RSS Feed for Địa chính trị mới của năng lượng đang dịch chuyển trật tự thế giới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 27/11/2024 07:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Địa chính trị mới của năng lượng đang dịch chuyển trật tự thế giới

 - Có thể nói, những thay đổi địa chính trị năng lượng thế giới đã tác động rõ rệt đến nhiều khía cạnh của thế giới, trong đó có hệ thống liên minh giữa các quốc gia. Nhìn rộng hơn, các yếu tố này đang dần chuyển dịch trật tự thế giới vốn đã hình thành hơn 60 năm qua.

Triển vọng chuyển đổi năng lượng trên thế giới


 

THS. LÊ KHÁNH CÔNG (*)


Địa chính trị mới về năng lượng được tạo ra từ bốn cuộc cách mạng năng lượng đang xảy ra hiện nay [Nobuo Tanaka, Nguyên Giám đốc điều hành của tổ chức năng lượng quốc tế, tháng 9 năm 2019]. Thế giới đang chứng kiến giá điện mặt trời giảm rõ rệt trong những năm gần đây, điều này khiến điện mặt trời sẽ có thể trở thành loại năng lượng rẻ nhất trong những năm tới (cuộc cách mạng thứ nhất).

Từ 2008 đến 2018, chi phí đầu tư năng lượng mặt trời giảm đáng kể từ hơn 7USD/Watt xuống còn 2,3USD/Watt [Sunrun, 2018], giảm khoảng 60% từ năm 2010 đến nay [www.yellowlite.com].  Trong khi đó quá trình điện khí hóa (cuộc cách mạng thứ hai) đang diễn ra rất nhanh ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Hầu hết các công nghệ mới được phát minh sử dụng điện thay vì nguyên liệu hoá thạch truyền thống. AI, dữ liệu lớn, ô tô điện sẽ thống trị thế giới tương lai bằng việc sử dụng điện. Cách thức nấu ăn của người dân cũng đang chuyển đổi từ đốt khí, hoặc than sang sử dụng bếp điện do các yếu tố hiệu quả và an toàn của bếp điện.

Với lợi thế sản xuất kim loại đất hiếm, cuộc cách mạng xanh Trung Quốc (cuộc cách mạng thứ ba) đang thay đổi thế giới. Năm 2018, Trung Quốc đang giữ hơn 60% sản lượng kim loại đất hiếm của thế giới [S. Kalantzakos, 2018], đây là nguyên liệu nền tảng của ngành năng lượng tái tạo. Năm 2010, Trung Quốc đã ra lệnh không xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do căng thẳng giữa hai quốc gia, giá của đất hiếm này đã tăng lên gấp bốn lần giá thông thường. Trung Quốc cũng đang là nhà sản xuất rẻ nhất về thiết bị và thi công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, do đó, họ đang tăng dần ảnh hưởng đến thế giới thông qua các công cụ về năng lượng tái tạo.

Trung Quốc hiện nay đang dẫn đầu trong ba cuộc cách mạng tái tạo nói trên.

Ngược lại, Mỹ đang dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng truyền thống với cuộc cách mạng khí đá phiến (shale gas) cũng như việc gia tăng sản xuất dầu (cuộc cách mạng thứ tư). Từ quốc gia nhập khẩu năng lượng, Mỹ trong những năm tới sẽ là một quốc gia xuất khẩu/độc lập về năng lượng.

Mặc dù Trung Quốc là một trong bốn quốc gia có chương trình công nghệ khí đá phiến, nhưng chỉ có cuộc cách mạng đá phiến của Mỹ là nổi bật với công nghệ khoan địa chất của họ.

Có 10 dự án cảng LNG để xuất khẩu khí đã được triển khai ở bang Louisiana miền nam nước Mỹ nhằm mục đích xuất khẩu ra thế giới năm 2017 [Agnia Grigas, 2017]. Tổng xuất khẩu khí đốt tự nhiên đã tăng 37% trong sáu tháng đầu năm 2019 so với năm 2018 riêng đối với bang này [Kristen Mosbrucker, 2019]. Lượng lớn khí đá phiến đóng góp vào cơ cấu năng lượng thế giới chính là điểm thay đổi lớn cuộc chơi của ngành năng lượng thế giới. 

Hơn nữa, nhận thấy vai trò của dầu đã không còn quá quan trọng như những năm khủng hoảng dầu mỏ thập khỉ 70s của thế kỷ trước, nên nước Mỹ đã quyết định khai thác các mỏ dầu dự trữ ngoài khơi của họ và sẽ trở thành một trong ba nhà sản xuất dầu hàng đầu trên thế giới (sau Nga và Ả rập xê út) [EIA energy outlook].

Vai trò của dầu không còn giống như quá khứ vì nhiều nguyên nhân (bao gồm việc lượng lớn khí đá phiến được đưa vào thị trường năng lượng, công nghệ năng lượng tái tạo đã rẻ hơn nhiều và quá trình điện hóa đang diễn ra mạnh mẽ).  Đặc biệt là công nghệ khai thác dầu ở khu vực biển sâu càng ngày được nâng cao tạo ra các mỏ dầu ở nhiều nơi, dự trữ dầu thế giới vì thế mà tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, nhu cầu dầu ở các nước đang phát triển như Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất, đang giảm xuống do tăng trưởng chậm kết hợp với cuộc cách mạng thế hệ 4.0 làm giảm sự phụ thuộc dầu mỏ. Với lượng lớn dầu được sản xuất từ Mỹ, xu hướng giá dầu không tăng trong những năm tới trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. 

Trật tự thế giới đang chuyển dịch theo địa chính trị mới của năng lượng

Những thay đổi lớn của địa chính trị năng lượng làm thay đổi liên minh và quan hệ giữa các quốc gia và các quốc gia đang suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ [IRENA, 2019].

Trước đây, Mỹ phụ thuộc vào dầu từ các nước Trung Đông do đó họ tập trung nhiều đến Trung Đông. Nhưng giờ thì họ đang chuyển trọng tâm chính từ Trung Đông sang Ấn Độ, châu Á Thái Bình Dương và châu Âu - nơi có các quốc gia nhập khẩu khí của Mỹ. Liên minh giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út vì thế đang yếu đi, và Ả Rập Xê Út đang rất gần gũi với Nga để chống lại xu hướng này. Trong khí đó, quan hệ giữa các nước nhập khẩu năng lượng và Mỹ sẽ bền chặt hơn trong những năm tới.

Vì Mỹ không còn cần dầu từ Trung Đông, nên họ không còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh ở Vịnh Ba Tư như quá khứ. Điều này dẫn tới rủi ro an ninh hàng hải cao đối với các nước nhập khẩu năng lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, v.v... Gần đây, máy bay không người lái đã tấn công nơi chế biến dầu lớn nhất thế giới đặt tại Ả Rập Xê Út làm giảm 5% sản lượng dầu thế giới là một tín hiệu cảnh báo cho các quốc gia đó. Sau đó Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải xem xét để gửi quân đội của họ để đảm bảo an ninh hàng hải Vịnh Ba Tư. Chi phí an ninh này từ nay sẽ thuộc về các nước nhập khẩu năng lượng khi mà không còn có sự bảo hộ của Mỹ cho tuyến hàng hải này. 

Hơn nữa, do không sợ khủng hoảng dầu mỏ, Mỹ tự tin thực thi các biện pháp trừng phạt với Iran, Venezuela và Nga. Giá dầu thấp đã gây thiệt hại lớn cho các quốc gia mà nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu cũng như có công nghệ khoan dầu hiệu quả kinh tế thấp. Kết quả là, nền kinh tế của Venezuela, Iran bị ảnh hưởng nghiệm trọng, xã hội rối loạn, còn nước Nga thì gặp muôn vàn khó khăn để vượt qua khủng hoảng. Trong khi đó, Mỹ lại là đối tượng thụ hưởng chính của giá dầu thấp vì họ có nhu cầu dầu lớn thứ hai trên thế giới. Đây cũng là một nền tảng lớn cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ dưới thời tổng thống Trump. 

Nga và châu Âu có mối liên hệ rất chặt chẽ do mùa đông châu Âu được sưởi ấm một phần lớn bằng đường ống khí đốt của Nga qua Ukraine. Trước đây, nước Mỹ không có vai trò gì trong mối quan hệ này và để mặc cho nước Nga thao túng châu Âu. Nhưng mọi thứ giờ đã khác, vì nước Mỹ đã có thể xuất khẩu khí (LNG) để thay thế đường ống khí của Nga cho châu Âu. Ukraine và một số nước châu Âu đã sẵn sàng nhận khí LNG của Mỹ để giảm sự phụ thuộc với Nga. Nước Nga đã phản ứng lại bằng việc xây dựng 2 đường ống khí mới không đi qua Ukraine là Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2) qua biển Baltic và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng đối với châu Âu, họ ra sức phát triển năng lượng tái tạo để độc lập về năng lượng nhiều nhất có thể. 

Trung Quốc cũng đang cố gắng hết sức để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh địa chính trị mới năng lượng. Sáng kiến đường vành đai và con đường của Trung Quốc, nhằm mục đích xây dựng mạng lưới điện để kết nối với hầu hết các quốc gia khác trên lục địa Á - Âu. Đồng thời, họ triển khai xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân, kết nối với nhiều đường ống dẫn khí từ Myanmar, các nước Trung Á, Nga, và đặc biệt chú ý về lợi ích dầu khí ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ngành năng lượng tái tạo của họ cũng phát triển mạnh mẽ để nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu từ Trung Đông và Mỹ. 

Có thể nói, những thay đổi địa chính trị năng lượng thế giới đã tác động rõ rệt đến nhiều khía cạnh của thế giới, trong đó có hệ thống liên minh giữa các quốc gia. Nhìn rộng hơn, các yếu tố này đang dần chuyển dịch trật tự thế giới vốn đã hình thành hơn 60 năm qua./.

(Mọi việc chia sẻ, trích dẫn từ bài viết được yêu cầu ghi rõ nguồn)

(*) Lê Khánh Công - Thạc sĩ điện hạt nhân Hàn Quốc, có trên 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Tư vấn điện (TV2)


For English Version, visit

https://vietnamenergysecurity.wordpress.com/2020/02/06/new-geopolitics-of-energy/

References

Energy outlook of the world

IEA (International Energy Agency) (2018a), World Energy Outlook 2018, OECD/IEA, Paris. 

Bloomberg New Energy Finance. New Energy Outlook 2018. (2018). https://about.bnef.com/new-energy-outlook/

BP. Energy Outlook 2018. 

Equinor. Energy Perspectives. (2018). 

ExxonMobil. Outlook for Energy: A View to 2040. (2018). 

Institute of Energy Economics, Japan. Outlook 2019: Energy transition and a thorny path for 3E challenges. (2019). 

OPEC. World Oil Outlook. (2019). 

Shell. Sky Scenario. (2018). 

US Energy Information Administration. International Energy Outlook. (2017). 

Global CCS Institute. Global Status Report. (2018). 

New Geopolitics of energy

(Nobuo Tanaka, Former Executive Director of the EIA, Sep 2019). China Is Pushing its Green Revolution for Geopolitical Reasons, Not Just for Sustainability. Fortune.com.

(IRENA, 2019). A New World: The Geopolitics of the Energy Transformation. International Renewable Agency. 

New Geopolitics of natural gas

Agnia Grigas (2017). The New Geopolitics of Natural Gas. Book

Amy Myers Jaffe & Meghan L. O’Sullivan (2012). The Geopolitics of Natural Gas. Report of Scenarios Workshop of Harvard University’s Belfer Center and Rice University’s Baker Institute Energy Forum.

Robert A. Manning (2014). The shale revolution and the new geopolitics of energy. The Atlantic Council of the United States. 

Soner Cagaptay & Tyler Evans (2013). Turkey’s energy policy and the future of natural gas. Harvard University’s Belfer Center and Rice University’s Baker Institute. 

Fred B. Olayele (2015). The Geopolitics of Oil and Gas. International Association for Energy Economics.

Kristen Mosbrucker (2019). Louisiana leads nation in natural gas as net exports double, Lake Charles metro sees most gains. Theadvocate.com.

New Geopolitics of oil

Gawdat Bahgat (2013). The New Geopolitics of Oil: The United States,Saudi Arabia, and Russia. the Center of Middle Eastern Studies at Indiana University of Pennsylvania.

Jim Krane & Kenneth B. Medlock III (2017). Geopolitical dimensions of US oil security. Rice University's Baker Institute for Public Policy, Houston, TX, United States.

Wenxue Wang & Fuyu Yang (2014). The Shale Revolution, Geopolitical Risk, and Oil Price Volatility. 

New Geopolitics of renewable

Meghan O’Sullivan, Indra Overland, and David Sandalow (2017). The Geopolitics of Renewable Energy. Center on Global Energy Policy Columbia University and The Geopolitics of Energy Project Belfer Center for Science and International Affairs Harvard Kennedy School.

Daniel_Scholten (2018). The Geopolitics of Renewables. Lecture Notes in Energy, volume 61.

www.yellowlite.com. https://www.yellowlite.com/blog/post/will-solar-prices-decline-in-ten-years-to-make-solar-a-better-deal-in-the-future-than-today/




 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động