RSS Feed for Phát triển điện hạt nhân: Kinh nghiệm của Belarus | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 19/09/2024 11:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển điện hạt nhân: Kinh nghiệm của Belarus

 - Trong khuôn khổ chương trình trao đổi và học tập kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân với Belarus, đoàn cán bộ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh dẫn đầu đã thăm và làm việc với các cơ quan có liên quan đến điện hạt nhân của Belarus.

Năng lượng nguyên tử: Những bước tiến về hợp tác quốc tế

Thăm quan nhà máy điện hạt nhân của Belarus.

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: tại Belarus, đoàn đã làm việc với Cơ quan pháp quy hạt nhân Belarus về khuôn khổ luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, công tác cấp phép cho nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Belarus. 

Làm việc với Bộ Năng lượng Belarus, đoàn Việt Nam được chia sẻ kinh nghiệm về hiện trạng hệ thống cung cấp năng lượng, nhu cầu phát triển điện hạt nhân, kế hoạch triển khai dự án điện hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và vấn đề bồi thường hạt nhân. 

Tiếp đó, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đoàn đã được nghe báo cáo về công tác nghiên cứu lựa chọn địa điểm và quan trắc môi trường của Belarus phục vụ cho triển khai dự án điện hạt nhân. Thăm công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Đoàn được nghe trình bày về lộ trình triển khai thực hiện dự án, trực tiếp thăm các khu vực của dự án như khu xây dựng lò phản ứng, khu lắp ráp các cấu kiện của nhà máy, Trung tâm Đào tạo vận hành và bảo dưỡng, và Trung tâm Thông tin. 

Một số thông tin về phát triển điện hạt nhân của Belarus:

Tình hình triển khai dự án điện hạt nhân: Belarus bắt đầu quyết định chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân năm 2008, tức là chỉ sớm hơn Việt Nam 1 năm. Tuy nhiên, họ đã triển khai rất nhanh chóng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thực tế.

Cụ thể, tháng 11 năm 2013 đã động thổ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, dự kiến tháng 11/2018 tổ máy đầu tiên đi vào vận hành phát điện và tổ máy số 2 sẽ đi vào vận hành phát điện tháng 6/2020.

Để chỉ đạo thực thi chương trình phát triển điện hạt nhân, Belarus đã thành lập Ban chỉ đạo nhà nước do Phó Thủ tướng đứng đầu với thành viên gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan tương tự như của Việt Nam. Ban điều hành dự án điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Năng lượng làm Trưởng ban tương tự như cơ quan NEPIO theo hướng dẫn của IAEA. Cơ quan pháp quy hạt nhân chịu trách nhiệm toàn bộ về cấp phép, thẩm định, thanh tra dự án điện hạt nhân.

Để bảo đảm tiến độ đã đặt ra, hàng tháng Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân đều xuống hiện trường kiểm tra tiến độ các hạng mục của công trình và trực tiếp chỉ đạo.

Tổng thống đã dự lễ khởi công và có thư gửi các thế hệ tương lai của Belarus, trong đó ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án điện hạt nhân đối với bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước và xây dựng tiềm lực KH&CN phục vụ phát triển bền vững quốc gia.

Belarus là quốc gia không có nhiều nguồn năng lượng nội địa, hiện họ chỉ tự lực được 18%. Do đó phát triển điện hạt nhân là cần thiết và cũng là cách để giảm giá thành sản xuất điện.

Phía Belarus đã hợp tác với Liên bang Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công nghệ AES-2006 tương tự như công nghệ mà Việt Nam dự kiến mua của Nga. Do vậy các kinh nghiệm của Belarus là rất có ích đối với Việt Nam.

Belarus và Nga đã hợp tác đánh giá năng lực của các ngành công nghiệp nội địa của Belarus có khả năng tham gia thực hiện dự án điện hạt nhân. Trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân các ngành công nghiệp nội địa đã tham gia trên 80% các công việc xây lắp. Đây là vấn đề chúng ta cũng cần quan tâm để nâng cao khả năng tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện dự án điện hạt nhân.

Trước năm 2012 các cơ sở hạ tầng về đường xá, cấp điện và nhà máy chế tạo bê tông đã được xây dựng để phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân. Chủ đầu tư đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhà máy với 1680 nhân viên cho 2 tổ máy. Đối với các chi phí cho quản lý chất thải phóng xạ và tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng, Belarus sử dụng mô hình tính toán của Nga trong phê duyệt báo cáo khả thi của dự án điện hạt nhân. Về bồi thường hạt nhân, Belarus đã ký Công ước Viên về bồi thường hạt nhân.

Hệ thống pháp quy và quy phạm hạt nhân: Điểm thuận lợi đối với Belarus trong triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân là họ có cùng ngôn ngữ tiếng Nga với đối tác Nga và Tổng thống Belarus bằng sắc lệnh của mình đã cho phép sử dụng hệ thống các văn bản quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Nga đối với việc triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân của mình.

Cho đến nay, họ mới chỉ cần ban hành 26 văn bản quy phạm, 4 Sắc lệnh của Tổng thống, 3 Nghị định của Chính phủ và 5 Thỏa thuận liên chính phủ với Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Năm 2016 Belarus sẽ tiếp đoàn IRRS của IAEA để đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng an toàn hạt nhân.

Cơ quan pháp quy hạt nhân Belarus: Cơ quan pháp quy hạt nhân thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp. Cơ quan pháp quy hạt nhân hiện có 82 cán bộ, họ có chương trình đào tạo riêng cho cán bộ mới tuyển dụng và cán bộ mới tuyển dụng phải thông qua kỳ kiểm tra mới được vào làm việc tại Cơ quan pháp quy hạt nhân.

Trong những năm tới họ sẽ tiếp tục tuyển dụng cán bộ cho những vị trí còn thiếu trong Cơ quan pháp quy. Viện Hàn lâm khoa học Belarus là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật bên ngoài cho Cơ quan pháp quy hạt nhân, còn một đơn vị kỹ thuật độc lập khác chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho Chủ đầu tư (Tổ chức vận hành) nhà máy điện hạt nhân.

Đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật của Viện Hàn lâm cho Cơ quan pháp quy hạt nhân rất mạnh. Quản lý pháp quy hạt nhân bao gồm cấp phép, thanh tra, xử lý vi phạm, ứng phó sự cố, thực thi các điều ước quốc tế được giao cho Cơ quan pháp quy hạt nhân thực hiện.

Cấp phép cho nhà máy điện hạt nhân của Belarus cũng chia thành 3 giai đoạn: cấp phép địa điểm, cấp phép xây dựng và cấp phép vận hành. Quá trình thẩm định an toàn phục vụ cấp phép chủ yếu do Belarus tự thực hiện, không cần thuê tư vấn quốc tế (chủ yếu do Viện Hàn lâm khoa học thực hiện).

Đối với thanh tra nhà máy điện hạt nhân, Cơ quan pháp quy hạt nhân cũng tổ chức các hoạt động thanh tra trong tất cả các giai đoạn khảo sát địa điểm, chế tạo thiết bị, xây lắp và vận hành. Hiện tại Đội thanh tra của Cơ quan pháp quy hạt nhân làm việc thường xuyên tại công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 7 người. 

Chính sách đối với quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của điện hạt nhân: Các chất thải hoạt độ rất thấp, hoạt độ thấp và hoạt độ trung bình sẽ được lưu giữ tạm thời tại nhà máy trong vòng 10 năm, sau đó chuyển đến khu lưu giữ của quốc gia. Chất thải hoạt độ cao sẽ lưu giữ lâu dài trong vòng 60 năm tại nhà máy. Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ được lưu giữ tại nhà máy hoặc chuyển về Nga để tái chế bằng các thỏa thuận riêng. Như vậy, đến năm 2028 thì Belarus sẽ phải có cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ rất thấp, thấp và trung bình của quốc gia. Còn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng còn cần phải tiếp tục nghiên cứu để có quyết định về việc chuyển sang Nga tái chế hay lưu giữ trong nước. Đối với các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng hiện tại Belarus cũng đã xây dựng cơ sở lưu giữ lâu dài của quốc gia. 

Đào tạo cán bộ cho ngành điện hạt nhân: Belarus có 4 trường đại học đào tạo cán bộ cho ngành điện hạt nhân, trong đó mỗi trường được giao nhiệm vụ đào tạo những chuyên ngành cụ thể, không chỉ có đào tạo về vật lý và kỹ thuật hạt nhân như ở Việt Nam. Đây là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu để đề xuất các chuyên ngành cụ thể cho từng trường đại học của Việt Nam trực tiếp phục vụ cho chương trình điện hạt nhân.

Nghiên cứu địa điểm và quản lý phóng xạ môi trường phục vụ cho triển khai dự án điện hạt nhân: Các nghiên cứu địa điểm hoàn toàn do các chuyên gia của Belarus thực hiện dựa trên các yêu cầu và hướng dẫn của IAEA.

Belarus có nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát môi trường phóng xạ từ sau tai nạn Chernobyl. Hiện nay họ vẫn tiếp tục duy trì hệ thống quan trắc môi trường phóng xạ do Belarus bao quanh bởi các nước đều có nhà máy điện hạt nhân (Nga, Ucraina, Latvi) nên quan trắc môi trường phóng xạ là cần thiết để kịp thời ứng phó cho dân chúng. Điểm quan trọng là Belarus tự thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường cho nhu cầu trong nước (Trường Đại học Tổng hợp Belarus là cơ sở thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị này). Phía bạn sẵn sàng và mong muốn có sự hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo quy định của Belarus thì nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm quan trắc phóng xạ môi trường trong phạm vi bán kính 30km xung quanh nhà máy, còn Cơ quan quản lý môi trường sẽ quan trắc phóng xạ môi trường ở phạm vi toàn quốc.

Công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Đoàn được nghe trình bày về lộ trình triển khai thực hiện dự án, trực tiếp thăm các khu vực của dự án như khu xây dựng lò phản ứng, khu lắp ráp các cấu kiện của nhà máy, Trung tâm Đào tạo vận hành và bảo dưỡng, và Trung tâm Thông tin. Để hỗ trợ triển khai dự án điện hạt nhân, Chính phủ Belarus đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho công nhân, chuyên gia thực hiện dự án điện hạt nhân. 

Cán bộ vận hành bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân được tuyển chọn từ các nhà máy nhiệt điện, gửi sang Nga đào tạo cơ bản về điện hạt nhân và phải tham gia các khoá đào tạo tại Trung tâm Đào tạo để được cấp chứng chỉ nhân viên vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân. Theo quy định của Belarus các nhân viên vận hành và bảo dưỡng nhà máy hàng năm phải có ít nhất 96 giờ đào tạo lại tại Trung tâm Đào tạo. Trung tâm Đào tạo được trang bị các thiết bị mô phỏng, bao gồm cả hệ thống mô phỏng điều khiển giống như của nhà máy điện hạt nhân trong thực tế và các hệ thống công nghệ phục vụ cho công tác bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện hạt nhân. Tất cả các hệ thống thiết bị của Trung tâm Đào tạo là do Nga sản xuất và cung cấp. Trung tâm Thông tin được xây dựng trong khu vực dân cư và là nơi cung cấp các các kiến thức cơ bản về điện hạt nhân cho công chúng. Các trưng bày trong Trung tâm Thông tin rất có ấn tượng đối với đoàn cán bộ Việt Nam.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động