RSS Feed for Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 23:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 3]

 - Một tín hiệu cho thấy sự không chắc chắn trong việc thị trường dầu thô có được tái cân bằng trong thời gian tới hay không. Nhưng việc giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm chi phí vận tải, qua đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 1]
Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 2]

KỲ 3: DỰ BÁO GIÁ DẦU VÀ TÁC ĐỘNG ẢNH HƯỞNG TRONG CÁC NĂM 2018 - 2020

PGS, TS. NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Cung cầu trong các năm 2017 - 2018 đang được các quốc gia khai thác dầu mỏ điều chỉnh dần, nên cung, cầu có xu hướng cân bằng hơn, giá dầu thô khó giảm nhưng cũng không thể tăng cao. Nguồn cung dầu thô của OPEC giảm 419.00 thùng/ngày xuống còn trung bình 32,8 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2017. Tổ chức 14 nước thành viên OPEC và một số quốc gia xuất khẩu dầu khí khác trong đó có Nga đã ký thỏa thuận cắt giảm lượng 1,8 triệu thùng/ngày kéo dài từ tháng 1/2017 đến tháng 3/2018. Trong đó, OPEC cam kết cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, các nước còn lại cắt giảm 600.000 thùng/ngày.

Mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm khá cao, tuy nhiên sản lượng khai thác của OPEC trong tháng 7/2017 đạt mức kỷ lục một phần là do sản lượng của Nigeria và Libya tăng. Hai quốc gia này được miễn ký cam kết cắt giảm sản lượng khai thác do nguồn cung dầu thô bị gián đoạn. Tỷ lệ tuân thủ cắt giảm của OPEC trong tháng 7/2017 chỉ ở ngưỡng 67%. Tổng cộng, lượng khai thác của 22 nước thành viên thỏa thuận cắt giảm vượt quá 470.000 thùng so với mức họ đã cam kết.

Ả-rập Saudi sẽ giảm lượng dầu xuất khẩu xuống còn 6,6 triệu thùng/ngày - thấp hơn so với mức năm ngoái 1 triệu thùng/ngày. Cụ thể, quy mô đợt cắt giảm dự kiến khoảng 520.000 thùng/ngày. Động thái này là một phần nằm trong nỗ lực của Ả-rập Saudi trong việc thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng trong bối cảnh mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm vẫn còn thấp. Theo đó, quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới đã cam kết cắt giảm khoảng 486.000 thùng/ngày. 10 quốc gia châu Á sẽ nằm trong diện thắt chặt xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Saudi. Tuy nhiên, một số quốc gia xuất khẩu dầu thô khác trong đó bao gồm Mỹ, Nga và Iran sẽ nhanh chóng tăng cường sản lượng và bù vào lượng dầu thô bị hụt.

Một tín hiệu khác cho thấy sự không chắc chắn trong việc thị trường dầu thô có được tái cân bằng trong thời gian tới hay không.

Về tổng thể, dự báo thị trường xăng dầu toàn cầu các năm 2018 - 2020 sẽ cân bằng hơn, giá cả sẽ ổn định và tăng nhẹ xung quanh mức giá 50-55 USD/thùng. Giá xăng dầu thấp như vừa qua khó kéo dài bởi tính phi kinh tế dưới giá thành sản xuất trung bình thế giới từ 30-70 USD/thùng cho công nghệ truyền thống và 60-100 USD cho công nghệ khai thác mới dầu khí đá phiến. Thời gian qua, hơn một nửa số giàn khoan dầu khí đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa vì thua lỗ càng là cơ sở vững chắc cho nhận định này. Một số nguyên nhân làm cho giá dầu khó có thể tăng cao trong 2 năm tới bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, sản lượng khai thác khí đá phiến của Mỹ, Trung Quốc và dầu thô của Nga tiếp tục tăng để giữ thị phần thế giới. Trong khi đó, nhu cầu dầu khí thế giới chỉ tăng nhẹ do giảm tốc tăng trưởng kinh tế tại một số nền kinh tế lớn, mới nổi có nhu cầu nhập khẩu dầu khí nhiều như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thứ hai, các nước phương Tây tiếp tục tăng cường biện pháp trừng phạt, cô lập Nga, Iran, Venezuela. Do ngành công nghiệp hóa dầu là xương sống của kinh tế Nga và một số nước đó, việc tiếp tục duy trì sức ép, cô lập cũng như trừng phạt Nga thông qua giá dầu sẽ mang lại nhiều kết quả an ninh, chính trị cho phương Tây; đặc biệt Nga đang thể hiện vai trò ngày càng lớn đối với các vấn đề toàn cầu như Syria, IS, Ukraine… Các biện pháp khác cũng gây khó khăn cho kinh tế Iran và Venezuela,…

Tác động giảm giá dầu đối với doanh nghiệp Việt Nam

Việc giá dầu thế giới ở mức thấp, không tăng cao quá mức 54 - 55 USD/thùng nhìn chung có tác động tích cực đến các ngành và DN của Việt Nam mà dầu lửa là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và kinh doanh, như các DN trong ngành hóa chất, phân bón, năng lượng, vận tải, vật liệu xây dựng. Việc giá dầu giảm giúp các DN này giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm chi phí vận tải, qua đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Ngành hóa chất: Một số sản phẩm hóa chất đầu vào như lưu huỳnh, dầu gốc, nhựa đường… là sản phẩm của lọc hóa dầu nên giá dầu thấp sẽ giúp giá nguyên liệu đầu vào của các DN rẻ hơn. Hơn nữa, giá dầu thấp cũng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào của sản xuất hóa chất tại Việt Nam đều là hàng nhập khẩu.

Ngành phân bón: Giá khí đầu vào của các DN sản xuất phân ure được tính theo giá dầu FO nên các DN này được hưởng lợi trực tiếp khi giá dầu giảm. Đối với phân lân, do lưu huỳnh là nguyên liệu quan trọng nên giá dầu giảm sẽ giúp các DN sản xuất phân lân được lợi. Ngoài ra, phân bón là ngành có chi phí vận chuyển lớn nên việc giá nhiên liệu giảm trực tiếp giúp các DN tiết giảm được chi phí.                                              

Ngành năng lượng: Dầu thô và khí là nhiên liệu đầu vào chính của các nhà máy nhiệt điện. Việc giá khí trên bao tiêu được tính theo giá thị trường (dựa trên 46% giá dầu FO thị trường Singapore tháng trước) sẽ giúp các DN nhiệt điện khí hưởng lợi trực tiếp từ việc suy giảm của giá dầu.

Ngành xăm lốp: Giá dầu giảm khiến giá cao su tổng hợp giảm, đồng thời tạo áp lực không tăng giá cao su tự nhiên do cao su tổng hợp và cao su tự nhiên là 2 dòng sản phẩm thay thế. Như vậy, giá cao su được dự báo khó tăng sẽ mang lại tác động tích cực cho các DN săm lốp.

Ngành nhựa: Hạt nhựa được sản xuất từ dầu mỏ và khí thiên nhiên, do đó, giá hạt nhựa có mối quan hệ chặt chẽ, cùng chiều với diễn biến giá dầu. Điều này giúp tiết giảm chi phí sản xuất, cải thiện biên lợi nhuận cho các DN nhựa. Tính trung bình năm 2015, giá hạt nhựa HDPE và LDPE giảm 20% yoy, giá PVC giảm 21% và giá PP giảm 25% so với giá hạt nhựa trung bình năm 2014 giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho nhiều DN nhựa trong nước. Tuy nhiên giá hạt nhựa trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đã tăng đáng kể, biến động theo chiều hướng phục hồi nhẹ của giá dầu thô.

Ngành vận tải: Chi phí nhiên liệu chiếm 40%-50% giá vốn của các DN vận tải biển hoạt động theo hình thức chạy theo chuyến. Do vậy, giá dầu giảm có tác động tích cực, giúp các DN này nói riêng cũng như DN vận tải nói chung tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao lợi nhuận.

Ngành vật liệu xây dựng: Tuy giá dầu giảm không tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất, nhưng các DN trong ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi từ chi phí vận tải giảm do giá dầu giảm.

Giá dầu giảm cũng có những tác động tiêu cực đến một số ngành, lĩnh vực, DN Việt Nam, trong đó chịu tác động nặng nề nhất là các ngành, lĩnh vực và DN có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu khí. Cụ thể, việc giá dầu ở mức thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp, làm giảm đơn giá cũng như nhu cầu các dịch vụ dầu khí, qua đó làm giảm doanh thu và lợi nhuận của nhóm các DN này. Việc giá dầu giảm xuống mức 48 USD/thùng đã khiến cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị hụt thu tới 163.400 tỷ đồng trong năm 2015. Không chỉ riêng PVN, nhiều  DN thuộc ngành dầu khí niêm yết trên TTCK cũng chịu những tác động tương tự. Năm 2016 giá dầu thô tăng nhẹ và sản lượng khai thác tăng, làm cho tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 452,5 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất Tập đoàn đạt 234 nghìn tỷ đồng, Nộp NSNN toàn Tập đoàn năm 2016 đạt 90,2 nghìn tỷ đồng, vượt 10.000 tỷ đồng (vượt 12,5%) so với kế hoạch năm.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS): khoảng 60% sản lượng khí khô của PV GAS (mảng đem lại 52% doanh thu và 63% lợi nhuận gộp) sẽ được bán theo giá thị trường (46% giá dầu FO tháng trước trên thị trường Singpaore). Hơn nữa, LPG (mảng mang lại 38% doanh thu và 21% lợi nhuận gộp) là sản phẩm của lọc hóa dầu và chế biến khí nên giá bán cũng phụ thuộc gián tiếp vào biến động giá dầu. Do ảnh hưởng của giá dầu, doanh thu và lợi nhuận của PV GAS trong 9 tháng năm 2015 đã giảm lần lượt 14% và 19% so với cùng kỳ 2014.

Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí (PVD): Với hoạt động kinh doanh chính là cho thuê giàn khoan và cung cấp các dịch vụ khoan. Giá dầu ở mức thấp làm nhu cầu giàn khoan giảm xuống, đồng thời kéo theo việc giảm giá cho thuê giàn khoan. Trong 9 tháng năm 2015, giá cho thuê giàn khoan của PVD đã giảm bình quân khoảng 15%, đồng thời số lượng giàn khoan thuê ngoài cũng giảm từ 5 giàn xuống còn hơn 3 giàn. Điều này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của DN lần lượt giảm 22% và 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Kết quả kinh doanh năm 2016, Tổng Công ty chỉ đạt 5.360 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm đến 63% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ cũng giảm 92% xuống còn 129,4 tỷ đồng so với con số 1.664 tỷ đồng trong năm 2015. Số lượng bình quân các giàn khoan sở hữu hoạt động trong năm 2016 chỉ đạt 2,5 giàn so với 4,7 giàn trong năm 2015. Bên cạnh đó, số lượng bình quân các giàn khoan thuê hoạt động trong năm 2016 giảm xuống chỉ còn 0,24 giàn so với trung bình 2,7 giàn cùng kỳ năm trước. Giá cho thuê giàn trong năm cũng giảm đến 48% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, khối lượng công việc của các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến khoan trong năm 2016 giảm từ 50-70%; đơn giá các dịch vụ này cũng giảm từ 20-30% so với năm 2015. Trong năm 2016, Tổng Công ty chịu tác động tiêu cực từ việc sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu khi các nhà thầu dừng hoặc tạm hoãn việc triển khai chương trình khoan và dịch vụ liên quan đến khoan khiến cho khối lượng công việc cũng như đơn giá dịch vụ khoan và dịch vụ liên quan đến khoan sụt giảm nghiêm trọng. Dù vậy, kết quả thực hiện trong năm 2016 theo báo cáo tài chính được công bố vẫn vượt 29% so với kế hoạch của Đại hội đồng cổ đông đề ra.

Năm 2017, doanh thu thuần riêng quý 2 năm nay chỉ còn 945 tỷ đồng, giảm sâu hơn 46% so với cùng kỳ năm 2016, nâng doanh thu thuần 6 tháng 2017 lên 1.448 tỷ đồng, giảm sâu gần 57% so với 6 tháng năm 2016.

PVD lỗ tiếp gần 60 tỷ đồng quý 2/2017, trong đó phần lỗ của cổ đông công ty mẹ là hơn 45 tỷ đồng. Mức lỗ này đã giảm đáng kể so với khoản lỗ ròng hơn 200 tỷ quý 1. Tính chung 6 tháng đầu năm, PVD lỗ ròng (phần lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ) lên đến 246 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2016 lãi ròng 76 tỷ. Doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm sâu so với cùng kỳ là do đơn giá thuê giàn trong quý 2/2017 giảm từ 35%-40% so với quý 2/2016. Ngoài ra, không có giàn khoan thuê hoạt động trong quý 2/2017 so với 1 giàn hoạt động trong quý 2/2016... Việc doanh thu, lợi nhuận giảm cũng xuất phát từ việc khối lượng công việc và đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan trong quý 2/2017 giảm 30-40% so với cùng kỳ.

Cùng với việc thị trường dầu khí đang có những tín hiệu tích cực, PV Drilling kỳ vọng đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.

Tổng Công ty CP dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVS), Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS), Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB), Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE): mảng hoạt động của các DN này đều chịu ảnh hưởng gián tiếp từ việc suy giảm giá dầu thô. Giá dầu ở mức thấp khiến nhu cầu cũng như đơn giá của các dịch vụ dầu khí giảm.

Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PGS), Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Bắc (PVG), Công ty CP CNG Việt Nam (CNG), Công ty CP Phân phối khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD): giá khí mua vào và bán ra của các DN này đều được tính trực tiếp dựa trên giá dầu nên biên lợi nhuận của các DN này tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc suy giảm doanh thu sẽ dẫn đến việc suy giảm lợi nhuận của DN.

Đón đọc kỳ tới: Một số kiến nghị

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động