RSS Feed for Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ cuối]: Giải pháp cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 15:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ cuối]: Giải pháp cho Việt Nam

 - Kết quả nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì thực hiện (năm 2019) đã cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại cần có các giải pháp đồng bộ để phòng, chống, giảm nhẹ và thích ứng...
Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 2]: Những lo ngại của các quốc gia ở hạ lưu Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 2]: Những lo ngại của các quốc gia ở hạ lưu

Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 65 năm hoạt động, nhưng những thách thức phía trước đối với Uỷ hội sông Mê Công quốc tế (MRC) là không hề nhỏ, đó là việc các quốc gia như Trung Quốc, Lào và Cămpuchia tiếp tục có kế hoạch phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 1]: Vai trò Uỷ hội sông Mê Công quốc tế Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 1]: Vai trò Uỷ hội sông Mê Công quốc tế

Trong thời gian 65 năm qua, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế (Mekong River Committee - MRC) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển ở các nước thành viên, tăng cường hợp tác giữa các thành viên và với 2 nước thượng nguồn là Trung Quốc, Myanmar và nhiều đối tác quốc tế khác. Tuy nhiên, hợp tác Mê Công nói chung và vai trò của MRC đang đứng trước nhiều thách thức, cả do nguyên nhân chủ quan, khách quan, nên cần có sự cải tổ thực chất hơn nữa để đóng vai trò to lớn hơn...

KỲ CUỐI: GIẢI PHÁP CHO VIỆT NAM

Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao khi các nước tiếp tục phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công:

Dòng sông Mê Công là tài sản hết sức quan trọng nếu không muốn nói là có giá trị nhất đối với các nước trong lưu vực sông, nhất là các nước ở vùng hạ lưu vực. Tuy nhiên, việc xây dựng và dự kiến xây dựng các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ có tác động rất lớn đến môi trường khu vực hạ lưu, nhất là đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế - MRC (được thực hiện từ năm 2012 tới 2017) khẳng định: Tới năm 2040, phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mê Công có thể mang lại lợi ích kinh tế gấp 16 lần, song các đập mới xây cũng có thể làm giảm 10% nguồn thu của ngành thủy sản và giảm tới 97% lượng trầm tích về cửa sông. Sự suy giảm nguồn trầm tích màu mỡ này là thảm họa đối với thủy sản và nông nghiệp, đặc biệt với vùng ĐBSCL.

Theo thống kê của MRC (tính đến tháng 10 năm 2021) : Trên toàn lưu vực sông Mê Công, gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam đã quy hoạch 162 dự án thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh (trong đó một số nhà máy đã đưa vào vận hành, một số dự án đang xây dựng và số còn lại trong quy hoạch, dự kiến xây dựng trong tương lai), trong đó Trung Quốc dự kiến xây dựng 23 nhà máy thủy điện trên dòng chính có tổng công suất lên đến 31.605 MW.

Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ cuối]: Giải pháp nào cho Việt Nam?
Hình 1: Bản đồ vị trí các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Công (màu xanh - đang vận hành, màu nâu - đã hoàn thành quy trình Tham vấn thông qua MRC, màu vàng - ở giai đoạn quy hoạch dự án).

Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã xây dựng 11 nhà máy thủy điện trên dòng chính (hai trong số đó là đập có hồ chứa lớn) với tổng công suất 21.310 MW và 12 công trình khác, mỗi công trình lớn hơn 100 MW, hoặc là đang được xây dựng, hoặc đã lên kế hoạch xây dựng.

Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ cuối]: Giải pháp nào cho Việt Nam?
Hình 2: Trắc dọc vị trí các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Tại Myanmar đã lên kế hoạch xây dựng 7 nhà máy thủy điện (trong đó có 1 dự án trên dòng chính). Tại Lào có thể phát triển 98 dự án thủy điện (trong đó có 9 dự án trên dòng chính). Đến nay, Lào đã xây dựng và đưa vào vận hành 78 công trình thủy điện với công suất 9.972 MW, hàng năm sản xuất được 52,211 tỷ kWh và xuất khẩu được 6.620 MW. Thái Lan có 7 dự án (trong đó có 1 dự án trên dòng chính), Cămpuchia có 13 dự án (trong đó có 2 dự án trên dòng chính) và Việt Nam có 14 dự án (trên các dòng nhánh).

Phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Mê Công gồm Lào, Thái Lan, Cămpuchia, Việt Nam vào năm 2001 đã đưa 17 nhà máy thủy điện vào vận hành với tổng công suất khoảng 1.400 MW (bao gồm các công trình thủy điện trên dòng nhánh). Riêng năm 2015 đã đưa 57 nhà máy thủy điện vào vận hành với tổng công suất 6.442 MW và đến cuối năm 2021 đã xây dựng xong 88 nhà máy thủy điện với tổng công suất đạt 12.600 MW. Ngoài ra, hiện có 15 công trình thủy điện đang được xây dựng với tổng công suất đặt là 1.600 MW.

Đến năm 2040 dự kiến sẽ có hơn 30.000 MW tiếp tục được xây dựng. Công suất đặt các nhà máy thủy điện đã xây dựng, đang vận hành, sẽ xây dựng và trong quy hoạch xây dựng được mô tả ở hình 3.

Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ cuối]: Giải pháp nào cho Việt Nam?
Hình 3: Công suất đặt các nhà máy thủy điện đang vận hành, sẽ xây dựng và trong quy hoạch xây dựng.

Việc tiếp tục xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sẽ tạo ra các cơ hội tăng cường an ninh năng lượng cho khu vực; tạo đà phát triển kinh tế cho các quốc gia và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, việc phát triển thêm các nhà máy thủy điện trên dòng chính cũng kèm theo các hệ lụy và thách thức không nhỏ, đó là làm thay đổi dòng chảy như về mùa mưa thì giảm lưu lượng, nhưng về mùa kiệt thì lại tăng lên (bao gồm dao động mực nước); làm mất phù sa, mất dinh dưỡng, gây xói lở bờ sông; tác động tiêu cực đến nghề cá, hệ sinh thái, từ đó tác động đến sinh kế của người dân ven sông và vùng hạ lưu.

Nhu cầu tưới thâm canh cho nông nghiệp, sự gia tăng dân số, cũng như các kiểu khí hậu khó dự đoán gây ra lũ lụt và hạn hán thường xuyên đang tạo áp lực lên các nguồn tài nguyên của sông Mê Công.

Những tác động tiêu cực đến ĐBSCL:

Đối với Việt Nam, hệ sinh thái và sinh kế hạ lưu vực sông Mê Công, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động nghiêm trọng ở nhiều khía cạnh, gây suy thoái về nguồn nước, môi trường, hệ sinh thái, canh tác nông nghiệp, thủy sản… và nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế, an ninh xã hội.

Một trong những lý do làm nghiêm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) là các nhà máy thủy điện trên dòng chính ở thượng nguồn Mê Công làm giảm nước ở hạ nguồn khiến việc xâm nhập mặn gia tăng, ảnh hưởg đến sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

Việc không có lũ là một khó khăn lớn, người dân vùng ĐBSC đã quen với lũ nên việc phát triển các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống do xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu và hệ thống bậc thang thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công càng trở thành vấn đề khó khăn hơn đối với khu vực ĐBSCL.

Tóm tắt kết quả nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái vùng ĐBSCL do Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì thực hiện (2019) như sau:

- Đối với chế độ dòng chảy và xâm nhập mặn: Tổng lượng dòng chảy trong mùa khô về ĐBSCL sẽ bị sụt giảm mạnh trong thời đoạn ngắn, có thể thấp hơn trung bình tới 45%, trong khi tác động trong mùa lũ là khá nhỏ. Do thiếu nước trong mùa khô, diện tích bị xâm nhập mặn vùng ĐBSCL sẽ tăng khoảng 400.000 ha (tăng 15%).

- Đối với phù sa bùn cát: Do bị các đập thủy điện ngăn giữ lại, nên tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm về ĐBSCL sẽ bị sụt giảm rất mạnh, mất hơn 90% lượng phù sa bùn cát nguyên thủy của dòng sông tự nhiên trước đây, trong đó, các đập trên lãnh thổ Trung Quốc đã chiếm hơn 50%. Do phù sa, bùn cát không về được ĐBSCL nên các chất dinh dưỡng theo phù sa cần thiết cho phát triển nông nghiệp cũng bị sụt giảm mạnh tương ứng.

- Đối với nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học: Nguồn lợi thủy sản của ĐBSCL, đặc biệt là các loài di cư, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức sụt giảm khoảng 44% (tương đương khoảng 305 nghìn tấn). Hơn 10% tổng số loài cá sẽ bị biến mất mất vĩnh viễn. Về đa dạng sinh học, năng suất sinh học vùng ĐBSCL được đánh giá có mức độ phong phú thứ hai thế giới sau lưu vực sông Amadôn, sẽ bị sụt giảm tới 40% và một số loài động vật quý hiếm sẽ bị tuyệt chủng, hoặc không quay trở lại Việt Nam.

- Đối với nông nghiệp: Do thiếu nước và gia tăng xâm nhập mặn, sụt giảm nguồn phù sa màu mỡ của sông Mê Công, sản lượng nông nghiệp (chủ yếu là lúa gạo) sẽ giảm hơn 600.000 tấn/năm và sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

- Các tác động khác: Do chế độ vận hành của các công trình thủy điện, nên trong mùa khô điều kiện giao thông thủy ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng. Đời sống người dân phụ thuộc vào nguồn nước sông Mê Công cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa khô, do gia tăng xâm nhập mặn và thiếu nước. Ước tính có tới 7 triệu người sẽ bị ảnh hưởng.

Các giải pháp của Việt Nam:

1/ Để ứng phó với các tác động đó, chúng ta cần phải xây dựng các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ và thích ứng cho ĐBSCL trước các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Triển khai các chương trình nhằm tiếp tục theo dõi các diễn biến và đánh giá tác động của các hoạt động phát triển tài nguyên nước ở phía thượng nguồn nhằm đảm bảo ĐBSCL phát triển ổn định, bền vững.

2/ Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ĐBSCL cho mỗi giai đoạn cần chủ động nghiên cứu và đề xuất chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội để phù hợp với những thay đổi có thể xảy ra do tác động các hoạt động phát triển ở thượng lưu, tác động biến đổi khí hậu.

3/ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động cập nhật nghiên cứu, đánh giá tác động của các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước tại các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công và xây dựng các giải pháp tổng thể, toàn diện nhằm ứng phó với các tác động bất lợi đến Việt Nam.

4/ Về đối ngoại, tiếp tục sử dụng diễn đàn MRC và các cơ chế hợp tác khu vực khác để có ý kiến với các quốc gia thượng nguồn trong các hoạt động khai thác sử dụng nước và điều tiết dòng chảy nhằm đảm bảo lợi ích ở hạ du.

5/ Cùng với MRC thúc đẩy, giám sát việc thực hiện các cam kết trong các Tuyên bố chung về kết quả tham vấn của các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công. Thúc đẩy sự tham gia của Ủy hội và các quốc gia ven sông trong xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa cho toàn bộ bậc thang thủy điện trên dòng chính, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Tổ chức tốt các hoạt động tham vấn đối với các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

6/ Kiến nghị lập quỹ hỗ trợ bù đắp sinh thái cho các nước vùng hạ lưu bị ảnh hưởng do việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Xu thế phát triển thủy điện nhằm giảm phát thải cacbon đang quay trở lại trên thế giới và các nước trong lưu vực sông Mê Công có điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất) để xây dựng các nhà máy thủy điện trên dòng chính cũng không đứng ngoài xu thế này.

Trung Quốc, Lào đã, đang và sẽ tiếp tục khai thác lợi thế này bằng cách xây dựng thêm các nhà máy thủy điện trên dòng chính, ngoài việc phục vụ nhu cầu phụ tải trong nước, riêng Lào dùng nguồn năng lượng này xuất khẩu là chủ yếu.

Vậy việc sử dụng công bằng, hợp lý, phát triển bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan cho toàn lưu vực sông Mê Công sẽ được hiểu và thực hiện như thế nào?

Những nước phát triển thủy điện trên dòng chính sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho quốc gia của mình, nhưng các tác động tiêu cực do việc xây dựng và vận hành bậc thang thủy điện này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho các quốc gia vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Vì vậy, nếu có quỹ hỗ trợ bù đắp sinh thái cho các nước vùng hạ lưu bị ảnh hưởng do việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Công thì sứ mệnh “Thúc đẩy, điều phối quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác vì lợi ích chung của các quốc gia sông Mê Công và vì cuộc sống của người dân” do MRC đề xướng mới trở thành hiện thực.

Nguồn tài chính của Quỹ này dự kiến sẽ do các nước sở hữu các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đóng góp và do MRC phân phối, cung cấp tài chính cho các chương trình hồi phục sinh thái khu vực hạ lưu sông Mê Công.

Hy vọng chương trình Hợp tác LMC sẽ sớm đề xuất, thảo luận và thành lập Quỹ hỗ trợ bù đắp sinh thái nhằm giảm thiểu những tác động mà vùng hạ lưu sông Mê Công, nhất là ĐBSCL phải gánh chịu khi bậc thang thủy điện trên dòng chính tiếp tục được xây dựng và đưa vào vận hành./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Link tham khảo:

1. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/MRC-General-leaflets-Viet.pdf

2. http://www.vnmc.gov.vn

3. Plans and Perspective of Mekong River Commission. Peeti Ngamprapasom. Sustainable Hydropower Specialist Planning Division MRC.

4. https://www.nature.org.vn/vn/tai-lieu/HoptacMekong

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động