Gia Lai trao quyết định đầu tư cho 2 dự án điện mặt trời
09:12 | 29/05/2018
Phát triển năng lượng tái tạo: Việt Nam cần giải pháp đột phá
Một góc nhìn khác về năng lượng tái tạo
Theo đó, Nhà máy điện mặt trời Krông Pa có quy mô công suất 49 MW do Công ty CP Điện Gia Lai (Công ty trực thuộc Tập đoàn Thành Thành Công - Tp.HCM) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1.428. Địa điểm xây dựng dự án là xã Chư Gu, huyện Krông Pa.
Dự án điện mặt trời Krông Pa 2 cũng có quy mô công suất 49MW do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng năng lượng Thành Nguyên (Gia Lai) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1.131 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng là xã Chư Gu, Krông Pa.
Theo nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Gia Lai có số giờ nắng trung bình 1.900-2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335-380 kcal/cm3 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,8-5,2 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn, công suất có thể đạt khoảng 4.600 MW. Trong đó, các dự án điện mặt trời trên đất khoảng trên 2.100 MW, điện mặt trời nổi trên nước khoảng trên 2.500 MW.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tới thời điểm này, dự án liên quan tới nguồn năng lượng mặt trời chỉ có hệ thống ghép pin mặt trời với thủy điện nhỏ xã Trang do Tổ chức Năng lượng mới và Phát triển Công nghệ công nghiệp Nhật Bản tài trợ, được xây dựng và bàn giao cho Công ty Điện lực Gia Lai vận hành năm 1999. Đây là công trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Năng lượng Việt Nam (IE) và Tổ chức NEDO với tổng giá trị đầu tư 2 triệu USD, công suất 100 kW ghép với 1 máy phát thủy điện nhỏ PV-MH 25 kW, cấp điện cho hơn 400 hộ ở xã Trang, huyện Đak Đoa.
Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Gia Lai ta đã kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, sau khi tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 12/2016, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đặt vấn đề đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời.
UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý chủ trương cho phép 23 doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đầu tư 32 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng gần 3.952 MWp. Trong đó, 1 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư với tổng công suất là 49 MWp; 8 dự án đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất là 579 MWp; 23 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng công suất dự kiến 3.313,5 MWp.
Ngoài ra, còn có 11 nhà đầu tư với 16 dự án điện mặt trời đang khảo sát, chọn vị trí, đề xuất UBND tỉnh cho phép lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến 1.203 MWp.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM