"Xử lý vấn đề an toàn đập không dễ"
15:24 | 26/02/2015
Điều tiết hồ thủy điện phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân
Khẩn trương cứu nạn tại hầm thủy điện Đạ Dân
Trong Kế hoạch hành động hợp tác phát triển Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2013 - 2016 có đề cấp đến vấn đề an toàn hồ đập. Ông có thể nói rõ hơn về hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này?
New Zealand và Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện năm 2009. Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2016 ưu tiên ba lĩnh vực: Quản lý rủi ro thiên tai, nông nghiệp và giáo dục.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam - Haike Manning
Trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai, thì phát triển và quản lý an toàn đập là nội dung chính. Theo đó, chúng tôi hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật của New Zeland có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam.
Việt Nam có nhiều đập nhưng tình trạng duy trì bảo dưỡng ở nhiều đập chưa tốt. Vì vậy, chúng tôi muốn cùng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cùng đánh giá những rủi ro thiên tai, xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn đập.
Cùng nội dung này, Dự án “Nghiên cứu về an toàn đập và vùng hạ lũ” với kinh phí 2,5 triệu USD do Viện nghiên cứu GNS và công ty Damwatch của New Zeland và Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội triển khai từ năm 2012, theo mô hình đối tác chiến lược.
Dự án đã nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý nguy cơ xả lũ sự cố và vỡ đập, nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội, qua đó đề xuất giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong chiến lược phát triển và quản lý đập.
Chúng tôi nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị từ Chính phủ Việt Nam và điều đó rất quan trọng trong hợp tác. Cùng với đó, chúng tôi đã xây dựng quan hệ tốt với các bộ ngành, các địa phương có nhiều hồ đập.
Ông nhận định việc duy trì bảo dưỡng chưa tốt, vậy ông nhận xét như thế nào về thực trạng an toàn hồ đập của Việt Nam?
Việt Nam có số lượng đập rất lớn, nhưng nhiều đập không được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Việc nâng cấp, duy trì bảo dưỡng chưa tốt nên mất an toàn ở một số hồ đập đã ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Việc đảm bảo an toàn hồ đập đặc biệt quan trọng. Nó quan trọng hơn khi Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
An toàn đập thủy điện đang là một trong những vấn đề xã hội Việt Nam quan tâm. Theo ông, những giải pháp nào có thể giúp Việt Nam đảm bảo an toàn cho các đập này?
Đập, đặc biệt là đập thủy điện rất quan trọng trong việc chứa nước, chạy máy phát điện, tưới tiêu, điều tiết lũ… Vì vậy, ngoài vấn đề kỹ thuật, tôi nghĩ, Việt Nam phải có hệ thống giám sát tốt hơn nhằm ngăn chặn rủi ro thiên tai, cùng với năng lực ứng biến nhanh không để ảnh hưởng đến dân sinh.
Điều quan trọng hơn, Việt Nam cần lập bản đồ rủi ro và xây dựng cơ chế đánh giá, xử lý rủi ro trước mắt và lâu dài. Với những rủi ro trước mắt, Việt Nam cần tập trung nguồn lực giải quyết ngay, thay vì khi tai nạn xảy ra mới lo giải quyết sự việc, nâng cấp, sửa chữa.
Tôi hiểu, không dễ xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn đập. Nhưng với quan hệ đối tác phát triển, phía New Zeland sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam để xử lý và khắc phục các rủi ro về an toàn đập.
Cảm ơn Đại sứ.
HẢI VÂN thực hiện
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Hiện cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3, trong đó, rất nhiều hồ đập có vị trí rất quan trọng đối với an toàn ở vùng hạ lưu.
Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, đến nay đã được sửa chữa ở mức bảo đảm an toàn cao và bảo đảm an toàn các hồ bị xuống cấp có dung tích lớn hơn 100 triệu m3, hơn 10 triệu m3 và từ 3 triệu m3 nước trở lên.
Số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều. Ước tính còn khoảng 1.150 hồ chứa (chủ yếu là hồ chứa nhỏ) bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp.