EVN học tập kinh nghiệm vận hành hệ thống điện, phát triển điện gió từ VQ Anh
07:37 | 28/03/2023
Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích, đánh giá, kiến nghị các nội dung liên quan đến thị trường điện và chính sách giá điện Việt Nam. Cụ thể là các giải pháp mà ngành điện đã thực hiện, đạt kết quả, cũng như những tồn tại cần khắc phục và kiến nghị giải pháp cần tiếp tục triển khai để đảm bảo các mục tiêu an ninh cung cấp điện, phát triển bền vững trong giai đoạn tới. |
Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Nhìn từ các kiến nghị của PVN và EVN Sau kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tới Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hỗ trợ thúc đẩy Chính phủ trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa nêu 3 kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội xoay quanh các dự án hạ nguồn. Nhân sự kiện này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp và có một vài đánh giá về các kiến nghị của PVN, EVN. |
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 và ủng hộ kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Để đạt được cam kết này, ngành điện, cũng như các ngành khác của Việt Nam đang phấn đấu góp phần đạt mục tiêu cam kết của Chính phủ. Do vậy, chuyến công tác cũng được thực hiện trên tinh thần nghiên cứu, học hỏi áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển, kết nối năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi nhằm góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.
Đoàn công tác của EVN tại Tổng công ty Lưới điện Quốc gia - National Grid. |
Tại Vương quốc Anh, đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan thuộc Chính phủ và các công ty doanh nghiệp Anh, gồm: Bộ An ninh Năng lượng (BEIS), Bộ Kinh tế và Thương mại (DIT), Tổng công ty Lưới điện Quốc gia (National Grid), các trung tâm điều độ hệ thống điện, Cơ quan Điều tiết Thị trường điện và khí đốt (OFGEM), các công ty: BP, Crown Estate, Carbon Trust và một số công ty chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi.
Trong các buổi làm việc, các chuyên gia Anh cho biết: Vương quốc Anh là nước dẫn đầu thế giới về nguồn điện năng lượng gió ngoài khơi vào cuối năm 2008 sau khi vượt qua Đan Mạch. Tại Anh, có 14 vùng, với 8 trung tâm điều độ thực hiện điều độ trên toàn hệ thống. National Grid là Tổng công ty Lưới điện Quốc gia và là một trong những công ty năng lượng lớn nhất trên thế giới.
Hiện tại, tổng điện năng của toàn hệ thống là 334,2 tỷ kWh, công suất đặt là 76,6 GW. Điện năng cung cấp từ nguồn năng lượng tái tạo lên tới 122,2 TWh, chiếm khoảng 40% toàn hệ thống, trong đó điện gió là 64,7 TWh. Với điện gió ngoài khơi, hiện tại công suất đặt là 13.8 GW, dự kiến sẽ phát triển lên 50 GW vào năm 2030 và 125 GW vào năm 2050.
Giá điện gió tại Anh hiện là 37 GBP/MWh (1 GBP = 1,23 USD).
Về công tác vận hành hệ thống điện, cân bằng nguồn cung (nguồn phát điện) với nhu cầu (phụ tải điện) luôn được đảm bảo. National Grid đã triển khai các dịch vụ cân bằng cung - cầu điện, năng lượng tái tạo quy mô lớn có thể sử dụng để cân bằng hệ thống như cắt giảm công suất khi cung vượt cầu. National Grid tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ mới để ứng phó biến đổi khí hậu và thách thức bền vững. Ngành công nghiệp điện gió đóng vai trò chính trong giảm thải cacbon của ngành điện ở Anh quốc và trên toàn cầu. Hệ thống điện áp dụng nhiều giải pháp, công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại nhằm giảm tổn thất điện năng ở mức thấp nhất.
Tại các công ty thuộc chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi, đoàn công tác của EVN đã được chia sẻ kinh nghiệm thực tế, các hoạt động, sáng kiến, công nghệ và chiến lược được áp dụng nhằm hỗ trợ quá trình phát triển điện gió ngoài khơi.
Trao đổi với các doanh nghiệp của Vương quốc Anh, ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng Giám đốc EVN cho biết: Năng lượng tái tạo và điện gió phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là các năm 2019 - 2021. Việt Nam hiện chưa có đầy đủ khung pháp lý, tiêu chuẩn trong phát triển điện gió và rất mong muốn học tập kinh nghiệm từ Vương quốc Anh. Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích địa phương hóa các sản phẩm, dịch vụ và quyền lợi liên quan phát triển điện gió, do vậy, việc học tập kinh nghiệm quốc tế là cần thiết.
Thực tế, nhiều tiêu chuẩn Anh cũng được áp dụng trong các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Vì vậy, theo ông Nguyễn Tài Anh, những thông tin chia sẻ của chuyên gia Vương quốc Anh về các quy định, tiêu chuẩn phát triển điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi có thể áp dụng tại Việt Nam.
Hy vọng thời gian tới, ngành điện Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ phía Đại sứ quán Anh để các chuyên gia Anh quốc sang Việt Nam thực hiện đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong vận hành hệ thống điện, phát triển điện gió ngoài khơi, giúp EVN đầu tư, phát triển lưới điện hiện đại, vận hành an toàn, hiệu quả và giảm phát thải, tiến tới góp phần đạt mục tiêu mà Chính phủ 2 nước đã cam kết tại COP26./.
NGUYỄN THỊ ANH