RSS Feed for Ý kiến chuyên gia tình huống dừng huy động 172/450 MW điện mặt trời Thuận Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 03:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến chuyên gia tình huống dừng huy động 172/450 MW điện mặt trời Thuận Nam

 - Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam vừa có văn bản kiến nghị tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Chia sẻ về vấn đề này, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Đây là vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Công Thương, cũng như EVN, do vậy, để giải quyết vấn đề hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong sự việc này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét thấu đáo và có văn bản chỉ đạo cụ thể.
Cơ chế nào để Việt Nam phát triển bền vững nguồn điện khí, điện gió, mặt trời? Cơ chế nào để Việt Nam phát triển bền vững nguồn điện khí, điện gió, mặt trời?

Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin Năng lượng tổ chức Hội thảo quốc tế về “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam”. Hội thảo được chia thành ba phiên (hai phiên buổi sáng và một phiên buổi chiều).

Kinh nghiệm cân bằng hệ thống, khi nguồn điện gió, mặt trời ‘vượt tầm kiểm soát’ Kinh nghiệm cân bằng hệ thống, khi nguồn điện gió, mặt trời ‘vượt tầm kiểm soát’

Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng, nhất là khi năng lượng tái tạo như gió và mặt trời phát triển bùng nổ đã xuất hiện tỷ lệ hai nguồn này tăng vọt, vượt quá tầm kiểm soát của hệ thống điện. Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề cập tới chủ đề này, với một số kinh nghiệm xử lý ở California, Mỹ và một vài quốc gia khác trên thế giới.


Nội dung các kiến nghị của Trungnam Group:

Ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện đã có văn bản số 6082 thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW (tỉnh Ninh Thuận). Theo đó, dừng khai thác công suất 172,12 MW kể từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế giá điện. Trước đó, Công ty Mua bán điện từng có văn bản thông báo sẽ ngưng mua phần công suất chưa có giá điện (40% trên tổng công suất dự án) vào tháng 2/2022, nhưng sau đó thu hồi văn bản.

Ngay sau khi Công ty Mua bán điện có văn bản dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, nhà đầu tư là Trungnam Group đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án.

Theo Trungnam Group - Chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW hiện đã đi vào hoạt động hơn 22 tháng, được EVN huy động công suất của toàn dự án để hòa lưới điện quốc gia (trong đó một phần công suất chưa xác định được giá bán điện làm cơ sở thanh toán).

Đặc biệt, dự án đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh (sau hơn 22 tháng vận hành, sản lượng truyền tải cho các dự án thông qua trạm biến áp 500 kV Thuận Nam là khoảng 4,2 tỷ kWh, tương ứng khoảng 360 tỷ đồng) và chịu chi phí quản lý vận hành trạm biến áp khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong trả nợ vay ngân hàng theo phương án tài chính.

Theo nội dung văn bản của Trungnam Group: Về việc cắt giảm công suất của dự án, ngày 15/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp với các bộ, ngành cùng UBND tỉnh Ninh Thuận để giải quyết kiến nghị của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW.

Tại cuộc họp, đại diện EVN đã báo cáo riêng đối với dự án 450 MW, về phía Tập đoàn cũng có ưu tiên cắt giảm công suất dưới 3% cho dự án do có đóng góp truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực và Phó Thủ tướng cũng đã đề nghị EVN xem xét ưu tiên huy động công suất Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, vì đây là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án khác trong khu vực.

Tuy nhiên, ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện đã ra thông báo từ 0h00 ngày 1/9/2022 sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW.

Theo đó, việc dừng huy động 40% công suất dự án của chủ đầu tư (Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam) - đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất.

Do đó sẽ dẫn tới dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay, trong khi các nhà đầu tư khác lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500 kV giải tỏa công suất (được đầu tư bằng chính nguồn vốn của Trungnam Group) gây một thiệt thòi lớn cho nhà đầu tư. EVN cũng không cần bỏ chi phí đầu tư đường dây và trạm 500 kV (tới hàng ngàn tỷ đồng), cũng như chi phí quản lý vận hành để truyền tải điện năng từ cụm các dự án này tới các hộ tiêu thụ.

Cũng theo phía nhà đầu tư, việc dừng hẳn huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 4 hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam với EVN: “Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương về việc một phần nhà máy điện, hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương”.

Trên cơ sở đó, Trungnam Group kiến nghị tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, nhằm tạo công bằng trong môi trường đầu tư, cũng như hỗ trợ nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 500 kV giải tỏa công suất điện năng lượng tái tạo cả khu vực, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính tránh nguy cơ phá sản.

“Công ty cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thanh toán sau khi cơ chế giá được áp dụng, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện” - Trungnam Group nêu.

Ý kiến của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam:

Thứ nhất: Cần thiết cho phép tiếp tục huy động khai thác năng lượng được sản xuất từ phần công suất “dư” nói trên, vì lý do: Toàn bộ nhà máy điện 450 MW và hạ tầng đi kèm đã được đầu tư và đang vận hành. Nếu không được phát lên lưới, nguồn năng lượng từ 172,12 MW (bị cắt) đó sẽ bị lãng phí rất lớn (ước tính ít nhất sẽ sản xuất được trên 258 triệu kWh điện hàng năm từ phần công suất này), trong khi chi phí vận hành và bảo dưỡng không đáng kể. Đây là lãng phí, thiệt hại cho xã hội, trong khi chúng ta đang cần rất nhiều điện và có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.

Thứ hai: Quy mô của dự án này đã được sự cho phép của Chính phủ theo Văn bản số 70/TTg-CN, ngày 9/1/2020 về việc đồng ý bổ sung dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh, Huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Văn bản nói trên cũng nêu việc triển khai đầu tư dự án điện mặt trời nói trên kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia “để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia”.

Thứ ba: Việc phần công suất “dư” nói trên vượt quá hạn mức 2.000 MW phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận (hạn mức được Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Thuận) là sau khi có tổng hợp rà soát lượng công suất từ nhiều dự án khác. Nếu Trungnam Group làm vượt quá hạn mức, sẽ cần có cơ chế giải quyết phân minh, có lý, có tình và cần có văn bản xử lý cụ thể. Không nên vì mức vượt nhỏ (khoảng 8,6%) so với 2.000 MW mà hủy bỏ nguồn lực đã được đầu tư.

Cũng cần nêu rõ rằng, hạn mức theo “Nghị quyết 115/NQ-CP 2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất” là 2.000 MW, trong khi các công suất lắp đặt theo thiết kế của các nhà máy điện mặt trời được phê duyệt đều là MWp.

Về kỹ thuật, MWp nêu trên là công suất tối đa mà tấm pin có thể sản xuất ra điện năng trong điều kiện tối ưu nhất (Điều kiện Thử nghiệm Tiêu chuẩn STC - Standard Test Conditions) được sử dụng bởi các nhà sản xuất tấm pin mặt trời. Các điều kiện này giả định nhiệt độ của pin quang điện là 25°C, bức xạ mặt trời 1.000 watt/m2 và góc tới của ánh sáng mặt trời đối với vĩ độ 35° Bắc trong mùa hè - Đây là những điều kiện lý tưởng hóa, nhưng chúng cho phép thử nghiệm tiêu chuẩn hóa cho tất cả các tấm pin mặt trời. Hiện tại, EVN và một số công ty áp dụng hệ số quy đổi từ MWp sang MW để áp chỉ tiêu 2.000 MW cho Ninh Thuận là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Như vậy, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cho đến hết tháng 12/2021 trên thực tế sẽ có thể dao động phụ thuộc hệ số quy đổi nào được áp dụng cho chuyển đổi từ MWp sang MW, từ khoảng 1.800 MW đến 2.200 MW. (Một số chuyên gia còn cho rằng: Trong điều kiện thực tế ở Việt Nam thì công suất tấm pin mặt trời quy ra kW (MW) chỉ có thể bằng khoảng 60% công suất kWp (MWp) được ghi trên tấm pin mà thôi - tức tại Ninh Thuận có thể chưa tới 2.000 MW).

Hơn nữa, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2035 và năm 2045 nhu cầu công suất điện mặt trời trên cả nước lên tới gần 33.000 MW và 96.600 MW tương ứng - có nghĩa là chúng ta còn phải xây dựng rất nhiều dự án nguồn điện mặt trời và các nguồn điện năng lượng tái tạo khác. Lưới điện đang và sẽ dần được bổ sung để giải tỏa hết năng lượng. Vậy tại sao lại dừng phần công suất nhỏ này?

Cuối cùng, vì vấn đề không thuộc thẩm quyền của EVN và cũng vượt quá thẩm quyền của Bộ Công Thương, nên để giải quyết vấn đề này chỉ có thể do cấp có thẩm quyền cao hơn xem xét thấu đáo quyết định (bằng văn bản), nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong sự việc trên. Tất nhiên, trong trường hợp này, EVN có thể làm đúng như Hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký kết và việc tiếp tục huy động công suất trước, trả tiền sau khi có mức giá hợp lý cho các dự án sau Quyết định 13 và 39 là hợp lý, hợp tình./.

CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động