RSS Feed for Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 15) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 12:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 15)

 - Gần đây, có một số chuyên gia đã kiến nghị Việt Nam cần hạn chế phát triển nhiệt điện chạy than vì lý do gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí trên một số phương tiện thông tin đại chúng còn tuyên truyền về việc Trung Quốc giảm khai thác than và giảm nhiệt điện than, đặc biệt là tại thủ đô Bắc Kinh (với hàm ý lưu ý Việt Nam cần noi gương Trung Quốc để giảm nhiệt điện than...). Trong phạm vi bài này chúng tôi sẽ bàn về Việt Nam đang có xã hội, hay nền kinh tế các bon cao hay thấp và mức độ phát thải khí nhà kính ra sao? Liệu cần phải giảm sử dụng than nói chung và nhiệt điện than nói riêng để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hay không? Chứ hiện chúng ta đang được ví như một "người gầy" thì không nên đi bắt chước "người béo phì" nhịn ăn để giảm cân.

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 2)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 3)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 4)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 5)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 6)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 7)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 8)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 9)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 10)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 11)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 12)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 13)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 14)
An ninh năng lượng Việt Nam và cách mạng công nghiệp lần thứ Tư

BÀI 15: ĐỊNH HƯỚNG TƯ DUY ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực trạng nền kinh tế Việt Nam và thế giới

Thực trạng nền kinh tế Việt Nam và thế giới thông qua một số nước đại diện có liên quan đến chủ đề bài báo được trình bày thông qua 2 chỉ tiêu chính là GDP bình quân đầu người và cơ cấu kinh tế như sau [7].

Tên nước

GDP b/q (USD/người)

Cơ cấu kinh tế (%)

Nông nghiệp

CN&XD

Dịch vụ

Việt Nam

2.052

18,1

38,5

43,4

Nam Phi

6.483

2,5

29,5

68,0

Mỹ

54.629

1,4*

20,5*

78,1*

Trung Quốc

7.590

9,2

42,7

48,1

Nhật Bản

36.194

1,2*

26,2*

72,6*

Hàn Quốc

27.190

2,3

38,2

59,4

In-đô-nê-xia

3.492

13,4

41,9

42,2

Ma-lai-xia

11.307

8,9

40,0

51,2

Phi-lip-pin

2.873

11,3

31,4

57,3

Thái Lan

5.977

10,5

36,8

52,7

Ka-dắc-xtan

12.602

4,7

36,0

59,3

Ấn Độ

1.582

17,8

30,1

52,1

CH Séc

19.530

2,7

38,0

59,3

Ba Lan

14.343

3,4

32,6

64,0

LB Nga

12.736

4,2

35,8

60,0

U-crai-na

3.082

11,8

25,4

62,8

LB Đức

47.822

0,7

30,3

69,0

Úc

61.925

2,4

27,1

70,5

Ghi chú: (*) năm 2013.

Qua số liệu ở bảng trên cho thấy xét trên phương diện GDP bình quân đầu người và cơ cấu kinh tế thì nền kinh tế Việt Nam và Ấn Độ có trình độ phát triển thấp nhất trong số các nước đã nêu trong bảng. Trong đó GDP bình quân đầu người thuộc loại trung bình thấp (trên thoát nghèo và đến năm 2015 Việt Nam cũng mới chỉ đạt 2.109 USD/người) và cơ cấu kinh tế thuộc loại phát triển thấp (cơ cấu của nền kinh tế phát triển trung bình là: công nghiệp 35%, dịch vụ 55%, nông nghiệp 10%; phát triển cao là: công nghiệp 29%, dịch vụ  69%, nông nghiệp 2%).

Tình hình sản xuất, sử dụng năng lượng và mức độ phát thải khí nhà kính

Một là: Tình hình sử dung năng lượng sơ cấp trong năm 2015 của Việt Nam, một số nước đại diện và thế giới (được nêu trong bảng dưới đây).

Tên nước

Dân số [7]

(106 người)

Sử dụng năng lượng sơ cấp [2]

Tổng số (106TOE)

Bình quân đầu người (TOE/người)

Tổng NLSC

Dầu

Khí TN

Than

Việt Nam

91,7

65,9

0,72

0,21

0,105

0,24

Nam Phi

55,0

124,2

2,26

0,57

0,082

1,55

Mỹ

321,2

2.280,6

7,10

2,65

2,22

1,23

Trung Quốc

1.371,9

3.014,0

2,20

0,41

0,13

1,40

Nhật Bản

126,9

448,6

3,54

1,49

0,805

0,94

Hàn Quốc

50,7

276,9

5,46

2,24

0,77

1,67

In-đô-nê-xia

255,7

196,6

0,77

0,29

0,14

0,31

Ma-lai-xia

30,8

93,1

3,02

1,18

1,16

0,57

Phi-lip-pin

103,0

37,7

0,37

0,18

0,03

0,11

Thái Lan

65,1

124,9

1,92

0,87

0,73

0,27

Ka-dắc-xtan

17,5

54,8

3,13

0,73

0,45

1,86

Ấn Độ

1.314,1

700,5

0,53

0,15

0,035

0,31

CH Séc

10,6

39,6

3,74

0,89

0,61

1,47

Ba Lan

38,5

95,0

2,47

0,65

0,39

1,29

LB Nga

144,3

666,8

4,62

0,99

2,44

0,615

U-crai-na

42,8

85,1

1,99

0,20

0,61

0,68

LB Đức

81,1

320,6

3,95

1,36

0,83

0,97

Úc

23,9

131,4

5,50

1,93

1,29

1,95

Toàn thế giới

7.336

13.147,3

1,79

0,59

0,43

0,52

Ghi chú: Các nước đại diện là nước có tài nguyên than nhiều, hoặc không hay có ít tài nguyên than.

Qua số liệu ở bảng trên cho thấy việc sử dụng năng lượng sơ cấp của các nước tùy thuộc chủ yếu vào tiềm năng tài nguyên năng lượng sơ cấp và khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sơ cấp của từng nước. Nhìn chung, các nước có tiềm tăng tài nguyên than vẫn ưu tiên sử dụng than nhiều hơn, trừ trường hợp Mỹ và Nga có tiềm năng dồi dào cả dầu, khí tự nhiên và than. Ngay một số nước không, hoặc ít có tài nguyên than nhưng vẫn sử dụng than ở mức độ cao như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Mức độ sử dụng than cao nhất tính theo đầu người (TOE/người) là Úc (1,95), Ka-dắc-xtan (1,86), Hàn Quốc (1,67), Nam Phi (1,55), CH Séc (1,47), Trung Quốc (1,40), Ba Lan (1,29), Mỹ (1,23), CHLB Đức (0,97), Nhật Bản (0,94). Nếu tính theo tấn than tự nhiên (tấn/người) thì Ka-dắc-xtan khoảng 4,3; CH Séc 4,1; Úc khoảng 3,4; Ba Lan 3,3; LB Đức khoảng trên 3,0; Trung Quốc 2,83; Nam Phi 2,7; Mỹ 2,2.

Việt Nam là một trong số 4 nước (In-đô-nê-xia, Ấn Độ, Phi-lip-pin) có mức độ sử dụng năng lượng sơ cấp thấp nhất tính theo đầu người (0,72 TOE/người), bằng 40,2% bình quân của thế giới và có mức độ sử dụng than thấp nhất (0,24 TOE/người, chỉ đứng trên Phi-lip-pin), bằng 46,2% bình quân của thế giới. Tính đến năm 2016 với sản lượng than sử dụng khoảng 50 triệu tấn (38 triệu sản xuất trong nước và 12 triệu tấn nhập khẩu) và dân số 94,1 triệu người thì bình quân sử dụng than của Việt Nam là 0,53 tấn/người, chỉ bằng 20,2% so với bình quân của Trung Quốc là 2,63 tấn/người.  

Hai là: Tình hình sản xuất điện và mức độ phát thải CO2 của thế giới và Việt Nam: Theo số liệu thống kế của IEA, trong giai đoạn 1973 đến 2013, sản lượng điện sản xuất của toàn thế giới tăng từ 6.131 tỷ kWh lên 23.322 tỷ kWh, tốc độ tăng bình quân là 3,4%/năm. Trong giai đoạn này, tỷ trọng điện sản xuất từ than tăng từ 38,3% lên 41,3%; sản lượng nhiệt điện than tăng từ 2.348 tỷ kWh lên 9.632 tỷ kWh, tốc độ tăng bình quân là 3,6%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng bình quân của tổng điện năng sản xuất.

Sản lượng thủy điện tăng từ 1.281 tỷ kWh lên 3.801 tỷ kWh; tốc độ tăng bình quân là 2,8%/năm. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo tăng từ 37 tỷ kWh (0,6%) lên 1.329 tỷ kWh (5,7%); tốc độ tăng bình quân là 9,4%/năm, tăng nhanh nhất, gấp gần 3 lần tốc độ tăng bình quân của tổng điện năng sản xuất.

Cũng theo thống kê của IEA, năm 2014, toàn thế giới sản xuất 23.815 tỷ kWh; trong đó, tỷ trọng của nhiệt điện than giảm xuống còn 40,8%, điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên đến 6,2%. Ước tính cường độ phát thải khí CO2 năm 2014 khoảng 0,483 kg CO2/kWh.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 1990 đến 2014, sản lượng điện sản xuất tăng từ 8,7 tỷ kWh lên 140,5 tỷ kWh, tốc độ tăng bình quân là 12,3%/năm. Trong đó, sản lượng nhiệt điện than tăng từ 2,0 tỷ kWh lên 35,1 tỷ kWh; tốc độ tăng bình quân 12,7%/năm, xấp xỉ tốc độ tăng bình quân của tổng điện năng sản xuất. Tỷ trọng điện sản xuất từ than tăng từ 22,9% lên 25%, thấp hơn so với tỷ trọng nhiệt điện than của thế giới. Sản lượng thủy điện tăng từ 5,3 tỷ kWh lên 54,6 tỷ kWh; tốc độ tăng bình quân là 10,2%/năm. Sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo khác, ngoài thủy điện chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Với cơ cấu sản xuất điện năm 2014, ước tính cường độ phát thải khí CO2 của Việt Nam khoảng 1,0 kg CO2/kWh.

Ngoài ra, nghiên cứu số liệu thống kê về Năng lượng Thế giới năm 2015 (Key World Energy Statistics 2015) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) [6] cho thấy như sau:

Mức độ phát thải khí CO2 trong sử dụng năng lượng của Việt Nam còn rất thấp so với mức bình quân của thế giới. Cụ thể mức phát thải khí CO2 của Việt Nam năm 2013 là 1,45 tấn/người, thấp hơn mức bình quân của các nước ASEAN (1,92 tấn/người), bằng 33% mức bình quân của thế giới (4,37 tấn/người), bằng 22% của Trung Quốc (6,6 tấn/người). Mức độ sử dụng điện ở Việt Nam bình quân đầu người trong năm 2013 mới đạt 1.306 kWh, chỉ bằng 43% so với mức bình quân chung của thế giới (3.026 kWh/người/năm) và bằng 34,6% so với mức bình quân của Trung Quốc.

Theo dự báo của IEA báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Pari (COP 21), trong cơ cấu sản lượng điện sản xuất của thế giới, tỷ trọng nhiệt điện than sẽ giảm từ 41,4% năm 2013 xuống còn 24,4% năm 2030; tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) tăng từ 5,5% năm 2013 lên 19% vào năm 2030; tỷ trọng nguồn thủy điện tăng từ 16% năm 2013 lên 18,3% năm 2030.

Trong cơ cấu sản xuất điện của Việt Nam hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 30%, thấp hơn tỷ trọng chung của thế giới (40,8%). Nếu tính cả nguồn thủy điện lớn, nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 38% điện năng sản xuất, cao hơn tỷ trọng nguồn điện từ NLTT của thế giới là 22,7% (năm 2014). Với cơ cấu như trên, cường độ phát thải khí CO2 (lượng phát thải khí CO2 tính cho một đơn vị điện năng) thấp hơn khoảng 26% so với mức bình quân chung toàn thế giới.

Trường hợp phát triển nguồn điện theo Quy hoạch phát triển điện phê duyệt tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện than của Việt Nam sẽ có tỷ trọng trong cơ cấu điện sản xuất lớn hơn so với tỷ trọng nguồn điện than trong cơ cấu điện sản xuất toàn thế giới theo phương án dự báo phát triển nguồn điện đã được IEA báo cáo tại COP 21.

Tuy nhiên, việc so sánh Việt Nam với bình quân của thế giới là khập khiễng mà phải so sánh với bình quân của những nước có cùng điều kiện tài nguyên than. Vì thế giới có nước nhiều tài nguyên than, có nước có ít hoặc không có than, có nước lại giàu tài nguyên năng lượng khác, mỗi nước phải tìm cách khai thác tối đa lợi thế sẵn có của mình để phát triển một cách hiệu quả nhất.

Mặc dù vậy, với kết quả phân tích trên đây cho thấy, mức độ điện khí hóa của nền kinh tế Việt Nam còn rất thấp so với bình quân của thế giới và quá thấp so với các nước có nền kinh tế phát triển cao, nhất là các nước thuộc OECD. Do đó, nhu cầu phát triển các nguồn điện của Việt Nam còn rất lớn và là tất yếu, trong đó việc phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy than vẫn hoàn toàn khả thi về mặt môi trường.

Ba là: Về mức độ phát thải khí nhà kính nói chung của Việt Nam và thế giới. Kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính (KNK) toàn thế giới năm 2013 được nêu ở bảng dưới đây. Qua đó cho thấy, tổng lượng phát thải CO2 năm 2013 của toàn thế giới là trên 35 tỷ tấn CO2, bình quân 5 tấn/người. Trong đó, Trung Quốc có lượng phát thải lớn nhất (trên 10 tỷ tấn), thứ hai là Mỹ 5,3 tỷ, Ấn Độ trên 2 tỷ, LB Nga 1,8 tỷ, Nhật Bản 1,36 tỷ tấn. Lượng phát thải CO2 bình quân đầu người của Việt Nam là 2,8 tấn/người, bằng 56% bình quân của thế giới, 37,8% của Trung Quốc và rất thấp so với các nước phát triển.

Tóm lại, xã hội hay nền kinh tế Việt Nam có mức độ phất thải các bon rất thấp.

Bảng phát thải khí nhà kính toàn cầu và một số nước năm 2013 [4]

Nước

Phát thải CO2

Nước

Phát thải CO2

Tổng số (106tấn)

Bình quân đầu người, tấn

Tổng số (106 tấn)

Bình quân đầu người, tấn

Toàn cầu

Trung Quốc

Mỹ

EU

Ấn Độ

LB Nga

Nhật Bản

CHLB Đức

Hàn Quốc

Canada

Indonesia

35.270,0

10.330,0

5.300,0

3,740,0

2.070,0

1.800,0

1.360,0

840,0

630,0

550,0

510,0

5,0

7,4

16,6

7,3

1,7

12,6

10,7

10,2

12,7

15,7

2,6

Saudi Arabi

Brasil

Anh

Mêxico

Iran

Australia

Italy

Pháp

Nam Phi

Balan

Việt Nam*

Vận tải quốc tế

490,0

480,0

480,0

470,0

410,0

390,0

390,0

370,0

330,0

320,0

255,0

1.070,0

16,6

2,4

7,5

3,9

5,3

16,9

6,4

5,7

6,2

8,5

2,8

-

Nền kinh tế các bon thấp hay xã hội các bon thấp

Phạm trù xã hội các bon thấp hay nền kinh tế các bon thấp được khởi đầu từ Nhật Bản vào giai đoạn 2006-2007, sau đó là các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là các nước OECD, tại các nước đó đã có nền kinh tế phát triển cao (hay còn gọi là các nước giàu). Trong quá trình phát triển trước đó họ chưa chú trọng vấn đề môi trường, nhất là đã sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch nên dẫn đến hậu quả là xã hội có trình độ phá triển cao về kinh tế nhưng mức độ phát thải khí nhà kính cũng rất cao, là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, trong đó có nhiệt độ trái đất ấm lên. Vì vậy, họ đặt ra vấn đề hướng tới, tức chuyển sang xã hội các bon thấp trên cơ sở giảm phát thải KNK, trong đó có việc giảm dần việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch (đang dùng và phát thải KNK cao) và thay thế bằng các loại năng lượng mới sạch hơn (ít phát thải KNK), nhất là các loại năng lượng tái tạo (NLTT).

Như vậy, đối với các nước phát triển phạm trù xã hội hay nền kinh tế các bon thấp có hàm ý là chuyển từ xã hội hay nền kinh tế phát triển có phát thải KNK cao sang xã hội hay nền kinh tế phát triển có phát thải KNK thấp. Không thể áp dụng máy móc phạm trù xã hội hay nền kinh tế các bon thấp cho trường hợp Việt Nam như đã nêu trong "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu" hay trên một số diễn đàn và phương tiện thông tin đại chúng.

Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình thấp (vừa mới thoát nghèo). Tuy thời gian qua mức độ sản xuất và sử dụng năng lượng tăng cao, kéo theo mức độ phát thải KNK ngày càng tăng, nhưng thực tế hiện nay Việt Nam vẫn là nước có mức độ sản xuất và sử dụng năng lượng bình quân đầu người (điện năng, than, dầu, khí, vv...) và mức độ phát thải KNK thấp so với trung bình của thế giới và rất thấp so với các nước OECD như đã nêu trên. Tức vẫn là xã hội các bon thấp nhưng là xã hội chưa phát triển. Do đó, không thể nói hiện nay Việt Nam có xã hội hay nền kinh tế các bon cao và đặt vấn đề phải hướng tới xã hội hay nền kinh tế các bon thấp như các nước phát triển được. Cách đặt vấn đề như vậy chẳng khác gì "người đang gầy dơ xương nhưng cứ bắt chước người béo phì nhịn ăn để giảm cân".

Như vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam không đơn thuần giống như các nước OECD là hướng tới, tức chuyển sang xã hội hay nền kinh tế các bon thấp mà là xây dựng một xã hội hay nền kinh tế phát triển trong tương lai có các bon thấp (tức là có KNK thấp).

Có 2 phương thức đối với Việt Nam để thực hiện mục tiêu. Thứ nhất, phát triển theo cách thức giống như các nước OECD trước đây (có thể gọi đây là cách thức phát triển giá rẻ), đến khi đạt được trình độ phát triển kinh tế cao (nước giàu) sẽ chuyển sang theo hướng xã hội các bon thấp bằng cách như các nước OECD hiện đang làm. Thứ hai, phát triển theo cách thức phải chú trọng đến việc giảm các nguồn phát thải KNK ngay trong quá trình phát triển kinh tế nhằm đạt được một xã hội trong tương lai đồng thời đáp ứng được 2 mục tiêu: kinh tế phát triển cao (nước giàu) và mức phát thải KNK thấp (thân thiện và bền vững về môi trường).

Có thể gọi cách thức thứ hai là cách thức phát triển giá cao. Việc giảm các nguồn phát thải KNK là tùy thuộc vào điều kiện và khả năng thực tế của đất nước theo cách thức tối ưu nhất chứ không thể nói "giảm nhẹ" như đã nêu trong "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu", hay phải quyết liệt như một số ý kiến đề xuất. Tiền đề để thực hiện cách thức thứ hai là, đến nay tiến bộ khoa học công nghệ đã cho phép khai thác, sử dụng các loại năng lượng mới, nhất là NLTT chi phí thấp hơn. Mức độ phát thải KNK của thế giới đã quá cao và biến đổi khí hậu đã ở mức rất khốc liệt cho nên các nước đang phát triển không thể "đổ thêm dầu vào lửa". Các nước phát triển đi trước, nhất là các nước OECD phải có trách nhiệm giảm phát thải KNK của nước mình, đồng thời phải có nghĩa vụ hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện phương thức phát triển kinh tế ít phát thải KNK.

Định hướng tư duy giải quyết vấn đề

Trên đời này trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Vấn đề là từng người hãy cố gắng phát huy tối đa cái trời đã cho và hạn chế tối đa tác động xấu của những cái mà trời lấy đi, có như vậy thì mới tồn tại và phát triển được.

Suy rộng ra đối với mỗi quốc gia, dân tộc cũng vậy. Loại năng lượng hóa thạch hay năng lượng tái tạo cũng đều có hai mặt tốt và xấu. Cái xấu của năng lượng hóa thạch được thể hiện ngay trong quá trình khai thác và sử dụng chúng; còn năng lượng tái tạo thì cái xấu bị che khuất trong quá trình khai thác, sử dụng chúng mà chỉ thể hiện trong quá trình sản xuất và hủy bỏ các thiết bị để khai thác, sử dụng chúng. Giống như vào nhà hàng nhìn mâm cỗ bày biện rất đẹp mắt, nhưng vào bếp xem thì... "buồn nôn". Do vậy, vấn đề đặt ra là phải tìm cách hạn chế mặt xấu của từng loại năng lượng chứ không phải cứ xấu thì bỏ đi.

Về chuyện của Trung Quốc đúng là hiện nay họ đang phát triển mạnh năng lượng gió, năng lượng mặt trời và giảm nhiệt điệt than. Song phải nhìn một thực tế rằng họ giống như người quá béo phì cho nên bây giờ phải giảm ăn để giảm cân trở lại mức bình thường, tức là tăng sử dụng năng lượng tái tạo và giảm nhiệt điện than xuống mức hợp lý chứ không phải bỏ nhiệt điệt than như một số ý kiến tuyên truyền.

Hiện nay, nhiệt điện than ở Trung Quốc chiếm tỉ trọng rất lớn trong hệ thống nguồn điện và tổng sản lượng than đang tiêu thụ rất lớn như đã nêu trên. Trong năm 2017 Trung Quốc cam kết giảm khoảng 150 triệu tấn (gấp 3 lần sản lượng than tiêu thụ năm 2016 của Việt Nam) thì tổng sản lượng than tiêu thụ của Trung Quốc vẫn còn hơn 3 tỉ tấn, bình quân hơn 2 tấn/người. Liệu Trung Quốc có thể giảm sản lượng than tiêu thụ xuống còn khoảng 740 triệu tấn/năm để bình quân đầu người còn khoảng 0,53 tấn than như Việt Nam hiện nay hay không? Chắc chắn là không.

Ngược lại, Việt Nam có thể ví như người gầy còm do thiếu ăn có thể noi theo Trung Quốc to béo rồi giảm ăn để giảm cân như một số ý kiến đề nghị hay không? Không thể được.

Ngược lại với Trung Quốc vấn đề của Việt Nam là vẫn phải tăng cường sử dụng than nhất là than cho sản xuất điện nhưng phải tăng ở mức hợp lý và cần quan tâm khai thác, sử dụng than nói chung và sản xuất nhiệt điện than nói riêng bằng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để hạn chế "cái bẩn" của than.

Đi đôi với tăng cường khai thác, sử dụng than và phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý cần phải đẩy mạnh phát triển khai thác, sử dụng các loại năng lượng khác, nhất là các nguồn NLTT, đồng thời triệt để thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tóm lại, Việt Nam đang cần nhu cầu năng lượng rất lớn, kể cả than và nhiệt điện than để phát triển kinh tế - xã hội, chứ không thể "bắt chước người béo phì nhịn ăn để giảm cân".   

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

1.    EIA Energy Statistics-2015.

2.    BP Statistical (2013, 2015, 2016).

3.    Trương Duy Nghĩa: Tạp chí Năng lượng Việt Nam, số tháng 4/2017.

4.    Bùi Huy Phùng: Biến đổi khí hậu và xu thế phát triển nhiện điện than trên thế giới. Tạp chí Năng lượng Việt Nam, số 142 (tháng 3/2017).

5.    Nguyễn Văn Vy: Sự cần thiết của nhiệt điện than trong chiến lược phát triển nguồn điện Việt Nam. Tạp chí Năng lượng Việt Nam, số 142 (tháng 3/2017).

6.    https://www.iea.org/publications/freepublications/publication/KeyWorld2015.pdf.

7.    Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2015.

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động