RSS Feed for Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 19:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn

 - Quá trình chuyển dịch để đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng 0 đòi hỏi phải phát triển và triển khai nhanh chóng các công nghệ tiên tiến có vai trò quan trọng trong việc khử cacbon trong các lĩnh vực khó giảm thiểu khí thải như ngành công nghiệp, hàng không, vận tải đường dài. Báo cáo do IEA và GenZero lập [1], nêu rõ cách thức mà tín chỉ cacbon có thể giúp mở rộng quy mô ứng dụng các công nghệ tiên tiến như khí hydro phát thải thấp, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và thu giữ, lưu trữ không khí trực tiếp (DACS).
Chiến lược quốc gia hydrogen: Ba trụ cột, ba mục tiêu của Hoa Kỳ, gợi ý thí điểm ở Việt Nam Chiến lược quốc gia hydrogen: Ba trụ cột, ba mục tiêu của Hoa Kỳ, gợi ý thí điểm ở Việt Nam

Hydrogen là nguồn năng lượng sạch, được đánh giá là tương lai của ngành năng lượng, vì có tiềm năng ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực giao thông, lưu trữ năng lượng tái tạo, cung cấp nhiệt. Tuy nhiên, một trong những rào cản chính cho sự phát triển của năng lượng hydrogen chính là chi phí sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và phân phối cao. Do vậy, giảm chi phí các khâu sản xuất là một thách thức lớn cần được giải quyết để tăng tính cạnh tranh cho nguồn năng lượng này. (Tổng hợp của chuyên gia PECC2 và Tạp chí Năng lượng Việt Nam).

Lộ trình Net zero của Việt Nam - Một số nghiên cứu và khuyến nghị từ quốc tế Lộ trình Net zero của Việt Nam - Một số nghiên cứu và khuyến nghị từ quốc tế

McKinsey - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới (Big Three) của Hoa Kỳ vừa cập nhật báo cáo tựa đề “Hoạch định lộ trình hoàn thành mục tiêu phát thải Net zero cho Việt Nam” (Charting a path for Vietnam to achieve its Net-zero goals). Tạp chí Năng lượng Việt Nam tóm tắt các nghiên cứu và khuyến cáo chính của McKinsey liên quan đến lĩnh vực năng lượng để chúng ta tham khảo.

Để phù hợp với lộ trình của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (NZE), nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5°C, tất cả các công nghệ này cần được triển khai với quy mô lớn và khẩn cấp.

Theo đó, sản xuất hydro phát thải thấp cần đạt 70 triệu tấn hydro vào năm 2030 so với mức dưới 1 triệu tấn hydro vào năm 2022. Tỷ lệ phần trăm của nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong ngành hàng không tăng từ mức gần 0% hiện nay lên khoảng 11% vào năm 2030. Lượng CO2 được loại bỏ hàng năm nhờ DACS sẽ đạt khoảng 70 triệu tấn CO2 vào năm 2030 và khoảng 700 triệu tấn CO2 vào năm 2050 so với mức gần như bằng 0 hiện nay.

Việc đạt được các quy mô cần thiết của các công nghệ này sẽ phụ thuộc vào việc triển khai và đầu tư sớm. Năm 2023, mức đầu tư vào hydro phát thải thấp, SAF và DACS là 9 tỷ USD.

Theo Kịch bản NZE, mức đầu tư cần tăng lên gần 300 tỷ USD mỗi năm vào đầu những năm 2030 và đạt khoảng 700 tỷ USD hàng năm vào giữa thế kỷ này. Khoảng 75% khoản đầu tư này vào năm 2050 sẽ được dành cho hydro phát thải thấp và nhiên liệu dựa trên hydro.

Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn
Hình 1: Khoảng cách đầu tư ở các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) theo 2 kịch bản Net zero 2050 và kịch bản theo các chính sách đã được công bố [1].

Để huy động mức đầu tư này, các chính phủ cần triển khai kết hợp chính sách bổ sung và công cụ tài chính sáng tạo. Cần có cách tiếp cận kết hợp giữa các quỹ công, tư nhân và từ thiện để giúp quản lý các rủi ro khác nhau, cùng như giảm tổng chi phí vốn. Nguồn vốn công hạn chế có thể dùng để quản lý rủi ro pháp lý và rủi ro quốc gia nhằm giúp thu hút vốn tư nhân vào các dự án ban đầu.

Ở các nền kinh tế đang phát triển, có thể sử dụng các khoản tài chính kết hợp (các khoản tài trợ, hoặc bảo lãnh) để hỗ trợ việc gia nhập thị trường và đem lại tính khả thi cho dự án. Các chính phủ có thể giúp thu hẹp khoảng cách đầu tư (giữa kịch bản Net zero và kịch bản theo các chính sách đã được công bố - STEPS) bằng cách ban hành các quy định rõ ràng và các chính sách hỗ trợ. Tín chỉ cacbon chất lượng cao là một công cụ quan trọng tiềm năng để khuyến khích đầu tư và tăng doanh thu của dự án.

Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn
Hình 2: Lưu đồ đơn giản hóa về cách thức phát hành và mua tín chỉ cacbon [1].

Tín chỉ cacbon chất lượng cao có thể hữu ích trong việc thu hút vốn tư nhân tài trợ cho hydro phát thải thấp, SAF và DACS, đặc biệt là ở những hệ thống pháp luật - nơi chưa áp dụng các công cụ định giá cacbon tuân thủ. Các công cụ định giá cacbon bao gồm: “Tuân thủ” (tức là thuế cacbon, hệ thống giao dịch khí thải, hoặc kết hợp cả hai) và tín chỉ cacbon, có thể đem lại hiệu quả theo các cách khác nhau.

Tại các hệ thống pháp lý - nơi các công cụ định giá cacbon tuân thủ được thiết lập tốt, chính phủ có thể sử dụng doanh thu để tài trợ cho các công nghệ phát thải thấp, đặc biệt là các công nghệ được phát triển ở giai đoạn đầu (là giai đoạn chịu rủi ro cao). Tín chỉ cacbon chất lượng cao được sử dụng cho nghĩa vụ tuân thủ, hoặc được sử dụng trong thị trường cacbon tự nguyện cũng có thể đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ này.

Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn
Hình 3: Phương pháp tính tín chỉ cacbon cho hydro phát thải thấp khi hydro được sử dụng để phát điện [1].

Thị trường tín chỉ cacbon phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng từ cả phía cung và cầu, nhưng một số sáng kiến đã được đưa ra để giải quyết những vấn đề này. Về phía cung, những lo ngại thường xoay quanh việc cấp tín dụng quá mức, thiếu sự bổ sung, hoặc lạm dụng quyền con người. Về phía cầu, một số tập đoàn đã sử dụng tín chỉ cacbon để đưa ra những tuyên bố sai lệch về việc đạt được mức trung hòa cacbon mà không thực sự nỗ lực giảm lượng khí thải của chính họ. Do đó, các sáng kiến như Hội đồng liêm chính cho thị trường cacbon tự nguyện (ICVCM), Sáng kiến liêm chính thị trường cacbon tự nguyện (VCMI) đã đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ hơn về phía cung và cung cấp hướng dẫn để giúp người mua định hướng khi tham gia các thị trường phức tạp này và thực hiện việc đánh giá cẩn trọng.

Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn
Hình 4: Phương pháp tính tín chỉ cacbon cho nhiên liệu hàng không bền vững [1].

Tạo ra tín chỉ cacbon chất lượng cao từ hydro phát thải thấp, SAF và DACS là hoàn toàn khả thi nhờ các biện pháp bảo vệ thích hợp. Các nhà phát triển dự án và chương trình tín chỉ cacbon cần ưu tiên giải quyết các rủi ro tiềm ẩn do sự định lượng không chính xác mức giảm phát thải từ hydro phát thải thấp và SAF, cũng như rủi ro tiềm ẩn của việc tính hai lần lượng giảm phát thải từ tín chỉ cacbon SAF. Các nhà phát triển dự án DACS cần sẵn sàng giải thích lý do tại sao họ cần tín chỉ cacbon để trang trải chi phí xanh ngay cả khi có các ưu đãi khác.

Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn
Hình 5: Cách thức hoạt động của phương pháp tính tín chỉ cacbon cho hệ thống thu giữ và lưu trữ không khí trực tiếp [1].

Rào cản và khuyến nghị về vai trò của tín chỉ cacbon trong việc mở rộng quy mô ứng dụng hydro phát thải thấp, SAF và DACS:

Tín chỉ cacbon không thể tự mình thu hẹp khoảng cách đầu tư và vì vậy, các chính phủ, cũng như khu vực tư nhân cần có chiến lược phát triển để tạo ra môi trường thuận lợi phù hợp cho đầu tư. Hydro phát thải thấp, SAF và DACS không chỉ yêu cầu lượng tín chỉ cacbon để áp dụng trên quy mô lớn mà còn cần có các sự hỗ trợ khác. Các thị trường cacbon gặp khó khăn trong việc khuyến khích các công nghệ giai đoạn đầu do chi phí ban đầu cao, giá tín chỉ biến động và sự bất ổn của thị trường. Các chính phủ cần áp dụng kết hợp chính sách bổ sung để thu hẹp khoảng cách đầu tư. Chẳng hạn như đưa ra lộ trình có thuyết minh rõ ràng về đầu tư, về các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D), về tài trợ và mua sắm công có mục tiêu (bao gồm cả việc sử dụng tín chỉ cacbon). Ngoài ra, các liên minh khu vực tư nhân có thể giúp giảm chi phí công nghệ thông qua các cam kết mua trước.

Tính khả dụng thấp của các phương pháp tín chỉ hiện nay đang cản trở việc tạo ra tín chỉ cacbon từ hydro phát thải thấp, SAF và DACS. Tuy nhiên, bối cảnh đang thay đổi. Hiện tại chưa có phương pháp tín chỉ nào để tạo ra tín chỉ cacbon SAF và chỉ có một vài phương pháp dành cho hydro phát thải thấp, nhưng lại giới hạn về phạm vi. Một số phương pháp DACS đã được phát triển gần đây, nhưng ứng dụng của chúng vẫn chưa được mở rộng. Các chương trình tín chỉ cacbon, các nhà phát triển dự án và các chuyên gia đang tăng cường nỗ lực cho phương pháp mới để tạo tín chỉ từ các công nghệ này.

Tín chỉ cacbon và vai trò thúc đẩy đầu tư công nghệ giảm phát thải quy mô lớn
Hình 6: Minh họa về mức độ phức tạp trong tính toán tín chỉ cacbon cho nhiên liệu hàng không bền vững [1].

Liên minh các bên liên quan cần xây dựng hướng dẫn rõ ràng về tính toán phát thải và cần nỗ lực thu thập dữ liệu tốt hơn về phát thải để cung cấp cơ sở cho hướng dẫn đó. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lượng khí thải từ chuỗi cung ứng tín chỉ cacbon hydro phát thải thấp và SAF, vốn rất phức tạp vì việc tính toán lượng khí thải thường trải rộng trên nhiều quốc gia, qua các thị trường tự nguyện và cơ chế tuân thủ, cũng như theo các loại công cụ định giá cacbon khác nhau. Vì vậy, cần có sự phối hợp và minh bạch hơn nữa để đảm bảo rằng: Các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ tính toán chính xác lượng khí thải từ chuỗi cung ứng tín chỉ cacbon hydro phát thải thấp và SAF./.

THỰC HIỆN: NHI ĐỖ - PECC2


Tài liệu tham khảo:

[1] IEA and GenZero. The Role of Carbon Credits in Scaling Up Innovative Clean Energy Technologies: How high-quality carbon credits could accelerate the adoption of low-emissions hydrogen, sustainable aviation fuels and direct air capture, 2024.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động