RSS Feed for Kết luận nhiều nội dung quan trọng trong Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 26/11/2024 01:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kết luận nhiều nội dung quan trọng trong Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia

 - Ngày 11/11/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 2 về “Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHNL)”. Hội thảo lần này có sự tham gia của đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.


Hội thảo lần thứ nhất Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia


Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu tổng quát: “Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ phát triển bình quân hàng năm 6,8%. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (NLSC) trong giai đoạn 2010 - 2019 bình quân tăng 6,5%/năm, riêng nhu cầu điện tăng 10,5%/năm”.

“Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. QHNL nhằm xây dựng các kịch bản để tiết kiệm chi phí ngành năng lượng, phát triển NL để cung cấp “bánh mì” cho nền KT, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà không tạo gánh nặng cho ngân sách. QHNL được lập trong hoàn cảnh nhận thức của xã hội, trong nước và quốc tế, đã ở mức cao trong nhiều vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng; an sinh xã hội và nhất là sự quan tâm đến bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần đảm bảo cơ chế giám sát thực hiện Quy hoạch trong bối cảnh tốc độ phát triển nhanh như hiện nay”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Viện Năng lượng, thay mặt Liên danh Tư vấn (Viện Năng lượng, Viện Dầu khí, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp) đã trình bày về tổng quan phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Các diễn giả thuộc các cơ quan tư vấn nói trên cũng lần lượt trình bày quy hoạch phát triển các phân ngành dầu - khí, than và điện lực.

Trong trình bày của Viện Năng lượng đã nêu: Năm 2019 tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ước đạt 92,3 triệu TOE (triệu tấn dầu quy đổi), trong đó tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) chiếm 14,82%. Cường độ năng lượng trên GDP thuộc loại cao: 0,431 kgOE/USD2010, so với bình quân thế giới là 0,172 kgOE/USD2010; tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (NLCC) ước 62,8 triệu TOE; nhưng tiêu thụ NLCC bình quân đầu người 651 kgOE/người/năm, ở mức thấp so với thế giới (bình quân 1.882 kgOE/người/năm). Phát thải CO2 trên đầu người ở mức thấp 2,239 tấn CO2/người (thế giới 4,42 tấn CO2/người), nhưng phát thải CO2 tính theo GDP lại thuộc các nước cao nhất 1,21 kgOE/USD (thế giới 0,4 kgOE/USD).

Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân tăng GDP 6,6% trong giai đoạn 2021 - 2030, Dự thảo QHNL đã đưa ra 6 kịch bản phát triển năng lượng tổng thể, trong đó xem xét các khía cạnh về đáp ứng định hướng phát triển NL theo Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, đảm bảo cung cấp đủ NL với chi phí tối thiểu, đáp ứng các mục tiêu về phát triển NLTT, thúc đẩy tiết kiệm NL và giảm phát thải khí nhà kính. Kịch bản phát triển được lựa chọn đề xuất có mức tăng trưởng nhu cầu NLCC bình quân 6%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó năm 2030 tỷ lệ NLTT đạt 21%, tiết kiệm NL được 8,2% và giảm phát thải khoảng 81 triệu tấn CO2  (giảm 15%) so với kịch bản phát triển thông thường.

QHNL đã đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch như: Ban hành Luật NLTT; tái cơ cấu kinh tế bằng chuyển dịch các ngành công nghiệp sang hướng ít tiêu thụ năng lượng mà tạo giá trị GDP cao hơn; tiếp tục hỗ trợ phát triển NLTT bằng cơ chế FIT linh hoạt, cơ chế đấu thầu dự án; lập Quỹ phát triển bền vững…

Về quy hoạch các phân ngành NL như dầu - khí, than và điện lực, ngoài tính hài hòa phát triển, đã có tư duy, phân bố quy hoạch các vùng lãnh thổ với các tiêu chí tăng hiệu quả của khai thác tài nguyên mỗi vùng, phù hợp và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội mỗi khu vực, giảm lưu lượng vận chuyển NL, nhiên liệu.

Sau phần trình bày của các diễn giả, đã có nhiều thảo luận, trao đổi để các cơ quan tư vấn bổ sung hoàn thiện Đề án QHNL. Các thảo luận tập trung vào một số vấn đề quan trọng:

Thứ nhất: Vấn đề phát triển các hạ tầng quan trọng phục vụ nhập khẩu và trung chuyển nhiên liệu như cảng - kho than, cảng - kho LNG (khí hóa lỏng), trong bối cảnh hiện nay tỷ lệ phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu ròng đã lên tới trên 36% và dự báo tỷ lệ này sẽ lên tới 53% vào năm 2030, 70% vào năm 2050. Nhà nước sẽ đầu tư các hệ thống hạ tầng này, hay các doanh nghiệp đảm nhiệm?

Thứ hai: Để đảm bảo an ninh NL, QHNL cần nêu và phân tích rõ các thị trường nhập khẩu than, thị trường tiềm năng cho nhập khẩu LNG, khi mà chúng ta mới bước chân vào các “câu lạc bộ” này. Với đặc thù của mua bán LNG có khác biệt với mua bán than, mô hình nhập LNG nào sẽ phù hợp điều kiện của Việt Nam? Tập trung vào một số kho cảng lớn, hay mỗi tổ hợp nhà máy điện - khu công nghiệp tự đầu tư rải rác? “Cần tạo lập thị trường để các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng hạ tầng NL, giảm bớt gánh nặng chi phí ngân sách nhà nước”, Thứ trưởng An nhận định.

Thứ ba: Thị trường năng lượng minh bạch, điều tiết qua quy luật cung cầu và giá cả, cần được thành lập, thúc đẩy hoàn thiện. Đến nay mới có thị trường điện đang được triển khai ở giai đoạn 2, còn thị trường các phân ngành dầu khí và than còn chậm hơn. “Thị trường NL cần được thực hiện, nhưng cần các bước đi chắc chắn để luôn đảm bảo an ninh”, Thứ trưởng An nhận định. 

Về phân ngành điện lực, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tuy tiêu chí lần này là quy hoạch “mở” và ”động”, nhưng cần thiết phải có những hạng mục “cứng” để chắc chắn thực hiện được quy hoạch. Có đại biểu nêu ví dụ: Trong kịch bản đề xuất của Quy hoạch ngành điện đã đưa phát triển NLTT với tỷ lệ cao, dẫn đến cần giảm bớt các dự án nhiệt điện khí LNG. Nhưng quy hoạch lại có phương án: Nếu đưa toàn bộ các dự án điện khí LNG mới được bổ sung quy hoạch vào giai đoạn trước 2030, thì phải cắt giảm điện gió ngoài khơi, và xây dựng đường dây siêu cao áp một chiều (HVDC)? Nếu đưa ra những yếu tố bất định từ đầu, thì sẽ khó triển khai quy hoạch. 

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã cảm ơn sự nỗ lực của các đơn vị tư vấn lập QHNL đã hoàn thành đầy đủ 13 chương của Đề án QHNL, cảm ơn sự đóng góp nhiệt tình của các đại biểu tham dự. Để hoàn thiện Đề án QHNL, các cơ quan tư vấn cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, và lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất: Trong hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN vừa qua, khu vực Đông Nam Á với 615 triệu dân, tuy còn một vài nước đang xuất khẩu nhiên liệu, nhưng nhu cầu NL đang tiếp tục gia tăng, ASEAN sẽ sớm trở thành một khu vực nhập khẩu ròng năng lượng với quy mô tăng lên trên 700 triệu dân và Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức lớn này. 

Thứ hai: QHNL cần liên kết với các chiến lược đã có, tính phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế cả nước và các nghị quyết về phát triển KT-XH của 63 tỉnh thành. Khó khăn lớn là nhiều quy hoạch cấp cao hơn chưa được thực hiện (như Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia…), nếu dự báo không tốt, sẽ dẫn đến thiếu không gian, vị trí cho phát triển hạ tầng NL.

Thứ ba: Cần xét kỹ bài toán tối ưu phát triển, xác định tỷ lệ tự khai thác trong nước và tỷ lệ nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, xét đến cả vấn đề xã hội đối với đội ngũ công nhân khai thác.

Thứ tư: Về hệ thống điện, cần nêu rõ quy mô lắp đặt và các giải pháp lưu trữ điện để huy động hiệu quả NLTT.

Thứ năm: Cần đề xuất các nguyên tắc, định hướng lớn về thành lập thị trường năng lượng minh bạch, tính đúng, tính đủ các chi phí để hấp dẫn, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển ngành NL.

Thứ sáu: Lưu ý phân tích về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhất là khâu quản lý phía nhu cầu (DSM). Ngoài giải pháp giá, các cơ chế khuyến khích, hoặc bắt buộc rất quan trọng.

Cuối cùng là các giải pháp về chính sách, cơ chế triển khai sẽ rất quan trọng về sự thành bại của QHNL, cơ quan tư vấn cần lắng nghe các đóng góp từ các bộ, ngành liên quan, hiệp hội ngành nghề và chuyên gia để sửa đổi các bất cập, đề xuất các nhóm giải pháp chính phù hợp, tạo môi trường thông thoáng cho thực hiện thành công QHNL./.

NGUYỄN ANH TUẤN

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động