và cũng đã tính toán để phù hợp với tiến độ xây dựng các nhà máy điện.
Để chuẩn bị cho Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2012, nhóm công tác cơ sở hạ tầng đề nghị Chính phủ tập trung giảm chi phí các dự án điện.
Đây sẽ là một thông điệp tốt về tính khả thi của các dự án hợp tác công - tư (PPP), nếu nhà nước tham gia nhiều hơn vào các dự án BOT.
NangluongVietnam.vn (nguồn: DVT)
Nhiều ngân hàng thương mại sẽ giảm quy mô tín dụng dành cho các dự án ở châu Á. Theo một trong những ngân hàng tài trợ dự án hàng đầu cho biết, khả năng mỗi năm khối ngân hàng sẽ chỉ cấp vốn cho một dự án điện ở châu Á. Vì thế các dự án điện của Việt Nam phải làm sao chứng minh được chất lượng tốt của mình.
(Nhóm công tác hạ tầng cơ sở)