RSS Feed for Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 04/12/2024 01:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia [Kỳ cuối]

 - Như đã phân tích trong kỳ trước, công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch các phân ngành năng lượng Việt Nam còn nhiều bất cập. Cơ chế chính sách đối với sản xuất kinh doanh năng lượng thì "nửa vời" giữa "theo cơ chế thị trường" và "kế hoạch hóa", chưa gắn với đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như mục tiêu "hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh" đã đề ra trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Do đó, tình hình cung cầu năng lượng của Việt Nam luôn tiềm ẩn rủi ro... Vậy, đâu là giải pháp cho thực trạng nêu trên?

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia [Kỳ 1]
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia [Kỳ 2]

KỲ CUỐI: KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thứ nhất: Về việc thực hiện quy định của Luật Quy hoạch 2017 đối với ngành năng lượng:

Ngành năng lượng gồm: năng lượng sơ cấp - gồm năng lượng không tái tạo (dầu, khí đốt, than, năng lượng hạt nhân) và năng lượng tái tạo (thủy điện, sinh khối, địa nhiệt và các loại năng lượng tái tạo khác) và điện năng.

Đề nghị hệ thống chiến lược và quy hoạch ngành năng lượng gồm có:

1/ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (thay cho Quy hoạch tổng thể về năng lượng) để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch các phân ngành năng lượng nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, cân đối toàn ngành năng lượng.

2/ Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên năng lượng không tái tạo (gồm dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá và các tài nguyên năng lượng không tái tạo khác, trừ quặng urani).

3/ Quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo (gồm thủy năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, sinh khối và các tài nguyên năng lượng tái tạo khác).

4/ Quy hoạch phát triển điện lực (nên gộp cả Quy hoạch phát triển điện hạt nhân vào đây để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất vì cùng mục tiêu phát triển điện năng).

5/ Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ.

6/ Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Hai quy hoạch quặng phóng xạ và năng lượng nguyên tử ngoài các mục tiêu khác phải đảm bảo thực hiện mục tiêu năng lượng đề ra trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.  

7/ Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt và than, cần bổ sung thêm than vì than sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thời gian tới, chiếm tỷ trọng trên 50% nguồn điện cả nước sau năm 2020. Hơn nữa, ngoài nguồn than khai thác trong nước còn có nguồn than nhập khẩu với khối lượng lớn chịu nhiều tác động của thị trường và bối cảnh quốc tế nên cần phải có hạ tầng dự trữ than.

Thứ hai: Tăng cường tập trung đầu tư nghiên cứu, điều tra, đánh giá để xác định trữ lượng khả dụng (khả thi về kỹ thuật và kinh tế) của các nguồn tài nguyên năng lượng theo đúng mục tiêu, phương hướng đã đề ra trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia 2007 và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam 2015.

Đặc biệt, nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí) là có hạn và đến nay đã tiệm cận giới hạn tiềm năng của chúng, thậm chí đã có dấu hiệu suy giảm. Nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo tuy phong phú và tiềm năng lớn, song việc khai thác, sử dụng chúng cho phát triển điện gặp nhiều khó khăn, hạn chế nên phải có lộ trình thích hợp. Còn việc nhập khẩu than, năng lượng cũng chỉ ở mức nhất định chứ không thể vô hạn, bởi cả lý do khó khăn về nguồn nhập khẩu và lý do bất ổn, hạn chế tính tự chủ của nền kinh tế, trong khi nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của nền kinh tế nước ta ngày càng tăng cao.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng và điện năng tăng cao một cách an toàn, ổn định, trong thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng nguồn tài nguyên quặng urani, trên cơ sở đó lập quy hoạch và kế hoạch phát triển điện hạt nhân một cách phù hợp để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân.

Thứ ba: Đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch các phân ngành năng lượng: điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo theo tinh thần sau:

Phương pháp xây dựng quy hoạch theo nguyên tắc chung là:

1/ Xác định miền min - max (tối thiểu - tối đa) về nhu cầu, tức là xác định giới hạn mức thấp nhất và giới hạn mức cao nhất về nhu cầu có thể xảy ra trong tương lai (dạng hình cánh quạt: càng xa trong tương lai thì miền biến động càng rộng hơn).

2/ Xây dựng 3 phương án đáp ứng nhu cầu gồm: P/a cơ sở (thường là bằng P/a trung bình giữa min và max), P/a max và P/a min, tính toán cụ thể cho 3 P/a này.

3/ Dự kiến các tình huống biến động so với P/a cơ sở (khả năng tăng lên theo hướng P/a max hay giảm xuống theo hướng P/a min). Theo đó, xây dựng các kịch bản điều chỉnh thích hợp tương ứng với từng tình huống biến động như đình hoãn, giảm, giãn, hoặc đẩy nhanh tiến độ các dự án, hoạt động liên quan, vv... Sau này, khi thực hiện, nếu mọi sự biến động nằm trong miền giới hạn min - max đã xác định thì Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch được quyền điều chỉnh theo các kịch bản đã định liệu trước. Chỉ khi nào có sự biến động vượt ra ngoài miền giới hạn min - max đã xác định thì mới kiến nghị xây dựng lại quy hoạch.

Thứ tư: Đối với ngành than và nhập khẩu than:

1/ Vì tài nguyên than là không tái tạo và được xác định là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần phải khai thác tận thu tối đa, cho nên để tránh tổn thất than phải quy định trên cùng một địa bàn ưu tiên thực hiện Quy hoạch than trước, các quy hoạch khác không được chồng lấn, hoặc gây cản trở việc thực hiện quy hoạch than và chỉ được thực hiện sau khi kết thúc khai thác than.

2/ Việc cấp phép thăm dò và khai thác than nên theo nguyên tắc cấp phép đến tận đáy tầng than chứ không nên theo từng mức (độ sâu) nhất định như hiện nay. Làm như vậy để người được cấp phép chịu trách nhiệm đến cùng việc khai thác than đến tận đáy tầng than, nhờ thế mà họ sẽ có trình tự thăm dò và khai thác hợp lý, cũng như bảo vệ tài nguyên than chưa khai thác nhằm mục tiêu khai thác hiệu quả và tận thu tối đa tài nguyên than theo quy định của Luật Khoáng sản.

3/ Giai đoạn tới chuyển sang khai thác hầm lò là chính, còn những mỏ lộ thiên sẽ phải khai thác xuống sâu hàng trăm mét so với bề mặt. Khi đó vấn đề đảm bảo an toàn lao động và khai thác tận thu tài nguyên là đòi hỏi đặt ra vô cùng bức thiết. Trong điều kiện đó vì mục tiêu lợi nhuận thì công ty tư nhân sẽ khó lòng đáp ứng.

Cho nên việc cổ phần hóa Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Na (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc nên xem xét thực hiện theo hướng: Cái gì Nhà nước cần nắm để đảm bảo an ninh năng lượng thì Nhà nước nắm giữ 100%; còn cái gì Nhà nước không cần nắm thì để tư nhân làm tất, không nên theo kiểu “nửa nạc, nửa mỡ” như hiện nay. Đặc biệt, tránh lợi dụng cổ phần hóa doanh nghiệp để thâu tóm đất đai và tài nguyên khoáng sản.

Công ty cổ phần là một hình thức phổ biến và ưu việt hiện nay trên thế giới nhưng với điều kiện là do các ông chủ thực sự nắm giữ, quản lý, điều hành công ty. Còn đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong các công ty cổ phần có vốn nhà nước hiện nay không phải là các ông chủ thực sự, họ chỉ là người làm thuê cho Nhà nước, cho nên không tránh khỏi những bất cập của các "ông chủ hờ" như thực tế đã diễn ra thời gian qua.  

4/ Về nhập khẩu than:

- Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có biện pháp, chính sách thích hợp đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu các tiềm năng tài nguyên than và cơ hội đầu tư, pháp luật quốc tế về thương mại và đầu tư, văn hóa bản địa, nguồn nhân lực, vv... của các nước có tiềm năng tài nguyên than, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

- Nhà nước thực hiện hoặc có chính sách, giải pháp thích hợp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và hậu cần (logistics) phục vụ SXKD và cung ứng than, kể cả phục vụ nhập khẩu than.

- Có biện pháp thúc đẩy, liên kết và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than hợp tác, hợp lực với các doanh nghiệp sử dụng than trong nước trong việc nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

- Có biện pháp, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị ngành than đẩy mạnh hội nhập và tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài.

Đồng thời, phát triển thị trường than trong nước gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở:

- Xây dựng lộ trình, các điều kiện và tái cơ cấu ngành than để phát triển thị trường than vận hành theo yêu cầu công khai, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

- Xây dựng lộ trình thực hiện SXKD than theo cơ chế thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

- Quản lý thị trường than và các biện pháp thực hiện vai trò của than đối với đảm bảo an ninh năng lượng.

Thứ năm: Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển năng lượng đồng bộ theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, trong đó:

1/ Tăng cường việc đấu giá thực hiện dự án đối với các dự án năng lượng tái tạo và áp dụng chính sách Tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo - RPS (Renewable Portfolio Standard) thay vì trợ giá qua biểu giá FIT (feed-in-tariff) như kinh nghiệm nhiều nước đang triển khai thực hiện.

2/ Tiếp tục phát triển nhiệt điện than, nhưng với công nghệ mới, hiệu suất cao, giảm tiêu hao than và giảm phát thải (cả khí thải và chất thải rắn); tăng cường tái chế sử dụng tro xỉ nhiệt điện than.

3/ Quyết liệt thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, coi đó là biện pháp hàng đầu trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng và phát triển năng lượng bền vững.

4/ Đẩy mạnh phát triển cơ khí năng lượng để nâng cao mức độ tự chủ và hiệu quả trong phát triển năng lượng.

Ngoài ra, cần hoàn thiện công tác thống kê năng lượng theo hướng nâng cao độ chính xác, đồng bộ, thống nhất và kịp thời trên mọi cấp độ: toàn bộ nền kinh tế, từng ngành, từng vùng, từng cấp từ trung ương đến địa phương.

Hiện nay, số liệu về năng lượng trong các thống kê khác nhau có sự khác nhau đáng kể. Điều đó không những làm giảm độ tin cậy của bản thân các số liệu thống kê, phản ánh chưa đúng kết quả thực tế đạt được của ngành năng lượng cũng như mối quan hệ giữa năng lượng và kinh tế mà còn làm giảm độ chính xác của công tác dự báo khi thực hiện dự báo căn cứ vào các số liệu đó.

Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động