RSS Feed for Thủy điện Hố Hô có phải là tác nhân gây ra lũ? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 09:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện Hố Hô có phải là tác nhân gây ra lũ?

 - Truy trách nhiệm cho một mình Thủy điện Hố Hô gây ra lũ Hương Khê là không công bằng. Nếu không nói là sai lầm, vì bản thân nó không sinh ra nước lũ, mà do dòng nước ở thượng nguồn chảy qua nó mà thôi. Có một thực tế mà ít người hiểu đúng: Chính bản thân Hố Hô là nạn nhân của lũ Hương Khê.

Hồ thủy điện Hố Hô thì điều tiết cái gì?
Nên công bằng với thủy điện

Những hình ảnh tang thương về trận lũ tuần trước ở Hương Khê, nước ngập mênh mông, lút nóc nhà, sát nóc cổng trường học, nhân dân gồng mình chống lũ, bên cạnh hình ảnh cửa xả thủy điện Hố Hô mở hết cỡ với dòng nước cực lớn ào ào đổ về hạ du tràn ngập trên mặt báo và facebook. Từ đó, đa phần ý kiến đều cho rằng, việc xả lũ của Thủy điện Hố Hô là nguyên nhân gây ra lũ lụt ở Hương Khê, Hà Tĩnh mà trọng điểm là 2 xã Phương Mỹ, Phương Điền bị ngập sâu, nhiều ngôi nhà ngập lên đến nóc.

Nhưng có thể thấy, đa phần đều cảm tính, ít người tìm hiểu căn nguyên của vấn đề. Điều đó cũng phần nào hiểu được vì không phải ai cũng biết hết được các điều kiện về địa hình, địa vật, lưu vực sông cũng như các yếu tố thời tiết, điều kiện địa chất thủy văn ảnh hưởng đến lũ lụt ở khu vực miền Trung nói chung và Hương Khê nói riêng. 

Tìm lại lịch sử lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, có thể thấy rằng hầu như năm nào Hương Khê cũng xảy ra lũ lụt, từ trước khi có thủy điện Hố Hô rất lâu. Nặng nhất là các năm 2002, 2007, 2010, và năm nay 2016.

Chúng ta có thể chứng thực điều này bằng cách tra google với từ khóa “Lũ lụt Hà Tĩnh” và từng năm đi theo, sẽ thấy hầu hết các cơn lũ dữ ở Hà Tĩnh đều có tên Hương Khê, trong đó Phương Mỹ, Phương Điền là rốn lũ của Hương Khê. Tìm hiểu sâu hơn thì xem báo cáo phòng chống bão lụt hàng năm của Hà Tĩnh.

Dưới đây là một số liệu năm 2002 từ trước khi Thủy điện Hố Hô được xây dựng: “Trận lũ quét lớn nhất trong lịch sử ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã làm trên 80% số xã ở Hương Sơn, 50% số xã của huyện Hương Khê, Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh bị ngập, có nơi ngâp sâu từ 3.0 - 4.0m, làm 83 người chết và mất tích, 117 người bị thương”.

Điều đó cho thấy, có hay không có thủy điện Hố Hô thì Hương Khê vẫn là địa bàn xảy ra lũ thường xuyên, mỗi năm vài lần khi mùa mưa bão về. Mức độ nặng nhẹ của các cơn lũ hoàn toàn phụ thuộc lớn vào lượng mưa các trận bão, áp thấp nhiệt đới quét qua khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Một minh chứng nữa trong lần vừa rồi là khi xảy ra lũ ở Hương Khê thuộc lưu vực sông Ngàn Sâu thì ở Tuyên Hóa, Quảng Bình thuộc lưu vực sông Gianh ngay bên cạnh lưu vực Ngàn Sâu cũng xảy ra ngập tận nóc nhà ở các xã huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, thuộc hạ lưu sông Gianh. Dù rằng đầu nguồn lưu vực sông Gianh chẳng có đập thủy điện nào để xả lũ.

Vì sao Hương Khê luôn luôn xảy ra lũ? Và rốn lũ là Phương Mỹ?

Đặc thù của các sông suối khu vực miền Trung là lưu vực ngắn, nhưng độ dốc cao, khi mưa xuống, nước tập trung dồn xuống hạ lưu rất nhanh.

Theo địa hình thì toàn huyện Hương Khê là một thung lũng lòng chảo hướng Đông Nam - Tây Bắc với một bên là dãy núi biên giới Lào - Việt và một bên là dãy núi thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Sông Ngàn Sâu chạy dọc theo thung lũng. Phía bắc thung lũng là dải đồi thấp chắn ngang thuộc ranh giới hai huyện Hương Khê và Vũ Quang tạo nên một nút thắt cổ chai của sông Ngàn Sâu làm giảm nhịp độ dòng chảy của nó xuống huyện Vũ Quang, Đức Thọ. Và xã Phương Mỹ là xã cuối của thung lũng Hương Khê nằm vào nút cổ chai này với địa hình 1 nửa là đồi, 1 nửa là địa hình thấp thường bị ngập lũ.

Bản đồ địa hình thung lũng Hương Khê với 2 bên là 2 dãy núi

Khi bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Hương Khê - Hà Tĩnh, mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tất cả các nhánh sông suối trên địa bàn từ các nhánh sông suối từ Vườn Quốc gia Vũ Quang ở phía Bắc, các nhánh suối từ Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ ở phía Đông, các nhánh suối biên giới Lào - Việt ở phía Tây và nhánh hồ thủy điện Hố Hô ở phía Nam cùng đổ xuống thung lũng. Khi tất cả các nhánh suối đều đổ dồn về sông Ngàn Sâu cùng một thời điểm, thì mực nước dâng lên rất nhanh và tập trung dồn về Phương Mỹ, sau đó thoát sang huyện Vũ Quang. Vì vậy Phương Mỹ luôn luôn có mực nước dâng cao nhất và kèm theo mức độ thiệt hại lớn nhất mỗi khi có lũ Hương Khê.

Như trên đã nói, Hố Hô chỉ là 1 nhánh phụ lưu của sông Ngàn Sâu ở Hương Khê. Ngoài hồ thủy điện Hố Hô thì các nhánh khác cũng có một loạt các hồ chứa nước nhỏ hơn nằm rải rác hai bên thung lũng Hương Khê: Hồ Hòa Hải, Hồ Thạch Thượng, Hồ Mưng, Hồ Trung Hạ, Hồ Khe Mục Bài, Hồ Khe Dong Tròn, Hồ Khe Trôi, Hồ Hóp, Hồ Khe Con, Hồ Xóm 8, Hồ Khe Du, Hồ Đập Hợp… Khi mưa dồn về, các hồ này đầy cũng phải xả tràn và chảy xuống sông Ngàn Sâu, tổng lượng nước từ các hướng này đổ về cũng là một lượng nước lớn chảy xuống sông Ngàn Sâu gây ngập lụt.

Vì vậy, truy trách nhiệm cho một mình thủy điện Hố Hô về cơn lũ vừa rồi là không công bằng. Nếu không nói là sai lầm vì bản thân nó không sinh ra nước lũ, mà do dòng nước ở thượng nguồn chảy qua nó mà thôi.

Bản đồ lũ với các hướng nước đổ về thung lũng Hương Khê, chấm đỏ là rốn lũ Phương Mỹ. Lưu vực của Thủy điện Hố Hô là các mũi tên màu vàng

Thủy điện Hố Hô nằm trên đầu nguồn sông Ngàn Sâu, với lưu vực thu nước từ dãy núi biên giới Lào Việt ở phía tây và dãy núi thấp thuộc 3 xã Hương Lâm, Hương Vĩnh và Hương Liên ở phía Đông, diện tích lưu vực này là khoảng 25.000 ha. Tổng diện tích tất cả các chi lưu đổ về sông Ngàn Sâu trên địa bàn huyện Hương Khê là khoảng 125.000 ha. Như vậy Lưu vực của thủy điện Hố Hô chiếm 1/5 tổng diện tích lưu vực sông Ngàn Sâu ở Hương Khê.

Nghĩa là nếu loại bỏ các yếu tố "râu ria" để đơn giản hóa tính toán thì nếu mực nước ở sông Ngàn Sâu lên 10m (theo Trạm thủy văn Chu Lễ ở thị trấn Hương Khê) thì lưu vực Hố Hô đóng góp 2m, còn lại 8 m là từ các lưu vực khác.

Bản đồ hệ thống sông suối đổ về sông Ngàn sâu với vùng đất thấp có nguy cơ ngập lũ (màu xanh đậm), Hồ thủy điện Hố Hô màu đỏ và lưu vực của nó ở Tây Nam

Để xác định một cách định lượng chính xác mực nước thêm vào, mức độ ảnh hưởng việc xả nước của Thủy điện Hố Hô vào trận lũ ngày 14-15/10 vừa qua thì cần phải có bản đồ địa hình huyện Hương Khê và lưu vực tất cả sông suối chảy về thung lũng này, các điều kiện thủy văn, địa hình đáy dòng chảy, độ dốc đáy, các số liệu cường độ lượng mưa, thời gian và khối lượng xả lũ cũng như diện tích nước tràn ngập của sông Ngàn Sâu khi lũ về từ tất cả các phụ lưu,… và các yếu tố khác liên quan. Từ đó mô phỏng các tình huống xả lũ thì mới có thể biết được sự tác động thêm vào của nước từ Thủy điện Hố Hô đến cơn lũ vừa qua. Cái này cần thời gian và tiền bạc mới đánh giá được.

Nhưng dựa trên số liệu đo thực tế diện tích Hồ thủy điện Hố Hô, tổng diện tích lưu vực thu nước của Sông Ngàn Sâu, và một số số liệu qua báo chí, internet bố tôi xin đưa ra một số tính toán và phân tích để mọi người có thể hình dung được nguyên nhân gây lụt Hương Khê không phải do thủy điện.

Lượng mưa của áp thấp nhiệt đới ngày 13-16/10/2016

Theo Floodlist tại Đức, một website cập nhật thông tin lụt bão trên thế giới qua số liệu thủy văn WMO (World Meteorology Organization) Tổ chức Khí tượng của Liên hợp quốc, thì lượng mưa ở Hà Tĩnh như sau:

15 to 16 October : Vinh - 61 mm · Ha Tinh - 258 mm · Dong Hoi - 93.2 mm

14 to 15 October · Vinh - 332.0 mm · Ha Tinh - 526 mm

13 to 14 October · Hue - 218.4 mm · Ha Tinh - 118 mm

Có thể thấy, ngày 13-14, lượng mưa ở Hà Tĩnh mới chỉ 118mm, nhưng sang ngày 14-15 thì tăng đột biến lên 526mm, gần gấp 5 lần.

Nó cũng phản ánh khá sát với thực tế thời gian lũ đổ về bất ngờ chiều ngày 14/10 và mực nước dâng lên làm bà con không kịp trở tay và tiếp tục dâng lên trong ngày 15/10 ở Hương Khê Hà Tĩnh, Tuyến Hóa - Quảng Bình.

Thủy điện Hố Hô có phải tác nhân gây ra lũ?

Thực tế là chỉ có các hồ có dung tích lớn hàng trăm triệu m3 đến tỷ m3, như Sơn La, Sông Đà, Trị An, Đại Ninh, Ialy, Sesan 3, 4 , Đồng Nai 3, 4... mới có khả năng điều tiết lũ lớn. Các hồ thủy điện có dung tích dưới 100 triệu m3, khả năng điều tiết lũ là rất yếu, nhất là những khu vực có lượng mưa nhiều và cường độ lớn.

Theo văn bản số 134/BCTT-PCTT do Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, năm 2014, một số thông số kỹ thuật chính của công trình Thủy điện Hố Hô như sau:

+ Phần đập: Đập chính là đập bê tông trọng lực; cao trình đỉnh đập (+72,00)m; chiều dài đập 102m; bề rộng mặt đập 5,0m; chiều cao đập H = 49,80m (Đập cấp III). Đập tràn có 03 cửa van cung bằng thép, đóng mở bằng xy lanh thủy lực, kích thước B*H = (3 cửa*10,0m*13,0m); Cao trình ngưỡng tràn (+57,00m); Qtkế xả lũ tương ứng P1%=2.758 m­­­­­­­­­­­­3­­/s.

+ Hồ chứa: Diện tích lưu vực thiết kế 278,6km­­­­­­­­­­­­2 (đo trên Google Earth, diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện này từ xã Hương Liên đến đập là ~180 ha); dung tích toàn bộ 38 triệu m­­­­­­­­­­­­3­­ (dung tích hữu ích 6 triệu m3, dung tích chết 32 triệu m3); Mực nước lũ kiểm tra (+71,49m); Mực nước dâng thiết kế (+70,0m); Mực nước chết (+67,5m).

- Công suất lắp máy: Nlm=14MW bao gồm 2 tổ máy; - Sản lượng điện thiết kế 55,6 triệu KWh/năm.

Đây là thủy điện cỡ nhỏ, với dung tích thiết kế chỉ là 38 triệu m3 chức năng chính của hồ này là tích tụ thủy năng để phát điện chứ hầu như không có khả năng điều tiết lũ lụt. Dung tích hồ chứa quá nhỏ để chứa lượng nước dồn về từ thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng và nó buộc phải xả phần dư thừa khi lòng hồ quá tải.

Số liệu tính toán đơn giản dưới đây sẽ cho thấy điều này: Theo báo cáo của Thủy điện Hố Hô chiều ngày 14/10, lưu lượng lũ của lưu vực này dồn về lòng hồ là 1.700m3 / giây. Giả sử mưa lớn có cường độ liên tục trong 1 ngày:

1 ngày 24 tiếng = 86.400 giây * 1.700 m3 = 146.880.000m3.

Khối lượng này gấp gần 4 lần dung tích thiết kế hồ chứa. Trong khi bản thân trong hồ đã có trên dưới 35 triệu m3. Vì vậy, Hố Hô không còn cách nào khác là phải xả tất cả lượng nước đổ về từ thượng nguồn nếu không muốn “di dời” cả nhà máy lẫn thân đập xuống hạ du.

Có ý kiến cho rằng, nếu Hố Hô điều tiết tốt thì có thể có 6 triệu m3 lưu không để cắt đỉnh lũ. Nghĩa là khi nghe có dự báo mưa bão về trên địa bàn thì Thủy điện xả đến mực nước chết, trong hồ còn lại là 32 triệu, và dung tích 6 triệu m3 thiếu hụt để đón lũ về.

Nhưng với lưu lượng ở trên, theo tính toán thì 6 triệu m3 này sẽ bị lấp đầy sau 58 phút, trong khi cường độ mưa hầu như không giảm từ chiều 14 sang ngày 15 nghĩa là gần 24h. Thêm nữa, với 6 triệu m3, chia cho diện tích ngập tràn của sông Ngàn Sâu dưới hạ du ở mức lũ 10-12m khoảng 5.000ha ~50.000.000m2 thì mực nước dâng lên chỉ 0.12m nước.

Vì vậy nó được ví như 1 cốc nước đổ vào 1 cái thùng phi mà thôi.

Xả hay không xả?

Như trên đã phân tích, việc xả lũ của Thủy điện Hố Hô là phần tác động thêm vào mùa lũ trên địa bàn huyện Hương Khê. Nó phần lớn phụ thuộc vào lượng nước mưa nhiều hay ít.

Không xả, nếu vỡ đập thì lượng nước 38 triệu m3 của hồ chứa cùng lúc đổ ập xuống mực nước dâng không chỉ tới nóc mà còn là dòng lũ cuồn cuộn cuốn trôi tất cả, kèm theo lượng bùn lòng hồ và thân đập, nhà máy, máy móc, thiết bị thì hậu họa khôn lường.

Một số báo nhấn mạnh vào con số Hố Hô xả lũ 1.800m3/s để so với con số lũ về 1.700m3/s điều này dễ làm cho người đọc nhầm tưởng rằng Hố Hô chỉ vì mình và tạo thêm lũ ở bên dưới. Bởi không đưa ra cả 1 quá trình xả lũ, trong đó con số 1.800m3/s chỉ là một trong những thời điểm xả lớn nhất. 

Những người đọc tinh ý sẽ thấy 1.800m/s là câu trả lời của Phó giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô khi phóng viên hỏi “Lưu lượng xả lớn nhất là bao nhiêu?”

Dưới đây là lịch xả được trên một số báo:

Từ đêm 13 đến ngày 14/10: nhà máy tiến hành điều tiết xả nước tăng dần.

13h30 ngày 14/10: lưu lượng xả 500m3/s (lượng nước về hồ là 550m3/s).

17h30 ngày 14/10: xả 3 cửa với mức tổng 1.700m3/s.

18h30 ngày 14/10: dừng hoạt động phát điện, nâng bổng cả 3 van cửa để xả tràn tự do với mức 1.843m3/s, tương đương với lượng nước từ núi đổ về hồ.

21h ngày 14/10: giảm lưu lượng xả, xuống còn 1.800m3/s.

2h sáng ngày 15/10: nước đổ về bắt đầu giảm, hạ cửa van xuống, điều tiết giảm lưu lượng xả.

Sáng ngày 16/10: xả nước với lưu lượng 824m3/s (lượng nước về hồ là 915m3/s).

Các số liệu cho thấy, phần lớn Hố Hô đã xả theo lưu lượng thấp hơn với lưu lượng nước về hồ để giảm bớt ảnh hưởng của lũ xuống hạ du. Chỉ có trong trường hợp 18:30 ngày 14/10 là xả tràn tự do với mức tương đương với lượng nước từ núi đổ về hồ. Một số báo có đề cập, Hố Hô bắt buộc phải xả khi phát hiện một bên vai phải của đập bị sạt lở có thể dẫn đến nguy cơ vỡ đập.

Cần biết thêm một điều là: theo thiết kế, trong trường hợp khẩn cấp, Hố Hô có thể xả tới mức 2.758 m­­­­­­­­­­­­3­­/s để đảm bảo an toàn của đập chứ không chỉ dừng lại ở con số 1.800m3/s.

Theo báo cáo, thì sau khi có dự báo áp thấp nhiệt đới, ngày 12/10 Hố Hô đã có công văn thông báo xả lũ gửi huyện, tỉnh, ngày 13 và 14 họ đã tiến hành xả với lưu lượng vừa phải, hạ thấp cao trình để đón lũ. Tuy vậy, do mưa to, lũ thượng nguồn về bất ngờ vào chiều tối ngày 14, họ đã gọi điện thông báo cho chính quyền và mở cửa xả lũ với lưu lượng lớn để bảo đảm an toàn đập. Điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được trong điều kiện khẩn cấp.

Để thấy Hố Hô đã làm tốt trong vận hành xả lũ để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra cho hạ lưu chứ không phải là mặc kệ dân như báo chí phản ánh.

Có một thực tế ít người hiểu đúng đó là chính bản thân Hố Hô là nạn nhân của lũ Hương Khê.

Năm 2010, chỉ sau 5 tháng đi vào vận hành Hương Khê xảy ra lũ, khi đó Thủy điện Hố Hô đã bị thiệt hại nặng nề do lũ tràn về bất ngờ, nhà máy không kịp mở cửa xả lũ dẫn đến sự cố tràn đập, nhà máy tan hoang, phải mất 3 năm khắc phục mới hoạt động trở lại năm 2013.

Gải pháp lũ Hương Khê

Chỉ trích, bới móc thì dễ, nhưng đưa ra các giải pháp cho lũ Hương Khê mới là vấn đề khó.

Đọc trên báo chí thì hầu hết các bên đổ lỗi cho nhau, và mọi mũi dùi của dư luận đều nhằm vào Thủy điện Hố Hô. Ông Bí thư và Chủ tịch huyện đang đổ diệt cho Hố Hô xả lũ không đúng quy trình với những câu sắc nhọn: “Xả như thế dân không chết là còn may”, “Sinh mạng dân hay 13MW thủy điện Hố Hô quan trọng hơn”…

Lũ Hương Khê hầu như năm nào cũng có từ khi chưa có thủy điện Hố Hô. Cái cần thiết là xem xét, đánh giá tổng thể và đưa ra các giải pháp, kế hoạch để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân mỗi mùa lũ về.

Dưới đây là một số giải pháp mà tôi xin mạn phép đề xuất:

Giải pháp tốt nhất cho chống lũ là xây dựng các hồ chứa đủ lớn để điều tiết nước lũ, cắt đỉnh lũ mỗi khi xảy ra mưa lớn đột ngột dồn về. Tuy vậy, với thung lũng Hương Khê thì hầu như là bất khả do phải xây các hồ chứa từ nhiều hướng mới ngăn được nước lũ cùng đổ xuống sông Ngàn Sâu. Lượng mưa hàng năm ở đây rất lớn vào mùa mưa bão, cùng với biến đổi khí hậu những năm gần đây, diễn biến thời tiết ngày càng khó lường. Cộng thêm điều kiện địa hình phân cắt mạnh, lũ đổ về rất nhanh sẽ là rủi ro rất lớn về yếu tố an toàn hồ đập.

“Sống chung với lũ” đó luôn là khẩu hiệu đối với những nơi xảy ra lũ lụt hàng năm. Chính phủ cần có những chính sách phát triển, thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức cá nhân tham gia nghiên cứu và xây nhà vượt lũ với chi phí rẻ, thời gian xây dựng nhanh, giá thành vật liệu rẻ mà hiệu quả. Hỗ trợ và khuyến khích nhân dân xây nhà vượt lũ.

Giải pháp dài hạn là lập các cụm dân cư mới ở các địa hình cao ráo.

Xây dựng các mô hình, dự báo, cảnh báo sớm lũ cho khu vực Hương Sơn, Hương Khê. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống dự báo thời tiết chính xác hơn về hướng di chuyển của cơn bão, áp thấp, bên cạnh đó là cập nhật thường xuyên lượng mưa và khả năng xảy ra lũ để Thủy điện chủ động vận hành cũng như nhân dân có đủ thời gian ứng phó, giảm thiểu tác hại của mưa lũ.

Tôi đã cố gắng tìm dữ liệu, bản tin Dự báo mưa lũ ở Hương Khê - Hà Tĩnh vào những ngày 13-16/10 của đợt lũ vừa qua, nhưng hầu như không thấy. Chỉ tìm được một bản tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc đặt tại Hải Phòng trong bản tin sáng ngày 14/10 Dự báo lượng mưa ở Hà Tĩnh ngày 14-15/10 là 150-200mm và đây là bản tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới. Trong khi Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, ở Vinh không thấy bản tin nào về lượng mưa ở Hương Khê. Cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác dự báo cần phải điều chỉnh.

Đối với chính quyền, các thông báo bằng Văn bản chỉ mang tính hành chính, cái người dân cần là nhận được thông tin xả lũ nhanh chóng, kịp thời để chủ động ứng phó. Thay vì đòi hỏi những bản công văn, thủ tục giấy tờ rườm rà, thì cùng với Hố Hô xây dựng một hệ thống thông tin có thể cảnh báo đến từng người dân khi xả lũ. Ngoài hệ thống loa đài, một cách hữu hiệu hiện nay là chính quyền nên kết hợp với Thủy điện Hố Hô và các nhà mạng di động ở Hà Tĩnh. Mỗi khi Thủy điện chuẩn bị xả lũ thì gửi tin nhắn thông báo tới toàn bộ các thuê bao trên địa bàn. Với Viettel, Mobifone, Vinafone thì việc này hoàn toàn có thể làm được.

PHẠM HỒNG PHONG

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động