RSS Feed for Nhìn lại cuộc chiến giá dầu thô | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 20:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhìn lại cuộc chiến giá dầu thô

 - Dầu khí là một loại hàng hóa chiến lược, chi phối gần như toàn bộ mọi hoạt động kinh tế-xã hội của nền văn minh nhân loại trong suốt gần hai thế kỷ vừa qua. Nó vừa là nguồn năng lượng chủ yếu, vừa là nguồn nguyên liệu quan trọng của công nghiệp hóa chất, vừa là nguồn tài chính của các quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên quý giá này, cũng như làm chủ các hoạt động thương mại liên quan đến dầu khí. Đặc biệt nó còn là nguyên nhân trực tiếp, hoặc gián tiếp của thế chiến thứ I, thứ II, cũng như rất nhiều cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng trên nhiều châu lục và những cuộc chiến kinh tế tác động mạnh mẽ đối với mọi quốc gia khi dầu khí được dùng như một vũ khí lợi hại thông qua điều khiển giá dầu lên cao hoặc xuống thấp theo từng mục tiêu chiến lược của các nước sản xuất hoặc tiêu thụ dầu lớn.

Triển vọng và thách thức trong phát triển dầu khí phi truyền thống

TS. TRẦN NGỌC TOẢN, Trung tâm nghiên cứu & phát triển công nghệ cao - Đại học Duy Tân Đà Nẵng

Trong thời gian gần đây, cuộc chiến giá dầu được bắt đầu từ tháng 11/2010, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu từ tháng 11/2010 đến tháng 9/2014, với vũ khí là giá dầu cao và giai đoạn hai bắt đầu từ tháng 10/2014 đến nay chưa chấm dứt với vũ khí là giá dầu cực thấp để hiện thực hóa chiến lược “ngập lụt thị trường dầu”.

Khi đưa giá dầu thô về giá trị đồng USD 2016, trong giai đoạn đầu, giá dầu trung bình luôn cao hơn 90 USD/thùng do OPEC giảm sản lượng tạo ra thiếu hụt nguồn cung, làm điêu đứng các nước nhập khẩu dầu ròng, trong đó có Mỹ, nước tiêu thụ chiếm đến ¼  nguồn cầu dầu toàn cầu. Còn các nước xuất khẩu dầu ròng, nhất là các thành viên Trung Đông của OPEC, thu được siêu lợi nhuận. Chạy theo lợi nhuận, các nước OPEC ngoài Trung Đông không những không tuân theo chủ trương giảm sản lượng chung của toàn khối mà còn âm thầm tăng khai thác, cộng với sản lượng gia tăng của Nga, Na Uy, Brazil, Mexico, đưa đến trạng thái cung vượt cầu ngày càng lớn trên thị trường dầu mỏ.

Bắt đầu từ tháng 7/2014, giá dầu bắt đầu sụt giảm theo cơ chế thị trường khi cán cân cung cầu mất thăng bằng. Lần này, Arabia cùng các đồng minh trong OPEC ở Trung Đông thay đổi chiến lược, không quyết định giảm sản lượng để giữ giá dầu cao mà tăng sản lượng để giá dầu sụt giảm nhanh, kéo dài, dùng giá dầu thấp để chống lại các địch thủ  kinh tế - chính trị khác, đặc biệt là Mỹ, Nga, Iran, nhằm các mục tiêu dài hạn khi nguồn dầu thế giới cạn kiệt tự nhiên và trước mắt là giành lại thị phần trong ngắn hạn, dựa trên sản lượng dồi dào và giá thành thăm dò-khai thác thùng dầu rất thấp của họ, chỉ bằng khoảng 1/3-1/2  so với giá thành của các nước sản xuất dầu khác.

Trong khoảng thời gian này, Mỹ lặng lẽ phát triển ngành dầu khí phi truyền thống do mình nắm độc quyền công nghệ thăm dò - khai thác, từng bước phục hồi sản lượng nội địa, giảm tình trạng nhu cầu dầu phụ thuộc nhập khẩu quá cao, sau khi sản lượng dầu khí truyền thống đạt điểm đỉnh năm 1976 và chuyển dần sang thời kỳ cạn kiệt. Việc Mỹ giảm nhập khẩu dầu Trung Đông là một thiệt hại rất lớn cho OPEC. Còn việc Mỹ phát triển công nghiệp dầu khí phi truyền thống (dầu khí phiến sét, dầu khí trong đá cát rắn chắc…) với trữ lượng dự báo ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới rất lớn, lại là dầu ngọt chất lượng cao, thì cấu trúc thị trường dầu khí trong tương lai sẽ thay đổi cơ bản, rất bất lợi cho các nước giàu tài nguyên dầu khí truyền thống. Tuy nhiên, giá thành khai thác loại dầu này hiện nay còn khá cao, thường hơn 50 USD/thùng. Nếu giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng thì phần lớn các mỏ phi truyền thống trong điều kiện hiện nay trở thành phi kinh tế và ngành công nghiệp này ít nhất sẽ chậm phát triển nếu không nói là phá sản. Vì vậy, ngăn chặn việc đưa dầu khí phi truyền thống Mỹ và của các nước khác ra thị trường là một mục tiêu không hề nhỏ của Arabia Saudi.

Nga là nước tiêu thụ dầu khí không cao nhưng rất giàu tài nguyên dầu khí, nếu chú ý đến con số trữ lượng xác minh hiện có cộng với diện tích có khả năng chứa dầu khí ở vành đai Bắc Cực thuộc Nga chưa được thăm dò còn rộng mênh mông. Hiện nay, nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí chiếm đến hơn 50 % ngân sách nhà nước Nga, trong lúc nền kinh tế và an ninh Nga đang đứng trước không ít khó khăn. Giá thành thăm dò - khai thác thùng dầu Nga cũng rất cao do công nghệ chưa hiện đại, điều kiện địa chất - địa lý phức tạp. Do nhu cầu tài chính cao nên giá dầu càng thấp, Nga lại càng cần khai thác nhiều dầu, sản lượng từ hai năm nay đã vượt Arabia Saudi, nên Nga đang giữ vị trí đứng đầu trong thế giới dầu khí. Về chính trị, Nga đang ủng hộ Iran, Syria là hai đối thủ của Arabia Saudi, nên việc chống Nga của Arabia Saudi là rất dễ hiểu.

Iran có trữ lượng dầu xác minh đầu năm 2016 đạt trên 157 tỷ thùng, chỉ đứng sau Arabia Saudi (265,8 tỷ thùng) và là đối thủ của Mỹ, Tây Âu cũng như các nước Hồi giáo theo dòng Sunny do Arabia Saudi đứng đầu. Trước chiến tranh Iraq-Iran, sản lượng dầu của Iran đạt gần 4 triệu thùng/ngày, nhưng sau đó sụt giảm triền miên do phương tây bao vây, cấm vận, cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ khai thác dầu không được thay đổi, càng ngày càng lạc hậu, hư hỏng nên sản lượng năm 2015 chỉ còn khoảng 2,8 triệu thùng/ngày. Từ năm 2013, căng thẳng giữa Iran và phương tây bắt đầu giảm, sang năm 2015, các điều kiện cấm vận được dần dần dỡ bỏ phần lớn, sản lượng năm 2016 tăng lên 3,1 triệu thùng/ngày và tuyên bố sẽ phục hồi nhanh mức sản lượng để đạt mức 4,6 triệu thùng/ngày trong thời gian tới. Vì giá thành khai thác dầu Iran thấp nên lợi nhuận từ dầu xuất khẩu vẫn đảm bảo ngay khi giá dầu thấp dưới 40USD/thùng, vì vậy, Iran đang thu hút mạnh các công ty dầu khí quốc tế đến đầu tư và các nước tiêu thụ dầu lớn đua nhau ký các hợp đồng mua dầu dài hạn với Iran. Điều này có nghĩa là thị phần của Arabia Saudi trên thị trường thế giới sẽ giảm, vị thế của Iran ở Trung Đông sẽ tăng. Như vậy, việc Iran trở nên hùng mạnh là điều không mong muốn của Mỹ và cả của Arabia Saudi, mặc dù Iran là thành viên của OPEC.

Diễn biến giá dầu trong thời gian từ cuối năm 2014 đến tháng 8/2016 cho thấy, Arabia Saudi và các đồng minh thân cận của họ trong OPEC rất kiên quyết đưa giá dầu xuống thấp, đến mức họ tin là các đối thủ không thể chịu đựng nổi. Tháng 6/2016, Arabia Saudi đã tăng sản lượng lên 10,55 triệu thùng/ngày và tăng xuất khẩu lên mức 7 triệu 456 nghìn thùng/ngày, cao nhất tính từ 2012. Sang tháng 7, sản lượng tăng thêm 12.000 thùng/ngày và tiếp tục tăng để vượt lên trên mức sản lượng Nga, trong lúc hai bộ trưởng dầu mỏ Nga và Arabia Saudi đã đồng ý đóng băng sản lượng, nhưng chủ trương này chưa được triển khai.

Việc thực hiện chiến lược “ngập lụt thị trường dầu” của OPEC đã đưa giá dầu trung bình từ 115 USD/thùng năm 2014 xuống 27 USD/thùng vào tháng 1/2016.Kết quả là không chỉ Nga và các nước sản xuất dầu nhỏ bị thiệt hại nặng nề mà cả OPEC cũng mang vạ. Nền kinh tếVenezuela dựa vào dầu bị sụp đổ nhanh nhất ,tiếp đến là Algeria, Nigeria.

Do thiết bị khai thác và cơ sở hạ tầng không được nâng cấp, lại bắt ép mỏ phải khai thác vượt quá công suất dự phòng, dẫn đến các tầng chứa bị ngập nước, nên hệ số suy giảm sản lượng ở các mỏ trưởng thành của Venezuela giảm hàng năm từ 15% - 25%. Sản lượng dầu nhẹ khai thác ở vành đai Orinoco giảm, không đủ để trộn với dầu nặng dẫn đến thu nhập từ xuất khẩu dầu thô nặng, với giá cực thấp, làm cho PDVSA không đủ tiền để tái sản xuất, trả cổ tức, nên nợ và nạn thất nghiệp càng tăng, không những đe dọa ngành dầu mà còn ảnh hưởng xấu đến các ngành sản xuất khác, gây ra mất an ninh xã hội nghiêm trọng.

Algeria là một thành viên lớn của OPEC, dầu khí chiếm đến 95% giá trị hàng hóa xuất khẩu và đóng góp vào ngân sách nhà nước đến 75% nên giá dầu thấp ảnh hưởng nặng nề đến GDP, đẩy lạm phát tiền tệ lên cao và nền kinh tế càng suy thoái.

Thâm hụt ngân sách của Arabia Saudi cũng bị báo động và chính phủ nước này đã phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, hạn chế đầu tư và chi tiêu công, giảm ngân sách y tế, giáo dục, tiền lương, phúc lợi xã hội trong điều kiện toàn dân trước đó quen sống trong giàu có nhờ tiền trợ cấp từ ngân sách. Hàng ngàn người Đông nam Á làm thuê ở nước này mất việc phải quay về nước mà không nhận được lương trong 8 tháng đầu năm 2016. Cùng với mức sống xuống thấp, với sự kích động của các phe phái hồi giáo cực đoan, các tệ nạn xă hội, cũng như hoạt động khủng bố, mất an ninh gia tăng trong cả khu vực Trung Đông.

Nước Nga mở lối thoát bằng chiến lược xuất khẩu dầu khí hướng về thị trường châu Á, trước nhất và chủ yếu nhất là về Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ, nhưng kết quả còn rất hạn chế, vì nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tư cho vận chuyển bằng đường ống rất tốn kém và nhiều rủi ro. Thị trường truyền thống của Nga trước đây là Tây Âu, nay cũng trở nên khó khăn, liên quan đến khủng hoảng chính trị-an ninh giữa NATO và Nga chưa được hạ nhiệt. Mặc dù giá dầu thấp đến mức sản xuất không có lãi, nhưng sản lượng Nga trước tháng 4/2016 đã đạt mức 10,85 triệu thùng/ngày. Để tăng giá dầu xuất khẩu, từ tháng 4/2016, Nga đã đơn phương đóng băng sản lượng của mình.

Với Mỹ, giá dầu thấp có tác động tiêu cực lớn đối với các công ty dầu trong lĩnh vực thượng nguồn, nhưng vì các công ty này đều là tư nhân, hoạt động đa ngành, nên họ chuyển hướng đầu tư rất nhanh, giúp hạn chế thiệt hại đáng kể. Trong thăm dò - khai thác, đầu tư hướng vào hoạt động tìm kiếm - thăm dò chuẩn bị cho trữ lượng dự trữ và vào sáng tạo - thử nghiệm khoa học - công nghệ tiến bộ phục vụ cho ngành dầu khí phi truyền thống và vùng nước sâu, cũng như cho tăng cường thu hồi dầu ở các mỏ truyền thống để đón đầu sản xuất khi thị trường cho phép. Công tác phát triển mỏ và khai thác chỉ tiến hành ở các mỏ có giá thành thùng dầu thấp dưới mức 20USD để đảm bảo mang lại lợi nhuận khi giá dầu thấp kéo dài. Nói cách khác, Mỹ luôn áp dụng chiến lược tiết kiệm/để giành tài nguyên dầu khí trong nước, tăng dự trữ trữ lượng ở nước ngoài, nâng cao chất lượng công nghệ - kỹ thuật dầu khí Mỹ trong các giai đoạn giá dầu thấp như trước đây. Bên cạnh đó họ tăng cường hoạt động lọc - hóa dầu, sản xuất LNG để tăng  hàng hóa xuất khẩu, vì bản chất của các hoạt động này là dịch vụ kỹ thuật, khi giá nguyên liệu tăng thì giá bán sản phẩm sản xuất ra cũng tăng, miễn là có thị trường tiêu thụ chắc chắn nên luôn bảo đảm lợi nhuận.

Nước Mỹ là nước nhập khẩu dầu ròng với khối lượng lớn, nên giá dầu thấp tạo điều kiện rất tốt để phát triển các ngành kinh tế khác, vì giá thành sản phẩm sẽ rẻ, sức cạnh tranh cao, nhất là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và sử dụng nhiều sản phẩm của công nghiệp dầu khí, làm nguyên liệu đầu vào. Lịch sử kinh tế Mỹ cho thấy khi giá dầu cao thì GDP Mỹ không tăng, còn khi giá dầu càng thấp thì GDP tăng càng mạnh. Hiện nay nước Mỹ nhập khẩu dầu chua, dầu nặng (giá thấp) vì các nhà máy lọc dầu Mỹ có khả năng lọc nhiều loại dầu khác nhau và xuất khẩu dầu ngọt (giá cao) cùng các sản phẩm lọc - hóa dầu cũng như khí hóa lỏng (LNG), LPG, Condensate, Olefine... cho rất nhiều thị trường nước ngoài. Do đó, có thể nói mục tiêu của Arabia Saudi dùng giá dầu  thấp để đánh nền công nghiệp dầu khí Mỹ đã thất bại và càng đẩy OPEC mất quyền kiểm soát thị trường giá dầu.

Qua bức tranh bối cảnh thị trường dầu được trình bày trên đây chúng ta thấy cuộc chiến giá dầu lần này chứa đựng những mâu thuẫn đan xen rất phức tạp và không một ai tham gia có thể đạt được toàn bộ các mục tiêu của họ. Vì vậy, trong tuần đầu tháng 10/2016 thỏa thuận giảm sản lượng giữa các nước OPEC, giữa OPEC và các nước sản xuất dầu lớn ngoài OPEC đã được chấp nhận trên văn bản trong hội nghị cuối tháng 9/2016 để hạn chế mức chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu hiện nay, nhưng các nhà bình luận thị trường dầu mỏ thế giới đều chưa dự báo kết quả của thỏa thuận này sẽ như thế nào, vì kỷ luật trong nội bộ OPEC rất lỏng lẻo. Tuy nhiên sau khi công bố thông tin nói trên giá dầu thế giới tăng vượt ngưỡng 50USD/thùng, mở ra hy vọng cho ngành dầu khí phục hồi trong năm 2017-2018.

Kết luận lại, lời đáp cho câu hỏi giá dầu thấp có hại hay có lợi cho nền kinh tế của mỗi quốc gia tùy thuộc vào vị trí của họ trong thị trường dầu khí thế giới. Với các nước giàu tài nguyên dầu khí và là nước xuất khẩu ròng thì giá dầu thấp gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Dù về chiến thuật có thể thay đổi khác nhau trong từng thời gian thì mục tiêu chiến lược của họ vẫn là duy trì hoặc đẩy giá dầu lên cao và mục tiêu này trùng hợp với mục tiêu của các công ty thăm dò - khai thác dầu khí. Còn với các nước không có tài nguyên hoặc nghèo tài nguyên dầu khí và là nước nhập khẩu dầu ròng thì giá dầu thấp  mang lại lợi ích toàn diện cho nền kinh tế. Đối với khối nước này, chiến lược đầu tư của họ tập trung nhiều hơn cho kinh doanh thông qua phát triển các hoạt động hạ nguồn trong nước, bao gồm lọc dầu, chế biến khí đốt, hóa dầu, dịch vụ các loại và phân phối cũng như sử dụng lợi thế tài chính, công nghệ, nhân lực kỹ thuật, đầu tư vào các hoạt động thượng nguồn vào những mỏ có khả năng có lãi cao ở nước ngoài, với mục đích thu lợi nhuận. Giải pháp hạn chế khai thác dầu khí trong nước để tiết kiệm tài nguyên nhằm đối phó giá dầu khí cao trong tương lai dài hạn được áp dụng rộng rãi trong các nước có trữ lượng dầu khí không nhiều, hoặc nhu cầu tiêu thụ lớn. Kinh nghiệm quản lý nhà nước của Mỹ đối với ngành dầu khí trong giai đoạn giá dầu thấp có lẽ là bài học quý cho nhiều quốc gia ngoài khối OPEC. Và cuối cùng, khi nhân loại chưa tìm ra nguồn năng lượng nào mới đủ sức thay thế dầu khí, với mức độ công nghiệp thì các chu kỳ giá dầu thấp - giá dầu cao còn tiếp nối nhau do cơ chế thị trường chi phối hoặc do những thủ đoạn giành quyền lực thống trị kinh tế - chính trị của các thế lực cường quyền dàn dựng. Đối với nước ta, một nước nhập khẩu dầu ròng, khi xây dựng chiến lược/ quy hoạch dầu khí, cần đặt trong bối cảnh ấy để không bị động khi giá dầu thăng giáng bất ngờ.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động