Thị trường dầu khí thế giới và suy nghĩ về ngành Dầu khí Việt Nam (Kỳ 1)
13:51 | 26/02/2016
Dầu khí thế giới qua phân tích của chuyên gia Việt Nam (Kỳ 1)
Dầu khí thế giới qua phân tích của chuyên gia Việt Nam (Kỳ 2)
TS. TRẦN NGOC TOẢN, Đại Học Duy Tân Đà Nẵng
Nếu giá dầu thô giảm mạnh mang lại lợi ích lớn cho các nước EU, Trung Quốc, Nhật, Mỹ tiêu thụ nhiều dầu và các nước nhập khẩu dầu ròng thì đối với các nước xuất khẩu dầu ròng và nhất là đối với các công ty thăm dò-khai thác dầu khí lại gây hại không ít. Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thượng nguồn bị tác động tiêu cực nghiêm trọng, cùng với hiện tượng bán mỏ và các tài sản dầu khí nói chung cũng như tái cơ cấu hoặc giải thể, sáp nhập các công ty dầu khí, thu hẹp địa bàn hoạt động thăm dò-khai thác, giãn tiến độ, thậm chí hủy bỏ các đề án đã có trong kế hoạch, giảm sản lượng, vv... xảy ra phổ biến ở tất cả các châu lục. Với các nước sản xuất dầu nhưng thu ngân sách nhà nước không đủ chi, dù biết rằng thiệt hại tài nguyên lớn nhưng vẫn phải gia tăng sản lượng để xuất khẩu. Dự báo khuynh hướng này còn kéo dài suốt năm nay, ít nhất là đến cuối quý III/2016.
Một số dự báo khác còn cho giá dầu Brent có thể xuống mức 25 USD/thùng, bằng với giá OPEC mong muốn cách đây gần 10 năm (bảng 1) và đến năm 2020 mới phục hồi lên mức 90 USD/thùng. Dự báo này được xếp vào loại bi quan. Tuy nhiên không phải là không có cơ sở. Để đạt mục đích loại bỏ đối thủ cạnh tranh, các nước như Arab Saudi, với trữ lượng xác minh hiện nay đạt trên 265 tỷ thùng dầu và giá thành khai thác khoảng 8-20USD/thùng, mặc dù họ rất cần tiền nhưng họ có thể sẵn sàng bỏ ra 4 tỷ thùng/năm để bán với giá 25 USD/thùng (vẫn đủ lãi) trong vài năm mà không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế của họ, nhưng với giá này thì Nga, Mỹ, Venezuela…phải đóng cửa rất nhiều mỏ vì giá thành khai thác trung bình ở các nước này vượt quá 30 USD/thùng.
Bảng 1. Diễn biến giá dầu thô và xăng ở Mỹ từ 1976 đến 2015
| 1976 | 1981 | 1986 | 1990 | 1996 | 1998 | 2005 | 2011 | 2015 |
Giá dầu thô nhập khẩu (USD/thùng) | 13,32 | 36,47 | 13,49 | 21,13 | 20,31 | 11,84 | 49,29 | 102,92 | 46,4 |
Giá dầu thô đầu giếng trong nước (USD/th.) | 8,19 | 31,77 | 12,51 | 20,03 | 18,46 | 10,88 | 50,28 | 95,73 | 45,7 |
Giá xăng (USD/gallon) | 0,614 | 1,378 | 0,927 | 1,164 | 1,231 | 1,051 | 2,295 | 3,527 | 2,45 |
Nguồn: OGJ 4/1/2016
Vì dầu thô là một tài nguyên không tái tạo, tức là càng ngày càng cạn kiệt, nên sau khi đối thủ bị loại, họ có thể nâng giá bán lên trên 100USD/thùng như năm 2011 thì họ thu hồi lại được khoản tiền bị thiệt trong quá khứ trong lúc các nước bị thua trong cuộc chiến giá dầu phải mất nhiều năm mới khôi phục được sản xuất dầu trở lại.
Giá dầu thô giảm mạnh được cho là do OPEC, Nga, Iran, Mỹ tăng sản lượng và tăng lượng dầu thô xuất khẩu từ nguồn dự trữ, Nhà nước hồi giáo cực đoan (IS) cướp dầu của Iraq, Syria bán với giá vô cùng thấp, đồng USD tăng giá, và nhu cầu dầu thô toàn cầu chưa được phục hồi do kinh tế đang suy thoái. Nhưng các nguyên nhân trực tiếp mang tính kinh tế nói trên lại chính là hệ quả của những mâu thuẫn chính trị đan xen rất phức tạp trên bàn cờ quyền lực thế giới, cộng với tham vọng nắm trọn quyền điều khiển thị trường năng lượng trong trung hạn lẫn dài hạn của một số nước có trữ lượng dầu khí tiềm năng lớn và cả mâu thuẫn về tôn giáo cũng như dân tộc cực đoan ngày càng tăng ở một số quốc gia thiếu an ninh.
Thực vậy, Mỹ, NATO, Arab Saudi và một số nước Trung Đông khác muốn làm suy yếu nhanh nền kinh tế Nga, Venezuela, Iran bằng giá dầu vì các nước này liên quan đến các khủng hoảng Ukraina, Syria, Iran và phong trào khuynh tả ở châu Mỹ latinh; OPEC muốn chặn đứng Mỹ, EU và một số nước khác phát triển ngành dầu khí phi truyền thống (dầu khí trong đá phiến sét, đá chứa rắn chắc, năng lượng tái tạo, vv...) để khống chế thị phần tương lai. Các yếu tố này đã làm cho các cuộc đàm phán đòi giảm sản lượng ngay trong nội bộ OPEC đã thất bại suốt năm 2015 chứ chưa nói đến tìm được các giải pháp nhân nhượng giữa OPEC và các nước sản xuất dầu khí lớn ngoài OPEC trên thế giới để nâng giá dầu lên.
Đối với những vấn đề lớn được toàn nhân loại quan tâm, việc giá dầu rẻ giúp cho quá trình giải quyết khủng hoảng kinh tế thêm nhanh nhờ các ngành sản xuất được phát triển, cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, phục hồi môi trường sạch thêm thuận lợi, an ninh năng lượng được bảo vệ dễ dàng hơn trong lúc cần nhiều thời gian mới tìm được nguồn năng lượng ưu việt thay thế được than đá, dầu mỏ, khí đốt. Tuy nhiên mặt khác giá dầu rẻ lại khuyến khích sử dụng nhiên liệu tăng, nhất là trong vận tải, ô nhiễm môi trường tăng, nạn kẹt xe, tai nạn giao thông tăng.
Tóm lại việc làm sao cho giá năng lượng hài hòa với lợi ích hợp lý của một xã hội văn minh còn là một vấn đề cần thời gian tương đối dài mới giải quyết được.
Hiện trạng ngành công nghiệp dầu khí thế giới năm 2016
Trong báo cáo tổng quan kinh tế thế giới (WEO) của quỹ tiền tệ thế giới IMF công bố vào tháng 10/2015, mức tăng trưởng kinh tế thế giới ước tính sẽ đạt 3,6% trong năm 2016. Trong các nền kinh tế phát triển, mức này sẽ là 2,2%. Năm 2015, kinh tế khu vực đồng Euro đã có bước phục hồi khiêm tốn và Nhật Bản đã có khuynh hướng tăng trưởng trở lại nhờ giá dầu rẻ cũng như nhờ chính sách tiền tệ thay đổi và trong một số trường hợp được hỗ trợ bởi phá giá đồng bạc nội địa. Sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển bị hạn chế bởi mức tăng hàng hóa xuất khẩu bị giảm sút, nhất là ở Canada, Nauy và các nước châu Á, trừ Nhật Bản.
Theo IEA, trữ lượng dầu-khí xác minh đầu năm 2016 không thay đổi gì nhiều so với năm 2015 vì mức gia tăng trữ lượng trong hai năm gần đây vẫn đủ bù cho sản lượng khai thác (bảng 2). Bởi vì giá dầu trong quý I/2016 vẫn theo khuynh hướng giảm (dưới 40 USD/thùng) nên nguồn cung từ khối các nước ngoài OPEC giảm mạnh do giá thành khai thác của khối này quá cao. Với nước Mỹ, sau khi sản lượng tăng 3,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2008-2014, sản lượng nước này sẽ giảm 400.000 thùng/ngày trong năm 2016.
Cũng theo IEA, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng 1,8 triệu thùng/ngày năm 2015 do mức cầu của khối các nước OECD và các nước ngoài OECD tăng nhưng mức tăng này sẽ chậm lại trong năm nay. Sự kiện nguồn cung từ khối ngoài OPEC giảm trong lúc nhu cầu tăng và công suất khai thác thừa của OPEC giảm có thể đưa thị trường dầu thô về thế cân bằng và giá dầu, do đó, tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2016. Vì thế nếu sản lượng khai thác năm 2016 không tăng hoặc tăng nhẹ thì cán cân cung cầu vẫn chưa được cân bằng, dự báo trung bình cho cả năm cung vẫn thừa khoảng 600.000 thùng/ngày, mặc dù trong quý III và IV cung và cầu gần bằng nhau (bảng 3).
Như vậy sản lượng của OPEC sẽ được quyết định như thế nào trong cuộc họp Hội đồng OPEC thường niên vào tháng 6/2016 sẽ là yếu tố quyết định tính hiện thực của dự báo này.
Bảng 2. Trữ lượng dầu khí xác minh toàn thế giới năm 2016
|
|
Nguồn: OGJ 16/1/2014;OGJ 2015-01/2016
Bảng 3 - Dự báo cung cầu dầu thô 2016
Đơn vị: Triệu b/d
| 2016 | |||||
Cung/Cầu theo khu vực | 2015 | Quý I | Qúy II | Quý III | Quý IV | Cả năm |
Cầu |
|
|
|
|
|
|
OECD |
|
|
|
|
|
|
Bắc Mỹ | 24,4 | 24,3 | 24,1 | 24,6 | 24,7 | 24,4 |
Châu Âu | 13,7 | 13,4 | 13,7 | 13,9 | 13,6 | 13,6 |
Châu Á- Thái Bình Dương | 8,1 | 8,7 | 7,6 | 7,8 | 8,4 | 8,1 |
Tổng OECD | 46,2 | 46,4 | 45,4 | 46,4 | 46,7 | 46,2 |
Ngoài OECD |
|
|
|
|
|
|
Liên Xô cũ | 4,9 | 4,7 | 4,8 | 5,0 | 4,9 | 4,8 |
Châu Âu | 0,7 | 0,7 | 0,7 | 0,7 | 0,7 | 0,7 |
Trung Quốc | 11,3 | 11,3 | 11,7 | 11,7 | 11,8 | 11,6 |
Các nước châu Á khác | 12,5 | 12,9 | 13,0 | 12,8 | 13,2 | 13,0 |
Mỹ Latinh | 6,8 | 6,6 | 6,8 | 6,9 | 7,0 | 6,8 |
Trung Đông | 8,2 | 7,9 | 8,4 | 8,9 | 8,2 | 8,3 |
Châu Phi | 4,1 | 4,2 | 4,2 | 4,1 | 4,3 | 4,2 |
Tổng ngoài OECD | 48,4 | 48,4 | 49,7 | 50,1 | 50,1 | 49,6 |
Tổng cầu | 94,6 | 94,8 | 95,1 | 96,5 | 96,7 | 95,8 |
Cung |
|
|
|
|
|
|
OECD |
|
|
|
|
|
|
Bắc Mỹ | 19,8 | 19,5 | 19,2 | 19,3 | 19,6 | 19,4 |
Châu Âu | 3,4 | 3,4 | 3,2 | 3,0 | 3,3 | 3,2 |
Châu Á - Thái Bình Dương | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 |
Tổng OECD | 23,7 | 23,4 | 23,0 | 22,9 | 23,4 | 23,2 |
Ngoài OECD |
|
|
|
|
|
|
Liên Xô cũ | 14,0 | 13,9 | 13,9 | 13,8 | 13,8 | 13,9 |
Châu Âu | 0,1 | 0,1 | 0,1 | 0,1 | 0,1 | 0,1 |
Trung Quốc | 4,3 | 4,3 | 4,3 | 4,3 | 4,3 | 4,3 |
Các nước châu Á khác | 3,6 | 3,5 | 3,5 | 3,4 | 3,4 | 3,5 |
Mỹ Latinh | 4,5 | 4,6 | 4,6 | 4,7 | 4,7 | 4,7 |
Trung Đông | 1,2 | 1,2 | 1,2 | 1,2 | 1,1 | 1,2 |
Châu Phi | 2,3 | 2,3 | 2,3 | 2,3 | 2,3 | 2,3 |
Tổng cung ngoài OECD | 30,1 | 30,0 | 29,9 | 29,8 | 29,8 | 29,9 |
Gia tăng từ lọc dầu | 2,2 | 2,3 | 2,3 | 2,4 | 2,3 | 2,3 |
Nhiên liệu sinh học | 2,3 | 1,9 | 2,4 | 2,7 | 2,4 | 2,4 |
Tổng ngoài OPEC | 58,3 | 57,6 | 57,5 | 57,7 | 57,9 | 57,7 |
OPEC |
|
|
|
|
|
|
Dầu thô | 31,4 | 31,7 | 31,9 | 32,0 | 31,9 | 31,9 |
NGL (Khí lỏng trong điều kiện áp suất và nhiệt độ trên mặt đất) | 6,5 | 6,7 | 6,8 | 6,8 | 6,9 | 6,8 |
Tổng OPEC | 37,9 | 38,4 | 38,7 | 38,8 | 38,8 | 38,7 |
Tổng cung | 96,2 | 96,0 | 96,2 | 96,5 | 96,7 | 96,4 |
Nguồn :IEA ,OGJ 04/1/2016
Để bạn đọc hình dung rõ hơn khuynh hướng diễn biến hoạt động dầu khí thế giới trong năm 2016 và các năm tới, sau đây là một số tình hình tóm tắt ở một số công ty dầu khí ở một số nước điển hình.
Ngành công nghiệp dầu khí Nga là đối tượng gánh chịu áp lực nặng nề của giá dầu thấp và hậu quả trừng phạt kinh tế của các nước phương tây. Sản lượng Nga từ 2015 đến nay không ngừng tăng đã góp phần làm tăng trạng thái dư thừa nguồn cung trên thị trường nên càng đẩy giá dầu theo hướng bất lợi cho nguồn thu ngân sách cũng như tiết kiệm tài nguyên của chính phủ Nga. Các biện pháp cấm vận do EU, Mỹ, Canada, Nhật, Australia và một số nước dầu khí phát triển khác đã hạn chế, ngăn chặn Nga tiếp cận với công nghệ thăm dò khai thác dầu khí vùng nước sâu và vùng Bắc Cực, cũng như nguồn dầu khí phi truyền thống từ các công ty dịch vụ quốc tế, đồng thời hạn chế một số công ty Nga tiếp cận thị trường tài chính phương tây. Mức tác động đối với các đề án lớn của Gazprom, Rosneft, Lukoil, Surgutneftegaz, Novatek, Transneft phụ thuộc vào mức độ quan hệ giữa các công ty này với Tổng thống Putin. Lukoil phải giảm bớt tham vọng đầu tư 1 tỷ USD vào đề án mở rộng khu công nghiệp dầu khí Shah Deniz, vì lợi nhuận của công ty bị sụt giảm hơn ½ so với năm trước.
Để cứu vãn đề án, Lukoil phải chấp nhận điều kiện vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và của Ngân hàng tái thiết & phát triển châu Âu, mỗi nơi 250 triệu USD. Novatek phải yêu cầu chính phủ giúp đỡ tài chính nếu cổ đông của dự án Yamal không đáp ứng đủ vốn đúng thời hạn.
Từ khi các biện pháp cấm vận được áp dụng thì giá trị thị trường của các công ty dầu khí lớn của Nga bị suy giảm mạnh, ngày 16/12/2015 khi tỷ giá đồng rup/đô-la giảm ồ ạt thì cổ phiếu của Gazprom bị giảm 32,1%, Lukoil giảm 17,6%, Gazprom Neft giảm 26,6% và Surgutneftegaz giảm 16,6%. Tính theo đồng rup thì dự án đường ống lớn nhất thế giới của Transneft tăng chi phí 65,8%.
Để tăng khả năng khoan giếng từ nguồn dịch vụ trong nước, giảm rủi ro do cấm vận gây ra, Rosneft đã mua lại tài sản của công ty dịch vụ Trican Canada với hy vọng sẽ ngăn sụt giảm sản lượng ở các mỏ lớn vùng Siberia, nơi chiếm đến 3/4 sản lượng dầu thô và condensat (4,1 triệu thùng/ngày) của Rosneft.
Dầu xuất khẩu chiếm hơn 2/3 tổng giá trị xuất khẩu của Nga, GDP cũng như ngân sách nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ. Năm 2015, Bộ Kinh tế và Quốc hội Nga quyết định lấy giá dầu 50USD/thùng thay cho giá 98USD/thùng năm 2014 để làm cơ sở lập kế hoạch nhà nước, con số chưa chính xác nhưng khá gần với thực tế thị trường 2015. Thuế và phụ phí đối với dầu Nga được áp dụng thay đổi theo thời gian, liên kết chặt chẽ với giá dầu thế giới chứ ít dựa vào lợi nhuận của các dự án nội địa. Khi giá dầu thấp thì mức thuế tự động giảm theo gần cùng tỷ lệ, nên tác động đến hoạt động của các công ty dầu Nga không lớn, chứng tỏ các nhà quản lý Nga là những nhà kinh tế giỏi.
Nếu năm 1995 nhà nước nắm cổ phần chủ đạo của 12 công ty trong 17 công ty dầu (trong đó nhà nước giữ tỷ lệ trên 80% ở 9 công ty) thì năm 2015 chỉ giữ cổ phần chủ đạo mức từ 50%-69,5% trong 3 công ty, chứng tỏ mức độ tư nhân hóa ngành dầu Nga rất cao.
Theo www.petrleum-economist.com 1/2016, điều không bất ngờ đối với các công ty dầu lớn của Nga khi họ dự báo giá dầu có thể giảm dưới 30 USD/thùng, đôi lúc có thể đột biến trong một thời gian ngắn chỉ 10USD/thùng tùy thuộc vào diễn biến an ninh, chính trị thế giới. Nhờ nắm giữ trữ lượng rất lớn với giá mua trữ lượng rất rẻ trong các năm đầu chuyển đổi thể chế chính trị và tài trợ bao cấp hào phóng của nhà nước (bù lỗ), nên họ sẵn sàng tăng sản lượng để bù thiệt hại do giá dầu thấp miễn là tìm được khách hàng cả trong và ngoài nước. Vì thế các nhà dự báo đều cho rằng sản lượng của Nga trong năm nay và các năm tới sẽ không thay đổi.
Các nhà lập pháp Indonesia đang xem xét lại luật dầu khí để trao thêm nhiều quyền ưu tiên cho Pertamina và xác lập một nhà điều hành hoạt động mua sản phẩm khai thác của các công ty dầu khí tư nhân trong nước và ngoài nước hoạt động ở Indonesia. Hành động này cho thấy Indonesia mong muốn có được nền an ninh năng lượng thông qua giải pháp nhà nước quản lý giá, nhưng các nhà phân tích kinh tế tin rằng mục đích này khó có thể thực hiện được.
Theo thông báo của Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Indonesia - Dipnala Tamzil, hoạt động đầu tư trong năm 2015 suy giảm nhiều so với mức 14,9 tỷ USD đã đạt năm 2014. Các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến trữ lượng dầu khí ở các bồn trũng phía đông nhưng chi phí khoan giếng ở đây rất cao, thường nằm trong khoảng 100-200 triệu USD/giếng, vượt quá xa mức chịu đựng của họ. Đề án nhà máy hóa lỏng khí nổi Abadi của Inpex theo mẫu của Chevron cũng như đề án mở rộng cơ sở khí hóa lỏng Tangguh của BP trị giá nhiều tỷ USD bị đóng băng do ảnh hưởng của các quyết định chính trị.
Trong lúc chưa thay đổi được luật dầu khí, tòa án dùng một giải pháp tình thế, thành lập cơ quan SKK Migas để đóng vai trò điều hành công tác quản lý dầu khí trong lúc vai trò của tổ chức BPMigas vẫn là trung tâm của luật dầu khí về quản lý hoạt động thượng nguồn và tòa án hiến pháp thúc giục chính phủ tu chỉnh lại luật dầu khí để phản ánh thực tế mới, nhưng quá trình này chậm trễ nhiều năm, đến nay chưa xong.
Hệ quả là sản lượng dầu tiếp tục giảm, nhu cầu dầu khí tăng trong lúc đầu tư giảm, hệ số gia tăng trữ lượng dầu thay thế cho khai thác giảm đến mức nguy hiểm, còn trong lĩnh vực khí đốt có khá hơn nhưng khuynh hướng sản lượng giảm cũng đang diễn ra.
Tương lai của các hợp đồng chia sản phẩm PSC còn chưa rõ ràng. Khoảng 27 hợp đồng PSC sẽ hết hạn trong 5 năm tới, cung cấp đến 30% tổng sản lượng của Indonesia. Nhưng dự báo Pertamina sẽ dùng quyền phủ quyết gia tăng thời hạn hợp đồng nhằm tăng vai trò của công ty dầu khí nhà nước trong hoạt động thượng nguồn.
Trong dự thảo luật cũng quy định quyền cưỡng bách phải bán dầu cho nhà nước; quyền nhà nước mua dầu, khí đốt với một khối lượng và giá cả không xác định rõ để đáp ứng nhu cầu nội địa thông qua nhà điều hành của nhà nước. Mặt tích cực của dự thảo là xây dựng được một cơ chế hợp lý hóa bằng luật để điều hành và giám sát vai trò của các cơ quan chính phủ đối với sản lượng dầu khí. Ủy ban điều phối đầu tư của Indonesia (BKPM) sẽ là cơ quan tối cao cho phép các việc giao dịch trong ngành dầu khí, tránh được tình trạng trước đây các đơn vị điều hành sản xuất dầu khí phải chạy cho được hàng trăm giấy phép từ 17 cơ quan nhà nước mới ký được hợp đồng, làm cho công việc sản xuất chậm trễ và chi phí cao.
Dự thảo luật cũng tạo ra một cơ quan hợp tác trong hoạt động thượng nguồn có tên gọi BUMN-K làm chức năng của SKKMigas. Các công ty tư nhân sẽ ký các hợp đồng hợp tác với BUMN-K để thăm dò-khai thác dầu khí tại các diện tích mà họ hoạt động. Tuy nhiên dự thảo luật lại im lặng không nói gì đến cơ chế thu hồi chi phí của nhà thầu.
Theo dự thảo luật, các hoạt động dầu khí thượng nguồn sẽ bị BUMN-K kiểm soát bằng các giấy phép kinh doanh thượng nguồn. Kết quả là hoạt động của các nhà đầu tư tư nhân bị thu hẹp, chỉ giới hạn trong việc cung cấp vốn, công nghệ theo các điều khoản trong hợp đồng. Để thuận lợi cho nhà đầu tư, các giấy phép này sẽ được cấp sớm một cách trực tiếp, nhưng qua những phương tiện có mục đích riêng, đặc biệt để giới hạn việc cần dùng đơn từ theo quy định của luật pháp cho các nhà đầu tư.
Như vậy các “đổi mới” này gây ra nhiều phức tạp hơn các điều luật dầu khí của nước láng giềng như Timore Leste nên Đông Timore dễ thu hút đầu tư hơn Indonesia. Người ta hy vọng luật mới sẽ được ban hành và có hiệu lực trong năm 2016 và sẽ giúp thu hút đầu tư hơn là làm nản lòng các nhà đầu tư.
Hiện nay Conoco Phillips đang tìm khách hàng để bán lại các mỏ của họ ở block B thuộc Natuna Sea (Indonesia) cùng với cơ sở vận chuyển hạ tầng và các nhà máy tiếp nhận trên đất liền phục vụ cho việc khai thác 3 mỏ dầu, 16 mỏ khí với sản lượng 30.000 thùng dầu/ngày cùng 335 triệu ft3 khí/ngày. Việc quyết định ra đi của công ty dầu khí lớn của Mỹ xảy ra chỉ sau 4 tháng sau chuyến viếng thăm Tổng thống Indonesia Joko Widodo của Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Conoco- Phillips Ryan Lance với đề nghị tăng đầu tư vào nước này. Trong thời gian đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia cho biết, Tập đoàn này có kế hoạch đầu tư 2,5 tỷ USD trong 4 năm tới, bằng với mức đầu tư 4 năm trước. ConocoPhillips bác bỏ tin đồn rằng Tập đoàn này đã thay đổi chủ trương đầu tư là để đáp lại giá dầu thấp và bỏ ý định đầu tư ở Indonesia.
Một số nhà phân tích cho rằng môi trường luật pháp và chế độ thuế không rõ ràng của Indonesia mới là nguyên nhân của sự thay đổi này.
Ở Nam Mỹ, sau những phát hiện dầu khí nổi tiếng ở vùng biển sâu cách đây 10 năm, Petrobras trở thành một tập đoàn dầu khí quốc gia hàng đầu của ngành dầu khí thế giới. Nhưng với sự kiện giá dầu giảm kéo dài, cộng với nạn tham nhũng lan tràn, các kế hoạch phát triển đầy tính lãng mạn bắt đầu bị phá sản.
Theo tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Petrobras Aldemir Bendine, kế hoạch đầu tư năm 2016 đã bị cắt giảm 41% so với quyết định được đưa ra cuối năm ngoái để có tiền trả nợ khoảng 130 tỷ USD và để cải thiện quỹ chi tiêu lưu động. 83% vốn đầu tư trong kế hoạch 5 năm sẽ giành cho hoạt động thượng nguồn. Đầu tư cho thăm dò khai thác các thành tạo chứa dầu dưới tầng muối mỏ đã bị giảm từ 67,6 tỷ USD xuống còn 58,6 tỷ USD. Đầu tư cho hoạt động hạ nguồn chỉ giữ đủ cho các nhà máy lọc dầu hoạt động, với công suất chế biến hiện nay.
Ngoài ra, Petrobras còn có kế hoạch bán tài sản dầu khí trị giá 15 tỷ USD để bổ sung cho thiếu hụt đầu tư ở các đề án biển sâu và để tái cấu trúc lại hệ thống kinh doanh, giúp tăng nguồn thu tiền mặt. Đáng lưu ý nhất là kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác.
Theo kế hoạch cũ, đến năm 2020, Brazil sẽ khai thác 4,2 triệu thùng/ngày, gấp đôi sản lượng năm 2014, nay mục tiêu này giảm xuống còn 2,8 triệu thùng/ngày và mức giảm hệ số gia tăng sản lượng hàng năm là 6%.
Một số đề án trọng tâm, kể cả những đề án có đối tác nước ngoài tham gia đang bị giãn tiến độ đến sau năm 2020. Theo kế hoạch cũ, 6 tàu khai thác sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2016, nhưng nay chỉ có 3 tàu làm việc trong kế hoạc mới, điều này bắt buộc Petrobras phải cắt giảm 300.000 thùng/ngày, hoặc hơn trong sản lượng năm 2016. Việc chậm trễ đưa các đề án do các đối tác nước ngoài điều hành vào hoạt động xảy ra rộng khắp tại các bồn trũng dầu khí tiềm năng. Điển hình là đề án của BG (nay đã bán lại cho Shell) với trữ lượng lên đến 6 tỷ toe (thùng dầu quy đổi) bị hoãn triển khai chưa biết đến bao giờ mới hoạt động trở lại. Các đề án xưởng đóng tàu, các đề án sản xuất thiết bị cho vùng nước sâu cùng các cảng biển được đầu tư nhiều tỷ USD trong các năm bùng nổ của chủ trương kinh doanh lớn, đa ngành trước đây đang phải đóng cửa chờ đợi ngày được đưa vào kinh doanh.
Tóm lại, giấc mơ đưa Brazil sớm trở thành một trong những cường quốc dầu mỏ đẳng cấp thế giới đang còn rất xa vời.
Ở Trung Đông, ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran được ký kết hồi tháng7/2015, nhiều nhà điều hành các công ty dầu khí thế giới đã đến Teheran tìm cơ hội đầu tư trở lại vào ngành dầu khí của đất nước Hồi giáo sở hữu một trữ lượng dầu khí trên 157 tỷ thùng dầu và gần 1,2 tỷ bcf khí đốt chưa khai thác. Trong lúc đó một số các khách hàng lớn trên thế giới đã đàm phán với người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ quốc gia Iran để mua một lượng lớn dầu thô với khả năng chiết khấu để Iran mở đường trở lại vào thị trường châu Á. Lệnh trừng phạt quốc tế bắt ép Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân đã hạn chế nước này xuất khẩu dầu thô ở mức khoảng 1 triệu thùng /ngày từ năm 2012.
Nhưng IEA đánh giá trong tháng 7/2015 Iran đã sản xuất 2,87 triệu thùng dầu/ngày và có thể tăng sản lượng lên 3,4-3,6 triệu thùng/ngày sau vài tháng, một khi lệnh trừng phạt được bãi bỏ.
Tập đoàn Inpex của Nhật Bản trước đây 5 năm đã bị các nước phương Tây bắt buộc phải rút lui khỏi đề án phát triển mỏ dầu Nam Azadegan, gần biên giới với Iraq và đề án được chuyển cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung quốc CNPC, nhưng họ không triển khai được.
Gần đây Chủ tịch Inpex tuyên bố với báo chí, họ cùng với Total đang chuẩn bị quay trở lại với mỏ dầu trữ lượng lớn này. Ý định của công ty Nhật dường như được phía Iran hoan nghênh. Lãnh đạo các công ty dầu khác như Shell, ENI, Total cũng vừa thăm viếng Teheran. Shell dự định sẽ làm nhà điều hành mỏ dầu Yadavaran, mỏ này nằm gần với mỏ Majnoon của Iraq đang được Shell khai thác. Eni sẽ tham gia phát triển mỏ Darquian còn Gazprom Neft đã đàm phán để giành quyền phát triển mỏ Azar. Mỏ khí đa pha khổng lồ South Pars cũng đang nằm trong kế hoạch của các công ty dầu khí quốc tế (IOC).
Iran đang dự thảo loại hình hợp đồng IPC (Iran Petroleum Contract) để thay thế loại hợp đồng mua lại mỏ (buy-back) trước kia đã áp dụng. Đây là loại hợp đồng tương tự như hợp đồng dịch vụ kỹ thuật đang được sử dụng ở Iraq và được các IOC ưa thích nên Iran muốn dùng với các điều khoản thay thế mềm dẻo, có lợi cho đối tác nhiều hơn để thu hút đầu tư của IOC. Các IOC đang thương lượng để đạt hệ số IRR (tỷ suất lợi tức nội hoàn - Internal rates of return) 20% vì chi phí đầu tư cơ bản cao và chịu rủi ro điều hành. Các công ty Mỹ như ExxonMobil, Chevron cũng dự định quay lại Iran sau vài tháng nữa, khi thoát khỏi các ràng buộc của lệnh trừng phạt chưa được dỡ bỏ hoàn toàn.
Hơn 50% mỏ đang khai thác ở Iran được phát hiện trước đây 50 năm và đều là mỏ lớn, trữ lượng thu hồi còn lại cao. Nếu khủng hoảng chính trị - an ninh ở Trung Đông tiến triển tốt hơn trong thời gian tới thì chắc chắn sẽ có nhiều IOC cũng như nhiều công ty dầu khí quốc gia sẽ đến với Iran.
Kỳ 2: Suy nghĩ về ngành Dầu khí Việt Nam
NangluongVietnam Online