RSS Feed for Năng lượng nguyên tử: Những bước tiến về hợp tác quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 13:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng nguyên tử: Những bước tiến về hợp tác quốc tế

 - Hợp tác quốc tế (HTQT) trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) có vai trò quan trọng trong việc tạo ra những nguồn lực cần thiết, góp phần phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, rút ngắn được thời gian, giảm được chi phí nghiên cứu, chuyển giao tri thức và công nghệ hạt nhân cho đất nước.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

TS. TRẦN BÍCH NGỌC, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ

Để thực hiện thành công Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các nước có nền công nghiệp hạt nhân tiên tiến trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký 08 hiệp định liên Chính phủ về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình với các quốc gia như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ac-hen-ti-na, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ; hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế liên quan đến hạt nhân như: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Ủy ban châu Âu (EC); là thành viên của Hiệp định hợp tác Vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân (RCA), Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA),...

Hợp tác với IAEA giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thành viên của IAEA kể từ tháng 6/1978. Là trung tâm quốc tế về hợp tác hạt nhân, hoạt động của IAEA dựa trên ba trụ cột là: An toàn và an ninh hạt nhân; Thanh sát và kiểm chứng hạt nhân; Khoa học và công nghệ hạt nhân. Bên cạnh việc khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, IAEA còn giữ vai trò hướng dẫn, giám sát và chịu trách nhiệm chính về một số công ước quốc tế về hạt nhân.

Trong nhiều năm qua, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật (Technical Cooperation - TC), IAEA đã viện trợ cho Việt Nam trung bình khoảng 1 triệu USD/năm dưới hình thức ODA không hoàn lại, tập trung vào các lĩnh vực an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường… Các dự án TC của IAEA có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng năng lực và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

Việt Nam và IAEA ký Khung Chương trình quốc gia hợp tác giai đoạn 2016 - 2021 (Ngày 02/11/2015 tại trụ sở IAEA, Vienna, Áo)

Ngày 02/11/2015, Việt Nam và IAEA đã ký Khung Chương trình quốc gia hợp tác giai đoạn 2016 - 2021, xác định rõ những nhu cầu phát triển ưu tiên và lợi ích của Việt Nam được thỏa thuận với IAEA để IAEA hỗ trợ thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật, tập trung vào 9 nhóm lĩnh vực ưu tiên: 1. Điện hạt nhân; 2. Cơ sở hạ tầng pháp quy; 3. Y tế; 4. Lương thực và nông nghiệp; 5. Công nghiệp; 6. Môi trường và tài nguyên nước; 7. Xây dựng năng lực/phát triển nguồn nhân lực; 8. Lò phản ứng nghiên cứu; 9. An ninh hạt nhân.

Việc ký kết này sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan của Việt Nam và IAEA trong việc xây dựng và thực hiện những dự án trong các lĩnh vực ưu tiên đã được hai bên thống nhất trong Khung Chương trình; chủ động nguồn lực cần thiết và xây dựng các nhiệm vụ hợp tác với IAEA phục vụ cho các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia hoặc các dự án lớn mang tính dài hạn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, vào tháng 11/1990, quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã có những bước phát triển nhanh chóng và vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ.... Ngày nay, Liên minh châu Âu là đối tác quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có NLNT. Từ năm 2009, Việt Nam và EU đã triển khai khá thành công Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nhằm cải tiến khung pháp lý về an toàn hạt nhân và nâng cao năng lực cho Cơ quan pháp quy Việt Nam và Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật (TSO) với trị giá 2 triệu Euro do EU viện trợ không hoàn lại. Dự án hướng tới các nhiệm vụ chính như: 1. Hỗ trợ nâng cao khung pháp lý về an toàn hạt nhân cho Việt Nam; 2. Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cho đánh giá và thẩm định an toàn và giám sát pháp quy; 3. Nâng cao năng lực quốc gia về đánh giá và thẩm định độc lập về an toàn; 4. Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và chương trình đào tạo của cơ quan pháp quy.

Trong 3 năm thực hiện Dự án, hai bên đã phối hợp tổ chức 27 hội thảo và khoá đào tạo cho hơn 500 lượt cán bộ và 9 đoàn ra cho 22 cán bộ học tập từ 1 đến 5 tuần tại các nước châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Phần Lan, Bỉ,… và đã góp phần hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng khung pháp quy hạt nhân, tăng cường năng lực quản lý và kỹ thuật, chuyển giao sự hiểu biết của châu Âu trong quản lý hạt nhân, bao gồm cả các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong trường hợp sự cố hạt nhân, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và chương trình đào tạo, và phát triển về thông tin đại chúng.

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong "Kế hoạch tổng thể về phát triển và ứng dụng việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” và “Kế hoạch tổng thể đối với việc xây dựng hạ tầng điện hạt nhân đến năm 2020”, Việt Nam rất coi trọng vấn đề hợp tác và hỗ trợ quốc tế song phương từ các quốc gia có nền hạt nhân phát triển, trong đó phải kể tới Liên bang Nga - đối tác số 1 của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Liên bang Nga là một trong các cường quốc hạt nhân, có vai trò quan trọng, mang tính quyết định ở Liên Hợp Quốc và nhiều diễn đàn quốc tế. Liên bang Nga có ngành công nghiệp hạt nhân tiên tiến bao gồm toàn bộ chu trình nhiên liệu, thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành, chuyển giao công nghệ và có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án ở nước ngoài (tại các nước Đông Âu trước đây, và gần đây tại Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Bulgary). Công nghệ lò phản ứng của Nga được đánh giá là một trong những công nghệ nguồn, tiên tiến nhất trên thế giới. Hiệp định hợp tác về NLNT giữa Việt Nam và Nga được ký kết từ 27/3/2002.

Trong thời gian gần đây, hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực NLNT đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan có liên quan của hai bên đã được ký kết trong các lĩnh vực: đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân, thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân,… Liên bang Nga đã cung cấp cho Việt Nam một số học bổng hàng năm cho chương trình đại học và sau đại học về kỹ thuật hạt nhân. Từ năm 2010 đến nay, khoảng 350 sinh viên Việt Nam đã được cử đi học tập nghiên cứu về thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân ở Obninsk, Nga. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) trong việc đào tạo cán bộ thông qua các khóa học ngắn hạn. Khoảng 200 sinh viên Việt Nam tại Obninsk đã cam kết sẽ làm việc cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi tốt nghiệp, những người còn lại có thể sẽ được các cơ quan nhà nước tuyển dụng hoặc được lựa chọn theo học các khóa học sau đại học. Đây sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng cao mà Việt Nam rất cần để phục vụ cho Chương trình Điện hạt nhân của mình.

Lễ ký Dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty điện Nguyên tử Nhật Bản

 Cùng với việc Chính phủ Việt Nam lựa chọn Nhật Bản là đối tác số 2 đối với Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng sâu sắc. Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực NLNT vào năm 2011, tuy nhiên, hợp tác giữa hai quốc gia đã có truyền thống từ trước đó rất lâu; các hoạt động hợp tác đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia. Các trợ giúp của Nhật Bản đối với Việt Nam tập trung vào việc xây dựng nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng bức xạ, an toàn hạt nhân,… Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng 02 phòng thí nghiệm cho giáo dục và đào tạo tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam). Các khóa đào tạo liên kết cũng như các khóa đào tạo tiếp nối về bảo vệ bức xạ, đo đạc bức xạ, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và môi trường, công nghệ lò phản ứng hạt nhân, chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường,… cũng thường xuyên được tổ chức.  

Hoa Kỳ là cường quốc có tiềm lực, trình độ phát triển KH&CN, công nghiệp hạt nhân tiên tiến; nắm bản quyền về công nghệ lò phản ứng của một số nước và có quyền quyết định việc chuyển giao công nghệ hạt nhân cho nước thứ ba. Hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu từ năm 2000, với việc hai nước ký Hiệp định hợp tác về KH&CN nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam, tuy nhiên cho tới năm 2005, Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hoạt động hợp tác nào trong lĩnh vực NLNT. Kể từ năm 2005, hai quốc gia bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh hạt nhân thông qua việc triển khai một số dự án như: Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ bức xạ toàn cầu - Chương trình bảo đảm an ninh cho các nguồn phóng xạ hoạt độ cao (2006); Chuyển đổi nhiên liệu cho lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt từ độ giàu cao sang độ giàu thấp; nâng cấp hệ thống an ninh cho lò phản ứng (hoàn tất việc chuyển đổi trong năm 2013)…

Hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực NLNT đã được nâng lên tầm cao mới bằng việc ký kết Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào ngày 06/5/2014. Việc ký Hiệp định 123 đã đánh dấu bước tiến quan trọng về sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mở ra cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam vì lợi ích của cả hai bên.

Hàn Quốc tặng hệ thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến EFRD-3300 cho Việt Nam

Nói tới hợp tác trong lĩnh vực NLNT không thể không kể tới Hàn Quốc - một trong các đối tác quan trọng của Việt Nam. Hàn Quốc thường xuyên cung cấp các học bổng cho Việt Nam thông qua chương trình thạc sỹ và tiến sỹ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật hạt nhân tại KAIST và KINGS; tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng hạt nhân khác nhau tại các tổ chức hạt nhân như KAERI, KINS, KINAC,…

Trong lĩnh vực y tế, với sự hợp tác với Hàn Quốc, việc thiết kế và lắp đặt KONTRON-13 cyclotron 13 MeV tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (HIC) để sản xuất đồng vị phóng xạ và nghiên cứu về kỹ thuật gia tốc đã được hoàn thành vào năm 2014. Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động với việc cung cấp FDG thường quy đến các cơ sở sử dụng kể từ cuối 2015. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp, Việt Nam và Viện Công nghệ bức xạ tiên tiến (ARTI) Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chiếu xạ thực phẩm và tạo giống cây trồng đột biến vào tháng 11/2014 giúp tăng cường năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Cộng hòa Pháp là cường quốc hạt nhân, là nước có tỷ lệ điện hạt nhân rất cao (khoảng 80%); có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến, bao gồm chế tạo thiết bị, sản xuất nhiên liệu, xử lý chất thải phóng xạ (kể cả tái chế nhiên liệu); là nước có nhiều hợp đồng dự án xây dựng NMĐHN ở nước ngoài và hầu như không còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ về bản quyền công nghệ điện hạt nhân. Pháp thể hiện rõ quan điểm độc lập với Hoa Kỳ trong nhiều vấn đề quốc tế và muốn duy trì và phát triển vị thế của mình trong Liên minh châu Âu và trên trường quốc tế. Pháp luôn coi Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng. Kể từ khi Việt Nam tiến hành các chương trình nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, Pháp đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực NLNT, thể hiện qua việc trao đổi các đoàn thăm quan, nghiên cứu (trong đó có các đoàn cấp cao), tổ chức hội thảo, tham gia triển lãm, nhận đào tạo cán bộ. Tháng 11/2009, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác phát triển sử dụng NLNT vì hòa bình.

Như vậy, có thể nói, HTQT là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển ngành NLNT của Việt Nam, góp phần giữ vững môi trường hoà bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của ngành, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia. Thực hiện HTQT đa phương hoá, đa dạng hoá với cách đi khôn khéo, thích hợp; nghiên cứu khai thác thế mạnh của từng đối tác, tạo dựng sự đan xen lợi ích và cạnh tranh giữa các đối tác sẽ giúp cho Chương trình phát triển NLNT đạt được hiệu quả thực sự. Xác định tầm quan trọng của HTQT trong việc ứng dụng phát triển NLNT vì mục đích hòa bình, Việt Nam cần tăng cường và mở rộng các quan hệ hợp tác với các nước có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến và có vai trò quan trọng trên thế giới, trong đó chú trọng xây dựng các quan hệ hợp tác mang tính chiến lược, lâu dài.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động