RSS Feed for GS, TSKH. Trần Hữu Phát: Một nhà khoa học tài ba | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 21/01/2025 00:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

GS, TSKH. Trần Hữu Phát: Một nhà khoa học tài ba

 - GS, TSKH. Trần Hữu Phát sinh ngày 5/1/1941, tại Hà Nội. Khi học phổ thông, Ông luôn “nhảy cóc lớp”, nên vào năm 1956, khi mới 15 tuổi Ông đã thi đỗ vào ngành toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo quyết định ban đầu, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thực hiện đào tạo trong 4 năm, nhưng khi học gần hết năm thứ ba thì Bộ Giáo dục quyết định cho khóa của ông Trần Hữu Phát tốt nghiệp đại học trong vòng 3 năm vì tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên ở các trường phổ thông trung học vừa được thành lập tại nhiều tỉnh và thành phố trên miền Bắc. Như vậy, ông Trần Hữu Phát đã tốt nghiệp chuyên ngành toán, Trường Đại học Tổng hợp năm 1959, khi ông mới 18 tuổi.


Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã mang lại cơ hội sống cho hàng vạn bệnh nhân ung thư trong năm 2020


Hai thế hệ lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Giáo sư Trần Hữu Phát và tiến sĩ Trần Chí Thành. (Ảnh: Thanh Nhàn). 

Từ năm 1959 đến năm 1965, Ông giảng dạy tại Học viện Nông - Lâm. Ngay từ năm 1960, Ông đã tham gia seminar về vật lý lý thuyết đầu tiên tại Việt Nam do GS. Nguyễn Hoàng Phương khởi xướng và chủ trì. Tháng 2/1964, Ông được cử đi dự Lớp học quốc tế mùa Đông về Vật lý lý thuyết tại Viện Nghiên cứu Liên hợp Hạt nhân Dubna (Liên Xô). Năm 1965-1967, Ông làm nghiên cứu viên, Phòng Nghiên cứu Toán - Lý thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Đến năm 1968, Ông chuyển về làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời gian này Ông đã hoàn thành một số công trình nghiên cứu về lý thuyết hạt cơ bản trình bày bằng tiếng Pháp. Chỉ trong vòng 2 năm (1970 và 1971), Ông đã công bố được 10 bài báo trên các tạp chí quốc tế (Act Physica Polonica, Annalen der Physik, Acta Physica Hungaria).

Năm 1971, Ông thi đỗ kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh và tháng 10/1971, Ông được cử sang Ba Lan để làm luận án tiến sĩ. Sau khi đọc các công trình nghiên cứu mà Ông đã công bố, Giáo sư Bialkowski - thầy hướng dẫn của Ông đã khẳng định: Một số trong các bài báo của Ông đã đủ cho một luận án tiến sĩ và yêu cầu sớm hoàn thành luận án. Tháng 5 năm 1973, Ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Warszawa.

Tháng 4/1974, Ông được trở lại Ba Lan để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học (Dr. Habil) tại Viện Vật lý lý thuyết, Trường Đại học Tổng hợp Warszawa. Tháng 5/1975, Ông đã hoàn thành nội dung của luận án tiến sĩ khoa học, sau khi công bố một loạt bài báo đăng trên các tạp chí vật lý có uy tín quốc tế như Nuovo Cimento của Italia và Acta Physica Autria của Cộng hòa Áo. Tháng 6/1976, Ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Ba Lan. Ông là người nước ngoài đầu tiên bảo vệ thành công học vị này tại Ba Lan.

Về nước, tháng 12/1976, Ông được bổ nhiệm làm Phân Viện phó, Phân viện Năng lượng nguyên tử, Viện Kỹ thuật quân sự. Sau khi Phân viện Năng lượng nguyên tử tách ra khỏi Viện Kỹ thuật quân sự và trở thành Viện 481, tháng 6/1981, Ông được bổ nhiệm Phó Viện trưởng phụ trách Viện 481, thuộc Tổng cục Kỹ thuật và làm Viện trưởng Viện 481 từ năm 1982. Năm 1984, Ông nhận học hàm Giáo sư do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đến năm 1988, Viện 481 chuyển từ Bộ Quốc phòng sang Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Ông tiếp tục được cử làm Viện trưởng Viện 481 thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia.

Từ trái sang: Tiến sĩ Trần Chí Thành, giáo sư Đào Tiến Khoa, giáo sư Đào Vọng Đức và giáo sư Trần Hữu Phát tại buổi ra mắt sách. (Ảnh: Thanh Nhàn).

Tháng 1/1991, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân được thành lập và trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Ông tiếp tục được cử làm Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cho đến tháng 6/1993.

Tháng 8/1994, GS. Trần Hữu Phát làm Phó Chủ tịch Hội đồng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam mà Hội đồng đó do GS. Nguyễn Đình Tứ làm Chủ tịch. Tháng 10 năm 1998, GS. Trần Hữu Phát được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN).

Do vợ GS. Trần Hữu Phát bị ốm nặng nên Giáo sư đã xin nghỉ công tác quản lý Viện từ tháng 11/2000. Giáo sư Trần Hữu Phát chính thức nghỉ hưu từ tháng 5/2006. Sau khi không đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện NLNTVN, GS. Trần Hữu Phát làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo của Viện và là Tổng biên tập Tạp chí “Nuclear Science and Technology” của Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho đến ngày nay.

Sau khi nghỉ hưu, GS. Trần Hữu Phát vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học và liên tục có các công trình công bố quốc tế. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2020, Giáo sư và các cộng sự đã hoàn thành 18 công trình được công bố trên các tạp chí vật lý có uy tín quốc tế và nhiều bài trên tạp chí quốc gia (Communications in Physics và Nuclear Science and Technology).

Từ năm 2009 đến 2020, GS. đã liên tục làm chủ nhiệm đề tài của Chương trình nghiên cứu cơ bản và làm chủ nhiệm 4 đề tài của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Đặc biệt, trong thời gian từ 2000 đến nay, Giáo sư Trần Hữu Phát đã đào tạo được 11 tiến sĩ, trong đó có 4 người đã được nhận học hàm Phó Giáo sư.

Tính chung lại, trong 50 năm nghiên cứu khoa học của mình từ năm 1970 đến năm 2020, GS. Trần Hữu Phát đã công bố hơn 80 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 55 công trình trên các tạp chí vật lý quốc tế (ISI) và một số ấn phẩm có chế độ phản biện và hơn 30 công trình công bố trên các tạp chí trong nước có chế độ phản biện.

Ngày 30/12/2020, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học của GS.TSKH. Trần Hữu Phát nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Giáo sư (5/1/2021).

Cuốn Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học của GS. Trần Hữu Phát do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản bằng tiếng Anh nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Giáo sư với tiêu đề “Tran Huu Phat, The Path from Nonlocal Theory to Gravity Theory” - “Trần Hữu Phát, Lộ trình nghiên cứu từ lý thuyết không định xứ đến lý thuyết hấp dẫn” là tuyển tập gồm 44 công trình tiêu biểu trong tổng số hơn 80 công trình nghiên cứu của GS. Trần Hữu Phát trong 50 năm qua (từ năm 1970 đến năm 2020) đã khẳng định GS. Trần Hữu Phát không chỉ là một nhà quản lý tâm huyết mà còn là một nhà khoa học tài năng, một người thầy mẫu mực, có nhiều đóng góp cho nền khoa học nước nhà./.

NGUYỄN THỊ THU HÀ - BAN KẾ HOẠCH VÀ QUẢN LÝ KHOA HỌC (VINATOM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động