Tỷ lệ lắp điện mặt trời trên mái nhà tại Đồng Nai tăng đột biến
10:57 | 27/08/2019
Hiệu quả từ điện mặt trời trên mái nhà tại miền Trung, Tây Nguyên
Thời gian qua, điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) được Chính phủ quan tâm và khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân sử dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Nhu cầu lắp đặt, sử dụng ĐNLMT ngày càng cao cũng như những chính sách mới về giá thu mua ĐNLMT đã tác động không nhỏ tới tốc độ phát triển ĐNLMT trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Tiềm năng lớn
Theo PC Đồng Nai, ưu điểm của ĐNLMT là nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường và không bị cạn kiệt, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, trong khi chi phí vận hành và bảo trì thấp.
Đồng Nai là khu vực được đánh giá có tiềm năng điện mặt trời lớn, với bức xạ mặt trời trung bình năm vào khoảng 1.849 kWh/m2/năm. Tổng số giờ nắng trung bình là 2.445 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ĐNLMT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều nhà máy, doanh nghiệp có sẵn hạ tầng, kết cấu mái đáp ứng tốt điều kiện để lắp đặt ĐNLMT mái nhà. Lưới điện được ngành điện đầu tư phủ khắp các khu công nghiệp, phường, xã trên địa bàn.
Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ, Sản xuất và Chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho hay, doanh nghiệp lắp đặt và sử dụng hiệu quả nguồn điện từ năng lượng mặt trời trên mái nhà từ khoảng tháng 10/2018. Chi phí đầu tư ban đầu của hệ thống khoảng hơn 600 triệu đồng, với nguồn pin năng lượng nhập khẩu từ châu Âu.
Theo tính toán, việc triển khai mô hình ĐNLMT này giúp Công ty tiết kiệm 40% tổng lượng điện cần sử dụng trong sản xuất so với trước đây.
Không chỉ là nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐNLMT còn giúp người dân, các nhà máy, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí về điện, kiếm được tiền từ… “mái nhà”.
Giữa tháng 4 vừa qua, gia đình anh Phạm Văn Vinh (KP.5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) đã đầu tư gần 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà khoảng 25m2, với công suất 5kWp. Đến nay, việc lắp đặt điện mặt trời mang lại nhiều lợi ích, giảm được việc sử dụng điện lưới nên lượng điện tiêu thụ ở bậc thang thấp.
Biểu đồ thể hiện tổng công suất lắp đặt và số lượng khách hàng đã ký hợp đồng mua bán điện năng lượng mặt trời trên mái nhà với PC Đồng Nai (từ tháng 8/2018 đến cuối tháng 7/2019) và các mức giá mua điện năng lượng mặt trời trên mái nhà được áp dụng theo quy định hiện nay.
Với chính sách về giá mua ĐNLMT mái nhà trong thời gian qua, trung bình mỗi tháng anh Vinh còn thu về khoản tiền ĐNLMT hòa lưới khoảng 450 ngàn đồng. Điều này giúp gia đình anh tiết kiệm được khoảng 50% chi phí tiền điện sinh hoạt so với trước đây.
Ông Đỗ Trường Sơn (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho hay, gia đình ông vừa lắp đặt hệ thống ĐNLMT trên mái nhà để phục vụ cho sinh hoạt với tổng mức đầu tư khoảng 60 triệu đồng vào giữa tháng 6 vừa qua. Bước đầu hệ thống hoạt động khá ổn định. Ngoài việc giảm chi phí về điện, mỗi tháng gia đình ông còn thu về được khoảng hơn 350 ngàn đồng tiền ĐNLMT hòa lưới…
Tỷ lệ lắp đặt tăng đột biến
Thống kê từ PC Đồng Nai cho thấy, đến cuối tháng 7/2019, trên địa bàn tỉnh có 640 khách hàng lắp đặt và ký hợp đồng mua bán ĐNLMT trên mái nhà với Công ty. Tổng công suất lắp đặt 14,9 MWp (đơn vị đo năng lượng sinh ra, thường được sử dụng cho các thiết bị năng lượng mật trời), tăng khoảng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, có 527 khách hàng sử dụng cho sinh hoạt với tổng công suất 2,7 MWp và 113 khách hàng sử dụng ngoài sinh hoạt với tổng công suất 12,2 MWp.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc PC Đồng Nai chia sẻ, nhu cầu lắp đặt ĐNLMT trên mái nhà trong thời gian qua ngày càng tăng do nhận thức về năng lượng sạch nói chung và ĐNLMT trên mái nhà của người dân có nhiều thay đổi. Các hộ gia đình, các công ty, nhà máy… ngày càng quan tâm điện mặt trời, hiểu nhiều hơn về lợi ích từ ĐNLMT.
Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2019 sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐNLMT tại Việt Nam. Theo đó, đối với các dự án ĐNLMT trên mái nhà sẽ được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.
Bên cạnh đó, chính sách mới về giá thu mua ĐNLMT trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng ĐNLMT tăng cao, đặc biệt là việc lắp đặt ở hộ gia đình, doanh nghiệp…
Với mức giá mua bán điện được quy định cụ thể như sau:
1/ Trước ngày 1/1/2018, giá mua điện từ hệ thống ĐNLMT trên mái nhà của khách hàng là 2.086 đồng/kWh.
2/ Từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2018, giá mua điện là 2.096 đồng/kWh.
3/ Từ ngày 1/1/2019 đến 31/12/2019, giá mua điện là 2.134 đồng/kWh đối với hợp đồng mua bán ĐNLMT được ký kết trước ngày 1/7/2019.
Tất cả các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện được xác định theo từng năm và được tính bằng tiền Việt Nam đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết thêm, chính sách giá mua điện này cũng đã tác động đến nhu cầu lắp đặt ĐNLMT trên mái nhà của người dân trong thời gian qua, nhất là thời điểm trước ngày 1/7/2019 khi giá mua điện được cố định trong vòng 20 năm nên nhu cầu lắp đặt ĐNLMT trên mái nhà vào giai đoạn này tăng đột biến.
Theo ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao Năng lượng Mặt trời G7 (phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa), doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp đặt hệ thống ĐNLMT, lượng khách hàng lắp đặt ĐNLMT của Công ty tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, ông Phạm Quyến, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Mặt trời Năng lượng xanh (phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) chia sẻ, nhu cầu lắp đặt ĐNLMT ở TP. Biên Hòa tăng hơn 100% so với thời điểm cách đây khoảng 1 năm. Hiện nay, nhu cầu có phần chững lại so với thời điểm trước tháng 7/2019 khi nhiều người đang “chờ” quy định mới về giá mua ĐNLMT.
“Tràn lan” các loại pin năng lượng mặt trời
Theo một số doanh nghiệp lắp đặt ĐNLMT, giá thành lắp đặt ngày càng rẻ với nhiều công suất dành cho hộ gia đình, các doanh nghiệp, văn phòng, nhà máy… Nguyên nhân do có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này nên có sự cạnh tranh về giá.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, so với trước đây, hiện mức giá lắp đặt hệ thống ĐNLMT đã giảm khoảng 15% với những năm trước đây, hiện vào khoảng 17-18 triệu đồng cho mỗi kWp điện.
Nhu cầu lắp đặt ĐNLMT trên mái nhà tăng cao tác động không nhỏ tới thị trường các loại pin năng lượng mặt trời. Những tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời có thể đặt trên mái nhà, sân thượng hoặc tại khu vực có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao nhất để tạo thành nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.
Lắp đặt một hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà ở TP.Biên Hòa.
Hiện nay, bên cạnh các pin mặt trời được sản xuất trong nước, còn có các tấm pin mặt trời được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada… Mỗi loại có giá thành khác nhau nên tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện kinh tế để lắp đặt. Theo các đơn vị cung cấp pin mặt trời, tuổi thọ của pin có thể lên tới 25-30 năm, chi phí lắp đặt pin trung bình hiện nay vào khoảng 0,3-0,35 USD cho 1kWp.
Giám đốc một công ty chuyên cung cấp, lắp đặt pin năng lượng mặt trời ở TP. Biên Hòa cho hay, pin năng lượng mặt trời hiện khá đa dạng về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ. Những loại pin của châu Âu, Nhật Bản… thường có độ bền cao hơn. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí lắp đặt, đa phần khách hàng thường chọn các loại pin giá rẻ. Hiện nay, khoảng hơn 70% pin cung ứng trên thị trường có xuất xứ Trung Quốc do giá thành rẻ hơn nhiều so với nhiều loại pin cùng loại.
Nhiều nhà cung cấp khuyến cáo khách hàng có nhu cầu lắp đặt pin năng lượng mặt trời cần lưu ý chọn những loại thiết bị về năng lượng mặt trời đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tránh sử dụng các loại thiết bị trôi nổi trên thị trường vì tuổi thọ thường không cao, không có chính sách bảo trì, bảo hành rõ ràng và có nguy cơ tác động môi trường sau khi sử dụng./.
HẢI QUÂN - PC ĐỒNG NAI