RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 23:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng

 - Đầu tuần qua, NangluongVietnam.vn dẫn lời của ông Sergei Boyarkin, Giám đốc chương trình vốn xây dựng của "Rosatom" khẳng định: "Sự cường điệu trên các phương tiện truyền thông về những hậu quả nghiêm trọng của tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là chuyện giật gân". Ông Sergei Boyarkin đã đưa ra những bằng chứng thực tiễn để giải đáp cho câu hỏi: Điện hạt nhân nguy hiểm thực tế, hay chỉ là tưởng tượng của con người?...

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri

Ông Sergey Boyarkin cho biết: Hiện nay, Nga đang xây dựng các lò phản ứng thế hệ thứ ba tốt nhất và an toàn nhất. Các lò phản ứng như vậy sẽ được bố trí tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận.

Bình luận tuần thứ 3:

NGUYỄN HOÀNG LINH

Các luồng thông tin đan chéo nhau

Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản từ chỗ luôn đề cao điện hạt nhân do có chi phí rẻ và không gây ô nhiễm môi trường thì nay đã kết luận rằng, chi phí cho điện hạt nhân không hề rẻ nếu tính cả chi phí khắc phục sự cố và chi phí bồi thường.

Đầu năm 2013, một Nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới được xây dựng tại Anh, với chi phí ước tính lên tới 14 tỷ bảng (khoảng 22,5 tỷ USD), nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C có khả năng sản xuất lượng điện tương đương với 7% tổng lượng điện của Anh, tức là đủ để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của 5 triệu hộ gia đình… Nhưng cũng chỉ cách đấy ít ngày, trong cuộc viếng thăm của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đến Na Uy đã cố gắng tìm kiếm nguồn cung thay cho các nhà máy điện hạt nhân nước này…

Bên cạnh những thông tin như Đức đã ngừng 8 tổ máy ĐHN cũ nhất, 9 tổ khác đang hoạt động sẽ đóng cửa trước 2022 và có  kế hoạch nhập khẩu điện từ Pháp được tạo ra từ NMĐHN và tăng điện gió; Thụy Sỹ không thay thế 5 NMĐHN hiện nay sau khi hết thời gian hoạt động 50 năm, nhà máy cuối cùng sẽ đóng cửa trong năm 2034; Bỉ xác nhận từ năm 2030 từ bỏ ĐHN… thì những con số thống kê cho hay, nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục chương trình ĐHN sau Fukushima:

Băng-la-đét: Dự án NMĐHN Rooppur, 2 NMĐHN sẽ khởi động năm 2018 với hỗ trợ từ Nga.

In-đô-nê-xi-a: 4 NMĐHN mỗi nhà máy 1GW, vận hành trước 2025.

Hàn Quốc: 21 NMĐHN đang hoạt động, 5 đang xây dựng, 6 đang lập kế hoạch, 38 NMĐHN vận hành trước 2030, chiếm 60% công suất toàn hệ thống điện.

Ma-lai-xi-a: Nghiên cứu khả thi để bắt đầu hoạt động 2 NMĐHN trong 2021.

Pa-kis-tan: 2 NMĐHN (462 MW), 1 (300 MW) đang xây dựng, 2 đang lập kế hoạch.

Thái Lan: Kế hoạch NMĐHN 1 GW vào năm 2020 và 1 nhà máy khác 1GW xây dựng vào năm 2021, nhưng đã hoãn lại 6 năm.

Việt Nam:  Sẽ xây dựng 2 nhà máy (4 lò), mỗi lò 1GW, hoạt động năm 2020-2021, 2 lò đầu tiên sử dụng công nghệ của Nga, lò thứ 2 của Nhật Bản. Chiến lược tương lai: Việt Nam đưa công suất lên 15-16 GW vào năm 2030. Việt Nam - Nhật Bản đã phê chuẩn Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác phát triển ĐHN.

Bên cạnh đó, chính sách ĐHN của phần lớn các nước vẫn không thay đổi sau tai nạn hạt nhân Fukushima:

Hoa Kỳ: Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố tiếp tục sử dụng ĐHN với việc tăng cường quản lý về an toàn.

Pháp: Đẩy mạnh quản lý ATHN và tiếp tục chương trình ĐHN.

Anh: Tiếp tục kế hoạch xây dựng các NMĐHN mới với công suất 19 GW.

BRIC (Braxil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi): người đứng đầu các quốc gia này cùng thông báo tiếp tục sử dụng ĐHN.

Ủy ban Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ đã cấp phép 2 NMĐHN (9/2/2012): 34 năm sau tai nạn Three Miles Insland, 2 NMĐHN đầu tiên đã được cấp phép bởi NRC ngày 9/2/2012 với loại lò AP 1000, công suất 1100 MW tại bang Goergia. Dự kiến vận hành năm 2016 với nhà cung cấp Toshiba-WH. AP-1000 có mức an toàn cao nhất hiện nay.

Chương trình ĐHN của Phần Lan được xác nhận. Thủ tướng Tusk đã nói: “Chúng tôi tin chắc rằng năng lượng hạt nhân là lựa chọn thay thế tốt cho các nguồn năng lượng khác. Quyết định của Đức sẽ không có ảnh hưởng bất kỳ ảnh hưởng nào đến quyết định của chúng tôi” ngày 31/5/2011. 2 NMĐHN đầu tiên sẽ bắt đầu năm 2030: trong năm 2030 17% lượng điện từ ĐHN là 6 GW.

UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Hy Lạp, Ả Rập đang lập kế hoạch bắt đầu vận hành các NMĐHN.

Thổ Nhĩ Kỳ: sẽ có các NMĐHN với 5GW đến 2027.

Ả rập: sẽ xây dựng 16 NMĐHN tới 2030. 2 NMĐHN đầu tiên trong 10 năm nữa (1/6/2011).

Jordan: sẽ bắt đầu NMĐHN đầu tiên năm 2019.

Hy Lạp: sẽ có 4 NMĐHN đến năm 2025.

Argentina: đã ký MOU với Nga cho đối tác xây dựng NMĐHN thứ 4 (14/5/2011).

Nam Phi: Bộ trưởng Năng lượng đã xác nhận lại cam kết của Chính phủ với ĐHN (22,6% năng lượng chính trong năm 2039...).

Quả là sự tranh cãi về việc nhân loại nên hay không nên phát triển điện năng lượng hạt nhân chưa phải đã dễ dàng ngã ngũ.

Điện hạt nhân: không thải CO2. Nhà máy nhiệt điện thải 975g CO2/kWh, nhà máy điện hạt nhân 22g CO2/kWh. Vận hành 1 NMĐHN 1GW (80% hệ số công suất) trong 1 năm chỉ thải 0,15 nghìn tấn, trong khi than đá là 6,51 nghìn tấn và LNG (chu trình hỗn hợp) là 3,04 nghìn tấn. Thay nhà máy nhiệt điện 1GW bằng NMĐHN giúp giảm 6,40 nghìn tấn CO2 mỗi năm. 54 NMĐHN đã giúp giảm khoảng 20% tổng lượng phát thải CO2 tại Nhật Bản.

Cuộc cân não giữa lợi ích và rủi ro

Đã có quá nhiều lý lẽ để thuyết phục rằng, loài người cần sử dụng điện hạt nhân. Theo TS. Sueo Machi, nguyên Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (1991-2000), nguyên Ủy viên Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (2004-2007), hiện là điều phối viên Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA), cho rằng, năng lượng là thiết yếu cho sự phát triển, thịnh vượng và giảm đói nghèo. Thế giới sẽ không phát triển được nếu không có năng lượng. Hiện nay, 1.6 tỷ người không có điện. Tại Băng-la-đét, 50% dân số không có điện. Trong khi đó, tiêu thụ năng lượng toàn cầu đang ngày càng tăng, dự kiến tăng hơn 50% đến năm 2030, trong đó tăng 70% từ các nước đang phát triển.

Dự trữ nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Về an ninh năng lượng, chúng ta vẫn chưa quên cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Nhật Bản chỉ có thể tự cung cấp 5% năng lượng (thủy điện), 89% dầu được nhập khẩu từ Trung Đông. Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ý... đều cần ĐHN để có thể tự cung cấp về năng lượng.

Làm thế nào để giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu đang đe dọa loài người? Theo báo cáo của IPCC, nhiệt độ sẽ tăng từ 1,80C đến 40C đến năm 2100, mực nước biển tăng từ 8 đến 43cm đến năm 2100, tăng các đợt nóng và lốc xoáy mạnh hơn trong vùng nhiệt đới. 67.7% điện thế giới là từ nhiên liệu hóa thạch (2008), việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng gây ra nhiều phát thải CO2 hơn. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước với số dân lớn (2,4 tỷ) đang tăng đáng kể lượng điện tiêu thụ. 70% điện tại Trung Quốc và Ấn Độ được sản xuất từ than đá, nhiên liệu thải nhiều CO2 nhất. Sự thay đổi của thời tiết đang đe dọa loài người: 15.000 người Pháp chết do đợt nóng năm 2003. Giảm phát thải CO2 xuống 50% trước 2050 là cần thiết để tránh những thay đổi thời tiết mang tính hủy diệt.

Điện hạt nhân: không thải CO2. Nhà máy nhiệt điện thải 975g CO2/kWh, nhà máy điện hạt nhân 22g CO2/kWh. Vận hành 1 NMĐHN 1GW (80% hệ số công suất) trong 1 năm chỉ thải 0,15 nghìn tấn, trong khi than đá là 6,51 nghìn tấn và LNG (chu trình hỗn hợp) là 3,04 nghìn tấn. Thay nhà máy nhiệt điện 1GW bằng NMĐHN giúp giảm 6,40 nghìn tấn CO2 mỗi năm. 54 NMĐHN đã giúp giảm khoảng 20% tổng lượng phát thải CO2 tại Nhật Bản.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của ĐHN đối với sự phát triển, ngày 21-25/1/2013, tại Hà Nội, TS. Sueo Machi, đã có bài trình bày về Xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau sự cố Fukushima. Theo ông, tuyên bố của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) (cấp Bộ trưởng) về chính sách năng lượng (9/9/2012): Ủng hộ ĐHN an toàn như nguồn năng lượng sạch, tăng cường hợp tác sử dụng hòa bình hạt nhân, đánh giá cao phát triển khí đốt, phát triển công nghệ để sản xuất nhiên liệu sinh học từ bio-mass, tăng hiệu quả năng lượng đến 45% đến năm 2035 từ mức của năm 2005.

Tình hình ĐHN hiện nay theo IAEA, tính đến tháng 5/2012, có 436 NMĐHN đang hoạt động tại 30 nước trên toàn thế giới. Tổng công suất lắp đặt là 368.2 GW. 62 NMĐHN đang xây dựng. Năm 2011, có 7 lò phản ứng đã được nối với lưới điện: Kaiga-4 của Ấn Độ, Chashma-2 của Pakistan, Lingao-4, Qinshan2-4 và CEFR của Trung Quốc, Bushehr-1 của Iran và Kalinin-4 của Nga. Năm 2012, có 2 lò phản ứng được nối lưới điện ở Hàn Quốc.

Dự báo về ĐHN của IAEA, theo số liệu tham khảo tính đến ngày 25/9/2012

 

2012

2030

Toàn thế giới

370 GW

456-740 GW

Viễn Đông (bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc và NB)

80

153-274

Tây Âu

115

70-126

Bắc Mỹ

114

114-148

Đông Âu

49

80-107

Trung Đông/Nam Á (bao gồm cả Ấn Độ, Pakistan)

6

39-52

Châu Mỹ Latinh

4

7-14

Châu Phi

2

5-13

Tổng giám đốc IAEA Amano đã phát biểu tại Đại Hội đồng IAEA lần thứ 56 về ĐHN ngày 17/9/2012: ĐHN sẽ vẫn là lựa chọn quan trọng cho nhiều nước. Dự báo của IAEA chỉ ra rằng số NMĐHN sẽ tăng ổn định trong 20 năm nữa. Các nước sử dụng được thiết lập, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga có kế hoạch mở rộng đáng kể chương trình ĐHN. Các nước đang phát triển tiếp tục quan tâm đến ĐHN. Việt Nam và Băng-La-Đét đang xúc tiến kế hoạch xây dựng NMĐHN đầu tiên.

Thế nhưng nỗi ám ảnh về những thảm họa điện hạt nhân từ vụ Chéc nô bưn (Ucraina), rồi Fukushima (Nhật Bản) vẫn khiến nhiều người quan tâm.

Trong bài viết Điện hạt nhân: Nguy hiểm thực tế, hay tưởng tượng? đã khẳng định: "Sự cường điệu trên các phương tiện truyền thông về những hậu quả nghiêm trọng của tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là chuyện giật gân" và một câu hỏi đặt ra là liệu nhà máy điện hạt nhân có nguy hiểm như nhiều người hình dung hay không?

Ông Sergei Boyarkin, Giám đốc chương trình vốn xây dựng của "Rosatom" Sergey Boyarkin, dẫn ra số liệu thống kê mà tiếc thay, ít người được biết: "Không có ai trực tiếp thiệt mạng từ vụ tai nạn tại nhà máy Fukushima. Trong khi đó, tại tỉnh này, cũng do sóng thần, một số nhà máy hóa dầu bị cháy gây hậu quả hàng chục nạn nhân. Nhà máy điện hạt nhân đã được chuẩn bị để đối phó với thiên tai tốt hơn hơn so với các nhà máy khác".

Tiếp theo, bất chấp sự cường điệu trong các phương tiện truyền thông, không có người dân nào trong khu vực nhà máy điện hạt nhân bị nhiễm xạ nghiêm trọng. Còn xung quanh các nhà máy hóa dầu, nhiều người đã bị ngộ độc do sản phẩm hóa chất bốc cháy có độc tính cao.

Thứ ba, không ai trong số những người khắc phục hậu quả vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân bị nhiễm xạ đe dọa cuộc sống, hoặc sức khỏe. Liều phóng xạ họ phải chịu cũng tương đương với những lần chúng ta chiếu tia X khi qua khám nghiệm trong bệnh viện.

Và ông Sergey Boyarkin cho biết là các lò phản ứng tại Fukushima thuộc thế hệ thứ hai. Hiện nay, Nga đang xây dựng các lò phản ứng thế hệ thứ ba tốt hơn và an toàn hơn nhiều. Các lò phản ứng như vậy sẽ được bố trí tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận.

Một cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev cách đây ít lâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đồng ý với nhau rằng sẽ tích cực hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, để dự án phát triển theo đúng lịch trình đã định, với việc sử dụng công nghệ tiên tiến nhất bảo đảm an toàn mức cao nhất cho nhà máy". Ảnh VGP

Cần tự tin và sự khôn ngoan

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân.

Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW, tổ máy 2 vận hành vào năm 2021, công suất 1.000 MW.

Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.

Kế hoạch là đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).

Trong cuộc hội thảo mới đây, đại diện Bộ Công Thương đã nêu ra các bài học thiết thực và cần thiết nhất đối với Việt Nam:

Thứ nhất, tăng cường an toàn chống lại các hiểm hoạ tự nhiên, trong đó có việc “Lựa chọn địa điểm tốt nhất cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân”.

Thứ hai, “Tăng giới hạn thiết kế nhà máy đối phó động đất và sóng thần”, đồng thời nhấn mạnh “lựa chọn công nghệ lò tiên tiến nhất, đã được kiểm chứng với hệ thống an toàn thụ động”.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố các cấp từ thấp đến cao, từ cấp nhà máy, cấp tỉnh đến “cấp quốc gia”. Đó là, Cơ chế hợp lý cho việc lựa chọn nhà thầu chính.

Thứ tư, minh bạch thông tin để tăng cường sự tin tưởng của công chúng.

Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để phát triển năng lượng hạt nhân vì được “đứng trên vai những người khổng lồ”. Sau một cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev cách đây ít lâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đồng ý với nhau rằng sẽ tích cực hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, để dự án phát triển theo đúng lịch trình đã định, với việc sử dụng công nghệ tiên tiến nhất bảo đảm an toàn mức cao nhất cho nhà máy".

Bên cạnh đó là sự hợp tác toàn diện của cộng đồng quốc tế: IAEA giúp Việt Nam đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhânNga sẽ hỗ trợ Việt Nam quản lý và xử lý chất thải hạt nhânViệt Nam - EU hợp tác về an toàn hạt nhân...

Phó Tổng giám đốc kiêm Vụ trưởng Vụ Năng lượng hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Alexander Bychkov khẳng định: Với thế giới, điện hạt nhân vẫn tiếp tục là một lựa chọn. Còn Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ lò tiên tiến nhất, đã được kiểm chứng với hệ thống an toàn thụ động.

Tuy nhiên, ngoài đặc thù rất đặc biệt là vấn đề an toàn, điện hạt nhân còn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không có trình độ khoa học công nghệ đáp ứng, không thể đảm bảo an toàn cho điện hạt nhân. Trong bài viết Trang sử mới của ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhận xét rằng việc thực hiện chương trình điện hạt nhân của đất nước là nhiệm vụ vô cùng phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của lãnh đạo đất nước cũng như tất cả đội ngũ cán bộ tham gia. Một trong những điểm quan trọng của phát triển điện hạt nhân là nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Nghiên cứu và phát triển (R&D) chính là một trong 3 lĩnh vực quan trọng nhất của điện hạt nhân (nhà máy điện hạt nhân, hệ thống pháp quy và nghiên cứu triển khai hỗ trợ kỹ thuật).

Ông cho hay, hơn 35 năm qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng của Viện NLNT đã trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ, và cho đến nay đang phát triển chậm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân. Sự chậm trễ và chưa đạt yêu cầu này có mấy lý do sau đây:

- Định hướng nghiên cứu đang thay đổi, đòi hỏi thời gian để chuyển sang định hướng mới, trong đó ưu tiên hỗ trợ chương trình điện hạt nhân;

- Mặc dầu vẫn được Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách, lương cán bộ vẫn rất thấp, sự thay đổi sang cơ chế hướng thị trường kéo theo mất dần sự hấp dẫn đối với nghề nghiệp, với công việc nghiên cứu khoa học;

- Do chưa có định hướng tốt cũng như đầu tư thích đáng, thiếu sự tập trung vào giải quyết các vấn đề khoa học, đội ngũ nghiên cứu bị phân tán, mất sức mạnh tập thể, năng lực giảm, ít có các công trình nghiên cứu tốt;

- Trong các đơn vị thuộc Viện NLNTVN, tư tưởng dựa vào Nhà nước vẫn có sức ỳ lớn, một số đơn vị nghiên cứu chưa chú trọng vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu mà tập trung vào công việc tư vấn, kinh doanh; ngay cả một số đơn vị ứng dụng vẫn muốn dựa vào Nhà nước mà chưa thực sự chủ động làm “doanh nghiệp khoa học” theo đúng nghĩa của kinh tế thị trường;

- Chưa có nhiều lãnh đạo các đơn vị thực sự tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp khoa học để xây dựng đơn vị của mình thành cơ sở nghiên cứu mạnh;

- Trong bối cảnh hiện nay, chưa thu hút được người giỏi vào làm việc;

- Và nhiều lý do khác.

Ví dụ, nếu Viện NLNTVN được giao nhiệm vụ tư vấn về khoa học và công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho dự án điện hạt nhân, thì số cán bộ có thể tham gia vào công việc sẽ không nhiều, Viện hoặc các đơn vị trong Viện chưa có đủ năng lực và đội ngũ làm được các công việc theo yêu cầu, đội ngũ hiện nay phân tán, trình độ vẫn còn thấp…

Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã làm việc phiên thứ 4 với các bộ, ngành để đôn đốc tiến độ và quyết định một số nội dung quan trọng liên quan đến đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đặc biệt này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đào tạo nhân lực ngành năng lượng nguyên tử là ngành đặc biệt mà đất nước đang rất cần, vì vậy, Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho nhân lực năng lượng nguyên tử.

Theo báo cáo của EVN, mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận có 1.100 người với cơ cấu trình độ đại học (442 người), cao đẳng nghề (461 người) và lao động phổ thông (197 người). Từ năm 2010, EVN đã chủ động gửi người đi đào tạo tại Nga, Nhật Bản, CH Séc, Pháp và tại Cao đẳng điện lực tại miền Trung và miền Nam. Cụ thể, Nhà máy 1 (hợp tác với Nga) gửi đào tạo nước ngoài 282 người, trong đó đề nghị đào tạo 252 người tại Nga. Nhà máy 2 (hợp tác với Nhật Bản) gửi đào tạo 100 người…

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định ưu đãi đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử như: Được miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá, sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng.

Ngoài ra, sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử năm cuối của chương trình đào tạo nếu đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển về ngành năng lượng nguyên tử. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử mà không phải thử việc.

Đối với những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành năng lượng nguyên tử có nhiều ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI…

Qua những thông tin nêu trên, có thể nhận xét rằng, cơ hội và thách thức đang đòi hỏi Việt Nam ngoài sự tự tin còn rất cần có sự khôn ngoan và quyết tâm lớn trong chiến lược phát triển nguồn năng lượng này.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động