RSS Feed for Kiểm kê khí nhà kính trong năng lượng và một số kiến nghị | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 16:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiểm kê khí nhà kính trong năng lượng và một số kiến nghị

 - Để từng bước khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại, cải thiện công tác kiểm kê đáp ứng cao hơn yêu cầu kiểm kê quốc gia khí nhà kính của quốc tế, Việt Nam cần thực hiện 4 nội dung quan trọng.

10 tỷ USD cho quỹ khí hậu xanh
Kêu gọi G20 bỏ trợ cấp khai thác nhiên liệu hóa thạch

PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto, cơ quan thường trực Quốc gia của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với nhiều bộ ngành liên quan xây dựng hai thông báo quốc gia về biến đổi khí hậu, đệ trình Ban thư ký của UNFCCC, lần thứ nhất năm 2000, lần thứ hai năm 2010.

Gần đây, theo Quyết định của Hội nghị lần thứ 17, các bên nước tham gia UNFCCC, các bên nước đang phát triển cần đệ trình Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR) bắt đầu từ năm 2014.

Việt Nam vừa hoàn thành việc xây dựng BUR1 và báo cáo này đã được trình Ban Thư ký vào ngày 8/12/2014 tại Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia UNFCCC tại Lima, Pê-ru.

Theo quy định, trong Thông báo quốc gia và BUR, kiểm kê quốc gia khí nhà kính là một trong các nội dung quan trọng, có thể nói là phần chính của các tài liệu này. Việt Nam là nước đang phát triển, nội dung kiểm kê khí nhà kính được thực hiện theo các hướng dẫn của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Mặc dù các nước đang phát triển thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính không chi tiết bằng các nước phát triển (các nước thuộc phụ lục 1 của UNFCCC) nhưng qua các thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính, Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập, cần cải thiện.

Hoạt động kiểm kê quốc gia khí nhà kính

Trong các lần kiểm kê quốc gia khí nhà kính trước đây, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê cho năm lĩnh vực: năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất (thay đổi sử dụng đất) và lâm nghiệp, chất thải.

Kiểm kê quốc gia khí nhà kính trong các Thông báo quốc gia và BUR1 vừa qua được chuẩn bị theo hình thức các chương trình hoặc dự án riêng lẻ với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Việt Nam hiện chưa có hệ thống kiểm kê chính thức.

Về phương pháp, thực hiện theo hướng dẫn của IPCC, gồm: Hướng dẫn về kiểm kê quốc gia khí nhà kính theo Phiên bản sửa đổi 1996, Hướng dẫn thực hành tốt và quản lý độ không chắc chắn trong kiểm kê quốc gia khí nhà kính (GPG 2000): Hướng dẫn thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (GPG-LULUCF 2003).

Về số liệu hoạt động được thu thập và xử lý từ các cơ quan nhà nước như Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trung ương và địa phương. Trong trường hợp thiếu thông tin được sử dụng các số liệu từ các nhà máy, xí nghiệp, kết quả nghiên cứu.

Về hệ số phát thải (HSPT), cho tới nay hầu hết được sử dụng hệ số khuyến nghị từ tài liệu hướng dẫn của IPCC; chỉ riêng hệ số phát thải mêtan (CH4) từ ruộng lúa nước được sử dụng từ kết quả nghiên cứu của Việt Nam.

Về đảm bảo và kiểm tra chất lượng (QA/QC), hoạt động này đã từng bước được thực hiện, trong khuôn khổ TBQG 2, hoạt động QC được nhóm chuyên gia kiểm kê thực hiện.

Trong dự án do Nhật Bản (JICA) tài trợ đã nghiên cứu phương pháp QA/QC, xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện QA/QC, trong đó QC được thực hiện thông qua việc lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, hoạt động QA sẽ được cơ quan không tham gia quá trình kiểm kê thực hiện trong thời gian tới.

Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính được trình bày tại bảng sau:

                                                          Đơn vị: nghìn tấn CO2tđ

Lĩnh vực

1994

2000

2010

Năng lượng

25.637,09

52.773,46

141.170,70

Các quá trình công nghiệp

3.807,19

10.005,72

21.172,01

Nông nghiệp

52.450,00

65.090,65

88.354,77

LULUCF

19.380,00

15.104,72

- 19.218,59

Chất thải

2.565,02

7.925,18

15.351,67

Tổng

103.839,30

150.899,73

246.830,56

 

Từ các số liệu trên cho thấy phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng tăng rất nhanh, năm 2000 là gần 53 tr.tấn CO2tđ, chiếm trên 30% tổng phát thải quốc gia, năm 2010 tương ứng là 141tr.tấn, chiếm 59%. Năm 2020 được dự báo là 381 tr.tấn chiếm 82%; năm 2030 là 648 tr. tấn chiếm 85%[2,3].

Kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng

Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm phát thải trong quá trình đốt cháy nhiên liệu và phát thải do phát tán trong quá trình khai thác, xử lý nhiên liệu.

Trong lần kiểm kê gần đây nhất, năng lượng được chia thành các phân ngành: Công nghiệp năng lượng; Công nghiệp sản xuất và xây dựng; Giao thông vận tải; Dịch vụ & thương mại; Dân dụng; Nông nghiệp Lâm nghiệp và Thủy sản; Các ngành khác không sử dụng năng lượng; Nhiên liệu rắn; Dầu và khí tự nhiên.

Về phương pháp tính toán, theo hướng dẫn của IPCC có thể tiến hành theo hai cấp (Tier), trong đó cấp 1 là cho phép thực hiện từ số liệu tổng hợp (trên xuống) và sử dụng hệ số mặc định HSPT theo IPCC, cấp 2 thu thập tính toán từ số liệu cơ sở (dưới lên) và sử dụng HSPT đặc trưng của quốc gia.

Trong điều kiện Việt Nam, việc thu thập xử lý số liệu từ cơ sở còn gặp khó khăn, thiếu số liệu hoạt động cũng như chưa có nhiều nghiên cứu về HSPT, nên cho tới nay đa phần Tier 1 vẫn được sử dụng trong kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam.

Công thức tính toán phát thải khí nhà kính, tuy có khác nhau về chủng loại nhiên liệu, hệ số phát thải, công nghệ sử dụng… nhưng có thể khái quát, tổng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực/hạng mục i (PTi ), sử dụng các nhiên liệu j, như sau:

PTi = Σj  Bij x EFij

          Bij - lượng nhiên liệu j tiêu thụ ở hạng mục i;

Efij - HSPT của nhiên liệu j sử dụng ở hạng mục i.

Về nguồn số liệu hoạt động (activity data), đây là khâu phức tạp, công phu nhất trong quá trình kiểm kê, được thu thập xử lý theo loại nhiên liệu và hạng mục sử dụng.

HSPT trong năng lượng được sử dụng hệ số khuyến nghị theo tài liệu hướng dẫn của IPCC.

Dưới đây tổng hợp tóm tắt phương pháp sử dụng, số liệu, nguồn số liệu, HSPT của 9 hạng mục trong lĩnh vực năng lượng.

Hạng mục

Phương pháp

Số liệu hoạt động

Nguồn

HSPT

Công nghiệp NL theo loại&h.mục

cấp 1

Số liệu nhiên liệu tt

Bảng CBNL

IPCC

CNSX&XD

cấp 1

-nt-

-nt-

-nt-

GTVT

cấp 1

-nt-

-nt-

-nt-

TM&DV

cấp 1

-nt-

-nt-

-nt-

Dân dụng

cấp 1

-nt-

-nt-

-nt-

NN-LN-Thủy sản

cấp 1

-nt-

-nt-

-nt-

Các ngành khác không sử dụng năng lượng

cấp 1

-nt-

-nt-

-nt-

KT than&XL

cấp 1

tổng sản lượng

-nt-

-nt-

KT dầu-khí

cấp 1

tổng sản lượng

-nt-

-nt-

 

Kết quả kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng năm 2010

Đơn vị tính: nghìn tấn CO2tđ

Nguồn phát thải

Tổng

Tỷ lệ-%

Đốt nhiên liệu

124.275,0

88,03

- Công nghiệp NL

41.057,9

29,08

- CNSX&XD

38.077,6

26,97

- GTVT

31.817,9

22,54

- TM&DV

3.314,2

2,35

- Dân dụng

7.097,6

5.03

- NN-LN-Thủy sản

1.630,8

1,16

- Các ngành khác không sử dụng năng lượng

1.279,0

0,91

Phát tán

16.895,9

11,97

- Nhiên liệu rắn

2.243,1

1,59

- Dầu và khí

14.652,7

10,38

Tổng cộng

141.170,8

100

 

Những tồn tại và kiến nghị cải thiện

Như đã trình bày trên, để thực hiện tốt kiểm kê quốc gia khí nhà kính, nhìn chung cần chuẩn bị tốt ba nội dung chính: phương pháp; số liệu hoạt động và HSPT.

Về phương pháp, nhìn chung chúng ta chỉ mới thực hiện theo phương pháp cấp 1. Do đó, cần chuẩn bị chi tiết hơn về tư liệu, tổ chức thức hiện để từng bước thực hiện theo phương pháp cấp 2, tức là tính toán chi tiết từ cơ sở theo hướng tiếp cận dưới - lên (Bottom - up).

Đối với số liệu hoạt động, theo quy định của IPCC, các số liệu sử dụng phải được lấy từ tài liệu thống kê chính thức quốc gia và đảm bảo tin cậy. Các số liệu hoạt động về năng lượng, sau khi chuẩn bị được tập trung ở bảng cân bằng năng lượng quốc gia. Tuy nhiên cho tới nay Việt Nam chưa có cơ quan nào đảm trách nội dung này.

Vừa qua việc xây dựng bảng cân bằng năng lượng quốc gia cho một số năm, chỉ mới được thực hiện theo nhu cầu của một số dự án, chương trình như: Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quy hoạch năng lượng…

Tài liệu Niên giám thống kê quốc gia còn thiếu số liệu năng lượng. Các bảng cân bằng năng lượng đã được xây dựng, tuy khá công phu, nhưng vẫn còn những tồn tại trong cách phân tổ ngành, số liệu tính toán chưa thống nhất, thiếu thẩm định và quản lý tập trung; đặc biệt tiêu thụ nhiên liệu-năng lượng trong các phân ngành/hạng mục giao thông vận tải; thương mại và dịch vụ; dân dụng, nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản; các ngành khác không sử dụng năng lượng.

Về HSPT, Việt Nam đang sử dụng hệ số khuyến nghị của IPCC, tuy vậy vừa qua đã có những hoạt động nhằm cải thiện, từng bước sử dụng số liệu quốc gia, như đã tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ số phát tán khí nhà kính trong khai thác than ở Quảng Ninh, nhưng kinh phí quá ít, kết quả chưa đại diện, chưa sử dụng được.

Mới đây khi thực hiện kiểm kê cho năm 2010 đã tổ chức thu thập xử lý đặc tính than sử dụng ở các nhà máy điện. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu khoa học công nghệ, quy hoạch nói chung và yêu cầu của IPCC nói riêng, chúng ta cần xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn nhiên liệu sử dụng và cập nhật hàng năm, đồng thời nghiên cứu xây dựng HSPT của nhiên liệu Việt Nam.

Để từng bước khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại, cải thiện công tác kiểm kê đáp ứng cao hơn yêu cầu kiểm kê quốc gia khí nhà kính của quốc tế, Việt Nam cần thực hiện 4 nội dung.

Thứ nhất, tổ chức xây dựng bảng cân bằng năng lượng quốc gia hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Tổng cục Thống kê, Viện Khoa học Năng lượng, Viện Năng lượng... thống nhất phương pháp, thu thập số liệu, tính toán, tổ chức thẩm định, quản lý thống nhất;

Thứ hai, Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn các loại nhiên liệu sử dụng ở Việt Nam, kể cả nhiên liệu nhập ngoại, hàng năm tiến hành cập nhật; đồng thời tổ chức nghiên cứu xác định HSPT của các nhiên liệu sử dụng ở Việt Nam, trước hết đối với các loại than antraxit Việt Nam;

Thứ ba, tổ chức xây dựng hệ số phát tán khí nhà kính trong quá trình khai thác, xử lý, vận chuyển than và dầu-khí;

Thứ tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm kê quốc gia khí nhà kính, xác định rõ nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham gia hệ thống kiểm kê quốc gia khí nhà kính.

Bên cạnh đó cần thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho tổ chức chuyên trách kiểm kê quốc gia khí nhà kính, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Tài liệu tham khảo

1.     TBQG lần 1 của VN cho Công ước khung của LHQ về BĐKH, 2003.

2.     TBQG lần 2 của VN cho Công ước khung của LHQ vê BĐKH, 2010.

3.     BC KKQG KNK năm 2010 tại Việt Nam, Dự án Tăng cường năng lực kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam, 10/2014.

4.     BC cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của VN cho Công ước khung  của LHQ về BĐKH, 12/2014.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động