RSS Feed for Tìm lại cơ hội cho một số dự án thủy điện bị loại bỏ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 03:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tìm lại cơ hội cho một số dự án thủy điện bị loại bỏ

 - Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh chủ trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu, phát triển nguồn năng lượng sạch, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt là việc kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai một số dự án đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật, môi trường...

Đại hội lần thứ I, Hội Thủy điện vừa và nhỏ-Năng lượng xanh

Thông tin trên được ông Đào Duy Tân - Chủ tịch Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh khẳng định với Phóng viên Năng lượng Việt Nam ngay sau khi tổ chức này chính thức được thành lập, đi vào hoạt động.

Ông Đào Duy Tân cho rằng, thủy điện vừa và nhỏ và năng lượng tái tạo là ưu thế của ngành điện Việt Nam trong tương lai. 

- Việc thành lập Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh có ý nghĩa thế nào trong việc tăng thêm nguồn điện, thưa ông ?

Về thủy điện, trong nhiều năm qua, có hàng trăm dự án thủy điện vừa và nhỏ, cũng như một số dự án về điện gió, điện mặt trời đã được hình thành, góp phần công suất đáng kể vào hệ thống điện quốc gia.

Hiện cả nước có hàng trăm dự án thủy điện vừa, nhỏ và nhiều dự án về năng lượng gió, mặt trời có hiệu suất cao… nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng để bổ sung nguồn năng lượng sạch cho đất nước.

Với kinh nghiệm phát triển thủy điện trong nhiều năm, tới đây, trong các dự án mới, nếu chúng ta làm chuẩn vấn đề thi công, giám sát thi công, sẽ hạn chế tối đa tác động đến môi trường.

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, giá mua điện đang là vướng mắc chủ yếu trong phát triển nguồn năng lượng này trong bối cảnh xuất đầu tư cao, nhà đầu tư cảm thấy không hấp dẫn.

Tôi tin rằng, những nguồn năng lượng này nếu biết khai thác tốt, sẽ đạt được hiệu quả cao, cung cấp nguồn điện đang kể, bổ sung nguồn điện đang thiếu cho nguồn điện quốc gia.

- Trong dài hạn đến năm 2020 và năm 2030, nếu tận dụng các nguồn thủy điện nhỏ và năng lượng xanh, theo ông, có thể đáp ứng bao nhiêu phần trăm trong tổng nguồn điện?

Con số cụ thể phải được tính toán kỹ, nhưng tôi khẳng định đây sẽ là nguồn điện dồi dào và chúng ta có thể khai thác dài hạn.

Tôi cho rằng, phát triển thủy điện vừa, nhỏ và năng lượng tái tạo là ưu thế của ngành điện Việt Nam trong tương lai, bởi theo đánh giá của Bộ Công Thương, năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn và có khoảng 1.000 địa điểm được đánh giá có tiềm năng kỹ thuật về thủy điện với tổng công suất khoảng hơn 7.000 MW. 

- Năm trước, một lượng lớn các dự án thủy điện bị loại bỏ, nhưng trong đó có một số dự án chưa hẳn đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này ?

Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành liên quan, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) để rà soát lại từng dự án để có cơ sở kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép tiếp tục triển khai, đó là những dự án đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu môi trường.

Tuy nhiên, cần loại bỏ những dự án quá nhỏ có mục tiêu không rõ ràng, chẳng hạn trên danh nghĩa là làm thủy điện, nhưng thực chất là để khai thác lâm sản.

- Ông nói gì về những quan ngại thủy điện là nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến môi trường?

Tôi không nghĩ như vậy. Xác định dự án ảnh hưởng đến môi trường phải dựa trên các phân tích khoa học, trên cơ sở thiết kế, không thể nói chung chung như vậy.

Trên thực tế, nếu thủy điện vừa và nhỏ tác động đến môi trường ghê gớm như thế thì lâu nay không thể phát triển được một lượng lớn dự án như hiện nay.

Kinh nghiệm của Tổng công ty Phát triển Năng lượng Nghệ An trong phát triển 4 dự án thủy điện đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Các dự án này có điểm mới, các cột nước thiết kế thấp, chỉ 10-12 mét, nên không tác động đến môi trường xung quanh, không tác động cộng hưởng khi có lũ, khi xây dựng không phải di dân. Hơn nữa, lượng nước thải ra sau phát điện được tái sử dụng.

- Gần đây, một số dự án thủy điện vừa và nhỏ sau khi hoàn thành lại không phát được điện, theo ông, đâu là nguyên nhân?

Xây dựng một nhà máy thủy điện, khâu chuẩn bị hết sức quan trọng. Đặc biệt phần khảo sát kỹ thủy văn, tính toán kỹ địa chất phải được nghiên cứu rất kỹ trước khi triển khai xây dựng nhà máy.

Tình trạng nhà máy hoàn thành không phát được điện là do chủ đầu tư không am hiểu kỹ thuật của lĩnh vực này.

Bây giờ nhiều nhà đầu tư quan tâm đến phát triển thủy điện nhưng chúng ta phải chọn được nhà đầu tư am hiểu lĩnh vực này mới có thể phát triển nguồn điện bền vững.

Như vậy, ngay khi cấp phép đầu tư các dự án thủy điện nhỏ, các địa phương cần xem xét năng lực của chủ đầu tư trong việc đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật, nếu không đáp ứng được thì kiên quyết không cho triển khai.

- Thưa ông, Hội sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đề ra trong Nhiệm kỳ đầu tiên?

Trong nhiệm kỳ thứ nhất (2015-2020), chúng tôi đã đề ra 16 mục tiêu chính sẽ triển khai suốt nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời có tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm để bổ sung những vấn đề mới, hiệu quả, sáng tạo và đột phá trong tương lai.

Theo đó, Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh đề xuất Đảng, Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống thủy điện vừa và nhỏ trên các dòng sông, suối trong cả nước cũng như phát triển các nguồn năng lượng sạch, để từ đó có bức tranh tổng quan, hoàn chỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu để chỉ đạo các nhà máy điện nêu trên, đảm bảo vận hành hồ đập thủy điện an toàn vào mùa lũ không gây ảnh hưởng cho phía hạ du cũng như việc tiến hành trồng lại cây rừng mới cho những dự án chưa thực hiện được, làm cho Đảng, Nhà nước, người dân hiểu rõ hơn hiệu quả từ việc vận hành an toàn hệ thống của nguồn năng lượng này.

Tới đây, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hội sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng, các địa phương để xác định những dự án có điều kiện khả thi để tiếp tục cho đầu tư xây dựng mới, tạo thêm nguồn công suất cho hệ thống, không làm ảnh hưởng tới môi trường.

Ngoài ra, chúng tôi dự kiến sẽ làm việc với Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng, Cục điều tiết Điện lực, EVN để chỉ đạo các công ty thủy điện vừa và nhỏ, các công ty điện gió, điện mặt trời tổ chức kết nối lưới điện từ các nhà máy với hệ thống điện quốc gia, bán điện theo giá thị trường, như các doanh nghiệp trong và ngoài EVN.

Cảm ơn ông,

HẢI VÂN thực hiện

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động