RSS Feed for Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 22:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 2]

 - Giá dầu giảm tác động tích cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá dầu thấp sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô; tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam (thông qua ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí) và thu hút đầu tư bị ảnh hưởng, nhiều dự án đầu tư đã, đang giãn tiến độ, dừng triển khai do giá dầu xuống thấp.

Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 1]

KỲ 2: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA GIÁ DẦU ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

PGS, TS. NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Đánh giá khái quát ảnh hưởng đến nền kinh tế về tổng thể

Có thể thấy, tác động rõ nét, dễ nhìn nhất của việc giảm giá dầu đối với các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam là sự phân phối lại thu nhập. Thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô giảm làm giảm thu NSNN, lợi nhuận của các DN ngành khai thác dầu cũng giảm.

Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu xăng dầu các loại giảm đem lại lợi ích nhiều nhất cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực vận tải vì đây là lĩnh vực tiêu thụ nhiều xăng dầu nhất. Các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim, xây dựng công trình giao thông… cũng được hưởng lợi khi xăng dầu chiếm tới 20-30% chi phí đầu vào của những ngành này. Giá cước vận tải giảm cũng làm giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, giá xăng dầu giảm cũng giúp hộ gia đình giảm chi tiêu cho việc đi lại hằng ngày và được hưởng lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm.

Như vậy, đối với nền kinh tế, chi tiêu và đầu tư của Chính phủ giảm được bù đắp bằng chi tiêu, đầu tư tăng lên của khu vực tư nhân và người dân.

Đánh giá ảnh hưởng trên các mặt cụ thể

1/ Tác động tích cực.

Thứ nhất, giá dầu giảm tác động tích cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Nhờ giá dầu giảm, người dân tiết kiệm được chi phí cho giao thông, từ đó tăng tiêu dùng cho nền kinh tế. Nhờ đó, chi tiêu tiêu dùng trong nền kinh tế được cải thiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ròng năm 2015 tăng 8,4%. Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.527,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm 2017 tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 449.914 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2016. Về phía DN, giá dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận từ đó giúp tăng khả năng chi tiêu, tái đầu tư của DN.  

Thứ hai, hiệu quả của DN được cải thiện góp phần thu nội địa từ thuế tăng mạnh đóng góp tích cực cho NSNN.

Năm 2015, thu NSNN đã vượt kế hoạch đề ra nhờ nguồn thu nội địa tăng mạnh. Trong đó, thu NSNN từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 119,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm trước; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 128 nghìn tỷ đồng, tăng 9%; thu từ khu vực DN Nhà nước đạt 204,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%.

Cùng với đó, thuế thu nhập cá nhân năm 2015 cũng đạt ~53,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán. Những kết quả tích cực này đã góp phần bù đắp giảm thu từ dầu thô, giúp tổng thu NSNN năm 2015 đạt ~ 989,69 nghìn tỷ đồng, bằng 108,6% dự toán, tăng 14,6% so năm 2014.

Tổng thu cân đối NSNN năm 2016 đạt 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán. Tổng thu NSNN từ đầu năm 2017 đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 584,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 462,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,7%; thu từ dầu thô 24,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 96,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4%.

Thứ ba, lạm phát được kiểm soát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định hấp dẫn hoạt động đầu tư. Trong năm 2015, giá dầu giảm mạnh đã tác động trực tiếp tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng khiến cho các nhóm này giảm lần lượt 11,92% và 1,62% so với năm 2014.

Bên cạnh đó, việc giảm giá xăng dầu cũng tác động gián tiếp tới nhóm nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình (nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI (39,93%), góp phần ổn định biến động của nhóm này. Chỉ số CPI bình quân năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với cùng kỳ năm 2014, mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Những tác động tương tự của giá dầu thấp đến CPI cũng tương tự trong năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017. Tức là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho CPI ở mức thấp trong 3 năm gần đây là do giá dầu giảm và dao động quan mức thấp.

Cùng với chi phí lao động thấp, triển vọng thị trường nội địa sáng sủa, và tăng cường ký kết FTA, giá dầu giảm làm tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới. Đây là cơ hội cho Việt Nam trong trung và dài hạn trong việc thu hút vốn, công nghệ của nước ngoài, đồng thời đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

Thứ tư, ổn định lãi suất và tỷ giá.

Giá dầu giảm và dao động quanh mức thấp, tác động đến các chủ thể nói trên của nền kinh tế, CPI ở mức thấp, tạo tiền đề cho ổn định và giảm nhẹ lãi suất. Bên cạnh đó, USD giảm giá, góp phần ổn định tỷ giá VND/USD. Diễn biến đó tạo tâm lý người dân an tâm gửi nội tệ vào ngân hàng và các DN, hộ gia đình an tâm vay vốn đầu tư, tiêu dùng.

2/ Tác động tiêu cực.

Thứ nhất, làm giảm nguồn thu NSNN từ dầu thô.

Tổng thu từ dầu thô năm 2014 là 107.000 tỷ đồng đã giảm còn 66.000 tỷ đồng trong 2015, chỉ bằng khoảng 67% so với dự toán; chỉ bằng 54,3% năm 2013 (115 nghìn tỷ đồng) và 55% năm 2012 (113 nghìn tỷ đồng). Tỷ trọng trung bình thu từ dầu thô trong tổng thu NSNN mặc dù giảm từ mức 25% giai đoạn 2000-2008 xuống còn ~12% giai đoạn 2009-2015 song thu từ dầu thô vẫn đóng vai trò quan trọng trong NSNN. Khoản thu từ dầu thô được thể hiện từ hai khoản thuế thu từ khu vực DN FDI là thuế thu nhập DN và thuế tài nguyên.

Năm 2014, khu vực FDI đóng góp 27,5%  tổng thu NSNN thì trong đó riêng thu từ dầu thô chiếm 46% tổng thu từ khu vực này. Trong 107.000 tỷ đồng thu từ dầu thô, thuế TNDN chiếm 72,2% còn thuế tài nguyên chiếm 27,8%. Thuế TNDN là sắc thuế quan trọng nhất với tỷ trọng khoảng 26% tổng thu NSNN, thuế TNDN từ dầu thô chiếm 35% tổng số thu thuế TNDN và 55,9% tổng số thu thuế TNDN từ khu vực FDI.

Thu ngân sách từ dầu thô đã giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn dưới 1% hiện nay, dự toán 2016 là 0,9% GDP. Do biến động của giá xăng dầu (giá dầu thô giảm từ 60 đôla/thùng khi xây dựng dự toán năm 2016 xuống mức bình quân đạt 41 đôla/thùng) đã làm giảm thu của Tổng cục Hải quan từ dầu thô xuất khẩu khoảng 1.800 tỷ đồng.

Năm 2017, tổng số thu của cả 7 tháng đầu năm tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tổng số thu NSNN 7 tháng ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt trên 27 nghìn tỷ đồng, đạt gần 80% dự toán, tăng trên 16% so với cùng kỳ.

Thứ hai, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu DN ngành dầu khí.

Doanh thu của hầu hết các DN dầu khí niêm yết trong năm 2015 đều giảm mạnh; tổng doanh thu các DN này giảm 16,5% và lợi nhuận sau thuế giảm 15,4% so với cùng kỳ và đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá của nhóm cổ phiếu dầu khí. Tác động trực tiếp, trong năm 2015 nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD) giảm bình quân 50% trên HSX và giảm 36% trên HNX (PVS, PVI, …) đã tác động giảm 40 điểm với VN-Index, và giảm 1,8 điểm, tương đương 62% mức điểm giảm chung của HNX-Index.

Tác động gián tiếp, cổ phiếu ngành dầu khí có quy mô lần lượt 13% và 20% trên HSX và HNX trong năm 2015 và dù đã giảm về mức 6,5% và 10,9% trong năm 2016 nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến thị trường. Trong 3 tuần đầu năm 2016, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục dẫn đầu thị trường với mức giảm bình quân trên 20%, và tạo hiệu ứng bán sang nhóm cổ phiếu khác như ngân hàng, chứng khoán, thép,… đẩy chỉ số về vùng giá thấp trong 2 năm.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, trong năm 2016, nhờ những tín hiệu lạc quan về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu đã phục hồi hơn 50%, có thời điểm tăng lên 54 USD/thùng. Nhóm cổ phiếu dầu khí nhờ vậy cũng bật tăng trở lại một cách rất ấn tượng. GAS có mức tăng gần 100% còn PVT, PVS, PVX, PVD đều tăng giá hàng chục phần trăm. 

Năm 2017, giá dầu vẫn ở mức thấp, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty thượng nguồn của ngành liên quan đến khoan và dịch vụ khoan dầu khí, mà còn có cả một số DN trong ngành dầu khí, giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp.

Thứ ba, hoạt động thu hút đầu tư bị ảnh hưởng (nhất là ngành dầu khí và các ngành liên quan), nhiều dự án đầu tư đã và đang giãn tiến độ, dừng triển khai do giá dầu xuống thấp.

Tính đến hết năm 2015, ngoài dự án lọc hóa dầu tại Cần Thơ triển khai đúng tiến độ, 5 dự án còn lại là dự án lọc dầu tại Nghi Sơn; dự án tại Vũng Rô (Phú Yên); dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa); và dự án Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) triển khai chậm cũng như phải hoãn, giản tiến độ. Điển hình, đối với dự án Nhơn Hội, do giá dầu giảm mạnh, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã đề nghị lãnh đạo tỉnh cho phép nhà đầu tư Thái Lan trong vòng 6 tháng đánh giá lại toàn bộ dự án này theo xu hướng mới. Bên cạnh đó, ngày 11/01/2016, Công ty dầu khí Gazprom Neft của Nga đã chính thức thông báo sẽ không mua 49% cổ phần trong Công ty Lọc hoá dầu Bình sơn (BSR), và không đầu tư vào dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất như dự kiến, nhưng sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần của Nhà máy Lọc Hoá dầu Bình Sơn trong tương lai.

Thứ tư, thúc đẩy hoạt động buôn lậu xăng dầu.

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới thường xuyên biến động tăng hay giảm, giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước không điều chỉnh kịp thời, có những lúc cao hơn hay thấp hơn giá thị trường thế giới, kích thích các hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển, qua biên giới. Khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá các nước láng giếng, các phương tiện của các nước láng giềng quá cảnh mua xăng dầu tại Việt Nam hay các hoạt động xuất lậu xăng dầu qua nhiều con đường khác nhau.

Tương tự, khi giá xăng dầu trong nước cao hơn giá thị trường thế giới, các hoạt động nhập khẩu lậu xăng dầu cũng phát triển, làm thất thu NSNN cũng như phát sinh hàng loạt tiêu cực khác.

Thứ năm, tác động đến lượng khách du lịch đến từ các quốc gia xuất khẩu lớn dầu mỏ và khí đốt.

Trường hợp này thấy rõ nhất là đối với Nga và các quốc gia khác thuộc Liên bang  Xô Viết trước đây. Những năm giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao, nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng, khách du lịch từ các nước đó đến Việt Nam tăng cao, đặc biệt là khu vực Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, Đà Nẵng,… kéo theo nhiều dự án phát triển du lịch, khách sạn, nhà hàng, resort,…dịch vụ hàng không cũng phát triển, nhiều chuyến bay thuê bao đưa thẳng khách đến Việt Nam. Nhưng đến giá dầu mỏ và khí đốt giảm, nền kinh tế bị cô lập nhiều thứ, đông Rúp mất giá, lượng khách du lịch giảm, các dự án khách sạn, khu resort,… bị đình trệ, bị bỏ hoang, gây ra nợ xấu đối với các NHTM và ảnh hưởng thu hút khách du lịch nước ngoài đến lĩnh vực này của khu vực này.

Gần đây giá dầu mỏ và khí đốt được phục hồi nhẹ, lạm phát dừng lại, khách du lịch từ Nga và các nước nói trên dần được phục hồi, nhưng chưa như kỳ vọng và nếu giá dầu tăng lên mức trên 60 USD/thùng thì tình hình lượng khách du lịch của các nước đó đến Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng còn tăng cao hơn.

Nếu như năm 2010 chỉ có 81.000 lượt du khách Nga đến Việt Nam, thì năm 2011 có 102.000 người. Số liệu thống kê năm 2011 cho biết chỉ trong 3 năm, Nga đã từ vị trí 25 vượt lên vị trí thứ 11 trong số các nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Năm 2012, lượng du khách Nga đến Việt Nam đạt 174.000 lượt, tăng 71,49% so với năm 2011, là thị trường tăng nhiều nhất trong năm của Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đã đón 298.000 lượt du khách Nga, tăng 71% so với năm 2012. Nga tiếp tục đứng trong top 10 thị trường du khách tới Việt Nam nhiều nhất. Nếu như năm 2005, lượng khách Nga đến Việt Nam mới là 23.800 lượt, thì đến năm 2013 đã tăng 12,5 lần, đạt 298.126 lượt khách, và tăng trên 71% so với năm 2012, giúp Nga vươn lên đứng thứ 9 trong nhóm 10 nước có số khách hàng đầu vào Việt Nam. Năm 2016 khách đến từ Liên bang Nga đạt 434 nghìn lượt người, tăng 28,1%; Tính chung 8 tháng năm 2017 đạt 8.472.379 lượt khách, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016., trong đó khách Nga đạt 384.439, bằng 144,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Thứ sáu, tác động lớn đến ngành cao su.

Do giá dầu thô trên thị trường thế giới không tăng và dao động quanh mức thấp, làm cho giá cao su tự nhiên không tăng, giá xuất khẩu mủ cao su tự nhiên cũng không tăng, tác động lớn đến các DN, hộ gia đình trồng cao su, thu mua và chế biến mủ cao su. Liên quan đến việc làm và thu nhập của số đông hộ gia đình, người dân ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung. Giá cao su trung bình năm 2015 giảm khoảng 16% so với năm 2014. Năm 2016, giá cao su xuất khẩu bình quân chỉ ở mức 1.333 USD/tấn, giảm 1% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá bán mủ cao su tự nhiên bình quân là 48,2 triệu đồng/tấn, cao hơn cùng kỳ 2016 là 21,6 triệu đồng/tấn (năm 2016 là 26,6 triệu đồng/tấn). Đây là xu hướng đáng mừng tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng.

Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, so với năm 2012 tăng 5,2% về lượng, giảm 11,7% về giá trị. Xuất khẩu cao su năm 2014 đạt 1,07 triệu tấn, trị giá 1,8 tỷ USD, tăng 0,2% khối lượng nhưng giảm 27,7% giá trị so với 2013. Năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 1,13 triệu tấn, giá trị đạt 1,52 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 1.377 USD/tấn, giảm 18,74% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,26 triệu tấn cao su thiên nhiên, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu đạt 634.995 tấn trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và 58,4% về giá trị. 

KỲ tới: Dự báo giá dầu và tác động trong các năm 2018 - 2020

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động