RSS Feed for Dự báo nhu cầu than toàn cầu và vấn đề cung cấp than cho điện của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 03:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự báo nhu cầu than toàn cầu và vấn đề cung cấp than cho điện của Việt Nam

 - Năm 2022, nhu cầu than toàn cầu tăng kỷ lục và kéo dài tới năm 2024 - là dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố nhân kết thúc 2021. Đặc biệt, ngay sau khi sản lượng điện từ than tăng 9% trong năm nhằm thúc đẩy việc phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 được chế ngự. Tại Việt Nam, năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng kế hoạch chi tiết với nhiều kịch bản để điều hành đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, trong đó có kịch bản huy động nguồn nhiệt điện than. EVN yêu cầu các đơn vị trực thuộc sớm ký hợp đồng mua bán than với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) để TKV có kế hoạch cung cấp than cho điện, đồng thời sẵn sàng để hệ thống điện sẽ huy động cao nguồn điện than vào đầu năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi.
Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện

Trong bối cảnh thế giới đang cố gắng thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì khủng hoảng năng lượng xuất hiện, khiến nhiều quốc gia châu Âu phải tìm giải pháp tình thế, dùng than để sản xuất điện... Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Nhu cầu than toàn cầu cho điện 2022 sẽ tăng trên 8 gigatt:

Báo Anh Guardian (TGC) số ra trung tuần tháng 12-2021 trích báo cáo của IEA cho biết cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt toàn cầu đẩy giá lên mức cao kỷ lục trên quy mô toàn thế giới đã tác động tăng nhu cầu về than. Điện than giảm 4% vào năm 2020 do đại dịch gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng IEA nhận định, nhu cầu điện trong năm nay đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của các nguồn carbon thấp, khiến nhiều nền kinh tế giàu có phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà máy điện than.

Theo IEA, sau khi giảm vào năm 2019 và 2020, sản lượng điện toàn cầu từ than ​​sẽ tăng từ 9% (2021) lên mức cao nhất mọi thời đại. Dựa trên xu hướng hiện tại, nhu cầu than toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trên 8 tỷ tấn vào năm 2022, mức cao nhất từng thấy và sẽ duy trì ở mức đó cho đến năm 2024, sau đó vài năm sẽ ổn định khi nhu cầu giảm dần. Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo rằng nếu không có sự can thiệp của chính sách, mức tăng kỷ lục có thể kéo dài hơn so với dự kiến.

Theo báo cáo của IEA, nhu cầu về than đặc biệt cao trong nửa đầu năm 2021, cắt giảm nguồn cung và đẩy giá lên. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, tình trạng thiếu than dẫn đến mất điện, sản lượng thép và nhôm giảm đáng kể, đẩy giá các mặt hàng này cao.

Nhu cầu than tổng thể trên toàn thế giới, gồm cả các mục đích sử dụng ngoài sản xuất điện, chẳng hạn như sản xuất xi măng và sắt thép, tăng 6% vào năm 2021, nhu cầu khoảng 7.906 triệu tấn. Mức tăng này không vượt qua mức kỷ lục đã đạt được trong năm 2013 và 2014. Riêng nhu cầu đối với than nhiệt trong năm nay đã tăng hơn nhiều so với than luyện kim, tăng 22% so với năm 2020. Năm 2022 nhu cầu than tổng thể có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại, và vẫn có thể giữ ở mức cao trong hai năm tiếp theo.

“Than đá là nguồn phát thải carbon lớn nhất toàn cầu, mức độ sản xuất điện từ than cao lịch sử trong năm 2021 là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với mục tiêu giảm phát thải dần về mức 0. Nếu không có các hành động mạnh mẽ và ngay lập tức của các chính phủ để giải quyết lượng phát thải than theo cách công bằng, giá cả phải duy trì ở mức hợp lý và an toàn cho những người bị ảnh hưởng, chúng ta sẽ có rất ít cơ hội để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống ngưỡng 1,5 độ C” - Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cảnh báo.

Báo cáo của IAE được đưa ra vài tuần sau khi kết thúc hội nghị khí hậu COP26, cuộc đàm phán kết thúc trong sự bất đồng gay gắt về cam kết từ bỏ than đá. Một sự can thiệp vào phút cuối của Ấn Độ đã thành công khi đưa ngôn ngữ của hiệp ước từ “loại bỏ” thành “giảm dần”. Sau cuộc hội đàm tại Glasgow vào tháng trước, chủ tịch COP26, ông Alok Sharma cho biết Ấn Độ và Trung Quốc sẽ “phải giải thích cho các quốc gia nghèo dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu về những gì họ đã làm”.

Báo cáo của IEA còn tiết lộ thêm Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng sản lượng điện từ than lên 12% trong năm nay, trong khi việc sử dụng các nhà máy than của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên đến 9% bất chấp sự sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây. Đây sẽ là mức cao nhất mọi thời đại ở cả hai quốc gia đông dân nhất nói trên, bất chấp việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời và điện gió.

Tại Tại Hoa Kỳ và EU, sản lượng điện than tăng gần 20% vào năm 2021. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để vượt qua mức của năm 2019. Việc sử dụng than ở Mỹ và EU dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm vào năm 2022 do nhu cầu điện tăng chậm và năng lượng sạch tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, việc quay lại sử dụng các nhà máy điện than dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm tới do nhu cầu điện chậm lại và khuyến khích mở rộng các giải pháp thay thế năng lượng sạch, tái tạo.

Tại Anh, nơi điện than liên tục giảm trong những năm gần đây, chủ sở hữu của các nhà máy điện than cuối cùng đã được trả những khoản tiền kỷ lục để giúp duy trì hoạt động trong năm nay khi giá điện đạt mức cao mới sau khi giá thị trường khí đốt tăng và một trong những mùa hè ít gió nhất kể từ năm 1961.

Việt Nam và kế hoạch cung ứng than cho điện năm 2022:

Đầu tháng 12-2021, EVN và TKV đã có buổi làm việc về tình hình cung ứng than cho sản xuất điện năm 2021 và kế hoạch cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện của EVN năm 2022. Theo EVN, từ đầu năm tới nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên diễn biến nhu cầu phụ tải trên hệ thống điện biến động mạnh và khó dự báo. Theo tình hình chung, nhu cầu huy động các nhà máy điện nói chung và các nhà máy điện than nói riêng cũng phải điều chỉnh giảm trong các tháng cuối năm. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều hơn các nhà máy sử dụng than trong nước.

Do nhu cầu sử dụng điện giảm so với kế hoạch nên việc sử dụng than cũng giảm theo. Lũy kế đến tháng 11-2021, các nhà máy của EVN đã tiếp nhận 14,48 triệu tấn than do TKV cung cấp, bằng 80,04% so với tổng khối lượng hợp đồng năm 2021. Dự kiến đến hết năm 2021, tổng khối lượng than các nhà máy của EVN nhận từ TKV là 16,19 triệu tấn, đạt 88,69% tổng khối lượng hợp đồng năm 2021. Hầu hết các nhà máy không thực hiện được theo khối lượng hợp đồng đã ký do nhu cầu tiêu thụ điện tăng chậm dẫn đến huy động các nhà máy giảm từ tháng 7-2021 tới nay.

Theo đánh giá của EVN, tình hình cung cấp than của TKV trong năm 2021 là tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu vận hành của các nhà máy điện của EVN. Tuy nhiên, từ khi TKV cung cấp than trộn, chất lượng than thường không đồng đều. Để đảm bảo than cho sản xuất điện năm 2022, các đơn vị của EVN đã triển khai đàm phán hợp đồng cung cấp than với TKV từ tháng 10-2021. Tổng khối lượng than dự kiến của các nhà máy ký với TKV là 18,08 triệu tấn, thấp hơn khối lượng hợp đồng than dài hạn đã ký của các nhà máy 1,12 triệu tấn.

Ngoài ra, EVN đề xuất cùng với TKV bổ sung các điều khoản mang tính ràng buộc với các chỉ tiêu ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả vận hành tin cậy và kinh tế của các nhà máy điện: Hàm lượng Hydro, nhiệt độ nóng chảy xỉ, hàm lượng oxit sắt và chỉ số nghiền HGI. Do phụ tải năm 2022 rất khó dự báo, khả năng nhu cầu than cho các nhà máy điện, đặc biệt là khu vực phía Nam sẽ có biến động lớn, nên cần có cơ chế linh hoạt, điều chuyển than giữa các nhà máy, hoặc mở rộng dải điều chỉnh khối lượng hợp để phù hợp với nhu cầu thực tế của các nhà máy.

Về phía TKV, tại buổi làm việc, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV cho rằng: Trong thời gian qua hai tập đoàn đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, đặc biệt việc cung cấp than cho sản xuất điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng mua bán than được lãnh đạo hai bên kịp thời giải quyết.

Năm 2022, EVN xây dựng kế hoạch chi tiết với nhiều kịch bản để điều hành đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, trong đó có kịch bản huy động nguồn nhiệt điện than. EVN yêu cầu các đơn vị trực thuộc sớm ký hợp đồng mua bán than với TKV để các đơn vị thuộc TKV có kế hoạch cung cấp than cho điện, đồng thời sẵn sàng để hệ thống điện sẽ huy động cao nguồn điện than vào đầu năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THEO: PNC/VOV/VNMC/VNECONOMY - 12/2021)


Link tham khảo:

1/ https://www.theguardian.com/business/2021/dec/17/global-demand-coal-high-electricity-plants-covid-economic-recovery

2/ https://www.spglobal.com/platts/en/market-insights/latest-news/metals/121721-global-coal-demand-to-grow-6-in-2021-threatening-net-zero-goals-iea

3/ https://electrek.co/2021/12/17/coal-production-will-rise-to-its-highest-ever-levels-in-2022-says-iea/

4/ https://vneconomy.vn/len-ke-hoach-cung-cap-than-cho-dien-khi-nen-kinh-te-phuc-hoi.htm

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động