RSS Feed for Trang sử mới của ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 21:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trang sử mới của ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam

 - Năm 2012 đã đi qua, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VNLNTVN) đã hoàn thành nhiệm vụ được giao của Đảng và Nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng, không ngừng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ cho các đơn vị của Viện. Một mặt, Viện vẫn thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại các cơ sở nghiên cứu trong toàn Viện, hoàn thành tốt các đề tài nhiệm vụ nghiên cứu, tích cực tham gia vào các nhiệm vụ liên quan đến chương trình và dự án điện hạt nhân, cũng như đẩy mạnh ứng dụng NLNT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

>> Điện hạt nhân Việt Nam: 30 năm trước và thế hệ hôm nay
>> Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho nhân lực năng lượng nguyên tử
>> Điện hạt nhân - Sự lựa chọn của Việt Nam
>> Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam quản lý và xử lý chất thải hạt nhân

TS TRẦN CHÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam 

Trong năm qua, Viện đã tích cực triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân, hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động máy gia tốc chùm tia điện tử tại Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ, Tp. Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng hạ tầng để tiếp nhận máy gia tốc 13 MeV của Hàn Quốc tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. 

Viện đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ trong ngành, cũng như cán bộ các đơn vị khác liên quan. Công tác gửi cán bộ có năng lực đi đào tạo tại nước ngoài vẫn tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Viện cũng đã phối hợp toàn diện với các đơn vị năng lượng nguyên tử trong Bộ, với Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2012, liên quan đến chương trình phát triển điện hạt nhân của đất nước.

Phát triển điện hạt nhân là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế của đất nước. Công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi nguồn cung cấp điện năng ổn định, kinh tế.

Tuy nhiên, nhìn lại những kết quả đã đạt được trong năm 2012 với tình hình nhiệm vụ hiện nay của đất nước, đánh giá một cách khách quan, những gì đã làm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam đang được triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ. Phát triển điện hạt nhân là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế của đất nước. Công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi nguồn cung cấp điện năng ổn định, kinh tế.

Tuy nhiên, điện hạt nhân có đặc thù rất đặc biệt, đó là vấn đề an toàn, điện hạt nhân đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không có trình độ khoa học công nghệ đáp ứng, không thể đảm bảo an toàn cho điện hạt nhân. Có thể thấy việc thực hiện chương trình điện hạt nhân của đất nước là nhiệm vụ vô cùng phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của lãnh đạo đất nước cũng như tất cả đội ngũ cán bộ tham gia.

Một trong những điểm quan trọng của phát triển điện hạt nhân là nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Nghiên cứu và phát triển (R&D) chính là một trong 3 lĩnh vực quan trọng nhất của điện hạt nhân (nhà máy điện hạt nhân, hệ thống pháp quy và nghiên cứu triển khai hỗ trợ kỹ thuật). Mục tiêu củng cố và phát triển Viện NLNT Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích này.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam 

Có thể nhận thấy rằng, hơn 35 năm qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng của Viện NLNT đã trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ, và cho đến nay đang phát triển chậm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân. Sự chậm trễ và chưa đạt yêu cầu này có mấy lý do sau đây:

- Định hướng nghiên cứu đang thay đổi, đòi hỏi thời gian để chuyển sang định hướng mới, trong đó ưu tiên hỗ trợ chương trình điện hạt nhân;

- Mặc dầu vẫn được Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách, lương cán bộ vẫn rất thấp, sự thay đổi sang cơ chế hướng thị trường kéo theo mất dần sự hấp dẫn đối với nghề nghiệp, với công việc nghiên cứu khoa học;

- Do chưa có định hướng tốt cũng như đầu tư thích đáng, thiếu sự tập trung vào giải quyết các vấn đề khoa học, đội ngũ nghiên cứu bị phân tán, mất sức mạnh tập thể, năng lực giảm, ít có các công trình nghiên cứu tốt;

- Trong các đơn vị thuộc Viện NLNTVN, tư tưởng dựa vào Nhà nước vẫn có sức ỳ lớn, một số đơn vị nghiên cứu chưa chú trọng vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu mà tập trung vào công việc tư vấn, kinh doanh; ngay cả một số đơn vị ứng dụng vẫn muốn dựa vào Nhà nước mà chưa thực sự chủ động làm “doanh nghiệp khoa học” theo đúng nghĩa của kinh tế thị trường;

- Chưa có nhiều lãnh đạo các đơn vị thực sự tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp khoa học để xây dựng đơn vị của mình thành cơ sở nghiên cứu mạnh;

- Trong bối cảnh hiện nay, chưa thu hút được người giỏi vào làm việc;

- Và nhiều lý do khác.

Ví dụ, nếu Viện NLNTVN được giao nhiệm vụ tư vấn về khoa học và công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho dự án điện hạt nhân, thì số cán bộ có thể tham gia vào công việc sẽ không nhiều, Viện hoặc các đơn vị trong Viện chưa có đủ năng lực và đội ngũ làm được các công việc theo yêu cầu, đội ngũ hiện nay phân tán, trình độ vẫn còn thấp.

Một câu hỏi khác, ngành năng lượng nguyên tử đã đóng góp được gì nhiều cho nông nghiệp Việt Nam chưa, một đất nước nông nghiệp là chính với khoảng 70% là nông dân? Có thể đặt ra câu hỏi: Hiện nay chúng ta hưởng lương Nhà nước, các đề tài nghiên cứu đều có tiền Nhà nước cấp, nhưng đề tài khoa học của chúng ta có bao nhiêu giá trị, nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là gì, chúng ta đã đóng góp được gì cho nhiệm vụ chung của đất nước? Trả lời câu hỏi này sẽ cho ta thấy, vấn đề xây dựng năng lực cho Viện nói chung và các đơn vị trong Viện nói riêng nhằm hướng tới đóng góp thực sự cho khoa học và công nghệ nói chung, cho ngành năng lượng nguyên tử, ngành hạt nhân nói riêng là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Xuất phát từ những suy nghĩ trên đây, để củng cố và phát triển Viện NLNTVN trong giai đoạn tiếp theo, xin phép trình bày một số suy nghĩ định hướng như sau:

- Trước mắt, Viện NLNTVN cần xác định rõ các định hướng nghiên cứu cần thiết hiện nay, trong đó ưu tiên hỗ trợ chương trình điện hạt nhân;

- Tập trung ưu tiên cho xây dựng tiềm lực khoa học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, cần động viên khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học;

- Tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên cần thiết trước mắt trên cơ sở tiềm năng hiện có, dần dần bổ sung các hướng khác trong tương lai khi có khả năng và điều kiện;

- Hướng các đề tài nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ cho các hướng nghiên cứu ưu tiên;

- Nâng cao chất lượng các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học;

- Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp;

- Sử dụng tối đa nguồn nhân lực khoa học hiện có, tích cực triển khai đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ;

- Tận dụng hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, đào tạo nhân lực.

Các quan điểm, suy nghĩ trên đây có thể cụ thể hóa như sau:

1. Định hướng nghiên cứu và xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên

Trên cơ sở các hướng nghiên cứu đang được triển khai tại các đơn vị, đội ngũ cán bộ khoa học hiện có và định hướng xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân, trước mắt, một số hướng nghiên cứu sau đây tại các đơn vị nghiên cứu được xác định là hướng nghiên cứu ưu tiên:

Viện NCHN Đà Lạt:

a) Nhóm Thiết kế, tính toán vật lý lò (thiên về lò nghiên cứu);

b) Nhóm Vật lý nơtron (cần xây dựng mới);

c) Nhóm Đo lường và điều khiển (C&I);

d) Nhóm Khoa học vật liệu (vật liệu chiếu xạ, đánh giá vật liệu);

e) Nhóm Quan trắc và môi trường – phối hợp cùng Viện KH&KT hạt nhân.

Viện KH&KT hạt nhân:

a) Nhóm Vật lý hạt nhân;

b) Nhóm Vật lý, động học lò thiên về lò năng lượng – phối hợp cùng Viện NCHN Đà Lạt;

c) Nhóm cơ- thủy nhiệt và an toàn;

d) Nhóm An toàn bức xạ và Môi trường;

e) Nhóm điện tử hạt nhân và máy gia tốc – phối hợp cùng Viện NCHN Đà Lạt.

Viện Công nghệ xạ hiếm:

a) Nhóm Công nghệ đất hiếm;

b) Nhóm Công nghệ xử lý quặng Uranium;

c) Nhóm Nghiên cứu tính toán về nhiên liệu hạt nhân (lò năng lượng);

d) Nhóm Quản lý và xử lý chất thải phóng xạ.

Trung tâm NDE:

a) Nhóm Khoa học vật liệu (vật liệu cho nhà máy điện hạt nhân, đánh giá vật liệu).

Các nhóm nghiên cứu ưu tiên khác thuộc các đơn vị ứng dụng sẽ tiếp tục được xem xét trong thời gian tới.

Để xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, sự phối hợp với các nhà khoa học trong các Viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước là điều kiện hết sức cần thiết.

Hơn 35 năm qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng của Viện NLNT đã trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ, và cho đến nay đang phát triển chậm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân.

2. Về ứng dụng năng lượng nguyên tử triển khai sản xuất dịch vụ

- Khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp khoa học tự chủ;

- Tích cực hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các đơn vị triển khai ứng dụng;

- Chú trọng các hướng ứng dụng trong triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ứng dụng trong công nghiệp, và ứng dụng trong nông nghiệp;

- Hỗ trợ xây dựng tiềm lực đối với các hướng ứng dụng quan trọng cần thiết khác khi có điều kiện, khả năng.

3. Về đào tạo nguồn nhân lực cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

- Khuyến khích hỗ trợ tự đào tạo, Viện NLNT và các đơn vị trong Viện tự đào tạo chuyên môn cho cán bộ nghiên cứu;

- Đào tạo cán bộ thông qua các đề tài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học;

- Mời các chuyên gia nước ngoài về làm việc với các nhóm nghiên cứu, tham gia đào tạo nhân lực;

- Đào tạo bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước (qua các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn của Bộ GD&ĐT hoặc Bộ KH&CN);

- Đào tạo qua các khóa học của IAEA và các nước khác;

- Đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, tìm kiếm và tận dụng các học bổng đào tạo sau đại học của các trường đại học các nước khác;

- Tìm kiếm và thu hút cán bộ khoa học giỏi.

4. Tham gia vào các công việc của dự án điện hạt nhân

- Phối hợp với Bộ Công thương, EVN, các cơ quan năng lượng nguyên tử thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chương trình điện hạt nhân;

- Tích cực tham gia các công việc liên quan đến dự án điện hạt nhân;

- Tham gia tổ chức đào tạo, tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ trong ngành hạt nhân (cho Bộ KH&CN, Bộ Công thương, EVN, v.v.);

- Phối hợp với các đối tác nước ngoài trong tìm hiểu công nghệ, tư vấn, đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân.

5. Đẩy mạnh thông tin khoa học, công tác thông tin tuyên truyền

- Tổ chức seminars khoa học thường xuyên giữa các nhóm nghiên cứu, trong Viện NLNT và các đơn vị của Viện;

- Tổ chức hội nghị khoa học hàng năm (Hội nghị KH&CN hạt nhân và Hội nghị Khoa học trẻ 2 năm 1 lần), dần nâng cấp Hội nghị KH&CN hạt nhân thành hội nghị khoa học vùng;

- Xuất bản các ấn phẩm khoa học (Tạp chí Khoa học công nghệ hạt nhân, Báo cáo khoa học hàng năm);

- Tạo kênh truy cập thông tin khoa học cho các cán bộ nghiên cứu;

- Hỗ trợ công tác thông tin tuyên tuyền về ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân;

- Duy trì bài viết thường xuyên cho trang Web của Viện cũng như trang Web của các đơn vị.

Viện NLNTVN đang đứng trước thách thức và sự thay đổi, đòi hỏi tâm huyết và nỗ lực của tất cả lãnh đạo và cán bộ của Viện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thu nhập của cán bộ nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đất nước đang thay đổi cơ chế làm khoa học, đây cũng là vấn đề “con gà quả trứng”. Ngành năng lượng nguyên tử đang nhận được sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt của lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Bộ KH&CN. Với sự quan tâm ưu tiên đó, một khi tất cả các lãnh đạo và các cán bộ của Viện NLNTVN quyết tâm đồng lòng xây dựng Viện lớn mạnh, tôi tin rằng Viện NLNTVN sẽ tìm được vị trí xứng đáng trong sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

(Đầu đề do BBT NangluongVietnam đặt)

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Việt - Trung: "Những điều không thể không nói ra"
Triều Tiên muốn mở cửa theo "mô hình Việt Nam"?
Chuyên gia quân sự Nga bình luận vũ khí Trung Quốc
Việt Nam trong cuộc chơi quyền lực Mỹ - Trung
"Tình hình xấu hơn có khi là cơ may cho đất nước"
Ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội chống tham nhũng

Lào có thể phải trả giá vì nhận tiền đầu tư của Trung Quốc

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động