RSS Feed for Phát triển hạ tầng công nghiệp khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 21:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển hạ tầng công nghiệp khí Việt Nam

 - Việc phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) đường ống là chủ trương của Đảng và Nhà nước được thể hiện trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành. Trong bối cảnh khung pháp lý về đầu tư xây dựng cơ bản chưa hoàn chỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương đã cùng tháo gỡ, nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước về phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghiệp khí Việt Nam.

>> Kỳ 1: Phát triển hạ tầng công nghiệp khí Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp

Kỳ 2: Kiến nghị chính sách phát triển công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn 2012 - 2025

 


Khí có tiềm năng tiêu thụ ở quy mô lớn và phạm vi rộng nên phát triển thị trường khí đòi hỏi phải có hệ thống CSHT đường ống phát triển tương xứng. Sự chắc chắn trong tăng trưởng nhu cầu khí được giải thích bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, triển vọng đáng kể về trữ lượng phát triển khai thác các mỏ dầu khí ở cả ba miền đất nước (miền Bắc: Hàm Rồng, Thái Bình, Bạch Long, Hồng Long…; miền Trung: Báo Vàng, Cá Voi Xanh, Cá Heo, Sư Tử Biển…; miền Nam: Sư Tử Trắng, Sư Tử Vàng, Hải Thạch, Mộc Tinh, Thiên Ưng, lô B, 46-2…).

Thứ hai, khí và sản phẩm khí đang trở thành nguồn nhiên liệu chính trong cơ cấu sử dụng năng lượng trên tất cả các lĩnh vực, nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hóa, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, cơ cấu tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh khí đang được PVN hoàn thiện với các cơ chế, quy định hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

Thứ tư, đã xây dựng được lực lượng lao động có kinh nghiệm, có trình độ quản lý và chuyên môn sâu về công nghiệp đường ống dẫn khí.

Thứ năm, đã đúc rút được các bài học kinh nghiệm quý báu từ các dự án đầu tư xây dựng và vận hành thời gian qua cho các dự án mới.

Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức, ví dụ như: chưa có cơ chế, chính sách về mô hình tổ chức - quản lý, điều tiết - vận hành cho cơ sở hạ tầng công nghiệp khí nói chung cũng như cho hệ thống đường ống nói riêng.

Bên cạnh đó là tính kịp thời về tiến độ và sự phù hợp về quy mô của hệ thống đường ống với sự phát triển của thượng nguồn, hạ nguồn/thị trường tiêu thụ khí.

Khả năng thu xếp vốn và hình thức đầu tư hiệu quả. Vốn đầu tư cho hệ thống đường ống chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đầu tư cho toàn bộ CSHT ngành CNK (khoảng 50%). Do hàng loạt các dự án dự kiến được triển khai trong giai đoạn đến 2015, nên nhu cầu vốn tập trung cho giai đoạn này là hơn 5 tỷ USD trong tổng số gần 9 tỷ USD của cả giai đoạn 2012 - 2025.

Kiến nghị

Về cơ chế, chính sách

Cần bám sát quan điểm và nguyên tắc quy hoạch cơ sở hạ tầng trong “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến 2015, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30/3/2011. Đặc biệt là:

1. Phát triển các hệ thống đường ống khí (ngoài khơi và trên bờ) đi trước một bước để khuyến khích hoạt động tìm kiếm, thăm dò, thúc đẩy hoạt động khai thác, nhập khẩu khí và phát triển thị trường tiêu thụ.

2. Đảm bảo hiệu quả đầu tư hệ thống đường ống khi xem xét phát triển tập trung các nguồn khí thành từng cụm, thống nhất chất lượng khí vận chuyển. Hệ thống đường ống thu gom: mỏ khai thác trước và có trữ lượng lớn được quy hoạch thành điểm tập kết xử lý, trung chuyển khí khai thác từ các mỏ lân cận trong đến điểm kết nối với hệ thống đường ống  vận chuyển chính.

3. Ưu tiên và tập trung phát triển trước CSHT khí tại các khu vực thị trường khí đã có (BR-VT, TP. HCM, Đồng Nai, Thái Bình) và tại các địa phương có kinh tế phát triển năng động và gần nguồn cung cấp khí (Quảng Trị, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Long An, Bình Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội...).

4. Liên kết hệ thống đường ống để nâng cao tính an toàn và linh hoạt trong cung cấp khí tại từng khu vực, tuy nhiên thị trường phát triển chủ yếu căn cứ theo nguồn cung cấp trong khu vực, hạn chế vận chuyển từ nơi xa.

5. Tận dụng tối đa công suất các giàn xử lý và đường ống hiện có, ưu tiên xem xét các khả năng nâng cấp hoặc mở rộng công suất để phù hợp với khả năng phát triển nguồn bổ sung trước khi tính toán các phương án phát triển các dự án mới.

6. Đầu tư hệ thống đường ống  vận chuyển chính để vận chuyển KTN và condensate,  bố trí hợp lý các đầu chờ để thuận lợi cho việc kết nối các hệ thống đường ống  sau này.

7. Đưa các dự án đầu tư hệ thống đường ống dẫn khí vào danh sách lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư. Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, địa phương sớm đưa quy hoạch khí/quy hoạch hệ thống đường ống vào quy hoạch sử dụng đất, cảng của các địa phương.

8. Đảm bảo sự hài hòa giữa đầu tư cho công nghiệp khí nói chung và đường ống dẫn khí nói riêng với các ngành năng lượng khác (mối liên hệ chặt chẽ với quy hoạch điện quốc gia).

9. Cụ thể và công khai cơ chế quản lý và điều tiết hoạt động mua bán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để “đơn vị mua buôn khí duy nhất” tạo nên giá trị gia tăng trên dây chuyền khí.

Về thu hút vốn đầu tư

Kết hợp hài hòa nguồn vốn đầu tư Nhà nước và tư nhân trong và ngoài nước, trong đó Nhà nước đầu tư vốn chi phối trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở về khí. Khuyến khích các chủ mỏ/nhà nhập khẩu /hộ tiêu thụ khí lớn đầu tư các dự án khí tích hợp thượng - trung - hạ nguồn. Nghiên cứu và xây dựng chính sách, cơ chế đảm bảo an toàn, đơn giản hóa thủ tục và hỗ trợ thu xếp vốn cho các dự án khí. Chính phủ có cơ chế hỗ trợ PVN và PV Gas thu xếp vốn cho các dự án khí.

Về khoa học công nghệ

1. Xây dựng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng khí và quy chuẩn thiết kế các công trình hạ tầng khí (các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm, định mức ... trong thu gom, xuất nhập khẩu - vận chuyển - xử lý - dự trữ - phân phối khí và các sản phẩm khí).

2. Đầu tư cho nghiên cứu áp dụng chiến lược, chính sách quản lý của các nước. Phát triển các đơn vị tư vấn, thiết kế và xây dựng mạng đường ống khí, dự trữ khí.

3. Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu (database) và hệ thống IT là nơi lưu trữ tất cả các mô hình liên quan đến tư vấn, thiết kế và quản lý dự án…

4. Đầu tư cho nghiên cứu chuyển giao, áp dụng và cải tiến công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Về phát triển nhân lực

1. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân hiện có. Đào tạo bổ sung cho những khâu còn thiếu, yếu với đa dạng các hình thức (đào tạo mới, đào tạo tại chỗ, đào tạo chuyên đề, đào tạo theo dự án, tham gia hội thảo, diễn đàn khoa học - công nghệ trong và ngoài nước, theo đề tài nghiên cứu ...) từ cơ bản đến nâng cao.

2. Xây dựng kế hoạch đào tạo và quy hoạch cán bộ chủ chốt, đầu ngành.

3. Tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chính sách thu hút, sử dụng và giữ chân người tài, trong đó có chính sách thu hút Việt kiều và người nước ngoài có kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí nói chung và trong công nghiệp đường ống dẫn khí nói riêng.

Về đầu tư xây dựng

1. Hoàn thiện công tác lập và quản lý kế hoạch ĐTXD; xây dựng quy trình thẩm định, phê duyệt dự án, các bước thực hiện đầu tư và thanh quyết toán, kiểm tra/giám sát ĐTXD; hoàn thiện quy trình/tiêu chí trong công tác lựa chọn bộ máy về quản lý ĐTXD; củng cố nhân sự tham gia công tác ĐTXD tại PVGAS.

2. Thành lập Ban chỉ đạo để quản lý trực tiếp các dự án trọng điểm.

3. Lựa chọn công ty nước ngoài uy tín, kinh nghiệm và có tinh thần hợp tác cao làm đối tác chiến lược.

Về an toàn và bảo vệ môi trường

1. Khuyến khích sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

2. Có các quy định pháp luật nghiêm ngặt và có quy trình quản lý an toàn lao động.

3. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, đào tạo và triển khai các giải pháp cần thiết về an toàn, bảo vệ môi trường đối với CBCNV và cộng đồng.

4. Có các giải pháp bảo vệ môi trường trong công nghiệp khí với các hoạt động khác.

Kết luận

Là một bộ phận của ngành công nghiệp dầu khí, hệ thống đường ống dẫn khí đã đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đã khắc họa vào bản đồ dầu khí thế giới những công trình dầu khí Việt Nam - khẳng định dấu ấn thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong giai đoạn từ nay đến 2025 có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng đường ống, đang đặt ra cho PVN nhiều cơ hội và thách thức. Để hoàn thành mục tiêu chiến lược rất cần các hành động sáng tạo, quyết liệt ngành Dầu khí Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương liên quan trên cả nước.

Nguyễn Thị Thanh Lê, Trần Thị Liên Phương, Lê Việt Trung (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí - Viện Dầu khí Việt Nam)

Tài liệu tham khảo:

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí, 2009 (Đánh giá thực trạng và hiệu quả kinh tế các công trình đường ống hiện có, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động).

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí, 2010 (Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến 2015, định hướng đến năm 2025).

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí, 2011 (Nghiên cứu thị trường khí Đông Nam Bộ).

Tài liệu Hội nghị Công nghiệp khí Việt Nam, 2011.


 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động