RSS Feed for Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về thủy điện ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 06:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về thủy điện ở Việt Nam

 - Việc đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện, tạm dừng có thời hạn 136 dự án thủy điện, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát 158 dự án đã được Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương mà trực tiếp là Tổng cục Năng lượng đã nhìn nhận đúng mức về những hạn chế của công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện hiện nay.

>> Bước đột phá về tổ chức của ngành Năng lượng Việt Nam
>> Vai trò tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
>> Lệ thuộc nước ngoài, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia
>> Bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng

NGUYỄN TÂM

Tăng cường rà soát

Tại Quyết định số 2046/QĐ-BCT, về việc Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, nhiệm vụ của Tổng cục Năng lượng được giao gồm: Là đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương; Chủ trì công tác rà soát quy hoạch thủy điện, rà soát quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; Rà soát các công trình thủy điện đang triển khai xây dựng để đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, hoàn thành trong năm 2014. Cho phép yêu cầu dừng thi công các dự án trong trường hợp chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với các dự án thủy điện đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, nếu năng lực của chủ đầu tư không đảm bảo quy định thì yêu cầu thu hồi dự án.

Bên cạnh đó, Tổng cục Năng lượng tổ chức thẩm định chặt chẽ thiết kế, sau thiết kế cơ sở theo quy định; Kiểm tra công tác nghiệm thu các dự án thủy điện theo quy định; Chủ trì công tác thẩm tra trình Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc đầu tư và khởi công các dự án thủy điện.

Theo đó, các đầu mục công việc đã được Tổng cục Năng lượng thực hiện cũng rất “nặng”, đó là: Rà soát quy hoạch thủy điện kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý và bảo vệ môi trường - xã hội. Kiên quyết dừng, loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án được đánh giá không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có ảnh hướng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường. Lên chương trình kế hoạch để rà soát các công trình thủy điện đang được triển khai xây dựng về đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Rà soát quy trình vận hành hồ chưa phù hợp, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của xả lũ đối với hạ du. Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu các dự án thủy điện, chủ trì thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép đầu tư, khởi công xây dựng các dự án thủy điện…

Nỗ lực trong quản lý các công trình thủy điện

Để cụ thể những nhiệm vụ được giao, trong tháng 4,5,6 vừa qua, Tổng cục Năng lượng đã tổ chức 3 đợt, gồm các đoàn công tác kiểm tra tại một số địa phương có dự án thủy điện. Hiện, Tổng cục đang phối hợp với UBND các tỉnh tiếp tục thực hiện công tác rà soát quy hoạch thủy điện, kiểm tra các dự án thủy điện đang triển khai xây dựng về chất lượng, an toàn công trình, các yêu cầu về môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; Đang rà soát quy trình vận hành hồ chứa, lấy ý kiến các ngành, địa phương, các hồ thủy điện để xem xét điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết.

Từ cuối năm 2012 đến nay, thực hiện yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng đã hướng dẫn 38 tỉnh, thành phố có dự án thủy điện tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện, đề xuất kiến nghị các vấn đề về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện. Đồng thời, đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thành lập các đoàn công tác liên ngành, làm việc trực tiếp tại 20 tỉnh có nhiều dự án để xem xét tổng thể về quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình; công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; công tác thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và trồng rừng thay thế; các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị và chính sách có liên quan.

Đến nay, theo đánh giá, việc rà soát thủy điện cơ bản là đầy đủ, các địa phương có dự án và đảm bảo các yêu cầu đề ra của Quốc hội.

Trên thực tế đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang (395 MW) và 418 dự án thủy điện nhỏ (1.174,49 MW); không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW). Tất cả các dự án, vị trí tiềm năng bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, nhà đầu tư không quan tâm hoặc trả lại dự án. Trong đó, đối với các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, sau khi có báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các tác động môi trường - xã hội và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phê duyệt đưa ra khỏi quy hoạch.

Cùng đó, đã tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 đối với 4 dự án thủy điện bậc thang (208 MW) và 132 dự án thủy điện nhỏ (915,7 MW) nếu bảo đảm hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường - xã hội, điều kiện thực hiện. Có 149 dự án thủy điện nhỏ (1.344,8 MW) và 9 dự án thủy điện bậc thang (551 MW) được yêu cầu tiếp tục rà soát đánh giá.

Sau khi rà soát, cả nước hiện còn lại 815 dự án thủy điện có tổng công suất 24.324,3 MW. Trong đó, đã vận hành phát phát điện 268 dự án (14.240,5 MW), đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.

Đối với quy hoạch bậc thang thủy điện, theo đánh giá của Tổng cục Năng lượng, bước đầu, chất lượng các quy hoạch này cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hầu hết dự án thuộc quy hoạch đã và đang được đầu tư xây dựng. Hiện nay, đã vận hành khai thác 56 dự án có tổng công suất 12.525,1 MW và dung tích phòng lũ cho hạ du 9,35 tỷ m3. Đang thi công xây dựng 31 dự án, tổng công suất 3.856,7 MW và dung tích phòng lũ cho hạ du 0,66 tỷ m3 để đưa vào vận hành từ nay đến năm 2017.

Với các dự án thủy điện nhỏ, theo Tổng cục Năng lượng, hầu hết đều thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn, vì vậy, tài lực cơ bản phục vụ lập quy hoạch bị hạn chế, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi… Trong khi đó, các tỉnh có dự án còn thiếu, hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp của các sở, ngành trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ. Vì vậy, chất lượng quy hoạch bộc lộ khá nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh trong quá trình đầu tư.

Mặt khác, do tình hình phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho đầu tư xây dựng thủy điện như giao thông, lưới điện… tại các khu vực này chưa đáp ứng, nên một số dự án thủy điện nhỏ không đảm bảo khả thi như tính toán quy hoạch và phải loại bỏ.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã và đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong năm 2012, các nhà máy thủy điện đã đóng góp tới 48,26% công suất và 43,9% điện lượng cho hệ thống điện. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác.

Mặc dù số lượng hồ chứa thủy điện không lớn so với tổng số hồ chứa cả nước (đến nay có 268 hồ chứa thủy điện lớn nhỏ đang vận hành trong tổng số hơn 7.000 hồ chứa trên toàn quốc), nhưng các hồ thủy điện chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56/65 tỷ m3). Đây là nguồn trữ nước cực kỳ quan trọng, bảo đảm an ninh nguồn nước, đóng vai trò chủ chốt để chủ động cấp nước về mùa kiệt và cắt giảm lũ cho hạ du, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Hàng năm, các nhà máy thủy điện đã vận hành tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn cho các tỉnh có dự án, đóng góp cho ngân sách nhà nước và xã hội khoảng 6.500 tỷ đồng tiền thuế VAT, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường… Đồng thời, với việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, một số cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… trong các khu vực tái định cư được nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ và kiên cố, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa cho người dân địa phương.

Tiếp tục đánh giá tổng thể

Tại Nghị quyết số 62/2013/QH13, về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Quốc hội đã ghi nhận Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương và trực tiếp là Tổng cục Năng lượng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện; đánh giá cao sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc tại các địa phương có dự án thủy điện, đã khắc phục khó khăn thực hiện di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình thủy điện đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các hồ thủy điện lớn đa mục tiêu đã góp phần cắt, giảm lũ, điều tiết lưu lượng, cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ môi trường. Quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đã tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng các khu, điểm tái định cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực công trình thủy điện bước đầu tạo ổn định đời sống nhân dân.

Việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhất là các công trình vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án công trình thủy điện vừa và nhỏ chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng chưa cao.

Trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 62, trong năm 2014, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa thủy lợi và thủy điện trong cả nước, có kế hoạch, giải pháp và bố trì đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; phấn đấu hoàn thành việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại. Tiếp tục công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa. Hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình đập, hồ chứa, đặc biệt về kháng chấn động đất; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn đối với một số công nghệ mới, tiên tiến để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Cùng với Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư dự án thủy điện.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa bậc thang, bảo đảm không để xảy ra tình trạng vận hành hồ chứa gây lũ kép. Nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể quy trình dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy điện…

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động