RSS Feed for Đánh giá Quy hoạch điện 7 và đề xuất lập Quy hoạch điện 8 [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 13/12/2024 13:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đánh giá Quy hoạch điện 7 và đề xuất lập Quy hoạch điện 8 [Kỳ cuối]

 - Qua xem xét điều chỉnh Quy hoạch điện 7 cho thấy, chúng ta chưa có những cảnh báo nghiêm ngặt và chế tài với hậu quả của việc không thực hiện đúng tiến độ đưa các công trình nguồn điện vào, buộc phải đưa vào/ đẩy sớm lên các dự án nguồn tương tự quy mô, nhưng lại ở vị trí xa trung tâm phụ tải, dẫn đến phải sử dụng các biện pháp truyền tải chi phí lớn, rủi ro mà chưa chắc đã đáp ứng an ninh cung cấp điện.

Đánh giá Quy hoạch điện 7 và đề xuất lập Quy hoạch điện 8 [Kỳ 1]
Đánh giá Quy hoạch điện 7 và đề xuất lập Quy hoạch điện 8 [Kỳ 2]


IV. Đánh giá những nhược điểm về Điều chỉnh Quy hoạch điện 7

Thứ Nhất: Thời điểm 2009, khi lập Quy hoạch điện 7 (QHĐ7) và 2015 khi lập điều chỉnh QHĐ7, tư vấn trong nước chưa có các công cụ, phần mềm tính toán được quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tích hợp vào hệ thống điện, vì vậy bài toán phát triển nguồn điện chưa xét được lưới điện cần thiết tăng thêm/ nâng cấp để phát triển mạnh NLTT.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, hàng loạt dự án đã được trình bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến đưa vào trước năm 2020 là trên 14.000 MW, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh. Theo các tính toán chuyên gia, chỉ tính các dự án điện mặt trời (khoảng trên 4.700 MW) và điện gió đã được phê duyệt thì lưới điện 220 kV và 110 kV tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Đắk Lắk sẽ không còn khả năng hấp thụ thêm các dự án mới, và còn xảy ra quá tại cục bộ một số điểm do lưới điện hiện trạng và theo quy hoạch không đủ năng lực hấp thụ, truyền tải công suất lớn.

Thứ Hai: Trong điều chỉnh QHĐ7 chưa có những cảnh báo nghiêm ngặt và chế tài với hậu quả của việc không thực hiện đúng tiến độ đưa các công trình nguồn điện vào, buộc phải đưa vào/ đẩy sớm lên các dự án nguồn tương tự quy mô, nhưng lại ở vị trí xa trung tâm phụ tải dẫn đến phải sử dụng các biện pháp truyền tải chi phí lớn, rủi ro mà chưa chắc đã đáp ứng an ninh cung cấp điện.

Do nhiều lý do khó khăn khác nhau về: thiếu vốn đầu tư; vướng mắc khi thực hiện các hợp đồng EPC; vướng mắc trong đàm phán các hợp đồng với các dự án BOT; các vấn đề về hiệu quả kinh tế khi đưa khí Lô B vào vận hành các nhà máy điện khí Ô Môn, v.v... hiện hàng loạt các dự án nguồn điện đang chậm tiến độ so với phê duyệt trong Điều chỉnh QHĐ7, nhất là ở khu vực miền Nam.

Do đó, nguy cơ thiếu điện ở miền Nam trong giai đoạn sau năm 2020 là rất cao.

Thứ Ba: Chương trình phát triển lưới điện tại QHĐ7 và điều chỉnh QHĐ7 chưa chú trọng đúng mức tới ứng dụng của các thiết bị điều khiển, quá trình tự động hóa hệ thống điện và việc ứng dụng lưới điện thông minh.

V. Các đề xuất cải tiến trong lập Quy hoạch điện 8

Thứ nhất: các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch điện phù hợp với Luật Quy hoạch vừa ban hành.

Do trong Luật Quy hoạch không còn các quy hoạch điện địa phương lập riêng, cần có giải pháp tích hợp được sự phát triển của lưới điện các tỉnh, thành với phát triển hệ thống điện quốc gia.

Thứ hai: Theo quy định hiện hành, Quy hoạch điện được lập 10 năm/ lần và điều chỉnh Quy hoạch điện mỗi 5 năm, trong khi nhiều yếu tố biến động nhanh chỉ 1 đến 2 năm khi triển khai thực hiện như:

1/ Các chính sách của Nhà nước thay đổi (chính sách bảo lãnh tiền chuyển về với các dự án BOT, quy định bảo lãnh vay vốn,...).

2/ Sự chậm trễ, rủi ro của các dự án cung cấp nhiên liệu (khí đốt).

3/ Sự chậm trễ đầu tư các kho trung chuyển than, cảng - kho nhập khẩu LNG.

4/ Đàm phán hợp đồng BOT kéo dài.

5/ Rủi ro từ các nhà cung cấp thiết bị (chẳng hạn: bị cấm vận như trường hợp của Power Machine tại dự án nhiệt điện Long Phú 1), vv...

Vì vậy, tiến độ các dự án nguồn điện thường bị phá vỡ, không theo Quy hoạch. Do đó kiến nghị cần thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện thường xuyên hơn, khoảng 2 năm/ lần để có các giải pháp điều hành kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba: Do Việt Nam đã từ quốc gia xuất khẩu tịnh năng lượng bước sang nhập khẩu tịnh năng lượng từ 2015, và xu hướng nhập khẩu năng lượng tiếp tục gia tăng, cần thiết bổ sung thêm nội dung: "Các giải pháp nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện trong Quy hoạch điện mới".

Thứ tư: Trang bị các công cụ (phần mềm tính toán, phân tích) mạnh và phù hợp với Việt Nam để cơ quan nghiên cứu lập Quy hoạch điện có giải pháp đưa vào Quy hoạch điện khối lượng lớn các nguồn điện mặt trời, điện gió cùng với đầu tư thêm lưới điện và các thiết bị kỹ thuật cần thiết.

Thứ năm: Trong phê duyệt Quy hoạch điện, cần có chế tài nghiêm ngặt về tiến độ vào vận hành đối với các dự án nguồn điện đã đang ký đầu tư, bao gồm cả các dự án thuộc công ty Nhà nước và thuộc các dạng đầu tư khác.

Thứ sáu: Do tính phức tạp của triển khai các dự án nguồn điện dạng BOT, thường dẫn đến kéo rất dài thời gian thực hiện, gây rủi ro về an ninh cung cấp điện, cần các nghiên cứu chuyển các dự án nguồn điện dạng BOT sang dạng đồng nhất BOO để giảm thời gian thương thảo, phù hợp với lộ trình thị trường điện bán buôn vào sau năm 2022, và phù hợp với chủ trương đa dạng hóa, xã hội hóa đầu tư kinh doanh nguồn điện.

Thứ bảy: Nghiên cứu, áp dụng cơ chế đấu thầu các dự án nguồn điện từ sau năm 2025 để tăng tính cạnh tranh, hiệu quả, giảm chi phí xã hội trong phát triển điện lực.


THS. NGUYỄN ANH TUẤN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động