RSS Feed for Nhìn nhận mới về phát triển năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 23/04/2024 13:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhìn nhận mới về phát triển năng lượng Việt Nam

 - Vấn đề đặt ra hiện nay đối với ngành Năng lượng Việt Nam là: Thứ nhất, kế hoạch đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội các năm tiếp theo từ năm 2019 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Thứ hai, ngành Năng lượng Việt Nam nói chung và ngành Điện Việt Nam nói riêng cần có chiến lược và tầm nhìn dài hạn về phát triển điện lực tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển năng lượng tái tạo: Việt Nam cần giải pháp đột phá

TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiện nay cả nước chúng ta cộng tất cả các nguồn điện mới có 47.000 MW, hàng năm phát ra sản lượng điện 190 tỷ kWh. Trong Quy hoạch điện, tới năm 2030 chúng ta cần có gần 130.000 MW điện, tổng sản lượng phát ra 570 tỷ kWh điện. Thời gian chỉ còn trên 10 năm nữa mà mục tiêu nêu trên là con số quá lớn.

Cần phải xác định rõ nguồn điện truyền thống của Việt Nam gồm có ba nguồn điện chính, bao gồm: nhiệt điện than, thủy điện và nhiệt điện khí; còn nguồn nhiệt điện dầu chiếm tỷ trọng rất thấp; nguồn năng lượng tái tạo hầu như chưa có. Do vậy, cần phải nhìn nhận một cách đúng đắn về các nguồn điện cho tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn giữ tỷ lệ của nhiệt điện than 40% trong tổng sản lượng điện của quốc gia, nói như vậy, hiện tại nhiệt điện than chiếm trên 20.000 MW, thì tới năm 2030 nhiệt điện than chiếm trên 40.000 MW, có nghĩa là các nhà máy nhiệt điện than cần xây dựng thêm hàng chục nhà máy nữa mới đáp ứng được tỷ lệ ấy. Còn thủy điện cần khai thác thêm từ 5.000-6.000MW và thủy điện nhỏ cũng cần thiết. Năng lượng tái tạo cần phát triển mạnh mẽ nhưng nên nhớ rằng điện gió, điện mặt trời chỉ bổ sung một phần nguồn cho hệ thống điện quốc gia, hoặc cho từng hộ gia đình chứ không thay thế được điện truyền thống.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo này. Nếu đưa năng lượng tái tạo vào hệ thống ở mức 100 MW trở lên thì cần có thiết bị để làm cho ổn định hệ thống. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, muốn kết nối điện mặt trời, điện gió vào hệ thống cần đầu tư bộ lưu điện ISS. Cứ 1MW thì mất 1 triệu USD cho bộ lưu điện này. Bộ lưu điện này có hai tác dụng là ổn định hệ thống như nêu trên và tích thêm năng lượng từ 5-6h, có thể phát vào lúc trời tối và lúc không có gió.

Do vậy, để cân đối được nguồn điện như đã nêu trên thì cần phải tăng tỷ lệ cả nguồn điện khí hóa lỏng (LNG). Theo quan điểm của tôi, trên thế giới rất nhiều nước có nhiều nhà máy phát điện dùng nhiên liệu LNG với tỷ lệ công suất lớn, do vậy khi tính toán trong Tổng sơ đồ phát triển điện năng tới năm 2030 tầm nhìn tới năm 2050, nên đưa tỷ trọng nguồn điện dùng LNG khoảng 30%, có như vậy, mới đảm bảo được nguồn điện cung cấp cho nền kinh tế - xã hội.

Vậy một số vấn đề cần tiếp cận:

Thứ nhất: Để phát triển được nguồn nhiệt điện than, cần tiếp cận với nguồn nhiên liệu than, vậy cần xác định khả năng khai thác than trong nước để dùng cho điện (với trữ lượng than còn lại ở khu vực Quảng Ninh). Ngoài ra, cân đối than nhập khẩu, phải lựa chọn nhập ở nước nào, nguồn nào tương đối ổn định, ít nhất cũng được từ 10-15 năm, với chất lượng than đạt tiêu chuẩn như công nghệ các nhà máy điện ở Việt Nam, chứ không nên nhập khẩu kiểu “ăn đong” như những năm vừa qua. Việc này, Chính phủ cần giao cho ngành Than lo nhập khẩu, không những tìm nguồn nhập khẩu than, khai thác thêm than trong nước, kể cả xây dựng các cảng than, kho chứa than (hạ tầng cơ sở về cung cấp than).

Thứ hai: ngành Dầu khí, hiện nay chúng ta có 4 trung tâm điện khí đang vận hành bằng khí đồng hành (khí tự nhiên), bao gồm các trung trung tâm điện lực: Phú Mỹ - Bà Rịa, Nhơn Trạch, Ô Môn và Cà Mau. Với 4 trung tâm này chúng ta đã có trên 15.000 MW. Các mỏ khí tự nhiên hiện thời thì cũng sắp hết, cần nhập khẩu khí LNG để bù đắp cho các nhà máy đã đầu tư, đồng thời để chuẩn bị cho các nhà máy mới. Ngoài ra, cần phát triển thêm hàng chục nghìn MW điện khí LNG cho các vùng tập trung nhiều phụ tải như Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh… Vấn đề lớn này, Chính phủ nên giao cho ngành Dầu khí chịu trách nhiệm lo tìm kiếm khai thác nhập khẩu LNG, chuẩn bị quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở để nhận LNG, chuẩn bị cho việc cung cấp cho các nhà máy phát điện.

Ngoài ra, chúng ta có mỏ Cá Voi Xanh (Quảng Ngãi) có tiềm năng lớn về khí có thể phát triển được 4.000 - 5.000MW điện, vậy cần liên doanh với nước ngoài để tăng nguồn điện quý giá này.

Thứ ba: Vấn đề vốn đầu tư. Nếu thực hiện theo Tổng sơ đồ điện VII (hiệu chỉnh) thì tổng số vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện cần 138 tỷ USD cho tới năm 2030. Hiện nay, việc thu xếp vốn cho các tập đoàn Nhà nước (EVN, TKV, PVN) hết sức khó khăn. Các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước có đặt vấn đề làm BOT cho một số dự án năng lượng, nhưng họ lại không đầu tư hoặc thương thảo kéo dài vì giá điện hiện nay của ta còn thấp, đầu tư thu hồi vốn kéo dài...

Thứ tư: Vấn đề môi trường. Vừa qua, tại cuộc hội thảo bàn tròn do EVN tổ chức có một số chuyên gia lo ngại về vấn đề môi trường của nhiệt điện than, ngoài yếu tố khói bụi, còn có các chất độc hạt như CO2, SO2, NOx. Thông số nói ra ấy thì cũng lấy trên các trang mạng, tạp chí nước ngoài chứ không ai đo được độ chính xác bao nhiêu và độ ảnh hưởng của nó như thế nào? Thực tế trên thế giới nhiều nước đã đầu tư nguồn nhiệt điện than lớn lên đến 400.000 - 500.000 MW, vấn đề môi trường không ảnh hưởng gì lớn.

Tại Việt Nam, một số nhà máy nhiệt điện than gần đây có nhập khẩu thiết bị của Trung Quốc, hoặc do Trung Quốc thắng thầu, những nhà máy Vĩnh Tân, Duyên Hải đều là những nhà máy có chất lượng và hiện đang vận hành ổn định và đạt công suất thiết kế, vì dùng lò đốt công nghệ siêu tới hạn. Với các lò đốt này, các khí CO2, SO2, NOx ở phần đuôi lò cơ bản đã được khử. Chưa nói ống khói xây dựng cao hàng 100m, trên độ cao này phát tán ra môi trường không đáng bao nhiêu. Do vậy, không nên phóng đại những việc nhạy cảm về môi trường, làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Không những ngành điện, các ngành kinh tế khác, Trung Quốc giúp Việt Nam rất nhiều, không nên đánh giá Trung Quốc trong quá trình phát triển kinh tế đối với Việt Nam như một số người đã quan niệm.

Ở đây vấn đề quan tâm là vấn đề xử lý tro xỉ. Nhà nước đã có chủ trương về vấn đề này rồi, nhưng kết quả chưa được bao nhiêu.

Tro xỉ nhà máy nhiệt điện rất tốt như: làm nền móng đường giao thông, nền móng cho công trình xây dựng, và đặc biệt dùng sản xuất gạch không nung thay thế gạch đỏ làm bằng đất sét. Nếu Nhà nước và Chính phủ có chế tài, chủ trương, chính sách và cơ chế đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân khai thác triệt để nguồn phế thải sẵn có này thì không những các nhà máy điện than không lo ngại việc chôn lấp tro xỉ mà Nhà nước mình có nguồn nguyên liệu quý cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng thêm Ngân sách cho Nhà nước.

Thứ năm: Vấn đề giá năng lượng là vấn đề hết sức quan trọng. Mình muốn năng lượng phát triển, phải dùng biện pháp lấy nó nuôi nó, nhưng trong những năm qua, hầu hết giá điện của chúng ta còn thấp, không thay đổi hoặc chậm thay đổi, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành năng lượng Việt Nam… Trong các ngành đầu tư để sinh lời, ngành năng lượng đầu tư ít sinh lời nhất, mà ngành này chính là ngành đón đầu để phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân, nếu thiếu nó, xã hội không phát triển được, chứ không như ngành bất động sản và các ngành kinh tế khác, mua một lãi mười, thậm trí lãi cả trăm, cả nghìn lần…

Do giá năng lượng không thay đổi hoặc chậm thay đổi nên ít thu hút được các nhà đầu tư, đây là một rào cản rất lớn, do vậy, Nhà nước cần cân đối, tính toán trong tổng hòa các lợi ích kinh tế - xã hội để có chính sách, chủ trương điều chỉnh giá năng lượng một cách hợp lý để ngành năng lượng có cơ sở phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia lâu dài.

Thứ sáu: Tiết kiệm năng lượng, vấn đề người ta quan tâm về hệ số đàn hồi (cường độ tiêu thụ điện), hệ số đàn hồi của các nước trên thế giới là 1 hoặc nhỏ hơn 1, hệ số này của Việt Nam là 2 hoặc trên 2 (gấp đôi); cường độ tiêu thụ điện các nước trên thế giới 1 đơn vị điện làm ra 5-7 đơn vị sản phẩm, còn Việt Nam thì ngược lại, 5-7 đơn vị điện mới làm ra 1 đơn vị sản phẩm. Do vậy, Chính phủ có rất nhiều chủ trương, mục tiêu, chính sách xung quanh vấn đề tiết kiệm năng lượng quốc gia. Nhưng cho đến nay vấn đề tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề thách thức lớn, nan giải, khó khăn thực hiện và chưa trở thành nếp sống và ý thức tự giác của mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi tập thể, mỗi cơ quan…

Nên nhờ rằng, do nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Trước đây, ngành điện Việt Nam vận hành theo 3 chế độ, là đáy, lưng và đỉnh (đáy là ban đêm - giờ thấp điểm, lưng là giờ trung bình, đỉnh là giờ cao điểm), trước đây quan niệm công nghiệp là hộ tiêu thụ điện lớn nhất nhưng bây giờ không phải vậy. Bây giờ sinh hoạt là hộ tiêu thụ điện không thua gì công nghiệp. Cả nước xây rất nhiều nhà cao tầng, chen chúc, mỗi tòa nhà cao tầng như vậy xây dựng ít nhất một trạm vài ba MW, có nơi lên đến 4-5MW, mà đã chung cư thì đều dùng điện hết, từ điều hòa, máy giặt, quạt điện, nấu nướng bằng bếp từ, bếp hồng ngoại, vì vậy, ban đêm cũng dùng điện như ban ngày, do đó lượng điện dùng bây giờ tăng lên cao hơn so với trước rất nhiều, nếu chúng ta không có chủ trương, chính sách và biện pháp tiết kiệm điện một cách mạnh mẽ thì kể cả ban đêm cũng coi như giờ cao điểm, không dùng nguồn nào để đáp ứng được sự tiêu thụ điện ngày càng tăng cao như bây giờ.

Những người làm năng lượng, trong đó có những người làm điện rất lo lắng, rất bức xúc, cũng rất khát khao và quyết tâm phấn đấu để các mục tiêu, các chiến ược phát triển ngành năng lượng Việt Nam tương lai đến năm 2030-2050 để năng lượng đi trước một bước, năng lượng thường xuyên đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, cung cấp đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động