RSS Feed for Đầu tư chuyển dịch năng lượng của một số công ty dầu khí trên thế giới - Kinh nghiệm cho PVEP | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 16:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đầu tư chuyển dịch năng lượng của một số công ty dầu khí trên thế giới - Kinh nghiệm cho PVEP

 - Cập nhật về xu hướng đầu tư chuyển dịch năng lượng của các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới và gợi ý kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cho trường hợp của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Nguyễn Anh Tuấn [*] vừa có bài báo gửi tới Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
Bàn về quan điểm, định hướng chuyển dịch năng lượng của PVEP trong xu thế phát triển mới Bàn về quan điểm, định hướng chuyển dịch năng lượng của PVEP trong xu thế phát triển mới

Chia sẻ quan điểm về thích ứng chuyển dịch năng lượng của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) phù hợp với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực, chiến lược phát triển, cũng như phù hợp với xu thế chung của các công ty năng lượng thế giới... Nguyễn Anh Tuấn [*] vừa có bài báo gửi tới Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây. Trong đó, tác giải nhấn mạnh 3 đỉnh của hình tam giác, đó là: (1) Bảo đảm an ninh năng lượng, (2) khả năng tiếp cận và phù hợp, (3) tính ổn định và bền vững. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

Tương tự hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển dịch năng lượng đang là một trong những hoạt động được triển khai mạnh mẽ tại các công ty năng lượng trên thế giới. Không chỉ mang về những lợi ích hiện tại cho doanh nghiệp từ các hạng mục đầu tư chuyển dịch năng lượng mà còn mang lại lợi ích lâu dài và bền vững. Các tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh “xanh” giảm thiểu khí thải đang là yêu cầu áp dụng tại Việt Nam mà còn bị điều chỉnh bởi luật pháp các quốc gia trên thế giới. Sản phẩm nói chung được sản xuất trên dây chuyền gây ô nhiễm môi trường sẽ không được nhập khẩu, hoặc nếu được nhập khẩu sẽ bị áp mức thuế suất rất cao vào các thị trường phát triển như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp năng lượng phải xây dựng chiến lược chuyển dịch năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm lợi nhuận gia tăng, an ninh năng lượng của đất nước, nhưng tạo ra ít khí thải hơn; chi phí đầu tư phù hợp với khả năng tài chính và phát triển ổn định trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

I. Ba xu hướng đầu tư chuyển dịch năng lượng của các doanh nghiệp trên thế giới:

Thứ nhất: Xu hướng thực hiện đa dạng hóa đầu tư. Đây là những doanh nghiệp năng lượng đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực năng lượng khác nhau làm tăng tài sản, lợi nhuân của doanh nghiệp trong các lĩnh vực dầu khí, điện khí, điện gió, điện mặt trời… để cung cấp năng lượng sạch cho hoạt động kinh doanh của chính các doanh nghiệp này và bán cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu. Mô hình kinh doanh đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư này xuất hiện nhiều ở các doanh nghiệp như: BP, Eni, Repson, Shell, TotalEnergies đều hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Năm 2022, BP đầu tư cho cho năng lượng tái tạo, hoặc các hoạt động carbon thấp chiếm 6,1% tổng chi phí hoạt động, Eni chiếm 18,2%, Repson chiếm 24%, Shell chiếm 11,7% và TotalEnergies chiếm 24,5% tổng chi phí hoạt động.

Thứ hai: Xu hướng đầu tư của những doanh nghiệp “trụ cột”. Đây là những doanh nghiệp năng lượng đóng vai trò chính, then chốt của một quốc gia thúc đẩy các chương trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia đó thông qua việc đầu tư thực hiện các chính sách quan trọng về môi trường của chính phủ như: Petrochina, Petronas, Saudi Aramco, Petrobras… Những doanh nghiệp này đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 đạt mức thải ròng bằng 0. Năm 2022, Petrochina đầu tư cho năng lượng tái tạo, hoặc các hoạt động carbon thấp chiếm 3,1% tổng chi phí hoạt động, còn Petronas chiếm 25%.

Thứ ba: Xu hướng đầu tư “cốt lõi”. Là xu hướng những doanh nghiệp thực hiện chuyển dịch năng lượng tập trung thay thế các công nghệ sản xuất gây ô nhiễm bằng giải pháp, công nghệ năng lượng sạch, hàm lượng khí thải carbon thấp đáp ứng nhu cầu khách hàng về sản phẩm thân thiện với môi trường như: Chevron, ExxonMobil, ConocoPhilip. Những công ty này bị áp lực rất mạnh của các cổ đông về yêu cầu ưu tiên thực hiện chuyển dịch năng lượng, tạo ra các sản phẩm sạch, giảm khí thải. Những doanh nghiệp này đặt ra mục tiêu đạt được mức khí thải bằng 0 ở phạm vi phát thải 1 (phạm vi doanh nghiệp tạo ra, hoặc kiểm soát trực tiếp) và phạm vi phát thải 2 (phạm vi phát thải gián tiếp) đến năm 2050. Năm 2022, Chevron đầu tư cho năng lượng tái tạo hoặc các hoạt động carbon thấp chiếm 8,4% tổng chi phí hoạt động [1].

II. Chiến lược chuyển dịch năng lượng của một số doanh nghiệp trên thế giới:

1. Chiến lược loại bỏ carbon - là loại bỏ lượng carbon mà doanh nghiệp đã tạo ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Có 3 giải pháp thực hiện chiến lược này bao gồm:

- Giải pháp tự nhiên: Thông qua thành lập các công viên sinh thái, những cánh rừng được doanh nghiệp trồng để hấp thụ khí CO2. Đây là giải pháp đơn giản và chi phí thấp khiến nhiều doanh nghiệp năng lượng trên thế giới thực hiện vừa làm tăng độ bao phủ cây trồng với đất, đa dạng sinh học, khả năng tự nhiên hấp thụ khí CO2 lớn. Cuối năm 2023, Shell đã triển khai 43 dự án liên quan đến đa dạng sinh học nhằm bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường xung quanh các công trình dầu khí, trồng lại rừng… [2].

- Đầu tư dự án thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon (CCS/CCUS): Các doanh nghiệp năng lượng thực hiện ở nhiều quy mô với mức độ thương mại hóa cao, chi phí đầu tư giảm dần cho nhiều loại công nghệ khác nhau. Sau khi thu hồi, khí CO2 được tái sử dụng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, hoặc vận chuyển đến địa điểm lưu trữ tại các mỏ dầu, khí đã cạn kiệt.

- Trao đổi, mua bán tín chỉ carbon trên thị trường: Các doanh nghiệp sử dụng để bù đắp lượng carbon tạo ra trong quá trình sản xuất vượt quá hạn ngạch mà các doanh nghiệp này được phép xả ra môi trường, buộc các doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp giảm khí thải. Thị trường mua bán tín chỉ carbon hoạt động theo cơ chế thị trường và giá của mỗi tấn CO2 được định giá theo cung cầu thị trường. Sàn giao dịch tín chỉ carbon của EU hoạt động rất sôi động. Tháng 2/2024 mức giá của mỗi tín chỉ carbon giảm xuống mức thấp nhất là 54,2 Euro/tấn, nhưng đến tháng 5/2024, giá giao động quanh mức trên 70 Euro/tấn CO2 [3].

2. Các giải pháp tạo ra lượng khí thải carbon thấp:

Các doanh nghiệp năng lượng đưa ra các giải pháp dần thay thế sử dụng các nhiên liệu phát thải nhiều khí CO2 bằng các nhiên liệu phát thải ít khí CO2. Nhiên liệu sinh học được nghiên cứu và ứng dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải. Nhiều trạm sạc được xây dựng cho các phương tiện vận tải chạy bằng điện hoạt động được thuận lợi, thời gian sử dụng bộ lưu điện kéo dài hơn giữa mỗi lần sạc. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô đã cam kết giảm dần sản xuất xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mà tăng sản xuất xe chạy điện. Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện cam kết thay thế, giảm đốt nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng nhiên liệu sinh học tạo ra ít thải khí CO2 hơn. Các doanh nghiệp năng lượng đẩy mạnh sử dụng và kinh doanh thông qua các giải pháp, công nghệ giảm khí thải carbon ở hạ nguồn làm gia tăng giá trị và lợi nhuận.

Tại Trung Quốc, một số doanh nghiệp đang đầu tư và mở rộng sản xuất chế biến dầu ăn thải thành nhiên liệu hàng không phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu để cắt giảm khí thải. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chính thức công bố chính sách sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững [4].

3. Giải pháp đầu tư cho năng lượng tái tạo:

Nhiều doanh nghiệp năng lượng thực hiện đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo - một lĩnh vực đầu tư mới làm tăng thêm tài sản và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Những lĩnh vực năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời được đầu tư quy mô lớn để cung cấp điện năng phục vụ cho các công trình dầu khí của chính doanh nghiệp, hoặc bán cho các hộ tiêu dùng khác. Có những doanh nghiệp năng lượng đầu tư cho các quỹ nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp loại bỏ carbon, hoặc sản xuất với hàm lượng carbon thấp và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thu từ địa nhiệt, sinh khối. Sự đa dạng đầu tư cho năng lượng tái tạo tùy thuộc vào tiềm lực tài chính, công nghệ và thế mạnh của doanh nghiệp. Hiện TotalEnergies đã đầu tư nhiều dự án cho hệ thống phát điện từ năng lượng gió, mặt trời để cung cấp điện tại Bỉ, Pháp, Đức [5].

4. Giải pháp sản xuất và sử dụng khí hydro làm nhiên liệu:

Đây là giải pháp đòi hỏi công nghệ tiên tiến và hiện chưa được sản xuất, sử dụng, thương mại hóa trên quy mô toàn cầu. Thị trường sử dụng khí hydro làm nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch chưa đủ độ lớn để thu hút các doanh nghiệp và người sử dụng tham gia do chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, đây vẫn là xu hướng mà các doanh nghiệp năng lượng lớn trên thế giới hợp tác nghiên cứu và đưa vào phát triển ứng dụng. Petronas đã ký thỏa thuận với 12 đối tác quốc tế để sản xuất hydro. ConocoPhillips đã đầu tư vào công nghệ sản xuất hydro với Ekona Power, Inc. Chevron đang hợp tác với BNSF (một công ty đường sắt) và Progress Rail để nghiên cứu và phát triển năng lượng cho đầu máy tàu hỏa bằng pin nhiên liệu hydro.

III. Chiến lược chuyển dịch năng lượng của PVEP phù hợp với xu thế chung của các công ty năng lượng trên thế giới:

Ngày 3/5/2024, trong buổi làm việc của Tổng giám đốc PVN với PVEP, quan điểm của PVN là ủng hộ, hỗ trợ hoạt động chuyển dịch năng lượng của PVEP trong đó có dự án CCS/CCUS và coi đây là giải pháp trọng tâm trong chiến lược chuyển dịch năng lượng. Sự ủng hộ, hỗ trợ này rất quan trọng bởi thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng sẽ thống nhất về định hướng và giải pháp hỗ trợ trong các doanh nghiệp của PVN, tính pháp lý và phương hướng đầu tư.

Ngoài ra, PVN nói chung và PVEP nói riêng xác định là một trong những doanh nghiệp nhà nước “trụ cột” đóng vai trò then chốt của Việt Nam trong đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và chuyển dịch năng lượng.

Để chủ động trong xây dựng chiến lược chuyển dịch năng lượng, trên cơ sở thế mạnh về chuyên môn, kỹ năng quản trị tốt, khả năng tài chính và công nghệ, PVEP có thể xem xét khái quát phương hướng và đề xuất PVN hỗ trợ các giải pháp thực hiện như sau:

1. Mục đích chiến lược chuyển dịch năng lượng là đến năm 2050, PVEP sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0.

2. Xây dựng chiến lược loại bỏ carbon với các giải pháp cụ thể như sau:

- Giải pháp tự nhiên: Trên cơ sở quy hoạch của các địa phương, vùng ven biển, xem xét ký kết với một số địa phương thực hiện trồng các khu rừng ngập mặn. Trước tiên, có thể xem xét tại các khu vực rừng ngập mặn tại Vũng Tàu - nơi có nhiều cơ sở vật chất của ngành Dầu khí Việt Nam đang vận hành. Việc trồng rừng ngập mặn tương đối dễ, ít công chăm sóc, giảm thiểu rủi ro cháy rừng… Khi rừng cây phát triển bảo đảm diện tích lớn và khả năng hấp thụ CO2, đồng thời phát triển kinh tế nuôi trồng thủy hải sản ở các vùng rừng ngập mặn sẽ bù đắp chi phí đầu tư trồng rừng.

- Thúc đẩy thực hiện dự án CCS/CCUS: Dự án CCS/CCUS đang được PVEP thực hiện nghiên cứu và dự kiến thử nghiệm bơm lưu trữ CO2 trước năm 2030. Dự án này cần được gắn với kế hoạch tổng thể của PVN về thu hồi và lưu trữ khí CO2. Khi PVN ban hành khung pháp lý và kế hoạch triển khai cụ thể thì việc thực hiện dự án CCS/CCUS của PVEP có cơ sở về tính pháp lý và hỗ trợ của các đơn vị trong PVN. Điều quan trọng là lựa chọn công nghệ áp dụng phù hợp với mức đầu tư cho dự án phù hợp, vì đây có thể là dự án có quy mô đầu tiên của Việt Nam làm tiền đề cho các dự án sau này.

- Trao đổi, mua bán tín chỉ carbon: Theo Nghị định 06/2022/NĐ - CP ngày 7/1/2022: Đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập, tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon không chỉ diễn ra ở thị trường trong nước mà cả thị trường khu vực và thế giới. Thị trường mua bán tín chỉ carbon này quy mô lên tới hàng tỷ USD/năm và PVEP hoàn toàn có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon (nếu đủ cơ sở pháp lý và thừa tín chỉ).

3. Các giải pháp tạo ra lượng khí thải carbon thấp:

Đối với giải pháp này, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các ứng dụng nghiên cứu của các Ban kỹ thuật PVEP với Việt Dầu khí Việt Nam, Vietsovpetro, PVN… để cùng:

- Giảm đốt khí đồng hành tại các họng đốt trên các công trình khai thác dầu khí. Đến nay, hầu hết việc xử lý khí đồng hành thường bằng biện pháp đốt. Quá trình đốt sẽ tạo ra nhiều khí CO2. Năm 2022, mỏ Đông Đô ước đã đốt 73,76 triệu m3, mỏ Sư Tử vàng đốt 55,95 triệu m3, mỏ Tê Giác trắng đốt 52,06 triệu m3, mỏ Sư Tử đen ước đốt 42,75 triệu m3 khí đồng hành [6]. Việc ứng dụng các giải pháp giảm thiểu đốt khí đồng hành trên các công trình dầu khí cần được nghiên cứu, ứng dụng mang tính bền vững và đáp ứng yêu cầu khai thác nhiều dầu khí hơn, nhưng giảm lượng khí thải ra môi trường.

- Nghiên cứu và tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học chạy các động cơ trên các công trình dầu khí của PVEP. Cần có thống kê đầy đủ các động cơ sử dụng trên các công trình dầu khí có thể sử dụng nhiên liệu sinh học, hoặc chuyển đổi để sử dụng nhiên liệu sinh học. Giải pháp này kết hợp cùng nhiều giải pháp khác sẽ làm giảm mạnh lượng khí thải ra môi trường trên mỗi công trình dầu khí.

4. Các giải pháp cho năng lượng tái tạo tại các công trình dầu khí của PVEP:

- Tính toán lắp đặt các công trình điện gió, điện mặt trời phù hợp trên mỗi công trình dầu khí đảm bảo an toàn, bảo đảm nguồn cung cấp điện và lưu trữ điện để giảm thiểu thời gian chạy máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Như trên đã phân tích, không chỉ TotalEnergies, mà nhiều doanh nghiệp khác đã phát triển các công nghệ điện gió, điện mặt trời và lưu trữ điện dùng trong công nghiệp. Như vậy, cần nghiên cứu để có thể lắp các thiết bị điện gió, điện mặt trời và thiết bị lưu trữ điện trên các công trình dầu khí nhằm giảm thời gian sử dụng các động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

- Tăng cường sử dụng xe ô điện cho các hoạt động đi lại của cán bộ PVEP khi có nhu cầu thay cho ô tô chạy xăng, dầu. Đa dạng, bổ sung các loại cây xanh được trồng, trang trí tại các khu vực làm việc... tạo sự thân thiện với môi trường làm việc, giảm áp lực công việc mà có thể hấp thụ khí CO2. Nghiên cứu, đo đạc nhu cầu ánh sáng tại văn phòng làm việc. Thiết lập hệ thống cung cấp thông gió, điều hòa, ánh sáng thông minh tại văn phòng. Những khu vực tiếp giáp với nhiều ánh sáng tự nhiên, có thể giảm cường độ ánh sáng của đèn điện và khi ánh sáng trong văn phòng yếu thì sẽ được điều chỉnh tăng lên để giảm tiêu thụ điện năng...

Nhìn chung, để thực hiện thành công chiến lược chuyển dịch năng lượng của PVEP cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp và mang tính ổn định. Thành công của chiến lược chuyển dịch năng lượng phụ thuộc vào quyết tâm của bộ máy quản lý và quy mô đầu tư hợp lý các giải pháp mang lại năng lượng sạch, giảm thiểu khí thải. Sự đầu tư này có tính trung và dài hạn bởi những cánh rừng mới trồng không thể sau 1-2 năm hấp thụ nhiều khí CO2. Việc dừng, giảm đốt khí đồng hành trên các công trình dầu khí không thể thực hiện ngay trong 2-3 năm đầu, hoặc dự án CCS/CCUS từ giai đoạn nghiên cứu đến vận hành thực tế cũng phải trên 5 năm… Nhưng với sự ủng hộ của PVN và PVEP xây dựng, thực hiện tốt chiến lược chuyển dịch năng lượng thì sẽ đạt được mục tiêu mức khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

[*] NGUYỄN ANH TUẤN - BAN KẾ HOẠCH VÀ QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP


Tài liệu tham khảo:

(1). https://cms.law/en/alb/publications/energy-transition/strategies-for-the-energy-transition

(2).https://reports.shell.com/sustainability-report/2023/respecting-nature/biodiversity-and-ecosystems.html

(3).https://tradingeconomics.com/commodity/carbon

(4).https://www.reuters.com/sustainability/climate-energy/chinese-firms-invest-green-jet-fuel-anticipating-blending-rule-2024-05-16/

(5).https://totalenergies.com/projects/electricity/battery-based-energy-storage-our-projects-and-achievements

(6). https://www.worldbank.org/en/programs/gasflaringreduction/global-flaring-data

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động