RSS Feed for Hiệu quả bước đầu từ chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 08:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả bước đầu từ chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh

 - Công ty Thủy điện Đại Ninh đã bắt đầu thực hiện công tác chuyển đổi số từ năm 2021 với công tác chủ yếu của năm đầu tiên là tạo nền móng, tiền đề cho công cuộc chuyển đổi số trong Công ty Thủy điện Đại Ninh, đưa Công ty trở thành doanh nghiệp số của EVNGENCO1 theo tiến trình chuyển đổi số của EVN. Kết quả của việc triển khai chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Công ty Thủy điện Đại Ninh: 15 năm thắp sáng niềm tin Công ty Thủy điện Đại Ninh: 15 năm thắp sáng niềm tin

Dự án Thủy điện Đại Ninh, bậc thang thứ 2 trên sông Đồng Nai, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đầu tư (ngày 8/5/1996), đã khởi công xây dựng từ ngày 10/5/2003, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ban quản lý dự án thủy điện 6 đại diện) làm chủ đầu tư, vốn vay ODA Nhật Bản, Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi thực hiện công tác chuẩn bị sản xuất. Hai tổ máy đã được đưa vào vận hành ngày 17/1/2008 (H2) và 31/3/2008 (H1). Công trình được công nhận “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” tháng 10/2010.


Trong lĩnh vực sản xuất, công tác thực hiện chuyển đổi số hướng đến mục tiêu mang lại hiệu quả quản lý và khai thác dữ liệu thông qua phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS). Các thông tin của thiết bị như đặc tính kỹ thuật, thông số vận hành của thiết bị, vật tư - phụ tùng, thông tin về an toàn khi thực hiện công tác trên thiết bị (gồm nhận diện các mối nguy và biện pháp đảm bảo an toàn và tài liệu đính kèm đối với thiết bị đó) được khai thác tối đa.

Bên cạnh đó, có thể khai thác về các thông tin về quá trình vận hành của thiết bị như xem và truy xuất được thông số vận hành của thiết bị trong quá khứ thay cho việc truy tìm trên bản ghi giấy trước đây có nhiều bất tiện, thực hiện nhật ký vận hành điện tử, quản lý phiếu thao tác, phiếu công tác đã tạo ra sự linh hoạt cho việc quản lý và khai thác cho nhân viên vận hành cũng như quản lý quá trình sản xuất.

Thông tin thủy văn, vận hành hồ chứa và cuối cùng là công tác báo cáo sản xuất hàng ngày cũng được thực hiện tổng hợp hoàn toàn tự động và ký xác nhận báo cáo tháng bằng chữ ký điện tử để báo cáo với các cấp theo quy định.

Ngoài ra, ứng dụng đã thực hiện cho công việc quản lý công tác bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) như khai thác lịch sử hư hỏng của thiết bị, lập kế hoạch và cập nhật thực tế thời gian bảo dưỡng sửa chữa để tổng hợp các chỉ tiêu kỹ thuật vào báo cáo. Việc lập hồ sơ BDSC theo RCM (Reliability Centered Maintenance) cũng được thực hiện trên phần mềm PMIS để hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá, ra quyết định công việc bảo dưỡng phục vụ cho công tác lập hồ sơ BDSC một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho công tác xây dựng hồ sơ BDSC các năm tiếp theo.

Hiệu quả bước đầu từ chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh
Trang thông tin báo cáo ngày trên phần mềm PMIS.

Chuyển đổi số cũng đã mang lại hiệu quả trong việc giám sát thông số thủy văn thông qua Dashboard được xây dựng để truyền dữ liệu khai thác tài nguyên nước theo quy định, qua đó ngoài việc không phải thực hiện nhập số liệu hàng giờ bằng tay còn có thể xem được thông số thủy văn của hồ chứa Đại Ninh trên ứng dụng Mobile và trên PC.

Hiệu quả bước đầu từ chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh
Trang Dash board giám sát vận hành.

Trong năm, có 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính...

Công ty đã triển khai số hóa 18 quy trình nghiệp vụ công tác văn phòng, tất cả các quy trình nghiệp vụ này được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống D-Office (đăng ký, ký số, lưu hồ sơ, khai thác…). Việc này đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực, do cải thiện thời gian trình bản cứng như cách làm trước đây. Việc ứng dụng công nghệ số để tổ chức các cuộc họp trực tuyến đã phát huy được tác dụng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn phòng dịch để thực hiện mục tiêu kép, giúp loại bỏ hoàn toàn về khoảng cách địa lý với EVNGENCO1 và với các đơn vị trong Công ty.

Một số công việc như báo cáo, văn bản của hệ thống chính quyền, công đoàn đều thực hiện trên môi trường số thông qua phần mềm Doffice thay cho việc gửi theo phương thức truyền thống.

Từ ngày 01/10/2021, Công ty đã chính thức đưa vào sử dụng hoá đơn điện tử để thay cho hoá đơn giấy. Đồng thời, sử dụng dịch vụ eFAST của ngân hàng Viettinbank để thực hiện các giao dịch với ngân hàng, với dịch vụ này Công ty gần như không phải đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch như trước đây.

Hiệu quả bước đầu từ chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh
ình ảnh tổ chức khóa đào tạo nhận thức chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến.

Công ty đã khai thác hiệu quả hệ thống phần mềm E-learning để tổ chức các cuộc thi bắt buộc và các khóa học bắt buộc cho toàn thể CBCNV. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số để tổ chức các cuộc thi thực hành bằng hình thức phỏng vấn qua ứng dụng họp trực tuyến qua Zoom. Ngoài ra, Công ty cũng đã tổ chức khóa đào tạo nhận thức về chuyển đổi số cho toàn thể CBCNV qua hình thức trực tuyến đã tạo ra một cách làm mới, sáng tạo trong công tác đào tạo.

Công ty cũng đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong hoạt động quản lý, đặc biệt là các phần mềm được hoạt động trên nền tảng trực tuyến và dùng chung trong Tập đoàn, Tổng Công ty Phát điện 1 ngoài PMIS như: Phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP); Phần mềm quản lý công văn, công việc (D-Office); Phần mềm quản lý nhân sự (HMRS); Phần mềm đào tạo E-Learning; Phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS)…

Bước sang năm 2022, ngoài việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số nêu trên, Công ty sẽ triển khai thực hiện phần mềm nhật ký vận hành điện tử để số hóa hầu hết các tác nghiệp của các nhân viên trong một ca trực vận hành; thực hiện số hóa tác nghiệp trong công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị trên phần mềm chuyên dụng về QLKT của Tổng công ty; ứng dụng số hóa công tác quản lý mua sắm thiết bị, áp dụng hệ thống QR Code cho từng loại vật tư, thiết bị; phát triển bổ sung các thông số trên ứng dụng giám sát tài nguyên nước và khí tượng thủy văn; Tiếp tục thực hiện tốt các phần mềm dùng chung của EVN; Thực hiện “Dự án đầu tư thay mới hệ thống điều khiển nhà máy (DCS) và bảo vệ tổ máy Nhà máy Thủy điện Đại Ninh”.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực; là một bước đi đầu tiên quan trọng mở ra một quá trình chuyển đổi trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 theo lộ trình đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Phát điện 1 đề ra./.

NGUYỄN ĐĂNG TUẤN

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động