RSS Feed for Khai thác, chế biến dầu khí Việt Nam: Thách thức và giải pháp (Kỳ 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 23:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khai thác, chế biến dầu khí Việt Nam: Thách thức và giải pháp (Kỳ 2)

 - Để thực hiện thành công giải pháp chế biến dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tới, Nhà nước cần có chính sách giá khí cho từng đối tượng cụ thể phục vụ mục tiêu phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong đó, có chính sách giá khí với lộ trình ưu tiên để phát triển hóa dầu ở giai đoạn đầu sau đó tăng dần theo giá khí thị trường. Mặt khác, coi phát triển công nghiệp hoá dầu từ khí thiên nhiên là một trong những lĩnh vực quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành Dầu khí Quốc gia trong thời gian sắp tới. Trong đó, dành tối thiểu 20% sản lượng khí để phục vụ phát triển hoá dầu.

Petrovietnam lại một thời gian khó!
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 1)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 2)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 3)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 4)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 5)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 6)
Khai thác, chế biến dầu khí Việt Nam: Thách thức và giải pháp (Kỳ 1)

Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20%-25% tổng doanh thu của toàn PVN và ngày càng giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của PVN nói riêng, cũng như hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia và góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí, PVN đã hoàn chỉnh chuỗi công nghiệp dầu khí của nước nhà, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng nượng, an ninh lương thực, góp phần phát triển bền vững ngành Dầu khí cũng như phát triển bền vững đất nước.

Tổng quan chế biến dầu khí

Lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN nói riêng và Việt Nam nói chung mới được hình thành và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây, với cột mốc quan trọng là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức vận hành thương mại từ 30/5/2010, đưa Việt Nam từ một quốc gia chỉ có khai thác và xuất khẩu dầu thô thành đất nước có thể tự sản xuất được trên 30% nhu cầu xăng dầu.

Các dự án đã đi vào vận hành thương mại bao gồm: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công suất 5,9 triệu tấn sản phẩm/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu thị trường trong nước; Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, công suất 1,6 triệu tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu phân urê trong nước; Nhà máy Polypropylen Dung Quất thuộc Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công suất 154.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu trong nước; Các sản phẩm khác như xơ sợi Polyester Đình Vũ, công suất 175.000 tấn/năm, cồn nhiên liệu Dung Quất, Bình Phước, với tổng công suất 200 triệu lít/năm (160.000 tấn/năm).

Các nhà máy chế biến dầu khí của PVN đều là các nhà máy có công nghệ, thiết bị hiện đại được cung cấp bởi các nhà bản quyền công nghệ và các nhà sản xuất chế tạo thiết bị của các nước phát triển, uy tín trên thế giới.

Đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành được đào tạo bài bản, có năng lực kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, đến nay đã có thể làm chủ trong vận hành, bảo dưỡng sửa chữa tại các nhà máy.

Vì vậy, các nhà máy như: Lọc dầu Dung Quất, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ,... đều được duy trì vận hành liên tục, ổn định trong nhiều năm đạt 100% công suất thiết kế, thời gian dừng máy do sự cố thấp. Sản phẩm của các nhà máy chế biến đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế của đất nước góp phần giảm nhập khẩu.

Thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành dầu khí đã được Chính phủ phê duyệt, PVN đang triển khai một số dự án lớn để nâng cao năng lực sản xuất và phục vụ nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu trong nước, bao gồm:

1/ Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô/ngày (10 triệu tấn/năm), tổng mức đầu tư 9,2 tỷ USD. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP (PVN nắm giữ 25,1%). Hợp đồng EPC đã được triển khai từ ngày 22/7/2013, hiện nay tiến độ tổng thể dự án đạt 96%, dự kiến sẽ có sản phẩm thương mại vào tháng 01/2018.

2/ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có công suất 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm với các sản phẩm là: HDPE, LLDPE, PP. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 5,4 tỷ USD. Hiện nay, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn - LSP (PVN nắm giữ 29%) đang đẩy mạnh công tác lựa chọn các nhà thầu EPC, thu xếp tài chính, giải phóng mặt bằng dự án,... Dự kiến nhà máy đi vào vận hành vào năm 2022.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã có Nghị quyết phê duyệt dự án đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất ngày 22/12/2014. Công suất nhà máy sau khi NCMR đạt 192.000 thùng/ngày, nguyên liệu là dầu thô nhập khẩu. Hiện nay Ban QLDA đang tích cực triển khai các công việc như: thẩm định thiết kế FEED, lập đầu bài để đấu thầu EPC, đền bù giải phóng mặt bằng, thu xếp tài chính,… Dự kiến nhà máy đi vào vận hành vào năm 2022.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong chế biến dầu khí

Để đảm bảo vận hành hiệu quả các nhà máy chế biến dầu khí, trong những năm qua, PVN đã tích cực triển khai công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các công nghệ mới. Cụ thể đã triển khai các nghiên cứu:

Thứ nhất: Nghiên cứu phục vụ cho việc triển khai, thực hiện 3 dự án lọc hóa dầu quan trọng, nghiên cứu tối ưu hóa vận hành nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đối với quá trình triển khai thực hiện các dự án. Kết quả đạt được là đã lựa chọn công nghệ (chủ yếu cho NMLD Dung Quất), xúc tác, nguyên liệu, đa dạng hóa nguyên liệu, sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, hóa phẩm, xúc tác, nghiên cứu chống ăn mòn phục vụ cho việc làm chủ công nghệ, ổn định và nâng cao hiệu quả vận hành của các nhà máy lọc hóa dầu.

Thứ hai: Nghiên cứu phục vụ phát triển công nghiệp hóa dầu gắn với nguồn nguyên liệu từ các nhà máy lọc dầu và khí, condensate. Kết quả đạt được là đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về tính chất dầu thô, khí, condensat Việt Nam, nghiên cứu sản xuất các hóa dầu từ các sản phẩm của nhà máy lọc dầu, chế biến sâu khí thành các sản phẩm hóa dầu; nghiên cứu tích hợp lọc hóa dầu.

Thứ ba: Nghiên cứu hóa học ứng dụng trong các lĩnh vực của công nghiệp dầu khí, nghiên cứu chống ăn mòn cho các dự án, công trình dầu khí. Kết quả quả đạt được là đã chế tạo được các hệ hóa phẩm phục vụ cho khâu đầu (nhũ tương axit, ACPO, deoiler…), các giải pháp chống ăn mòn (anot hy sinh, phụ gia ức chế ăn mòn); sản xuất thương mại các hệ dung dịch khoan.

Thứ tư: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến cho các lĩnh vực chế biến dầu khí. Kết quả đạt được là đã ứng dụng công nghệ điều khiển tiên tiến, nâng công suất phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (Sulfur Recovery Unit - SRU) cho NMLD Dung Quất. Phát triển các công nghệ chế biến sâu khí tự nhiên giàu CO2, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học tiên tiến, công nghệ chế biến condensate không sử dụng hydro.

Để tiếp tục nâng cao và tối ưu hóa hiệu quả vận hành, sản xuất của nhà máy chế biến dầu khí cũng như gia tăng hiệu quả kinh tế từ các hoạt động chế biến dầu khí, PVN đã đề ra các nhiệm vụ chiến lược về khoa học công nghệ khâu sau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 như sau:

Một là: Tư vấn dự án: hợp tác với tư vấn nước ngoài, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thị trường nguyên liệu, sản phẩm, công nghệ, xúc tác, hóa chất, hóa phẩm. Sáng tạo và sử dụng công cụ hiện đại để lập quy hoạch, tìm kiếm và đánh giá dự án.

Hai là: Tư vấn vận hành, làm chủ công nghệ: phối hợp với các đơn vị sản xuất triển khai chương trình sản xuất sạch, an toàn (chống ăn mòn), hiệu quả hơn (đánh giá, so sánh hiện trạng, tìm và thực hiện giải pháp). Đa dạng hóa nguyên liệu, sản phẩm, kéo dài chuỗi giá trị để giảm rủi ro, tăng lợi nhuận.

Ba là: Cải tiến, sáng tạo công nghệ bản quyền: chế biến sâu khí và khí có hàm lượng CO2 cao, công nghệ chế biến condensate quy mô nhỏ, nhiên liệu từ biomass.

Bốn là: Hóa phẩm, xúc tác phục vụ cho các hoạt động dầu khí: sản xuất một số hóa phẩm như phụ gia hạ điểm đông đặc (PPD), demulsifier, deoiler, chemical tracer, chất hoạt động bề mặt. Sản xuất một số xúc tác, hóa chất, hóa phẩm, vật liệu composite để giảm chi phí sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng.

Khó khăn thách thức

Mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu và còn nhiều tiềm năng để phát triển (về thị trường, vị trí địa điểm, nguồn nguyên liệu,...), tuy nhiên trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới có nhiều biến động về tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư, hội nhập quốc tế, xuất hiện các nguồn năng lượng mới (khí đá phiến), giá dầu thô giảm mạnh,… dẫn đến sự phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN gặp không ít khó khăn thách thức. Trong đó:

1/ Sức ép cạnh tranh với các nhà máy lọc hóa dầu khu vực châu Á và quốc tế đã hết khấu hao, có giá thành sản xuất thấp, trong khi chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước dần được gỡ bỏ theo các cam kết hội nhập của Việt Nam với quốc tế (WTO, AFTA, TPP, ASEAN…).

2/ Các sản phẩm xăng dầu sản xuất nội địa có nguy cơ không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu (như trường hợp NMLD Dung Quất thời gian vừa qua khi Chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình hội nhập). Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN sẽ phải bù tiền cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết bảo lãnh (GGU) của Chính phủ do việc cắt giảm thuế.

3/ Công nghệ chế biến của các nhà máy lọc hóa dầu của PVN chủ yếu để sản xuất nhiên liệu, mức độ tích hợp lọc dầu - hóa dầu rất thấp so với thế giới (tỉ lệ sản phẩm hóa dầu - lọc dầu của NMLD Dung Quất 2,4%, Nghi Sơn là 13%). Trong khi thông thường các sản phẩm hóa dầu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với lọc dầu và việc tích hợp tối đa lọc hóa dầu là xu hướng hiện nay trên thế giới do có lợi thế chia sẻ cơ sở hạ tầng, phụ trợ, dịch vụ dùng chung, nâng cao hiệu quả chế biến, giảm chi phí giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm đa dạng, linh hoạt nên hạn chế ảnh hưởng của biến động thị trường.

4/ Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ không được tích hợp tạo thành chuỗi giá trị sản xuất mà phải nhập khẩu nguyên liệu nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp trong khi sản phẩm đầu ra không có hệ thống tiêu thụ của PVN nên bị cạnh tranh, ép giá.

5/ Việc đưa vào khai thác các nguồn dầu khí đá phiến (Shale Oil, Shale Gas) có giá thành thấp làm thay đổi lớn giá nguyên liệu hóa dầu tại Mỹ, Trung Đông sẽ là yếu tố tác động mạnh đến thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

6/ Sản phẩm, nguyên liệu chưa đa dạng nên khi thị trường biến đổi mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án. Nhiều dự án đang gặp rất nhiều khó khăn như: Ethanol, xơ sợi PVTEX Đình Vũ.

7/ Việc đầu tư không đồng bộ, không tích hợp trong chuỗi chế biến dầu khí nên không chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu nguyên liệu với chi phí cao.

Giải pháp 

Các giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN, bao gồm:

1/ Giải pháp về nguồn nhân lực: Xây dựng chế độ đãi ngộ tốt để thu hút lực lượng chuyên gia kỹ thuật cao. Áp dụng chế độ lương theo mặt bằng các nhà máy lọc hóa dầu trong khu vực. Tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thiết kế, quản lý dự án theo tiêu chuẩn của các nhà máy lọc hóa dầu trong khu vực. Sử dụng các nhà máy hiện có để tổ chức đào tạo tại chỗ, đào tạo thông qua công việc cho nhân sự của các dự án lọc hóa dầu mới trong nước. Xây dựng hệ thống quản trị nhân sự chuẩn mực quốc tế: ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ năng lực/tiêu chuẩn chức danh, hệ thống đánh giá.

2/ Giải pháp quản lý: Áp dụng hệ thống quản trị chung toàn PVN (Enterprise Resource Planning - ERP). Xây dựng tiêu chuẩn ngành cho các dự án chế biến dầu khí để định hướng lựa chọn công nghệ, thiết bị để tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành. Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình thực hiện công tác chuyên môn của các nhà máy. Hoàn thiện chuẩn hóa và điện tử hóa hệ thống Quy trình nghiệp vụ quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin công nghiệp tương đương tiêu chuẩn quản trị của một số nhà máy lọc hóa dầu trong khu vực. Xây dựng và hoàn thiện chuẩn hóa dữ liệu thiết bị, vật tư phụ tùng thay thế tại các nhà máy chế biến dầu khí. Chủ động trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa để từng bước hình thành một đơn vị bảo dưỡng tổng thể. Quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người, vật tư thiết bị dự phòng và các trang thiết bị tại các đơn vị trong ngành, nhằm giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa, nâng cao hiệu quả sản xuất tại các nhà máy chế biến dầu khí. Giám sát chặt chẽ về đầu tư, kiểm soát sâu hơn với mức độ tham gia trực tiếp cao hơn đối với các dự án nhóm A, B của các đơn vị thành viên.

3/ Giải pháp về thị trường - nguyên liệu - sản phẩm: Thiết lập đối tác chiến lược, thỏa thuận khung dài hạn để đảm bảo nguồn dầu thô và nguyên liệu hóa dầu với các đối tác (KPC, Rosneft, Gazprom, Petronas, SCG). Đảm bảo quyền ưu tiên mua các nguồn dầu thô, condensat từ các mỏ khai thác tại Việt Nam.

Để thực hiện giải pháp này, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách giá khí cho từng đối tượng cụ thể phục vụ mục tiêu phát triển chung của PVN. Trong đó, có chính sách giá khí với lộ trình ưu tiên để phát triển hóa dầu ở giai đoạn đầu sau đó tăng dần theo giá khí thị trường.

Cạnh đó là ưu tiên phát triển công nghiệp hoá dầu từ khí thiên nhiên. Coi đây là một trong những lĩnh vực phát triển quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của PVN trong thời gian sắp tới. Trong đó, dành tối thiểu 20% sản lượng khí để phục vụ phát triển hoá dầu.

Đặc biệt là tăng cường công tác tiếp thị truyền thông. Xây dựng, quảng bá và khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lọc hóa dầu của PVN. Phát triển hệ thống phân phối sản phẩm lọc hóa dầu tương ứng với năng lực sản xuất, đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Mở rộng phân phối sang các nước lân cận.

4/ Giải pháp về khoa học - công nghệ: Đầu tư mạnh vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng để tập trung nghiên cứu. Tập trung vào các chương trình nghiên cứu dài hạn với mục tiêu cho từng giai đoạn rõ ràng. Nghiên cứu tối ưu hóa sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng, vật tư, phụ trợ tại các nhà máy đang hoạt động để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

Mặt khác, mở rộng quy mô công suất các nhà máy lọc dầu ngang tầm khu vực và thế giới. Sử dụng công nghệ hiện đại, chế biến sâu và tối đa hóa tích hợp lọc hóa dầu, tích hợp với việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ kỹ thuật liên quan để tạo ra giá trị gia tăng cao, tiêu hao năng lượng thấp, giảm chi phí đầu tư, chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, không chỉ sản xuất nhiên liệu, các sản phẩm hóa dầu mà còn sản xuất hóa chất, hóa phẩm, phụ.

Kết luận

Một là: Hoạt động khai thác và chế biến dầu khí là hai trong số năm lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của PVN. Trên thực tế PVN luôn đảm bảo hoàn thành sản lượng khai thác dầu khí theo kế hoạch của Chính phủ giao theo từng năm và từng giai đoạn. Khoa học công nghệ đã được ứng dụng thành công vào công tác quản lý và vận hành khai thác các mỏ dầu khí ở cả trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong việc duy trì và gia tăng sản lượng khai thác.

Đặc biệt, đến nay PVN đã làm chủ được hầu hết công nghệ khai thác dầu khí, từ xây dựng, thiết kế mô hình mô phỏng khai thác đến vận hành khai thác thông qua các đề tài nghiên cứu KHCN và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác dầu khí.

Hai là: Phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí đã góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị gia tăng của PVN từ tìm kiếm thăm dò - khai thác - vận chuyển - chế biến và phân phối các sản phẩm dầu khí. PVN đã đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí: lọc hóa dầu, sản xuất phân đạm, sản xuất polypropylen, xơ sợi.

Ba là: Các nhà máy chế biến dầu khí của PVN đều là những nhà máy có công nghệ, thiết bị hiện đại được phập khẩu từ các nhà bản quyền công nghệ và các nhà sản xuất chế tạo thiết bị của các nước phát triển trên thế giới. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực chế biến dầu khí đã được PVN quan tâm và đẩy mạnh, góp phần tích cực vào việc vận hành an toàn và hiệu quả các nhà máy chế biến.

Bốn là: Định hướng về KHCN trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí của PVN trong giai đoạn tới sẽ là: Thứ nhất: Tiếp tục đầu tư cho NCKH để tìm ra các giải pháp tối ưu phục vụ cho khai thác dầu khí, gia tăng hệ số thu hồi (EOR), tối ưu hóa trong vận hành các nhà máy chế biến dầu khí, đa dạng hóa sản phẩm góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai: Hợp tác với các đối tác nước ngoài để nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới.

Thứ ba: Ứng dụng công nghệ mới, phù hợp trong khai thác và chế biến dầu khí, nhằm đảm bảo sử dụng tối ưu nhất nguồn tài nguyên cũng như phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

TS. NGUYỄN HOÀNG YẾN - TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động