RSS Feed for Thống nhất giá điện cho nguồn năng lượng tái tạo ‘chuyển tiếp’ (trước 31/3) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 14:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thống nhất giá điện cho nguồn năng lượng tái tạo ‘chuyển tiếp’ (trước 31/3)

 - Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023.
Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay

Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích, đánh giá, kiến nghị các nội dung liên quan đến thị trường điện và chính sách giá điện Việt Nam. Cụ thể là các giải pháp mà ngành điện đã thực hiện, đạt kết quả, cũng như những tồn tại cần khắc phục và kiến nghị giải pháp cần tiếp tục triển khai để đảm bảo các mục tiêu an ninh cung cấp điện, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Theo nội dung văn bản: Ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Ngày 9/1/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản số 107/BCT-ĐTĐL đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Ngày 2/3/2023, Bộ Công Thương có văn bản số 1094/BCT-ĐTĐL hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Hiện Việt Nam có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, 36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời cho biết: Chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.

Trong cuộc họp ngày 20/3 giữa Bộ Công Thương, EVN và 84 nhà đầu tư điện gió, mặt trời, các nhà đầu tư kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh. Ngoài ra, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, được đóng điện và ghi nhận sản lượng.

Theo Quyết định 21 quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được Bộ Công Thương ban hành, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng một kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh (tùy loại hình).

Mới có 1 chủ đầu tư gửi hồ sơ để phục vụ cho công tác đàm phán:

Ngày 20/3/2023, tại hội nghị trao đổi giữa EVN với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đại diện Công ty Mua bán điện (EPTC) cho biết: Đến ngày 20/3/2023, chỉ mới nhận được 1 bộ hồ sơ của nhà đầu tư, dù Công ty đã lập ba tổ công tác sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ.

Trước đó, để phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện của một phần nhà máy điện/toàn bộ nhà máy điện chưa có giá điện, ngày 9/3/2023, EPTC đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư điện gió, mặt trời rà soát hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, cũng như các hồ sơ đánh giá của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia...

Cụ thể: Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển tiếp, ngày 9/3/2023, Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã có văn bản bản 1790/EPTC-KDMĐ gửi tới 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị các vấn đề sau:

Thứ nhất: Rà soát các hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và có ý kiến của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án (theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022).

Thứ hai: Xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương.

Thứ ba: Cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án theo danh mục (như Phụ lục dưới đây).

STT

Danh mục hồ sơ

1

Văn bản đề nghị đàm phán giá điện và Hợp đồng mua bán điện

2

Các hồ sơ pháp lý của Dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng; Đánh giá về khả năng hấp thụ của Hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện (theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022)

2.1

Quyết định chủ trương đầu tư/ Chứng nhận đầu tư còn hiệu lực

2.2

Giấy đăng ký kinh doanh của Công ty

2.3

Thiết kế cơ sở, Thiết kế kỹ thuật được thẩm định và được phê duyệt theo quy định đính kèm các tài liệu liên quan

2.4

Giấy phép xây dựng còn hiệu lực và phù hợp

2.5

Quyết định giao đất/Cho thuê đất của UBND tỉnh/Thành phố hợp lệ

2.6

Các tài liệu khác chứng minh tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng (nếu có)

2.7

Ý kiến của Đơn vị vận hành Hệ thống điện về khả năng hấp thụ của Hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến Dự án

3

Quyết định đầu tư xây dựng công trình kèm theo thuyết minh và báo cáo thẩm định dự án đầu tư nhà máy của tư vấn độc lập, các tài liệu kèm theo

4

Quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư lần đầu của dự án hoặc Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án có hiệu lực tại thờiđiểm đàm phán giá điện và các nội dung chính trong thiết kế cơ sở của dự án đầu tư có liên quan đến việc đàm phán giá điện và Hợp đồng mua bán điện, báo cáo thẩm định thiết kế cơ sở

5

Các hồ sơ liên quan đến thông số tài chính của dự án (Vốn góp Chủ sở hữu, phân kỳ Vốn chủ sở hữu trong các năm xây dựng, Hợp đồng vay vốn hoặc các văn bản pháp lý giữa CĐT và các bên cho vay, hồ sơ tài liệu liên quan đến kế hoạch hoặc thực tế giải ngân các nguồn vốn vay)

6

Hồ sơ tính toán sản lượng điện và văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với điện lượng của dự án

7

Tài liệu tính toán tổn thất công suất và điện năng của máy biến áp, đường dây truyển tải từ nhà máy điện đến điểm đấu nối với hệ thống điện quốc gia và tài liệu tính toán điện tự dùng trong nhà máy điện

8

Dự toán chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng cho một năm vận hành

9

Phương án tính toán giá bán điện của Dự án (trong đó giải thích rõ cơ sở tính toán của các thông số đầu vào tính toán giá điện của dự án)

10

Dự thảo Hợp đồng, sửa đổi bổ sung Hợp đồng mua bán điện trong đó nêu rõ các đề xuất sửa đổi Hợp đồng mua bán điện

Để có cơ sở triển khai đàm phán theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, EPTC mong muốn sớm nhận được hồ sơ tài liệu từ các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp để có cơ sở tiến hành các bước tiếp theo theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động