RSS Feed for Tác động ‘hai chiều’ của giá dầu tới kinh tế VN - Kỳ 1: Tổng quan diễn biến | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tác động ‘hai chiều’ của giá dầu tới kinh tế VN - Kỳ 1: Tổng quan diễn biến

 - Dầu thô là một mặt hàng chiến lược, được giao dịch hằng ngày trên thị trường tài chính quốc tế, với 2 nghiệp vụ chủ yếu là giao ngay và giao dịch kỳ hạn. Giá dầu biến động, tác động đến kinh tế toàn cầu, đến an ninh năng lượng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với Việt Nam, khi giá dầu thô giảm làm thu ngân sách Nhà nước bị giảm sút trong những năm gần đây, song về tổng thể nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng giá dầu thô giảm sẽ làm giảm nguồn thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án khai thác, chế biến dầu khí và sản phẩm hóa dầu.

Triển vọng phát triển thị trường khí cạnh tranh tại Việt Nam



KỲ 1: TỔNG QUAN DIỄN BIẾN GIÁ DẦU THÔ TỪ NĂM 2008 ĐẾN NAY 

Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, từ mức kỷ lục 147 USD/thùng (ngày 11/7/2008), đến cuối tháng 11/2008 giảm xuống 44-46 USD/thùng, thấp nhất trong 4 năm (kể từ năm 2004). Từ sau thời điểm cuối năm 2008, giá dầu thô liên tục giảm mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn quanh mức 30 USD/thùng.

Năm 2018, giá dầu thế giới đã có sự biến động trái chiều khi 9 tháng có xu hướng tăng dần đều, nhưng đến cuối tháng 11 giá dầu lại quay đầu lao dốc và bốc hơi hơn 30% so với mức “đỉnh” 86,74 USD/thùng dầu Brent Biển Bắc, xác lập ngày 3/10. Sang nửa đầu tháng 12, giá dầu thế giới lại đảo chiều và có những phiên liên tiếp tăng giá. Giá dầu thô trong năm 2018 có thời điểm trên mức 70 USD/thùng, nhưng biến động khó lường và bất lợi, đặc biệt trong quý IV/2018 khi giá dầu WTI lập kỷ lục ngắn hạn với 76,4 USD/thùng vào đầu tháng 10 đã giảm sâu xuống mức 42,5 USD/thùng vào cuối năm.

Giá dầu thô trong quý I/2019 đã tăng kỷ lục, một kỳ tích sau hơn 14 năm. Tại thời điểm 15 giờ ngày 29/3/2019, giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch trên thị trường London (giao tháng 5/2019) đạt 68,30 USD/thùng, tăng 48 cent so với ngày hôm trước và tăng tổng cộng 25,76% trong 3 tháng đầu năm 2019. Giá dầu WTI của Mỹ cũng chạm mức 59,94 USD/thùng, cao hơn 64 cent của giá dầu ngày 28/3, tăng 28,83% trong 3 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, từ đầu tháng 5/2019 đến giữa tháng 6/2019, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm, đến ngày 11/6/2019, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 62,36 USD/thùng, giảm khoảng 20% so với mức đỉnh năm 2019 vào cuối tháng 4, ngày 12/6/2019 giảm xuống dưới 60 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 28/1/2019, bởi nguy cơ suy thoái kinh tế lan rộng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu. Giá khí tự nhiên tại Mỹ (ngày 12/6/2019) cũng đã giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm do dự báo mức tiêu thụ giảm.

Giá dầu tác động hai mặt đến nền kinh tế, đến an ninh năng lượng quốc gia. Nếu giá dầu tăng thì thu ngân sách có lợi, nhưng sẽ kéo theo mọi chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị đội giá, ảnh hưởng tới tăng trưởng sản xuất, đến chỉ số CPI, đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, đến điều hành chính sách tài chính - tiền tệ, có thể Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải thắt chặt tiền tệ, hạn chế tín dụng, lãi suất tăng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của nhiều lĩnh vực năng lượng khác và nhiều ngành kinh tế khác.

Khi giá dầu thô giảm, chi phí nhập khẩu xăng, dầu các loại giảm đem lại lợi ích nhiều nhất cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực vận tải, vì đây là lĩnh vực tiêu thụ nhiều xăng, dầu. Các lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp, như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim, xây dựng công trình giao thông… cũng được hưởng lợi khi xăng, dầu (chiếm tới từ 20 - 30% chi phí đầu vào của những ngành này).

Giá cước vận tải giảm cũng làm giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, giá xăng, dầu giảm cũng giúp hộ gia đình giảm chi tiêu cho việc đi lại hàng ngày và được hưởng lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng có cơ hội giảm.

Như vậy, việc giảm giá xăng, dầu có thể giúp tăng trưởng sản xuất, theo đó việc tăng thu nội địa có thể bù đắp cho nguồn thu ngân sách, có cơ hội tăng nguồn dự trữ xăng, dầu cho an ninh năng lượng quốc gia, đẩy nhanh tiến độ các dự án về năng lượng.

Đối với doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì giá dầu xuống thấp cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu của ngành sẽ bị giảm sút, thậm chí kế hoạch đầu tư tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ mới, bảo đảm sản lượng khai thác các năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án năng lượng của ngành. Khi giá dầu thô chỉ ở mức 60 - 65 USD/thùng thì một số mỏ đang dự kiến đưa vào phát triển có khả năng sẽ bị chậm lại. Trong ngắn hạn, việc đầu tư bổ sung cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn thu không đủ cho nguồn chi bổ sung cho các mỏ hiện nay. Còn các mỏ mới, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Trong những năm gần đây, giá dầu trên thị trường thế giới biến động mạnh theo hướng giảm và hiện nay đang dao động quanh mức thấp, đã tác động đa chiều đến các chủ thể của nền kinh tế Việt Nam, thu chi ngoại tệ, cân đối ngoại tệ quốc gia.

Một số tài liệu công bố cho thấy, dầu mỏ Việt Nam có chất lượng tốt và trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, chiếm 0,3% trữ lượng dầu mỏ đã được phát hiện trên toàn thế giới, mức cao đứng thứ hai ở khu vực Đông Á, đứng thứ ba ở châu Á và đứng thứ 28 trên toàn thế giới. Việt Nam là quốc gia vừa là nước xuất khẩu dầu thô, có thể sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu thô ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày trong một số vài năm tới đây, đứng thứ 36 trên thế giới về quy mô khai thác và đứng thứ tư trong khối các nước Đông Nam Á về xuất khẩu dầu thô. Việt Nam cũng là quốc gia vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng, dầu thành phẩm.

(Kỳ tới: Một số tác động tích cực và tiêu cực của giá dầu thô)

TS. LƯƠNG VĂN HẢI - TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động