Kêu gọi G20 bỏ trợ cấp khai thác nhiên liệu hóa thạch
11:00 | 12/11/2014
Thụy Sĩ sẽ tăng thuế nhiêu liệu nếu khí thải CO2 không giảm
Vận hành nhà máy thu hồi và tích trữ CO2 đầu tiên trên thế giới
Bản báo cáo kêu gọi các quốc gia G20 nghiêm chỉnh thực hiện những cam kết cách đây 5 năm về việc xóa bỏ trợ cấp cho các ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Đây là nội dung báo cáo do nhóm chuyên gia thuộc Viện Phát triển Hải ngoại Anh công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Brisbane (Australia).
Theo báo cáo, các quốc gia như Anh, Nga, Mỹ và Australia có sự hỗ trợ đối với hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch cao nhất, đặc biệt là Mỹ với số trợ cấp lên tới 5,1 tỷ USD trong năm 2013, gấp đôi năm 2009.
Những khoản đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước dưới dạng trợ cấp cũng rất lớn từ 2 đến 5 tỷ USD ở Nga, Mexico và Ấn Độ, lên đến 9 tỷ USD ở Trung Quốc, 11 tỷ USD ở Brazil và 17 tỷ USD ở Saudi Arabia.
Không những thế, nguồn tài chính công còn được huy động để đóng góp vào khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp độc hại này ở các nước như Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.
Báo cáo nhận định các khoản đầu tư như vậy đều không mang tính kinh tế, đồng thời chỉ trích việc sử dụng nguồn tài chính công để trợ giúp cho các doanh nghiệp thải ra nhiều khí carbon, thay vì đầu tư cho các nguồn năng lượng tái sinh.
Một ví dụ điển hình được báo cáo trích dẫn là dự án Prirazlomnoye của Nga ở Bắc Cực. Tuy được hưởng rất nhiều ưu đãi thuế và nhận được nguồn đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng nhưng những lợi ích thương mại thu được từ dự án này vẫn rất nhỏ, có tới 2/3 lợi nhuận của dự án có được nhờ những ưu đãi thuế.
Bản báo cáo kêu gọi các quốc gia G20 nghiêm chỉnh thực hiện những cam kết cách đây 5 năm về việc xóa bỏ trợ cấp cho các ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đề xuất áp dụng các biện pháp định giá những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường do ảnh hưởng của khí carbon.
Khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch của G20 mới chỉ là một mảnh ghép nhỏ bé so với con số 775 tỷ USD mà các quốc gia trên toàn thế giới dành cho ngành công nghiệp này trong năm 2012, trong khi khoản đầu tư cho ngành năng lượng tái sinh chỉ ở mức khiêm tốn 101 tỷ USD trong năm 2013.