RSS Feed for Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 2]: Nút thắt ‘sản xuất điện’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 20:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 2]: Nút thắt ‘sản xuất điện’

 - Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Đã đến lúc, các bộ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cần điều phối các bên liên quan để giải quyết tranh chấp tại Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. (Trong trường hợp đến cuối năm nay vẫn không thống nhất được, nên đưa vụ việc kiến nghị trọng tài xử lý để đảm bảo tính minh bạch và nâng cao năng lực hiểu biết pháp lý của các bên). Còn về vấn đề bao tiêu nhiên liệu trong hợp đồng mua bán khí của Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Chính phủ cần xem xét việc chuyển ngang các quy định về bao tiêu nhiên liệu trong hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện trong giai đoạn ngắn và trung hạn.


Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 1]: Nhìn nhận chung


KỲ 2: NHỮNG NÚT THẮT TRONG VẬN HÀNH, SẢN XUẤT ĐIỆN CỦA PVN


I. Công tác vận hành, sản xuất điện:

1. Tình hình thực hiện: 

​Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) đã đưa vào vận hành 4 nhà máy nhiệt điện khí, 2 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 4.205 MW. Trong đó, Nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 (1.500 MW), Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW), Thủy điện Hủa Na 180 MW, Đăkđrinh 125 MW và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.200 MW) - chiếm khoảng 8% tổng công suất và khoảng gần 9% sản lượng điện toàn hệ thống điện Việt Nam.

Công tác vận hành sản xuất điện của PVN/PV Power cơ bản an toàn, ổn định, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 là 8,54 tỷ kWh, năm 2014 là 16,69  tỷ kWh, giai đoạn 2015 - 2020 khoảng trên 21 tỷ kWh mỗi năm, đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong các tháng cao điểm của mùa khô.

Sản lượng điện lũy kế của PVN/PVPower từ khi vận hành đến thời điểm hiện tại đạt gần 210 tỷ kWh. Dự kiến sản lượng điện sản xuất giai đoạn 2020 - 2025 như sau:

​​​​Đơn vị: tỷ kWh.

Năm 

2020

2021

2022

2023

2024

2025

Điện sản xuất

21,6

22,71

33,9

40,2

49,4

52,8

Ghi chú: Sản lượng điện sản xuất dự kiến (như trên) được xây dựng trên kịch bản đảm bảo đủ lượng than cung cấp cho các nhà máy điện than, đủ khí cho các nhà máy điện khí và các khó khăn của dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 sớm được giải quyết.


Doanh thu trung bình giai đoạn 2011 - 2019 đạt 23,6 nghìn tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2011 - 2019 trung bình là 1,7 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay công tác vận hành, sản xuất của các nhà máy điện của PVN/PV Power đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và theo chúng tôi, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ có nguy cơ gây gián đoạn hoạt động cung ứng điện. 

II. Khó khăn, vướng mắc hiện nay:

1. Đối với nhà máy điện Cà Mau 1 và 2:

Thứ nhất: Hiện nay, PV Power (là đơn vị do PVN hiện sở hữu 79,94% tổng số cổ phần) đang quản lý các nhà máy điện (NMĐ) Cà Mau 1 và 2 và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo các cam kết, thỏa thuận giữa PV Power - EVN trong hợp đồng mua bán điện (ký ngày 8/1/2008), cùng các hợp đồng sửa đổi, bổ sung (Hợp đồng).

Hợp đồng này được ký kết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1838/TTg-DK ngày 27/11/2007 và hướng dẫn của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) tại văn bản số 241/BCN-NLDK ngày 15/1/2007. Theo đó:

(i) Cho phép lấy tỷ suất hoàn vốn nội tại của các dự án NMĐ Cà Mau bằng 7,5% làm thông số cơ bản để xác định giá mua bán điện.

(ii) Đồng tiền thanh toán: Định giá theo USD và thanh toán bằng VNĐ theo tỷ giá thỏa thuận khi thanh toán hàng tháng. Đơn giá công suất các bên thỏa thuận trong hợp đồng là 5,725 USD/kW.tháng, thanh toán bằng tiền VNĐ với tỷ giá tại thời điểm thanh toán.

Ngày 18/6/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4845/BCT-ĐTĐL về hợp đồng PPA (hợp đồng mua bán điện) Cà Mau 1 và 2 đã nêu rõ: “PPA Cà Mau 1 và 2 đã được EVN và PVN đàm phán ký kết tháng 1/2008 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1838/TTg-DK ngày 27/11/2007, Bộ Công nghiệp tại Văn bản số 241/BCN-NLDK ngày 15/1/2007 và các hướng dẫn tại Quyết định 2014/QĐ-BCT ngày 13/6/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Đến thời điểm hiện tại, hợp đồng mua bán điện giữa hai bên vẫn còn nguyên hiệu lực”.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa các bên tại thời điểm năm 2008 vẫn đang có hiệu lực pháp luật và có giá trị thi hành. Việc thanh toán tiền điện từ thời điểm ký kết được các bên tuân thủ thực hiện theo hợp đồng. Tuy nhiên, từ tháng 2/2018 đến nay, do đồng tiền định giá là ngoại tệ nên EVN đã giữ lại một phần tiền điện của PV Power để làm rõ lại tỷ giá ngoại tệ - số tiền bị giữ lại từ thời điểm 2/2018 đến tháng 10/2020 là trên 1.700 tỷ đồng (chưa tính lãi chậm trả).

Ngày 8/7/2020, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp giữa các bên và có sự tham gia của các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện của NMĐ Cà Mau 1 và 2. Ngày 11/8/2020, Bộ Công Thương tiếp tục có Văn bản số 5861/BCT-ĐTĐL hướng dẫn PV Power và EVN phối hợp thực hiện việc thanh toán tiền điện của NMĐ Cà Mau 1 và 2 theo đúng quy định của hợp đồng đã ký kết và vẫn có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, EVN vẫn chưa thanh toán tiền điện này cho PV Power.

Có thể nói, số tiền hiện EVN giữ lại của PV Power (để chờ giải quyết tỷ giá ngoại tệ) là rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình tài chính, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của PV Power, gây khó khăn cho doanh nghiệp này trong việc huy động vốn để đầu tư các dự án mới.

Thứ hai: Vấn đề chuyển đổi hợp đồng mua bán điện để tham gia thị trường điện.

​​Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản 3144/BCT-ĐTĐL ngày 20/4/2018 và văn bản số 4845/BCT-ĐTĐL ngày 18/6/2018 về việc “đề nghị EVN và PV Power khẩn trương thực hiện điều chỉnh đồng tiền định giá tại hợp đồng mua bán điện Cà Mau 1 và 2, xây dựng phương án tham gia thị trường điện của nhà máy này sau khi hoàn thành thu hồi lượng khí nhường cho Petronas (Malaysia)”, PV Power - EVN đã đàm phán chuyển đổi hợp đồng mua bán điện của NMĐ Cà Mau 1 và 2 để tham gia thị trường điện.

​​Tuy nhiên, qua nhiều vòng đàm phán, hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án chuyển đổi giá điện, trong đó vướng mắc lớn nhất liên quan đến tỷ giá áp dụng để chuyển đổi đơn giá công suất và sản lượng điện phát bình quân nhiều năm (tương ứng với số giờ vận hành quy đổi theo công suất cực đại - Tmax).

​​Do đó, ngày 6/8/2019, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các bên khẩn trương đàm phán, chuyển đổi hợp đồng mua bán điện theo các nguyên tắc chuyển đổi giá điện như sau: “Áp dụng các nguyên tắc quy định tại Văn bản số 2157/BCT-ĐTĐL ngày 16/3/2012: Giá của hợp đồng chuyển đổi giữ nguyên như giá hợp đồng hiện có” - (theo Thông báo số 220/TB-BCT ngày 16/9/2019).

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, PV Power đã có Văn bản số 2110/ĐLDK-TM ngày 23/10/2019 về hợp đồng mua bán điện NMĐ Cà Mau 1 và 2 gửi EVN đề nghị nối lại công tác đàm phán để hai bên sớm thống nhất và ký kết hợp đồng mua bán điện chuyển đổi trên nguyên tắc đã được kết luận thực hiện tại thông báo số 220/TB-BCT ngày 16/9/2019.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán vẫn không thể kết thúc và đi vào bế tắc. ​​

Ngày 8/7/2020, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp giữa các bên và có sự tham gia của các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện của NMĐ Cà Mau 1 - 2 và ngày 11/8/2020, Bộ Công Thương tiếp tục có Văn bản số 5861/BCT-ĐTĐL hướng dẫn các bên về việc chuyển đổi hợp đồng mua bán điện của nhà máy này.

​​Thực hiện nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản số 5861/BCT-ĐTĐL nói trên, ngày 27/8/2020, PV Power đã có Văn bản số 1719/ĐLDK-TM gửi EVN đề nghị tiếp tục đàm phán chuyển đổi hợp đồng mua bán điện của NMĐ Cà Mau 1 và 2 để tham gia thị trường điện. ​​Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 4/9/2020 giữa PV Power và Công ty Mua bán điện (EPTC) - đơn vị được EVN ủy quyền đàm phán, các bên vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm đàm phán như trước đây, cụ thể là các vướng mắc:

- Tỷ giá chuyển đổi đơn giá công suất chưa thống nhất (áp dụng tỷ giá thời điểm lập tổng mức đầu tư 2006 và tỷ giá tại thời điểm thanh toán).

- Sản lượng điện phát bình quân nhiều năm ​(tương ứng với số giờ vận hành quy đổi theo công suất cực đại - Tmax và mức tải bình quân của nhà máy điện).

Thứ ba: Là vấn đề phân bổ khí mua bổ sung từ Petronas (Malaysia).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 459/TB-VPCP ngày 13/12/2018 và hướng dẫn của Bộ Công Thương về phân bổ các nguồn khí, tháng 2 năm 2020 PVN đã có Nghị quyết của HĐTV về cơ chế phân bổ lượng khí mua bổ sung cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Cà Mau (cơ chế phân bổ khí).

Tuy nhiên, hiện tại EVN vẫn chưa chấp thuận cơ chế phân bổ này vào hợp đồng mua bán điện chuyển đổi với PV Power. Hiện tại, chi phí nhiên liệu cho NMĐ Cà Mau 1 và 2 đối với lượng khí mua bổ sung đang được EVN thực hiện tạm thanh toán theo nguyên tắc phân bổ đều, dẫn đến PV Power bị mất cân đối dòng tiền trong việc thanh toán chi phí nhiên liệu. Tính từ thời điểm bắt đầu có khí mua bổ sung vào 12/10/2019 đến hết tháng 8/2020, tổng số tiền nhiên liệu khí PV Power bị thiếu hụt là hơn 300 tỷ VNĐ.

2. Về Nhà máy điện Nhơn Trạch 1:

Thứ nhất: Huy động trong tình trạng thiếu khí.

​Theo các quy định tại Điều 20 - Quy trình lập lịch huy động và vận hành thời gian thực (Quyết định số 42/QĐ-ĐTĐL ngày 16/3/2020 của Cục Điều tiết Điện lực), việc huy động các nhà máy điện và tính toán giới hạn công suất từng chu kỳ giao dịch chỉ dựa trên khả năng cung cấp nhiên liệu cho cả cụm nhà máy sử dụng chung nguồn khí (quy định tại Khoản 4, Điều 20) và suất hao nhiệt của tổ máy nhiệt điện (được quy định tại Khoản, 5 Điều 20) mà không xét đến các cam kết về cung cấp khí của từng nhà máy đã can thiệp, làm phá vỡ các cam kết thương mại về lượng khí cung cấp giữa các bên mua bán khí. ​Điều này có thể dẫn tới việc có nhà máy được huy động với sản lượng điện sử dụng vượt quá lượng khí do bên bán khí cam kết, trong khi có nhà máy không được huy động dẫn tới không có cơ hội sử dụng hết lượng khí đã được bên bán khí cam kết. Đặc biệt là với các nhà máy cùng chào giá trên thị trường ở mức giá sàn 1đ/kWh.

​Việc sử dụng chung nguồn khí (và các cơ sở hạ tầng cung cấp khí) là điều kiện khách quan của hệ thống cung cấp khí hiện nay tại Việt Nam. Vì vậy, việc huy động các nhà máy điện sử dụng chung nguồn khí, trước hết cần đảm bảo các cam kết thương mại của hợp đồng mua bán khí là cần thiết.

Thứ hai: Việc chuyển ngang nghĩa vụ về cam kết bao tiêu nhiên liệu trong hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện của NMĐ Nhơn Trạch 1.

​Tại Điểm c, Khoản 4, Điều 1, Thông tư số 24/2019/TT-BCT ngày 14/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện (Thông tư 24) quy định như sau:

“Đối với nhà máy điện có ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu, và có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy điện trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện: Đơn vị phát điện và đơn vị mua điện có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất về sản lượng hợp đồng năm, trong đó sản lượng hợp đồng năm không thấp hơn sản lượng điện năng tương ứng với lượng bao tiêu nhiên liệu năm của nhà máy điện và có xét đến khả dụng của nhà máy điện trong năm”.

Nhơn Trạch 1 là nhà máy sử dụng nguồn khí do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cung cấp trên cơ sở các cam kết về giao, nhận và bao tiêu khí trong hợp đồng mua bán khí số 45/HĐKT-ĐLDK ký ngày 4/6/2008 giữa PV Power và PV GAS (Hợp đồng). Theo đó, tại Điều 6.2 của Hợp đồng, trong điều kiện cơ bản nhất, lượng khí bao tiêu cho mỗi năm hợp đồng bằng lượng khí tối thiểu năm. Lượng khí này được tính toán trên cơ sở cam kết về lượng khí ngày hợp đồng hàng năm trong hợp đồng mua bán khí giữa PV Power và PV GAS.

III. Kiến nghị các giải pháp hữu hiệu:

Một là: Các Bộ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cần có hỗ trợ, hướng dẫn rõ ràng, điều phối PVN/PVN Power và EVN giải quyết các tranh chấp thực hiện hợp đồng kinh doanh trước đây đối với Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. EVN và PVN/PV Power cần thiện chí giải quyết các tồn đọng, nhằm tạo điều kiện cho mỗi bên thực hiện đúng quy định pháp luật và nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký.

Trong trường hợp đến cuối năm 2020 vẫn không thống nhất được, nên đưa vụ việc kiến nghị trọng tài xử lý để đảm bảo tính minh bạch và nâng cao năng lực hiểu biết pháp lý của các bên.

Hai là: Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực sửa đổi các quy trình lập lịch huy động các nhà máy điện khí trong trường hợp thiếu khí trên nguyên tắc có tính đến việc đảm bảo các cam kết thương mại của hợp đồng mua bán nhiên liệu.

Ba là: Để PVN/PV Power có thể đảm bảo các nghĩa vụ về bao tiêu nhiên liệu trong hợp đồng mua bán khí của NMĐ Nhơn Trạch 1, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét và có văn bản cho phép chuyển ngang các quy định về bao tiêu nhiên liệu trong hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện trong giai đoạn ngắn và trung hạn nhất định.

Tất nhiên, theo chúng tôi, việc này cần cân nhắc trong trung và dài hạn, vì có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động thị trường điện cạnh tranh trong tương lai.

Kỳ tới: Về các dự án điện (đang xây dựng) của PVN bị ‘mất phương hướng’

NGUYỄN THÁI SƠN - THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động